✴️ Tổng hợp các khuyến cáo liên quan Remdesivir trong điều trị Covid-19

Nội dung

Ngày cập nhật 1/8/2021

Tổ Dược lâm sàng, Khoa Dược, BV Nguyễn Tri Phương

 

Giới thiệu về Remdesivir

Remdesivir là tiền chất nucleotide tiêm tĩnh mạch của một chất tương tự adenosine. Remdesivir liên kết với RNA polymerase phụ thuộc RNA của virus và ức chế sự nhân lên của virus thông qua việc chấm dứt sớm quá trình phiên mã RNA, đã chứng minh hoạt tính in vitro và vivo chống lại SARS-CoV-2.

 

Cập nhật các hướng dẫn điều trị

 

Theo FDA

Remdesivir được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt để điều trị COVID-19 ở bệnh nhân người lớn và trẻ em nằm viện (từ 12 tuổi trở lên và nặng ≥40 kg), thông qua Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp của FDA (EUA) để điều trị COVID-19 ở bệnh nhi nhập viện 3,5 kg - <40 kg hoặc <12 tuổi và ≥3,5 kg. 

 

Theo NIH (Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ- National Institutes of Health 2021)

Khuyến cáo về remdesiver trong điều trị COVID-19 của NIH được tóm tắt tại Bảng 1. Các khuyến cáo này dựa trên kết quả của một số thử nghiệm lâm sàng để điều trị COVID-19 được tổng hợp tại Bảng 2.

 

Bảng 1. Khuyến cáo về remdesiver trong điều trị COVID-19 của NIH 2021

 

Phân loại

Điều trị

Bệnh nhân cần cung cấp Oxy

  • Remdesivir (cho những bệnh nhân cần lượng oxy bổ sung tối thiểu) (BIIa);
  • Dexamethasone phối hợp remdesivir (cho những bệnh nhân cần lượng oxy ngày càng tăng) (BIII); hoặc
  • Dexamethasone (khi không thể sử dụng hoặc phối hợp được với remdesivir) (BI).

Bệnh nhân cần cung cấp oxy qua HFOT hoặc NIV

  • Dexamethasone đơn trị (AI);
  • Dexamethasone phối hợp Remdesivir (BIII).
  • BN nhập viện ≤ 3 ngày cần lượng Oxy cao/thông khí không xâm lấn và dấu hiệu viêm tăng, thêm baricitinib (BIIIa)/tocilizumab (BIIIa).

 

Bảng 2. Các nghiên cứu về hiệu quả của remdesivir điều trị COVID-19

 

Thiết kê nghiên cứu

Phương pháp

Kết quả

Nghiên cứu mù đôi, có đối chứng giả dược, đa quốc gia ở bệnh nhân nhập viện

(n = 1,062)

Tiêu chí chính:

  • Tuổi ≥18
  • Nhiễm SARS-CoV-2
  • Có ít nhất 1 trong các điều kiện sau:
  1. Thâm nhiễm phổi, được xác định bằng hình ảnh X quang
  2. SpO 2 ≤94%
  3. Cần bổ sung oxy
  4. Thở máy bắt buộc
  5. ECMO bắt buộc

Tiêu chí loại trừ:

  • ALT hoặc AST> 5 lần ULN
  • eGFR <30 mL / phút
  • Mang thai hoặc cho con bú

Biện pháp can thiệp:

IV RDV 200 mg vào Ngày 1, sau đó 100 mg vào 9 ngày còn lại.

Giả dược trong 10 ngày

 

Kết quả:

  • RDV giảm thời gian hồi phục so với giả dược (10 ngày so với 15 ngày).
  • Cải thiện lâm sàng ở ngày 15 ở BN dùng RDV
  • Không khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ tử vong vào ngày 29 giữa nhóm RDV và giả.

