Cây bụp giấm (Hibiscus sabdariffa) là vị thuốc quý có nguồn gốc từ Tây Phi. Bụp giấm có tác dụng cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm huyết áp, trị ho, thanh nhiệt, giải độc, điều hòa glucose huyết,…
Cây bụp giấm (Hibiscus sabdariffa) là vị thuốc quý có nguồn gốc từ Tây Phi, thuộc họ Cẩm quỳ
Tên khác: Lạc thần hoa, đay Nhật
Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa
Họ: Cẩm quỳ (danh pháp khoa học: Malvaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Bụp giấm là cây sống hằng năm, chiều cao từ 1.5 – 2m. Cây phân nhánh ở gốc, thân có màu tím đỏ nhạt, lá nguyên, phiến lá hình trứng và mép có răng cưa nhỏ.
Hoa bụp giấm mọc ở nách lá, không có cuống, màu vàng hồng hoặc đỏ tía
Hoa mọc ở nách lá, không có cuống, màu vàng hồng hoặc đỏ tía. Quả nang, hình trứng.
2. Bộ phận dùng
Lá, hạt và đài hoa của cây bụp giấm được dùng làm thuốc.
3. Phân bố
Cây bụp giấm có nguồn gốc ở Tây Phi. Sau này cây được di thực nhiều nơi để trồng làm thực phẩm và làm thuốc.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái vào tháng 9 – 11 hằng năm. Có thể dùng tươi hoặc phơi/ sấy khô và dùng dần.
5. Bảo quản
Dễ ẩm mốc, cần bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh mối mọt và môi trường ẩm thấp.
6. Thành phần hóa học
Cây bụp giấm chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm: protein, acid citric, acid tartric, acid malic, acid hibiscus, chloride hibiscus, gossypetin, flavonol glycoside hibiscitrin, anthocyanin, vitamin C, vitamin B2, B1,…
Vị thuốc bụp giấm
1. Tính vị
Vị hơi chua, tính mát.
2. Qui kinh
Qui vào kinh Can và Đại trường.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
Tác dụng cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu, đái tháo đường, ung thư và cao huyết áp.
Cây bụp giấm có khả năng giảm cholesterol toàn phần, giúp cải thiện tình trạng mỡ trong máu.
Tác dụng hạ áp, hạ đường huyết và bảo vệ gan.
Có khả năng hạ sốt, an thần, tăng khả năng bài tiết ure của thận, giảm đau,…
Dịch chiết Methanol trong dược liệu có khả năng ức chế một số tế bào ung thư ở trực tràng, niêm mạc miệng, bạch cầu, tế bào gan,…
Đài hoa của cây bụp giấm có khả năng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn tử cung và có đặc tính kháng khuẩn.
Dịch ép từ hạt của cây có khả năng kháng sinh đối với Salmonella typhi, Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis,… và một số loại nấm như Trychophyton, Aspergillus và Cryptococcus,…
Theo Đông y:
Tác dụng lợi tiểu, lọc máu, kích thích nhu động ruột, kháng khuẩn, lợi mật, giảm huyết áp và nhuận tràng.
Cải thiện khả năng tiêu hóa, hỗ trợ điều trị các bệnh về mật, xơ cứng động mạch, một số vấn đề về thần kinh và tim.
4. Cách dùng – liều lượng
Bụp giấm được dùng trong chế biến món ăn, làm gia vị thay giấm, làm mứt, siro,…
Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc bụp giấm
Bụp giấm được dùng để kích thích hệ tiêu hóa, giảm ho, hạ đường huyết,…
1. Trà bụp giấm giúp hạ huyết áp, nhuận tràng, lợi tiểu, giải độc, thanh nhiệt và hạ cholesterol
Chuẩn bị: 30g hoa bụp giấm hoa khô, 700ml nước.
Thực hiện: Đem nguyên liệu rửa sạch và hãm trong 700ml nước sôi. Có thể thêm đường và uống hết trong ngày.
2. Rượu bụp giấm giúp nhuận tràng, kích thích tiêu hóa và lợi mật
Chuẩn bị: 600g hoa bụp giấm khô, rượu 40 độ 3 lít, mật ong 150ml.
Thực hiện: Đem rửa sạch nguyên liệu, để ráo nước, sau đó ngâm với rượu và mật ong trong khoảng 10 ngày. Mỗi ngày dùng 1 – 2 chén nhỏ trước khi ăn để kích thích tiêu hóa.
3. Bài thuốc từ bụp giấm giảm ngừa ho
Chuẩn bị: Hoa bụp giấm tươi và đường
Thực hiện: Đem rửa nguyên liệu, sau đó để ráo. Sau đó bỏ vào bình, 1 lớp bụp giấm xen kẽ với 1 lớp đường. Ngâm trong 15 ngày là dùng được. Mỗi ngày dùng khoảng 30ml.
Những điều cần lưu ý khi dùng bài thuốc từ bụp giấm
Một số thông tin cần chú ý khi dùng bụp giấm:
Không nên dùng quá 2g/ ngày vì dược liệu có khả năng gây độc.
Hoạt chất Anthocyanin trong dược liệu có thể bị phân hủy khi chế biến ở nhiệt độ quá cao. Vì vậy cần chú ý khi chế biến dược liệu này.
Chưa có tài liệu chứng minh về độ an toàn của dược liệu đối với phụ nữ mang thai và cho con bú.
Bụp giấm làm giảm 62% nồng độ của thuốc Diclofenac trong huyết thanh. Đồng thời làm giảm nồng độ thuốc Acetaminophen, gây giảm tác dụng điều trị. Khi dùng đồng thời, cần thông báo với bác sĩ để được cân chỉnh liều dùng.
Hiện nay có nhiều nơi gọi bụp giấm là atiso đỏ. Tuy nhiên công dụng của 2 loại thực vật này không giống nhau. Cần thận trọng khi lựa chọn nguyên liệu, tránh gây ảnh hưởng đến kết quả của quá trình điều trị.
Bài viết đã cung cấp một số thông tin cơ bản về dược liệu bụp giấm. Để tránh tình trạng áp dụng bài thuốc không phù hợp, bạn nên trao đổi với bác sĩ khoa y học cổ truyền trước khi dùng dược liệu này để điều trị các vấn đề sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh