Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang là những loại sỏi phổ biến nhất trong hệ tiết niệu. Ở mỗi vị trí có sỏi và tùy từng kích thước mà sỏi có thể gây ra những cơn đau với mức độ khác nhau. Để biết sỏi hệ tiết niệu gây đau như thế nào hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Sỏi hệ tiết niệu gây đau như thế nào?
Mỗi loại sỏi lại gây ra những cơn đau với mức độ và ở những vị trí khác nhau, cụ thể:
Sỏi thận
Sỏi thận là loại sỏi chiếm đa số trong các loại sỏi tiết niệu, chiếm 40% các loại sỏi, gồm sỏi bể thận, sỏi đài thận, sỏi đài bể thận, sỏi san hô, sỏi bán san hô.
Những viên sỏi nhỏ có thể chỉ gây căng tức nhẹ vùng hông, thắt lưng, mạn sườn. Khi sỏi lớn bệnh nhân có thể gặp phải những cảm giác đau nhói khi làm việc nặng hoặc khi thay đổi tư thế.
Sỏi niệu quản
Chiếm 28% sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản có thể chia thành sỏi niệu quản 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới.
Đối với sỏi này ban đầu có thể cảm thấy những cơn đau thúc, đau nhói, đau lan xuống vùng bụng dưới, vùng háng, và vùng trước đùi.
Sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang chiếm 26% các loại sỏi đường tiết niệu.
Người bệnh có triệu chứng căng tức vùng bụng dưới, đau vùng hạ vị thỉnh thoảng sẽ đau nhẹ. Đau tăng lên khi viên sỏi rơi xuống niệu đạo kèm tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu.
Chớ nên coi thường những cơn đau do sỏi tiết niệu
Sỏi hệ tiết niệu có thể chỉ gây ra nhưng cơn đau nhẹ khi sỏi còn nhỏ, nhưng nếu sỏi to, nhất là viên sỏi xù xì, sắc nhọn di chuyển, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau quặn thận và nhiều nguy hiểm khác nếu không được điều trị kịp thời.
Những nguy hiểm khi không điều trị kịp thời sỏi tiết niệu:
Nhiễm trùng đường tiểu
Khi những viên sỏi sắc nhọn di chuyển làm cho đường niệu bị tổn thương, niêm mạc đường niệu có nguy cơ bị phù nề, sưng viêm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường niệu. Nếu không được điều trị sớm thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tắc đường tiểu, thận ứ nước
Sỏi ở đài bể thận và bàng quang có thể di chuyển xuống niệu quản hoặc niệu đạo và gây tắc. Khi đường tiểu bị tắc, làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa đường niệu.
Khi sỏi gây tắc nghẽn đường niệu, làm cho nước tiểu ứ lại phía trên chỗ tắc, trong khi thận vẫn tiếp tục lọc ra nước tiểu mà niệu quản hoặc niệu đạo bị tắc khiến thận bị ứ nước, giãn to. Thận ứ nước dễ chuyển thành ứ mủ, làm hủy hoại nhu mô thận, gây suy thận cấp hoặc mạn tính.
Suy thận
Khi sỏi tiết niệu gây tắc đường tiểu, ứ nước, nhiễm trùng đường tiểu lâu ngày sẽ hủy hoại dần mô thận, tình trạng suy thận xuất hiện. Lúc này, có thể người bệnh sẽ phải dùng đến các biện pháp tốn kém để duy trì sự sống như chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
Việc phát hiện và điều trị sỏi tiết niệu sớm sẽ tránh được những nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý sỏi tiết niệu.
Với những đột phá công nghệ tán sỏi thì bệnh nhân có thể loại sạch sỏi bằng các phương pháp như tán sỏi không xâm lấn (tán sỏi ngoài cơ thể) và ít xâm lấn (tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser) không chỉ tán sạch sỏi mà còn an toàn không gây ảnh hưởng chức năng thận.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh