✴️ Cát sâm

Nội dung

Cát sâm chính là loại sâm nam với hương vị dịu mát, chứa nhiều thành phần dược tính cao. Thường được dùng trong các bài thuốc thanh nhiệt, bồi bổ cơ thể, chữa ho nhiều đờm, nhức đầu, bí tiểu…

cây cát sâm

Cây cát sâm chính là loại sâm nam có nhiều công dụng quý

  • Tên gọi khác: Sâm nam, Sâm chèo mèo, Sơn liên ngẫu, Ngưu đại lực.

  • Tên khoa học: Milletia speciora Champ.

  • Họ: Cánh Bướm (Fabaceae).

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Cát sâm là một loại cây nhỡ, thân gỗ với cành mọc tựa, dài. Phần cành khi còn non sẽ có nhiều lông mềm màu trắng bao phủ bên ngoài, già sẽ nhẵn dần và có màu nâu.

Lá kép có hình lông chim lẻ với phần cuống dài phủ đầy lông. Còn lá chét có hình mũi mác thuôn dài hay hình bầu dục, gốc hình tròn với phần đầu nhọn. Mặt phía trên màu xanh lục sẫm, gân có lông, mặt phía dưới phủ lông dày màu trắng, phần gân lá tạo thành mạng rất rõ.

Hoa màu trắng học thành cụm dạng chùy với chiều dài khoảng từ 10 – 25cm. Phần đài hoa có răng hình tam giác, mặt phía ngoài phủ đầy lông. Tràng hoa nhẵn ở mặt phía ngoài, hoa có bộ nhụy 2 bó và bầu có lông. Mùa hoa vào khoảng thừ tháng 7 – 9.

Quả dạng dẹt và có phủ lớp lông mềm phía ngoài. Mỗi quả có chứa 4 – 5 hạt có phần vỏ khá dày, màu đen. Mùa quả vào khoảng từ tháng 10 – 12.

2. Bộ phận dùng

Rễ củ chính là bộ phận của cây cát sâm được sử dụng để làm vị thuốc.

3. Phân bố

Ở nước ta cây cát sâm mọc ở rất nhiều nơi, nhất là những chỗ dãi nắng ở vùng rừng núi. Điển hình như ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Tây… ngoài mọc hoang thì hiện nay cây cũng được trồng rất nhiều với mục đích làm vị thuốc.

4. Thu hái và sơ chế

Thời điểm thu hái dược liệu thích hợp nhất là vào mùa đông xuân, lấy ở những cây đã lớn khoảng hơn 1 năm tuổi. Tiến hành đào rễ củ về rồi rửa sạch. Các củ nhỏ thì để nguyên còn củ to nên bổ dọc làm đôi rồi phơi hay sấy khô.

Hướng dẫn cách bào chế: Đem thái mỏng dược liệu rồi để sống hoặc có thể tẩm nước mật hay nước gừng cho thấm. Sau đó, cho lên chảo nóng sao vàng trên lửa nhỏ.

5. Bảo quản

Dược liệu đã được sơ chế khô cần để nơi khô ráo, tránh ổm mốc, mối mọt. Lưu ý, không nên bào chế nhiều 1 lúc, dùng đến đâu thì bào chế đến đó.

6. Thành phần hóa học

Sau đây là các thành phần được phân tích có trong dược liệu cát sâm:

  • ancaloit

  • axit docosanoic

  • octadecane

  • etracosane

  • axit hexacosanoic

  • β-sitosterol axetat

  • β-sitosterol

  • syringin

  • maackiain

  • formononetin

  • baptigenin

  • axit rotundic

  • pedunculoid

  • daucosterol

 

Vị thuốc cát sâm

1. Tính vị

Đa phần các tài liệu Đông y ghi nhận dược liệu có vị ngọt và tính bình.

2. Quy kinh

Được quy vào các kinh Tỳ và Phế.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Trừ hư nhiệt, dưỡng tỳ, lợi tiểu, bổ trung ích khí.

  • Chủ trị: Ho nhiều đờm, sốt về chiều đêm, nhức đầu, bí tiểu, kém ăn, chống suy nhược cơ thể, thuốc bổ mát…

Theo y học hiện đại:

  • Chiết xuất từ cát sâm có thể làm giảm hoạt động của ALT và AST ở trong huyết thanh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số gan cũng như hàm lượng MDA trong homogenate gan. Từ đó có thể đưa ra kết luận là dược liệu có tác dụng bảo vệ tổn thương gan cấp tính.

  • Phần củ của dược liệu còn có tác dụng chống mỏi mệt đáng kể. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, đây chính là một nguyên liệu rất tiềm năng với ngành thực phẩm chức năng.

