✴️ Bạch giới tử

Nội dung

Bạch giới tử là hạt phơi hoặc sấy khô của cây cải canh. Dược liệu có vị cay, tính ấm, tác dụng trừ hàn, lợi khí, tán thủng, hóa đờm, khai vị, ôn trung, được dùng để trị chứng ho suyễn, viêm phế quản, đau nhức xương khớp do phong hàn. Tuy nhiên bạch giới tử có thể gây kích ứng da và tăng nhu động ruột, vì vậy cần thận trọng khi dùng cho người có cơ địa nhạy cảm và người bị tiêu chảy.

vị thuốc bạch giới tử

Bạch giới tử là hạt phơi hoặc sấy khô của cây cải canh (Brassica Alba)

  • Tên gọi khác: Hạt cải canh, Hồ giới, Thái chi, Thục giới, Giới tử.
  • Tên khoa học: Brassica Alba
  • Tên dược: Semen sinapis Albae
  • Họ: Cải (danh pháp khoa học: Brassicaceae)

 

Mô tả dược liệu bạch giới tử

Bạch giới tử là hạt phơi hoặc sấy khô ở quả chín của cây cải canh (Brassica Alba) được trồng nhiều tại Trung Quốc.

1. Đặc điểm cây cải canh

Cải canh cho dược liệu bạch giới tử là cây thân thảo sống hằm năm. Cân thân thảo và có màu xanh lục. Lá đơn, có cuống và mọc so le. Phiến lá hình trứng, gân nổi rõ trên phiến lá, mép lá có răng cưa, không đều.

bạch giới tử dược liệu

Cải canh là cây thân thảo sống hằm năm, lá mọc so le, hoa mọc thành chùm và có màu vàng

Hoa mọc thành cụm, màu vàng, mỗi bông có khoảng 3 – 5 cánh. Quả có lông phủ, bên trong chứa từ 4 – 6 hạt màu vàng nâu.

2. Bộ phận dùng

Hạt của cây được sử dụng để làm thuốc. Chỉ chọn thứ hạt có màu trắng, mập và to. Hạt lép và có màu nâu đen thường có phẩm chất kém nên không dùng làm thuốc.

3. Phân bố

Cải canh mọc nhiều ở Việt Nam và Trung Quốc nhưng ở nước ta, cây chủ yếu được sử dụng để làm thức ăn. Do đó dược liệu bạch giới tử phần lớn đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái quả già vào tháng 3 – 5 hằng năm, sau đó lấy hạt và đem phơi khô. Hoặc có thể bào chế bạch giới tử theo những cách sau đây:

bạch giới tử

Thu hái quả già của cây cải canh vào tháng 3 – 5 hằng năm

  • Cho hạt tươi vào trong nước rửa sạch và vớt bỏ các hạt lép. Sau đó đem những hạt còn lại phơi khô để dùng dần.
  • Trộn với nước và dùng đắp ngoài.
  • Dùng bạch giới tử rửa sạch sau đó cho vào chảo, sao với lửa nhỏ cho đến khi dược liệu chuyển sang màu vàng và dậy mùi thơm là được.

5. Bảo quản

Dược liệu rất dễ ẩm mốc nên cần bảo quản trong lọ kín và đặt ở nơi thoáng mát.

6. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học của bạch giới tử, gồm có myrosin, sinapine, sinalbin và một chất glucosid gọi là sinigrin, chất nhầy, 37% chất béo, saponin, linolenic acid, arachidic acid,…

 

Vị thuốc bạch giới tử

1. Tính vị

Vị cay, tính ấm, không có độc.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Phế, Can, Tỳ và Tâm bào.

3. Tác dụng dược lý

– Tác dụng của bạch giới tử theo Đông Y:

  • Công dụng: Hành trệ, tiêu thủng, trừ hàn, lợi khí, tán thủng, hóa đờm, chỉ thống, khai vị, ôn trung.
  • Chủ trị: Phản vị, ho suyễn, hàn đờm ở ngực, đau bụng, đau nhức tứ chi, đinh nhọt thuộc âm tính, âm thư, loa lịch,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Men Myroxin trong dược liệu thủy phân sinh ra tinh dầu có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng tiết dịch khí quản và giúp hóa đàm ứ.
  • Dung dịch pha trộn giữa nước và bạch giới tử theo tỷ lệ 1:3 có tác dụng ức chế một số loại vi nấm gây bệnh ngoài da.
  • Thuốc có tác dụng kích thích da khiến da bị đỏ và bỏng rát.

4. Cách dùng – liều lượng

Bạch giới tử được dùng ở dạng hoàn toàn, dùng ngoài hoặc dạng sắc. Khi sắc thuốc không nên sắc quá lâu có thể làm giảm dược tính. Liều dùng thông thường: 3 – 10g/ ngày.

