✴️ Cây tỳ giải

Cây tỳ giải là thảo dược quý được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc lợi tiểu, chữa viêm bàng quang, phong tê thấp, mụn nhọt của y học cổ truyền. Tùy theo mục đích điều trị mà sử dụng dược liệu này với liều lượng phù hợp.

Cây tỳ giải

  • Tên khác: Bạt kế, xuyên tỳ giải, củ kim cang, tắt giã, bì giải, phấn tỳ giải

  • Tên khoa học: Dioscorea lokoro Makino

  • Họ: Củ nâu (Dioscoreaceae)

 

Mô tả về cây tỳ giải

Đặc điểm thực vật

  • Tỳ giải được xếp vào nhóm các loại cây dây leo có khả năng sống nhiều năm. Thân cây có hình dáng nhỏ, gầy.

  • Lá màu xanh, hình trái tim, có tua cuốn do lá kèm tạo thành. Lá nối với thân bằng một cái cuống dài, nhỏ. Mặt trên lá có 7 -9 gân hoặc nhiều hơn, xuất phát từ 1 điểm ở cuống lá tỏa ra hai bên. 

  • Hoa tỳ giải thuộc dạng đơn tính, ra vào mùa hạ hoặc mùa thu. Hoa mọc thành chùm, sắc xanh nhạt

  • Quả kích thước nhỏ, có rìa giống như cánh.

Dược liệu:

Củ tỳ giải được tạo thành từ rễ phình to. Các cạnh của củ không đều nhau, độ dày chừng 2 – 5mm. Phía ngoài vỏ màu vàng, hơi nâu, có rễ nhỏ mọc rải rác xung quanh. Củ cứng, chất bột, vị đắng. Mặt cắt bên trong màu trắng, hơi xám hoặc nâu xám, có bó mạch màu nâu vàng nằm rải rác.

Phân bố

Cây tỳ giải có nguồn gốc ở Trung Quốc, chủ yếu là các tỉnh giáp với miền Bắc Việt Nam như Vân Nam, Quảng Đông hay Quảng Tây.

Hiện nay, loại tỳ giải giống Trung Quốc chưa được tìm thấy ở Việt Nam. Nước ta chủ yếu khai thác tỳ giải là các cây thuộc họ củ nâu. Dược liệu được sử dụng trong nước và phục vụ cho mục đích xuất khẩu.

Bộ phận dùng làm dược liệu

Củ của cây tỳ giải (một số tài liệu gọi là thân rễ)

Thu hái – Sơ chế

Củ cây tỳ giải được thu hái vào bất kì thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa đông củ có dược tính tốt nhất. 

Củ sẽ được đào lên một cách cẩn thận sao cho không bị vụn nát. Khi mang về, lựa những củ không bị mối mọt, cắt bỏ rễ con rồi rửa qua nhiều lần nước cho sạch đất cát.

Bào chế tỳ giải

+ Theo y học Trung Quốc: Sau khi bỏ rễ và rửa sạch, củ cây tỳ giải được thái hoặc bào mỏng, đem phơi hay sấy khô, dùng sống.

+ Theo kinh nghiệm của các thầy thuốc Đông y Việt Nam: Củ được đem ngâm với nước vo gạo, để qua đêm. Sau đó lấy bàn chải chà sạch, ủ cho mềm. Cuối cùng thái lát mỏng, phơi khô.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, tránh ẩm mốc

Thành phần hóa học

Củ tỳ giải chứa thành phần chính là tinh bột, cornus officinalis sieb và saponozit (Saponin steroid ), bao gồm 2 hoạt chất:

  • Dioxin

  • Dioscorea sapotoxin

 

Vị thuốc tỳ giải

Thân rễ cây tỳ giải

Dược liệu tỳ giải sau khi được thái mỏng, phơi khô

Tính vị

  • Tính bình

  • Vị đắng

Quy kinh

Tỳ giải có thể tác động vào 2 kinh, gồm kinh Can và kinh Vị

Tác dụng dược lý

Y học cổ truyền cho rằng, tỳ giải có tác dụng khu phong, trừ thấp, hỏa trọc, hành huyết ứ, lợi tiểu. 

Chủ trị

  • Tiểu buốt, tiểu dắt, đi tiểu nhiều lần, nước tiểu đục, lắng cặn

  • Viêm bàng quang, viêm tiết niệu

  • Đau nhức xương khớp và tay chân do phong hàn thấp tỳ

  • Mụn nhọt

  • Sỏi đường tiết niệu

  • Phong tê thấp

  • Điều trị bệnh gút, gai cột sống khi dùng chung với một số dược liệu

Cách dùng và liều lượng

Tùy theo thể trạng, cơ địa, mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể dùng 4 – 20g tỳ giải mỗi ngày. Dùng đơn độc hoặc phối hợp cùng các nguyên liệu khác làm thuốc sắc hoặc làm hoàn.