Kết quả theo mức độ nghiêm trọng của BN khi nhập viện:

  • Không có sự khác biệt về thời gian trung bình để hồi phục ở những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ đến trung bình lúc nhập viện.
  • Lợi ích của RDV trong việc giảm thời gian hồi phục là rõ ràng nhất ở những BN cần oxy thở khi nhập viện, và RDV cũng mang lại lợi ích sống sống trong nhóm này
  • Không thấy sự khác biệt về thời gian hồi phục ở BN thở oxy dòng cao hoặc thông khí không xâm lấn lúc nhập viện. Không có bằng chứng cho thấy RDV ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong trong phân nhóm này
  • Không quan sát thấy sự khác biệt về thời gian hồi phục ở BN thở máy hoặc ECMO lúc nhập viện Không có bằng chứng cho thấy RDV ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong trong nhóm này.

Nghiên cứu mù đôi, đối chứng với giả dược, đa trung tâm ở bệnh nhân nhập viện với COVID-19 nặng (n = 237)

Tiêu chí chính:

  • Tuổi ≥18
  • Nhiễm SARS-CoV-2
  • Thời gian từ khi khởi phát triệu chứng đến khi chia nhóm ngẫu nhiên <12 ngày
  • SpO 2 ≤94% hoặc PaO2/FiO2 <300 mm Hg
  • Viêm phổi

Tiêu chí loại trừ:

  • ALT hoặc AST> 5 lần ULN
  • eGFR <30 mL / phút
  • Mang thai hoặc cho con bú

Biện pháp can thiệp:

  • IV RDV 200 mg vào ngày 1, sau đó 100 mg mỗi ngày trong 9 ngày
  • Giả dược trong 10 ngày

Kết quả:

  • Không có sự khác biệt về thời gian cải thiện lâm sàng giữa nhóm RDV và giả dược (thời gian trung bình 21 ngày so với 23 ngày).
  • Đối với những BN bắt đầu dùng RDV hoặc giả dược trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng, thời gian cải thiện lâm sàng nhanh hơn với RDV (thời gian trung bình 18 ngày so với 23 ngày)
  • Tỷ lệ tử vong trong 28 ngày là tương tự giữa các nhóm (14% ở nhóm RDV, 13% ở nhóm giả dược).
  • Không có sự khác biệt giữa các nhóm về tải lượng vi rút SARS-CoV-2 tại thời điểm ban đầu và tốc độ giảm theo thời gian là tương tự nhau.
  • Tỷ lệ bệnh nhân có AEs: 66% ở nhóm RDV, 64% ở nhóm giả dược
  • Ngừng do AEs: 12% bệnh nhân ở nhóm RDV, 5% ở nhóm giả dược

Thời gian điều trị bằng Remdesivir khác nhau ở bệnh nhân nhập viện 

Thử nghiệm nhãn mở, đa quốc gia, ngẫu nhiên, do nhà sản xuất tài trợ ở bệnh nhân nhập viện với COVID-19 (n = 402)

Tiêu chí chính:

  • Tuổi ≥12
  • Nhiễm SARS-CoV-2
  • X quang bằng chứng về thâm nhiễm phổi
  • SpO 2 ≤94% hoặc bổ sung oxy

Tiêu chí loại trừ:

  • Tiếp nhận thở máy hoặc ECMO
  • ALT hoặc AST> 5 lần ULN
  • CrCl ước tính <50 mL / phút

Biện pháp can thiệp:

  • IV RDV 200 mg vào ngày 1, sau đó 100 mg mỗi ngày trong 4 ngày
  • IV RDV 200 mg vào ngày 1, sau đó 100 mg mỗi ngày trong 9 ngày

Kết quả:

  • Thời gian nhập viện trung bình giữa các bệnh nhân xuất viện vào hoặc trước Ngày 14 là tương tự nhau giữa nhóm 5 ngày (7 ngày) và nhóm 10 ngày (8 ngày).
  • Tỷ lệ bệnh nhân mắc SAE: 35% ở nhóm 10 ngày, 21% ở nhóm 5 ngày
  • Ngừng do các tác dụng phụ: 4% bệnh nhân trong nhóm 5 ngày, 10% trong nhóm 10 ngày

Remdesivir so với Tiêu chuẩn chăm sóc ở bệnh nhân nhập viện với COVID-19 trung bình

Thử nghiệm ngẫu nhiên ở bệnh nhân nhập viện (n = 596)

Tiêu chí chính:

  • Nhiễm SARS-CoV-2
  • Viêm phổi trung bình, được xác định là bằng chứng chụp X quang về thâm nhiễm phổi và SpO 2 > 94% trong không khí trong phòng

