✴️ Kháng sinh điều trị Viêm giác mạc do vi khuẩn

Nội dung

ĐỊNH NGHĨA

Viêm giác mạc do vi khuẩn (bacterial keratitis) là hiện tượng thâm nhiễm tế bào viêm trên giác mạc do vi khuẩn, có thể gây hoại tử mất tổ chức giác mạc. Đây là một nguyên nhân thường gặp gây mù loà.

 

NGUYÊN NHÂN

Các loại vi khuẩn thường gặp gây viêm loét giác mạc:

Vi khuẩn Gram-dương: Tụ cầu (Staphylococcus aureus), phế cầu (Steptococcus pneumoniae), Staphylococcus epidermidis, Mycobacterium, Nocardia…

Vi khuẩn Gram-âm: Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa),

Moraxella, trực khuẩn cúm (Hemophilus influenzae)…

 

TRIỆU CHỨNG

Lâm sàng

Triệu chứng cơ năng:

Đau nhức mắt, cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt.

Nhìn mờ hơn, có thể chỉ cảm nhận được ánh sáng.

Triệu chứng thực thể:

Kết mạc cương tụ rìa.

Trên giác mạc có một ổ loét ranh giới không rõ, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử bẩn. Khi nhuộm giác mạc bằng fluorescein 2% ổ loét sẽ bắt màu xanh, nếu ổ loét hoại tử nhiều sẽ có màu vàng xanh.

Giác mạc xung quanh ổ loét bị thẩm lậu.

Mống mắt cũng có thể bị phù nề, mất sắc bóng. Đồng tử thường co nhỏ, có thể dính vào mặt trước thể thuỷ tinh, tuy nhiên khó quan sát.

Cận lâm sàng

Lấy bệnh phẩm là chất nạo ổ loét để làm các xét nghiệm sau:

Soi tươi: Thấy có vi khuẩn.

Soi trực tiếp: Xác định vi khuẩn Gram-dương hay Gram-âm.

Nuôi cấy vi khuẩn: Xác định được các loại vi khuẩn gây bệnh: Tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn mủ xanh... Nếu có điều kiện có thể kết hợp làm kháng sinh đồ để xác định kháng sinh điều trị phù hợp.

 

ĐIỀU TRỊ BẰNG KHÁNG SINH

Nguyên tắc chung

Cần phải tìm được vi khuẩn gây bệnh và điều trị bằng kháng sinh nhạy cảm với loại vi khuẩn đó (dựa vào kháng sinh đồ), nếu không xác định được loại vi khuẩn gây bệnh cần phải dùng kháng sinh phổ rộng.

Điều trị bằng thuốc tra mắt là chính, có thể kết hợp với dùng đường toàn thân.

Phối hợp điều trị triệu chứng và biến chứng.

Điều trị cụ thể

Thuốc tra mắt:

Nếu do vi khuẩn Gram-âm: Dùng tobramycin, neomycin sulfat, polymyxin B.

Nếu do vi khuẩn Gram-dương: Dùng nhóm fluoroquinolon thế hệ 2 (ofloxacin) hoặc thế hệ 3 (levofloxacin) hoặc thế hệ 4 (moxifloxacin, gatifloxacin). Nhóm này có phổ kháng khuẩn rộng nên có thể dùng điều trị cả vi khuẩn Gram-âm.

Cách dùng: Ngày đầu có thể tra mắt liên tục cách nhau 30 phút, những ngày sau tra mắt 10 lần/ ngày.

Thuốc uống: Có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau:

Cefuroxim acetil 250 mg ngày uống 2-3 viên chia 2 lần, trong 5 - 7 ngày.

Ofloxacin 0,2 g ngày uống 2 viên chia 2 lần, trong 5 - 7 ngày.

Trường hợp nặng có thể dùng phối hợp hai nhóm thuốc.

Truyền rửa mắt liên tục trong những trường hợp nặng bằng kháng sinh + ringerlactat: Thường dùng: Gentamycin 80 mg x 2 ống pha với 100 ml ringer lactat truyền rửa mắt 1-2 lần/ngày.

 

DỰ PHÒNG

Luôn giữ gìn mắt sạch sẽ, tránh những chấn thương vào mắt.

Khi bị chấn thương trên giác mạc cần phải phát hiện và điều trị kịp thời bằng các thuốc sát khuẩn tra mắt để phòng biến chứng viêm loét giác mạc do vi khuẩn.

Cần phải điều trị các bệnh mắt là yếu tố thuận lợi gây viêm loét giác mạc: lông quặm, lông xiêu, hở mi…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top