 

Bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu bạch giới tử

bạch giới tử dược liệu

Bạch giới tử thường được dùng trong bài thuốc trị viêm phế quản, ho suyễn, viêm mũi dị ứng,…

1. Bài thuốc trị bệnh viêm phế quản mãn tính ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Bạch giới tử 100g (tán bột).
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 1/3 trộn thêm 90g bột mì trắng và nước làm thành bánh. Trước khi ngủ, dùng bánh đắp lên lưng cho trẻ, sáng hôm sau đem bỏ đi. Thực hiện 2 – 3 lần sẽ thấy triệu chứng thuyên giảm dần.

2. Bài thuốc trị liệt thần kinh mặt ngoại biên

  • Chuẩn bị: Bạch giới tử 5 – 10g (tán bột).
  • Thực hiện: Cho nước vào bột thuốc rồi gói vào miếng gạc rồi đắp lên chỗ liệt. Dùng băng keo cố định trong 5 – 10 giờ, 10 ngày đắp 1 lần.

3. Bài thuốc trị đau các khớp do đàm trệ

  • Chuẩn bị: Quế tâm, một dược, bạch giới tử và mộc hương mỗi vị 10g, mộc miết tử (hạt gấc) 3g.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 3g uống với rượu ấm. Ngày dùng 2 lần cho đến khi khớp xương bớt đau nhức.

4. Bài thuốc trị nhọt sưng tấy mới phát

  • Chuẩn bị: Bạch giới tử (tán bột).
  • Thực hiện: Trộn với giấm đắp lên vùng da cần điều trị.

5. Bài thuốc trị bệnh viêm phổi ở trẻ em

  • Chuẩn bị: Bạch giới tử (tán bột).
  • Thực hiện: Trộn với nước rồi đắp ở ngực trẻ.

6. Bài thuốc trị ho suyễn khó thở, đàm nhiều và loãng

  • Chuẩn bị: La bặc tử và tô tử mỗi vị 10g, bạch giới tử 3g.
  • Thực hiện: Đem các vị thuốc sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.

7. Bài thuốc trị lao hạch lâm ba

  • Chuẩn bị: Hành củ và bạch giới tử bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem bạch giới tử tán bột và trộn với hành, đem giã nát và đắp 1 lần/ ngày cho đến khi khỏi.

8. Bài thuốc trị chứng ăn vào hay ợ chua và nôn mửa

  • Chuẩn bị: Bạch giới tử (tán bột).
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 4 – 8g uống với rượu.

9. Bài thuốc trị đầy tức do hàn đờm

  • Chuẩn bị: Quế tâm, cam toại, bạch giới tử, hồ tiêu và đại kích các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Tán thành bột mịn, sau đó chế thành viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 10 viên uống với nước gừng.

10. Bài thuốc phòng ngừa đậu mùa nhập vào mắt

  • Chuẩn bị: Bạch giới tử (tán bột).
  • Thực hiện: Trộn với nước dán xuống lòng bàn chân nhằm kéo độc xuống dưới.

11. Bài thuốc trị vị nhiệt, đờm, trong người nóng nảy, bực bội

  • Chuẩn bị: Hắc giới tử, cam toại, chu sa, bạch giới tử, mang tiêu và đại kích mỗi vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột, sau đó trộn hồ làm thành viên to bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 10 viên uống cùng với nước gừng.

12. Bài thuốc trị hơi lạnh trong bụng đi lên phổi

  • Chuẩn bị: Bạch giới tử 1 chén.
  • Thực hiện: Đem sao qua, tán bột mịn, hòa với nước sôi làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng 10 viên uống với nước gừng.

13. Bài thuốc trị ngực sườn bị đờm ẩm

  • Chuẩn bị: Bạch truật 80g, bạch giới tử 20g và táo nhục lượng vừa phải.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, sau đó nghiền táo nhục rồi trộn đều làm thành viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 50 viên uống với nước.

14. Bài thuốc trị đờm ẩm lưu ở ngực gây ngực sườn đầy tức, ho suyễn

  • Chuẩn bị: Cam toại (bỏ ruột), đại kích (bỏ vỏ) và bạch giới tử các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu tán bột mịn, sau đó trộn với nước cốt gừng làm thành viên. Mỗi lần dùng 2 – 4g uống với nước gừng sắc, ngày dùng 1 lần.

15. Bài thuốc trị bỉ khối

  • Chuẩn bị: Bồng nga truật, đào nhân, sơn tra nhục, thần khúc, chi tử, hương phụ, xuyên khung mỗi vị 40g, bạch giới tử, la bặc tử và hoàng liên mỗi vị 60g, thanh bì, tam lăng mỗi vị 20g.
  • Thực hiện: Đem hoàng liên tẩm với ngô thù sau đó bỏ ngô thù, đem hoàng liên và các vị còn lại tán bột. Sau đó chế thành viên hoàn nặng 10g, ngày uống từ 2 – 3 viên.