Độc tính

Chất saponin trong tỳ giải khi sử dụng với liều cao kéo dài có thể gây phá vỡ hồng cầu và dẫn đến nhiều tác dụng phụ bất thường như: Say, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, tiêu lỏng, choáng váng đầu óc. Bên cạnh đó, một số trường hợp cơ địa quá mẫn có thể bị dị ứng với tỳ giải.

Tham khảo ý kiến thầy thuốc để được tư vấn đầy đủ những lợi ích và nguy cơ có thể gặp phải khi dùng củ cây tỳ giải làm thuốc chữa bệnh.

 

Bài thuốc sử dụng cây tỳ giải 

1. Chữa nhức mỏi hai chân, lở ngứa ngoài da do thấp nhiệt

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, ngưu tất, đương quy mỗi vị 14g, hà thủ ô, tra tử, đỗ trọng dây, xô thơm mỗi vị 12g, cam thảo 4g.

  • Cách dùng: Sắc thuốc với 5 bát nước cạn còn 2 bát thì ngưng. Uống làm 3 lần trong ngày

2. Trị các chứng tiểu rắt, nước tiểu đục do thấp nhiệt

  • Nguyên liệu: 16g tỳ giải, ô dược, anh khoa khố, thạch xương bồ mỗi vị 12g, cam thảo 8g

  • Cách dùng: Sắc uống tương tự như bài trên

3. Chữa mót tiểu nhiều lần trong ngày, nước tiểu đục kèm theo chất nhờn

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, bàng kỳ, anh hoa khoa, thạch xương bồ liều lượng như nhau

  • Cách dùng: Tán thuốc thành bột mịn bảo quản trong hũ kín. Mỗi lần lấy 8 – 12g bột đem sắc với 3 ly nước, thêm 1g muối ăn vào. Uống khi còn nóng.

4. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu buốt, đi tiểu liên tục nhưng số lượng nước tiểu ít

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, nghiệt bì, thử cô, sơn thù, thủy đề, phục linh, ngưu tất mỗi vị 12g, hoài sơn 16g

  • Cách dùng: Sắc kỹ lấy nước chia làm 3 lần uống. Dùng mỗi ngày 1 thang.

5. Điều trị mụn nhọt, ngứa da, rỉ dịch vàng do thấp nhiệt

  • Nguyên liệu: 20g tỳ giải, bạch tiên bì và uy linh tiên mỗi loại 12g, ké đầu ngựa và kim ngân mỗi vị 16g, thổ phục linh 32g, cam thảo 6g.

  • Cách dùng: Sắc uống đều đặn mỗi ngày 1 thang. Dùng liên tục cho đến khi khỏi bệnh thì ngưng.

6. Điều trị bệnh sỏi đường tiết niệu, nước tiểu lắng cặn

  • Nguyên liệu: 12g tỳ giải, 12g cây vảy rồng, 12g ý dĩ, 12g ngưu tất nam, 12g ô dước

  • Cách dùng: Sắc mỗi ngày 1 thang trong một thời gian để đánh tan sỏi

7. Trị phong thấp, đau nhức mình mẩy tay chân đến mức không thể vận động

  • Nguyên liệu: 12g tỳ giải, 12g cỏ xước, 12g sơn khương, 16g đan sâm, 8g hắc phụ, 8g chỉ xác

  • Cách dùng: Tán bột mịn, trộn đều với mật vo thành viên hoàn. Mỗi lần lấy 12g uống chung với rượu nóng.

8. Điều trị viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu rắt, đau mỏi lưng do thấp nhiệt

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, táo bì, phục linh, thủy đề, nghiệt bì, ngưu tất mỗi vị 12g, địa hoàng 20g, hoài sơn 16g, huyết quỷ 14g.

  • Cách dùng: Kiên trì sắc uống ngày 1 thang, sau một thời gian sẽ thấy bệnh tình có khởi sắc.

9. Điều trị tiểu nhỏ giọt, tiểu rắt do thấp nhiệt

  • Nguyên liệu: 8g tỳ giải, 2g sơn đồ, 4g phục linh, 6g huyết căn, 3g tâm sen, 4g sơn liên, 2g thạch xương bồ, 6g xa tiền tử.

  • Cách dùng: Sắc uống hàng ngày, mỗi ngày 1 thang.

10. Chữa đi tiểu nhiều lần trong ngày, mất kiểm soát trong hoạt động tiểu tiện

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, cây ruột già, phục linh, mộc miên, hoàng kỳ, anh hoa khố, lông cu li, lộc nhung, đại vân, thỏ ty tử.

  • Cách dùng: Tán thuốc thành bột mịn, trộn chung với rượu hồ. Vo thuốc thành viên hoàn cỡ bằng hạt ngô. Uống chung với rượu ấm, mỗi lần sử dụng 30 viên.

11. Điều trị đau dây thần kinh tọa, kinh thận trúng phong

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, lông cu li, tư tiên, bạch linh, hà thủ ô, mã đề nước, thiên hùng lượng bằng nhau

  • Cách dùng: Tán tất cả thành bột mịn. Mỗi ngày hòa 8g chung với nước cơm uống.

12. Điều trị đau nhức xương khớp, nhọt độc, giang mai, đầu đau nhức và căng như sắp vỡ

  • Nguyên liệu: 20g tỳ giải; 2,4g bách chiểu; 2g cam thảo; 2,4g xuyên quy; 20g hà thủ ô, 2,4g nghiệt bì; 2,4g hồ ma; 1,2g hồng hoa, 20g bạch hành; 1,8g khương hoạt; 20g hồi thảo; 6g quy bản; 2,4g mã kế; 2,4g thạch xương bồ; 2,4g mọc thông; 1,8g xuyên tiêu.

  • Cách dùng: Sắc lấy nước đặc hòa chung với một ít rượu uống. Trường hợp bị bệnh ở phần trên nên uống sau bữa ăn, ngược lại uống lúc bụng đang đói.

13. Chữa ung nhọt do thấp nhiệt

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, đơn bì, hoàng bá, hoạt thạch, thông thảo, trạch tả, ý dĩ nhân, xích linh. Liều lượng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

  • Cách dùng: Sắc uống

14. Điều trị bệnh gout

+ Dùng cho người bệnh thể khí trệ trọc ứ: Bệnh hay tái phát, khớp sưng xơ cứng, biến dạng, rêu lưỡi trắng đóng lớp dày

  • Nguyên liệu: 24g tỳ giải, 30g thục chi, 15g thương truật, 24g hạt cườm (ý dĩ), 24g mao đông thanh, 10g vảy con tê tê ( xuyên sơn giáp), 12g đương quy, 15g rễ thược dược, 15g ngưu tất, 15g uy linh tiên, 6g vỏ quýt, 8g xuyên khung.

  • Cách dùng: Tất cả gộp chung lại sắc uống ngày 1 thang.

+ Chữa bệnh gút thể tỳ hư trọc ứ: Các khớp đau nhức ê ẩm, tê bì tay chân, nổi cục tophi, cử động kém linh hoạt, chất lưỡi hồng nhạt đóng rêu trắng.

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, hoàng kỳ, ý dĩ, thổ phục linh mỗi vị 24g, hán trung phòng kỷ, bạch truật, tàm sa, xích thược mỗi vị 12g.

  • Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống 1 thang

+ Bài thuốc tăng cường chuyển hóa axit uric, giảm đau nhức xương khớp, tiêu viêm, bổ gan thận

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, địa hoàng, thược dược, thổ phục linh, đỗ phụ, phòng phong, cỏ xước, bạch giới tử, sơn khương, cam thảo, hỏa sâm mỗi vị 12g.

  • Cách dùng: Đem thuốc sắc với 5 chén nước lấy 1 chén. Gạn ra uống sau khi ăn tối.

+ Dùng cho bệnh nhân bị gout lâu năm có triệu chứng đau nhức khớp dữ dội, tê bì tay chân

  • Nguyên liệu: 16g tỳ giải, 12g bạch truật, 12g thủy đề, 12g bạch linh, 4g cam thảo, 16g bạch cát, 16g sinh địa, 3 quả đại táo.

  • Cách dùng: Cho tất cả vào ấm chuyên dụng sắc với 5 chén nước. Sắc cạn còn 3 chén thì ngưng. Chia uống vào buổi sáng, trưa, tối.

15. Điều trị bệnh gai cột sống

  • Nguyên liệu: 16g tỳ giải, 12g khoan cân đằng, 20g cẩu tích, 20g hoài sơn (củ mài ), 16g đỗ trọng, 16g hộc huyết, 12g thỏ ty tử, 12g ngưu tất nam, 12g củ mài.

  • Cách dùng: Sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc có thể ngâm chung với rượu số lượng lớn dùng dần, mỗi lần uống 15ml x 2- 3 lần/ngày.

16. Điều trị bệnh viêm bàng quang

+ Bài 1: Dùng cho bệnh nhân mãn tính

  • Nguyên liệu: Tỳ giải, xa tiền tử mỗi vị 16g, thục địa, nga truật, sa sâm, thạch hộc, ngưu tất, hoàng bá nam mỗi vị 12g, kim ngân hoa 20g, tạo giác thích 8g.

  • Cách dùng: Sắc thuốc chia 2 lần uống vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi ngày 1 thang

+ Bài 2: Hỗ trợ điều trị, cải thiện các triệu chứng bệnh

  • Nguyên liệu: 30g tỳ giải, 40g râu mèo, 30g rễ ý dĩ. 

  • Cách dùng: Đem thuốc sắc uống 1 thang mỗi ngày

 

Kiêng kỵ khi dùng cây tỳ giải

Không dùng dược liệu này cho các trường hợp:

  • Âm hư hỏa vượng

  • Thận hư gây đau lưng

  • Dị ứng với thành phần hóa học của tỳ giải

Ngoài ra, bà bầu, phụ nữ cho con bú, người đang được điều trị bằng thuốc tây, người mắc bất kỳ bệnh lý nào trong cơ thể cũng cần thông báo cho thầy thuốc biết khi được chỉ định các bài thuốc có cây tỳ giải.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top