✴️Thuốc mê general anesthetics agent

ĐẠI CƯƠNG

Khái niệm chung về thuốc mê

Thuốc mê là thuốc ức chế TKTƯ, làm cho cả người và động vật mất hết ý thức ( linh cảm ), vận động và mọi cảm giác ( ví dụ cảm giác đau, cảm giác xúc giác ( đụng chạm, sờ mó ), cảm giác với nhiệt độ ( nóng lạnh )). Với liều điều trị, thuốc hầu như không ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp, tuần hoàn và có tác dụng hồi phục hoàn toàn sau khi ngừng thuốc.

Tiêu chuẩn của một thuốc mê lý tưởng

Dùng đơn thuần có tác dụng gây mê đủ mạnh, đủ dùng cho phẫu thuật; không những phải có tác dụng gây ngủ và giảm đau, mà còn cần làm mất các phản xạ và giãn cơ mạnh.

Khuyếch tán nhanh để làm cho khởi mê ngắn, tỉnh nhanh.

Ở nhiệt độ thường, tồn tại dưới dạng khí.

Ít độc, không kích thích niêm mạc đường hô hấp, không gây nôn.

Không hoà tan cao su và chất dẻo, không bị vôi soda phân hủy, dùng được trong gây mê vòng kín.

Không gây cháy, nổ ( đối với thuốc mê thể khí ).

Tiêu chuẩn của một thuốc mê bay hơi lý tưởng

Khởi mê và giải mê nhanh, êm dịu.

Nhanh chóng đạt được mê sâu.

Có tác dụng giãn cơ thích hợp cho phẫu thuật.

Có phạm vi an toàn rộng.

Với liều bình thường không có tác dụng độc hại.

Phân loại thuốc mê

Thuốc mê qua đường hô hấp : diethyl ether ( tên khác : ether mê, ethyl ether, ether ethylic ), nitrous oxide ( dinitrogen monoxide, N2O, laughing gas ), desflurane, enflurane, halothane, isoflurane, methoxyflurane, sevoflurane.

Thuốc mê qua đường tĩnh mạch  

Loại barbiturate : thiopental, methohexital, thiamilal.

Dẫn xuất benzodiazepine ( BZD ): diazepam, lorazepam, midazolam.

Các thuốc khác : gamma hydroxybutyrate sodium ( gamma-OH, GHB ), etomidate, ketamine, fentanyl, propofol…

Các thuốc tiền mê

Thuốc giảm đau gây nghiện.

Thuốc ngủ ( loại barbiturate, BZD, tetrahydropalmatine ).

Thuốc an thần.

Thuốc ức chế M-choline, anti H1-histamine…

Cơ chế tác dụng chung của thuốc mê 

Cơ chế tác dụng của thuốc mê đường hô hấp

Tại synap : hiệp đồng, làm tăng tác dụng của GABA ( gamma-aminobutyric acid ) và endorphin.

Ức chế receptor sau synap : giảm cảm thụ với acetylcholine, giảm các kênh dẫn ion của acetylcholine ( kênh Na+ ).

Tại màng tế bào neuron : làm giảm tính thấm của màng neuron với Na+ nên chậm khử cực màng ( làm chậm phát sinh hiệu thế hoạt động tại synap, làm gián đoạn luồng xung động thần kinh trong các hệ thống neuron trung gian…), hoặc ngược lại, gây ưu cực hóa.

Trong tế bào : ức chế sự oxy hóa của ty thể ( làm giảm hô hấp tế bào ).      

Cơ chế tác dụng của thuốc mê đường tĩnh mạch

Xem tài liệu từng thuốc riêng biệt.

Các tai biến ( tác dụng không mong muốn ) khi sử dụng thuốc mê 

Tai biến trong khi gây mê

Trên hệ tim mạch : ngất do ngừng tim phản xạ ( ngất tím ), hạ huyết áp, shock, rối loạn nhịp tim ( nặng nhất là ngừng tim ). Trên ECG phải phân biệt 3 loại ngừng tim : vô tâm thu, rung thất ( ventricular fibrillation ), nhĩ - thất phân ly ( phân ly điện cơ - atrioventricular separation ).

Hình 1 : ECG bình thường

ECG bệnh nhân rung thất  ( hình “răng cưa” – sawtooth )

ECG bệnh nhân nhĩ - thất phân ly

Trên hệ hô hấp : co cứng hàm, ho, hắt hơi, co thắt thanh quản, tăng tiết dịch đường hô hấp, ngất do ngừng hô hấp phản xạ ( ngất xám ), xẹp phổi...

Trên hệ tiêu hóa : nấc, buồn nôn và nôn ( có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp khi chất nôn tràn vào phổi )…

 

Tai biến sau khi gây mê

Viêm đường hô hấp : viêm phổi cấp, viêm phế quản cấp, phế quản - phế viêm.

Tổn thương tim, gan, thận : gây suy tim, suy gan, suy thận.

Hoại tử tổ chức nếu tiêm ra ngoài tĩnh mạch ( một số thuốc mê tĩnh mạch )…

 

KHÁI NIỆM VỀ THUỐC TIỀN MÊ 

Khái niệm chung  

Thuốc tiền mê là những thuốc được dùng trước khi gây mê để :

Làm giảm sự bồn chồn lo lắng của bệnh nhân, do đó làm mất được những phản xạ của hệ TKTV, làm khởi mê được dễ dàng.

Làm tăng tác dụng của thuốc mê chính.

Làm giảm tổng liều thuốc mê cần thiết ( giảm độc tính của thuốc mê ).

Dự phòng và điều trị các tai biến khi sử dụng thuốc mê ( các tai biến trong và sau khi gây mê )…

Cách phối hợp thuốc trong gây mê  

Cho tới nay không có một công thức phối hợp thuốc rõ ràng mà phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm của người thày thuốc, thể trạng của bệnh nhân, điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật của bệnh viện và khoa gây mê, loại thuốc mê hiện có, loại phẫu thuật… Có thể phối hợp nhiều loại thuốc theo gợi ý sau :

Phối hợp 2 loại thuốc mê : thuốc mê đường hô hấp + đường tĩnh mạch.

Phối hợp thuốc mê + thuốc giảm đau ( giảm đau gây nghiện, NSAIDs ).

Phối hợp thuốc mê + thuốc giãn cơ.

Phối hợp thuốc mê + thuốc tiền mê.

Phối hợp nhiều loại thuốc kể trên…

So sánh ưu nhược điểm chính của 2 nhóm thuốc mê chính

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top