Tiêu chí loại trừ:

  • ALT hoặc AST> 5 lần ULN
  • CrCl <50 mL / phút

Các biện pháp can thiệp:

  • IV RDV 200 mg vào ngày 1, sau đó 100 mg mỗi ngày trong 9 ngày
  • IV RDV 200 mg vào ngày 1, sau đó 100 mg mỗi ngày trong 4 ngày
  • SOC địa phương

Kết quả:

  • RDV 5 ngày có tỷ lệ phân bố tình trạng lâm sàng tốt hơn vào Ngày 11 cao hơn đáng kể so với SOC
  • Tình trạng lâm sàng vào ngày 11 không khác biệt có ý nghĩa giữa nhóm RDV và SOC 10 ngày. Đến Ngày 28, số bệnh nhân được điều trị RDV xuất viện nhiều hơn (89% ở nhóm 5 ngày và 90% ở nhóm 10 ngày) so với những bệnh nhân được SOC (83%).
  • Tỷ lệ tử vong ở tất cả các nhóm thấp (1% đến 2%).
  • Tỷ lệ bệnh nhân có AE ở nhóm RDV so với nhóm SOC: buồn nôn (10% so với 3%), hạ kali máu (6% so với 2%) và đau đầu (5% so với 3%)

(SOC: chăm sóc tiêu chuẩn; AE:biến có bất lợi)

 

Theo IDSA (Hiệp Hội Các Bệnh Nhiễm Hoa Kỳ - Infectious Diseases Society of America) 2021

 

Bảng 3. Khuyến cáo về remdesiver trong điều trị COVID-19 của IDSA 2021

 

Mức độ nghiêm trọng bệnh

Khuyến cáo liên quan remdesivir

Nhập viện: các bệnh từ nhẹ đến trung bình không cần thở oxy

Khuyến cáo không sử dụng thường xuyên

(Mức độ tin cậy bằng chứng rất thấp )

Nhập viện: bệnh nặng những không điển hình (SpO2 ≤94%)

Khuyến cáo sử dụng (Mức độ tin cậy bằng chứng vừa phải)

5 ngày so với 10 ngày, cung cấp oxy nhưng không thở máy hoặc ECMO: khuyến cáo sử dụng (Mức độ tin cậy bằng chứng thấp)

 

 

Khuyến cáo 10a: BN nhập viện với COVID-19 nặng (có SpO 2  ≤94%), IDSA đề xuất dùng remdesivir thay vì không điều trị kháng vi-rút. (Khuyến nghị có điều kiện, bằng chứng chắc chắn vừa phải)

Khuyến cáo 10b: BN có COVID-19 trong điều trị thông khí xâm nhập và / hoặc ECMO, IDSA đề nghị không nên bắt đầu thường quy remdesivir (Khuyến cáo có điều kiện, bằng chứng rất thấp)

Khuyến cáo 11: BN được bổ sung oxy nhưng không được thở máy hoặc ECMO, IDSA đề nghị điều trị với 5 ngày remdesivir thay vì 10 ngày remdesivir. (Khuyến nghị có điều kiện, bằng chứng có độ chắc chắn thấp)

Khuyến cáo 12: Ở những bệnh nhân có COVID-19 nhập viện mà không cần bổ sung oxy và độ bão hòa oxy> 94% trong không khí trong phòng, IDSA đề nghị không sử dụng remdesivir thường quy. (Khuyến nghị có điều kiện, bằng chứng chắc chắn rất thấp)

Khuyến cáo 17: BN nhập viện với COVID-19 nặng (có SpO 2 ≤94%, bao gồm bệnh nhân được thở oxy bổ sung, thở oxy qua thiết bị dòng chảy cao, hoặc thông khí không xâm nhập), không thể dùng corticosteroid (là tiêu chuẩn chăm sóc) vì chống chỉ định, IDSA đề nghị sử dụng baricitinib với remdesivir thay vì chỉ dùng remdesivir. (Khuyến nghị có điều kiện, bằng chứng có độ chắc chắn thấp).