4. Cách dùng – liều lượng

Dược liệu thường được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều lượng khoảng 10 – 20g/ngày. Tùy thuộc vào từng bài thuốc và sự kết hợp với dược liệu khác mà có thể dùng tới 40g/ngày.

tác dụng của cát sâm

Rễ cát sâm là bộ phận được thu hái làm thuốc chữa bệnh

 

8 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cát sâm

Dưới đây là những bài thuốc có sử dụng dược liệu cát sâm:

1. Bài thuốc chữa ho khan, ho dai dẳng, sốt khát nước

  • Chuẩn bị: 12g cát sâm, 12g mạch môn, 8g thiên môn, 8g vỏ rễ dâu.

  • Thực hiện: Các dược liệu trên cho vào ấm, thêm 400ml nước và sắc trên lửa nhỏ. Khi lượng thuốc còn 200ml là đạt. Chia đều thành 3 lần uống trong ngày, sắc uống mỗi ngày chỉ một thang.

2. Bài thuốc chữa cảm sốt, khát nước

  • Chuẩn bị: 12g cát sâm, 12g cát căn, 4g cam thảo.

  • Thực hiện: Cho vào ấm sắc chung với khoảng 600ml nước đến khi còn 300ml thì ngưng. Chia đều làm 3 lần uống trong ngày, dùng với liều lượng chỉ 1 thang/ngày.

3. Bài thuốc chữa nhức đầu, khát nước, bí tiểu tiện

  • Chuẩn bị: 30g cát sâm.

  • Thực hiện: Đem dược liệu đi thái lát, tẩm mật rồi cho lên chảo nóng sao vàng. Sau đó cho vào ấm sắc chung với 400ml nước đến khi còn 200ml. Chia đều thành 3 lần uống, dùng 1 thang/ngày.

4. Bài thuốc chữa kém ăn

  • Chuẩn bị: Cát sâm với lượng tùy ý.

  • Thực hiện: Dược liệu đem thái lát và tẩm với nước gừng rồi sao vàng trên lửa nhỏ. Mỗi lần chỉ lấy 30g để sắc chung với 400ml nước đến khi còn 200ml. Chia lượng thuốc này thành 3 lần uống trong ngày, sử dụng với liều lượng đúng 1 thang/ngày.

5. Bài thuốc chữa cảm nắng

  • Chuẩn bị: 16g cát sâm, 14g mạch môn, 14g cát căn, 14g cam thảo đất.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho hết vào ấm để sắc lấy nước uống trong ngày. Bài thuốc này đáp ứng tốt trong các trường hợp cảm nắng với triệu chứng sốt nóng, ho khan, đổ mồ hôi. Hoặc chữa chứng trằn trọc ngủ không yên, nóng ấm về đêm ở trẻ em.

6. Bài thuốc chữa thủy đậu

  • Chuẩn bị: 12g cát sâm, 12g vỏ hạt đỗ xanh, 12g sinh địa, 12g đậu ván trắng, 12g hạt đỗ đen, 10g hoàng tinh, 10g lá dâu, 10g mạch môn, 10g cam thảo dây.

  • Thực hiện: Các vị thuốc đem rửa sạch, phơi cho khô rồi sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng với liều lượng đúng 1 thang thuốc/ngày. Lưu ý, chỉ dùng khi các nốt đậu đã xẹp xuống.

7. Bài thuốc chữa suy nhược cơ thể

  • Chuẩn bị: 10g cát sâm, 20g lá đinh lăng khô, 15g rễ đinh lăng đã sao, 8g sinh địa.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc chung với 500ml nước đến khi còn khoảng 150ml thì ngưng. Chia đều làm 3 lần uống trong ngày, mỗi ngày dùng đúng 1 thang thuốc. Cần duy trì liên tục trong khoảng 10 – 15 ngày.

8. Bài thuốc chữa viêm gan truyền nhiễm

  • Chuẩn bị: 20g cát sâm, 20g rau má, 20g chó đẻ răng cưa, 16g nhân trần, 16g hạt dành dành, 16g cam thảo nam.

  • Thực hiện: Các dược liệu đem cho hết vào siêu đất sắc chung với 1 thăng nước đến khi còn nửa thăng. Chia làm nhiều lần uống trong ngày, dùng đúng 1 thang/ngày. Cần duy trì trong thời gian dài để nhận được hiệu quả.

Những thông tin về dược liệu cát sâm được bài viết tổng hợp chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi dùng dược liệu này với bất cứ mục đích nào người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc hay người có chuyên môn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top