16. Bài thuốc trị tích tụ, thực ẩm, bỉ khối và khí huyết tích tụ

  • Chuẩn bị: Sơn tra nhục, bán hạ, hoàng liên, liên kiều, a ngùy, nam tinh, thần khúc, la bặc tử, bối mẫu, bạch giới tử, thạch hàm, qua lâu, hồ hoàng liên và phong hoa tiêu các vị lượng nhau.
  • Thực hiện: Dùng nguyên liệu tán bột mịn, sau đó tẩm với nước gừng làm thành viên. Mỗi lần dùng 8g uống với nước nóng, sau đó ăn vài trái hồ đào.
  • Lưu ý: Không dùng cho người suy yếu.

17. Bài thuốc trị khí huyết tích tụ, bỉ khối và tích tụ

  • Chuẩn bị: Bạch truật 120g, a ngùy 20g, nga truật 80g, bạch giới tử 100g và tam lăng 80g.
  • Thực hiện: Đem các vị thuốc sau khô, tán bột. Lấy riêng a ngùy chưng với rượu, sau đó hòa với thuốc bột làm thành viên hoàn. Mỗi ngày dùng 12 – 16g uống với rượu.

18. Bài thuốc trị tích khối

  • Chuẩn bị: Nhục quế, xuyên sơn giáp và độc hoạt mỗi vị 60g, mộc miết tử (bỏ vỏ) 21 hạt, loạn phác (tóc) 80g, nhũ hương, mang tiêu, một dược và a ngùy mỗi vị 80g, bạch giới tử 120g, đại hoàng 80g.
  • Thực hiện: Đem mang tiêu, nhũ hương, a ngùy và một dược tán bột mịn. Sau đó thêm dầu mè 1.6kg vào và nấu cho đến khi dầu chuyển sang sắc đen. Sau khi dầu bốc hết mùi thì thêm hoàng đơn và thuốc bột vào nấu đặc thành cao, dùng cao lỏng bôi ở bên ngoài.

19. Bài thuốc giúp cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ

  • Chuẩn bị: Mạch môn, xuyên bối mẫu, bạch quả, tô tử, tử uyển, bạch hợp và bạch giới tử mỗi vị 15g, ngũ vị và trạch tả mỗi vị 10g, đan bì và hoài sơn mỗi vị 20g, sơn thù, thục địa và bạch linh mỗi vị 30g.
  • Thực hiện: Cho các nguyên liệu vào ấm rồi sắc lấy nước uống.

20. Bài thuốc trị viêm tắc động mạch

  • Chuẩn bị: Hồng hoa, đào nhân, quế chi và bạch giới tử mỗi vị 8g, xuyên khung, phụ tử chế, xuyên quy, xuyên luyện tử, đan sâm, bạch thược và hoàng kỳ mỗi vị 12g, thục địa 16g, tang ký sinh 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

21. Bài thuốc trị âm thư và chứng hạc tất phong

  • Chuẩn bị: Sinh cam thảo và nhục quế mỗi vị 4g, ma hoàng và gừng nướng đen mỗi vị 2g, lộc giác giao 12g, bạch giới tử 8g, thục địa 40g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

22. Bài thuốc tăng thải axit uric, giảm đau nhức, bổ gan thận và tiêu viêm

  • Chuẩn bị: Sơn khương, tỳ giải, hỏa sâm, địa hoàng, cam thảo, bạch giới tử, bạch thược dược, cỏ xước, đỗ phụ, thổ phục linh và phòng phong mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.

23. Bài thuốc trị viêm mũi dị ứng do phong hàn

  • Chuẩn bị: Phòng phong, bạch truật, bạch thược, lộc giác giao và ngũ vị tử mỗi vị 10g, chích ma hoàng và cam thảo mỗi vị 3g, bạch giới tử và quế chi mỗi vị 6g, chích kỳ 10 – 15g, can khương 5g, tế tân 1 – 3g.
  • Thực hiện: Sắc uống.

 

Lưu ý – Kiêng kỵ khi dùng dược liệu bạch giới tử

  • Bạch giới tử có tính ấm, vì vậy cần thận trọng khi dùng cho trường hợp âm hư hỏa vượng.
  • Không nên dùng cho trường hợp phù dương hư hỏa bốc lên hoặc phế kinh có nhiệt.
  • Thuốc có thể gây kích ứng ngoài da, do đó không nên dùng cho người có cơ địa dễ dị ứng.
  • Nước sắc bạch giới tử sinh ra chất hydroxide lưu huỳnh có tác dụng kích thích nhu động ruột và gây tiêu chảy. Vì vậy không nên sử dụng thuốc ở liều lượng lớn.
  • Người sốt nóng (khí hư hữu nhiệt), yếu phổi ho khan và sức yếu không nên dùng.
  • Tránh nhầm lẫn với la bặc tử – hạt của cây củ cải.

Thông tin về dược liệu bạch giới tử trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có ý định sử dụng dược liệu này, bạn nên tìm gặp thầy thuốc để được bắt mạch và hướng dẫn bài thuốc cụ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top