 

Theo WHO (World Health Organization – Tổ chức Y tế Thế giới) 2020

Khuyến cáo có điều kiện không sử dụng remdesivir trên bệnh nhân nhập viện do Covid-19.

Lý do: Khuyến cáo về remdesivir dựa trên kết quả nghiên cứu với dữ liệu gộp từ 4 thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên với 7333 BN nhập viện ở nhiều mức độ vì COVID 19. Tóm tắt dữ liệu kết quả cho thấy remdesivir có thể không có hiệu quả trên tỉ lệ tử vong và có thể không có hiệu quả trên các chỉ tiêu hiệu quả quan trọng khác với mức tin cậy của chứng cứ thấp.

Xem xét mức độ chứng cứ thấp cho tất cả các chỉ số đánh giá, hội đồng kết luận các chứng cứ không chứng minh là remdesivir không có hiệu quả; thay vào đó có nghĩa là thiếu bằng chứng để chứng minh rằng remdesivir cải thiện các chỉ số đánh giá quan trọng trên bệnh nhân (như tỉ lệ tử vong, tỉ lệ thông khí cơ học, thời gian cải thiện lâm sàng và các chỉ số quan trọng khác.

  • Không có bằng chứng là tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc từ các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, cần thêm các theo dõi cảnh giác dược trong quá trình sử dụng vì SAE  (biến cố bất lợi nghiêm trọng) thường được báo cáo thấp và các biến cố hiếm gặp có thể bị bỏ qua thậm chí trong các nghiêm cứu RCT lớn.
  •  Phân tích dưới nhóm cho thấy điều trị bằng remdesivir có thể tăng tỉ lệ tử vong trên bệnh nhân nguy kịch (được định nghĩa là bệnh nhân cần có thông khí xâm lấn hoặc không xâm lấn) và có thể giảm tử vong trên bệnh nhân không nặng và nặng (bệnh nhân cần có liệu pháp oxy nhưng không có tiêu chí cho trường hợp nguy kịch). Tuy nhiên hội đồng đánh giá các dữ kiện đánh giá dưới nhóm là không đủ để có khuyến cáo cho các nhóm nhỏ.

Nếu cân nhắc sử dụng remdesivir, cần lưu ý rằng việc sử dụng nó bị chống chỉ định trong những người bị rối loạn chức năng gan (ALT> 5 lần ULN) hoặc thận (eGFR <30 mL / phút).

 

Theo NICE (National Institute for Health and Care Excellence) 2021

Xem xét sử dụng remdesivir đến 5 ngày trong điều trị viêm phổi do COVID 19 trên bệnh nhân người lớn và người trẻ từ 12 tuổi và cân nặng ≥40kg trong bệnh viện và cần cung cấp oxy hỗ trợ dòng thấp. Hỗ trợ oxy dòng thấp: oxygen sử dụng qua mặt nạ đơn giản hoặc cannula mũi với tốc độ dòng thường đến 15l/phút.

Phần hiệu quả cho kết quả trái ngược giữa hai nhóm đối tượng: Trên nhóm đối tượng bệnh nhân dùng oxy dòng cao, thông khí không xâm lấn hoặc thông khí cơ học xâm lấn cho thấy có khuynh hướng tăng cao hơn mức độ tử vong trên mọi nguyên nhân và trên nhóm đối tượng sử dụng oxy dòng thấp hoặc không dùng oxy cho thấy khuynh hướng làm giảm tử vong trên mọi nguyên nhân

Dựa trên 2 nghiên cứu so sánh liệu pháp 10 ngày và 5 ngày điều trị remdesivir, không rõ liệu pháp nào là thời gian điều trị tối ưu. Các dữ liệu hiện có không cho thấy bất cứ lợi ích nào hơn cho thời gian điều trị 10 ngày nhưng cho thấy tăng nguy cơ có hại.

 

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Trong khuyến cáo không nhắc đến remdesivir. Khuyến cáo của Bộ Y tế chỉ đưa ra kết luận chung là: “Đã có nhiều thuốc được thử nghiệm nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng. Khi được khuyến cáo, Bộ Y tế sẽ cho phép sử dụng.”

Xem tiếp: Cách dùng REMDESIVIR trong điều trị Covid-19

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top