✴️ Mọi thông tin bạn cần biết về viêm gan A

Viêm gan A là bệnh gan do Hepatitis A Virus (HAV) gây nên. Nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân kém, quan hệ tình dục không lành mạnh, dùng nước hoặc thực phẩm không an toàn.Cơ thể có thể tự đào thải HAV sau một thời gian nhiễm bệnh mà không chữa trị. Tuy nhiên, nó cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là ở gan. Vậy bệnh viêm gan A là gì?

 

1. Bệnh viêm gan A là gì?

Bệnh do virus viêm gan A hay HAV gây nên. Nó làm tổn thương tế bào biểu mô gan và làm suy giảm chức năng gan. Đây là một bệnh lây nhiễm từ người sang người theo đường phân miệng do nguồn nước bị nhiễm bẩn hay thực phẩm nhiễm virus nhưng chưa được nấu kỹ. Virus HAV thường tồn tại trong thức ăn, nước uống, vật dụng cá nhân, đồ dùng gia đình, trong môi trường đất và nước. Virus này thường được tìm thấy nhiều nhất trong phân, nước tiểu và đôi khi ở trong nước bọt. Phân và nước tiểu của người bệnh khi thải ra ngoài sẽ làm phát tán virus rộng rãi ra ngoài môi trường.

Virus HAV không gây ra bệnh viêm gan mãn tính mà gây bệnh viêm gan cấp tính, tức là thời gian không quá sáu tháng và rất hiếm khi gây tử vong. Bệnh viêm gan này hoàn toàn có thể điều trị khỏi sau hai đến bốn tuần.

 

2. Bệnh viêm gan A được lây nhiễm qua những nguồn nào?

Những nguồn lây nhiễm virus có thể gặp phải là:

– Uống nước bẩn do nguồn bị ô nhiễm.

– Không rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh.

– Tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với người mang virus.

– Bơi trong bể bơi, ao, hồ, sông suối bị nhiễm HAV.

– Dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân với người bệnh.

 

3. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm gan A

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh căn bệnh này. Tuy nhiên những đối tượng sau có khả năng mắc bệnh cao hơn đó là:

– Sống cùng hoặc quan hệ tình dục với người có virus.

– Trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh.

– Điều kiện vệ sinh môi trường kém.

– Thiếu nguồn nước sạch.

– Sống hoặc đi du lịch đến những vùng có tỷ lệ người bị mắc bệnh cao.

 

4. Cách phòng tránh nhiễm bệnh

Để phòng tránh nhiễm virus viêm gan A, cần chú ý những điều sau:

– Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trong 20 giây trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và nhất là sau khi đi vệ sinh.

– Luôn luôn giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và bảo vệ nguồn nước.

– Xử lý tốt phân và các chất thải của người bệnh.

– Ăn chín, uống sôi HAV có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao.

– Không dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân với người bị bệnh.

– Tốt nhất nên tiêm vắc xin phòng bệnh khi sống ở khu vực có nguy cơ mắc cao hoặc sắp đi du lịch tới vùng có tỷ lệ người mắc bệnh cao.

 

5. Các triệu chứng của bệnh

Khoảng hai đến sáu tuần sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ có các triệu chứng sau:

– Vàng mắt.

– Vàng da.

– Mệt mỏi, chán ăn.

– Buồn nôn và nôn.

– Ngứa toàn thân.

– Đau bụng.

– Nước tiểu màu nâu sẫm.

– Phân màu xám.

Vàng mắt là dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm gan A

 

7. Biện pháp điều trị

HAV có thể được cơ thể tự đào thải ra ngoài sau vài tuần mà không cần chữa trị. Không có phương pháp đặc hiệu để điều trị bệnh viêm gan A. Bệnh nhân có thể tự chăm sóc ở nhà mà không cần nhập viện. Đây là một bệnh không mãn tính nên cách điều trị không quá phức tạp. Việc điều trị chỉ giúp nâng đỡ thể trạng và giải quyết các triệu chứng.

Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều. Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để bảo vệ làn da khi bị ngứa. Người bệnh cần ăn uống thức ăn giàu dinh dưỡng chia thành nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước trái cây. Bia rượu cần uống hạn chế vì có hại đến gan. Cholesterol làm ảnh hưởng đến quá trình thải độc tố, quá trình chuyển hóa chất béo của gan đồng thời làm cản trở bài tiết mật. Vì vậy, người bệnh nên kiêng ăn nội tạng động vật, tôm, lòng đỏ trứng gà vì có nhiều cholesterol. Người bệnh cũng không nên ăn thịt dê vì có chứa lượng lớn lipid tạo gánh nặng cho gan. Ngoài ra, măng chứa nhiều chất xơ khó tiêu ở dạ dày tác động đến quá trình chuyển hóa tại gan nên người bệnh cũng không nên ăn măng.

Người bệnh nên tránh tiếp xúc gần với mọi người để tránh lây bệnh cho người khác. Đồng thời, người bệnh nên thường xuyên đến khám bác sĩ để theo dõi tình hình bệnh.

Cơ thể có thể tự đào thải HAV sau một thời gian nhiễm bệnh mà không chữa trị. Tuy nhiên, loại virus này rất dễ lây lan với tỉ lệ người mắc bệnh cao. Vì vậy, để phòng tránh lây nhiễm bệnh viêm gan A, tiêm vắc-xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế uy tín là biện pháp hiệu quả nhất. Ngoài ra, chúng ta nên tuân thủ việc ăn chín, uống sôi và duy trì vệ sinh cá nhân cũng như môi trường xung quanh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top