Cây mặt quỷ còn được biết đến với tên gọi khác là nhàu tán. Nhờ chứa một số thành phần có dược tính tốt nên được tận dụng làm vị thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, khi dùng dược liệu này cần thận trọng, bởi nó có tính độc, dễ phát sinh rủi ro nếu sử dụng không đúng cách.
Nhờ chứa các thành phần có dược tính cao mà cây mặt quỷ được dùng để chữa trị các bệnh lý
Tên gọi khác: Nhàu tán, cây gạch, nhàu lông, dây đất…
Tên khoa học: Morinda umbellata L.
Họ: Cà phê (Rubiaceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Mặt quỷ là một loại cây mọc tỏa, thân leo có thể dài tới khoảng 10m. Lá cây có hình trứng rộng, đầu tù hoặc nhọn dài, phía cuống thường hẹp lại. Chiều dài lá khoảng 2 – 12,5cm, rộng khoảng 3 – 4cm. Lá nhẵn, hay có lông ở mặt dưới, phần cuống dài khoảng 1cm, mỗi lá thường có 4 – 6 cặp gân phụ.
Hoa có màu trắng xếp thành đầu hay thành hình tán ở ngọn nánh với đường kính khoảng 6mm. Tràng có ống chứa lông ở vùng cổ, thùy 4 thon, cây có thể ra hoa quanh năm.
Quả hạch dính nhau có màu đỏ, rộng khoảng 8 – 10mm, gần như có hình cầu dẹp. Bề mặt quả xù xì, hình thù quái dị, đây cũng là lý do cây có tên mặt quỷ. Nhân quả cao 4mm, dày 2mm, mỗi nhân quả sẽ chứa 1 hạt.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây mặt quỷ được dùng để làm vị thuốc. Tuy nhiên, phần thân rễ và lá là được dùng phổ biến nhất.
3. Phân bố
Cây mặt quỷ được tìm thấy ở nhiều nước nhiệt đới như Trung Quốc hay Nhật Bản và một số nước châu Mỹ. Riêng ở Việt Nam, cây mọc rất phổ biến ở những đồi cây bụi hoặc rừng thưa ở rất nhiều tỉnh, điển hình như ở Cao Bằng, Quảnh Ninh, Lạng Sơn…
4. Thu hái và sơ chế
Lá và thân cây có thể thu hái quanh năm, riêng lá có thể dùng tươi đắp ngoài da. Còn rễ thường được thu hái vào mùa xuân hay mùa thu. Sau khi đào về đem rửa sạch rồi loại bỏ rễ con, ngâm nước ấm rồi cắt ngắn và phơi khô.
5. Bảo quản
Dược liệu đã được sơ chế khô cần cho vào đựng trong túi kín, để ở những nơi khô thoáng, tránh mối mọt, ẩm mốc.
6. Thành phần hóa học
Phân tích cho thấy, rễ cây mặt quỷ có các dẫn xuất anthraquinone và glucosid.
Vị thuốc cây mặt quỷ
1. Tính vị
Dược liệu được ghi nhận là có vị cay, ngọt và tính hơi nóng.
2. Quy kinh
Chưa tìm thấy tài liệu nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
Công dụng: Tả hỏa, thanh nhiệt, ích thân, cường gân cốt.
Chủ trị: Tê thấp, mụn nhọt, lỵ, tẩy giun sán.
Theo y học hiện đại:
Dược liệu này là 1 trong những vị thuốc điều trị hiệu quả bệnh kiết lỵ và tiêu chảy.
Các thành phần của cây thuốc có tác dụng làm giảm chứng đau nhức xương khớp, hỗ trợ trị bệnh thấp khớp.
Dược liệu còn có tác dụng hạ đường huyết, giảm loãng xương và gây độc với một số tễ bào ung thư.
Rễ cây mặt quỷ phơi khô để làm vị thuốc
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu có thể được dùng ngoài da nhưng phổ biến nhất là dùng ở dạng nước sắc. Liều lượng được khuyến cáo cho một ngày là khoảng từ 8 – 20g. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể điều chỉnh cho hợp lý. Nhất là khi kết hợp dùng được liệu chung với các vị thuốc khác.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cây mặt quỷ
Cây mặt quỷ là vị thuốc được ứng dụng lâm sàng trong một số bài thuốc thông dụng dưới đây:
1. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp
Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 10g cây mặt quỷ, 10g vỏ cây xà cừ cùng 15g rễ cây đinh lăng. Các vị thuốc này đem cho hết vào ấm, thêm 600ml nước. Sắc trên lửa nhỏ thu lấy 200ml thuốc. Lọc bỏ bã chia đều thành 2 lần uống sau bữa trưa và bữa tối. Mỗi liệu trình duy trì liên tục trong 10 ngày.
Bài thuốc 2: Cần có 12 – 20g cây mặt quỷ. Cho vào ấm sắc lấy nước, bỏ bã, uống thay trà hằng ngày. Tuyệt đối không sử dụng nước sắc qua ngày.
Bài thuốc 3: Chuẩn bị 10g cây mặt quỷ, 10g rễ cây chổi sể đồng, 10g rễ cỏ xước cùng 10g vỏ xà cừ. Tất cả vị thuốc này đem rửa sạch rồi cho vào ấm sắc lấy nước, bỏ bã đi, uống ngày 1 thang.
2. Bài thuốc chữa giun sán, lỵ
Chuẩn bị: 10 – 16g vỏ rễ cây mặt quỷ.
Thực hiện: Vị thuốc trên đem rửa sạch cho vào ấm, thêm 1 thăng nước. Sắc lấy 300ml thuốc, bỏ bã chia đều làm 3 lần uống, dùng 1 thang/ngày.
3. Bài thuốc chữa mẩn ngứa
Chuẩn bị: 1 nắm lá cây mặt quỷ.
Thực hiện: Dược liệu trên đem rửa sạch rồi giã nát. Sau đó xoa nhẹ lên vùng da bị mẩn ngứa. Có thể kết hợp với sắc thân rễ dược liệu để uống với liều 10 – 15g mỗi ngày.
Mặc dù có tác dụng trị bệnh rất tốt nhưng cây mặt quỷ lại có tính độc. Chính vì thế người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng dược liệu cho bất cứ mục đích nào. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, trước khi dùng cần hỏi kỹ ý kiến thầy thuốc hoặc những người có chuyên môn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh