✴️ Cây vạn niên thanh

Cây vạn niên thanh thường được sử dụng với mục đích phong thủy và làm cảnh. Tuy nhiên, Vạn niên thanh hay còn gọi là Ngưu vĩ thất là một vị thuốc thân thảo, sống lâu năm và có nhiều tác dụng điều trị bệnh.

Cây Vạn niên thanh

Cây Vạn niên thanh có tác dụng thanh nhiệt và điều trị mụn nhọt, sưng đau họng,…

  • Tên khác: Ngưu vĩ thất, Xung thiên thất, Khai khẩu kiểm, Thanh ngư đảm, Trúc căn thất, Kim thế đại, Khai hầu kiểm, Ngô công thất, Ngưu đại hoàng, Bạch hà xa, Thiết biên đảm,…

  • Tên khoa học: Rohdea japonica Rosh

  • Họ: Hành tỏi Liliaceae

 

Mô tả dược liệu Vạn niên thanh

1. Đặc điểm dược liệu

Cây Vạn niên thanh là cây thân thảo, cao khoảng 35 – 40 cm, thân dày 1 – 1,5 cm. Thân trên có nhiều đốt, xung quanh có lông trắng bao quanh, sờ vào có cảm giác mềm mịn. Rễ Vạn niên thanh to, khỏe, có nhiều rễ con mọc ra xung quanh.

Lá bắt đầu mọc từ rễ cây, đầu lá nhọn, chiều dài từ 10 – 25 cm, chiều rộng khoảng 3 – 6 cm. Cuống lá dài khoảng 5 – 10 cm, có bẹ và thon về phần gốc lá. Lá có nhiều gân, gân phụ rõ ràng, cong lên.

Hoa thường mọc ở trên ngọn hoặc hai bên. Đài hoa dài khoảng 3,5 – 4,5 cm, có nhiều chấm trắng, buồng hoa hình trụ, có chân ngắn. Hoa có màu xanh nhạt.

Phần quả có dạng quả mọng, thuôn, chấm trắng dài từ 12 – 18 mm, rộng tầm 7 – 10 mm.

2. Bộ phận dùng

Toàn thân cây Vạn niên thanh đều có thể làm thuốc. Tuy nhiên, sử dụng phổ biến là rễ và thân.

3. Phân bố

Vạn niên thanh sinh sống và phát triển ở các nước nhiệt đới, nóng ẩm, thường được tìm thấy ở các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam,.. và phía nam Trung Quốc.

Ở nước ra, Vạn niên thanh phổ biến ở các tán rừng ẩm ướt, nhiều nhất là các chân núi đá vôi và có nhiều mùn. Điển hình như Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội, Tây Ninh, Đồng Nai.

Hiện tại, Vạn niên thanh được nhân giống và trồng để làm cảnh.

4. Thu hái và sơ chế

Vạn niên thanh có thể thu hái quanh năm. Rễ và cây (có thể cắt bỏ lá) rửa sạch, phơi khô để dùng dần. Hoặc có thể dùng tươi.

5. Bảo quản

Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm ướt và ánh sáng trực tiếp.

6. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học có trong cây Vạn niên thanh bao gồm:

  • Rodexin A

  • Rodexin B

  • Rodexin C

 

Vị thuốc Vạn niên thanh

dược liệu Vạn niên thanh

Vạn niên thanh vị đắng, tính lạnh có chứa độc tố

1. Tính vị

Vạn niên thanh vị đắng, tính lạnh.

2. Qui kinh

Đi vào kinh phế, có độc.

3. Tác dụng dược lý và chủ trị

Tác dụng dược lý:

  • Đối hệ thống tuần hoàn: Có tác dụng tăng cường co bóp cơ tim, hưng phấn thần kinh phế vị, làm cho nhịp tim trở lại bình thường.

  • Đối với hệ thống thần cơ xương: Làm tê liệt các cơ, xương, khớp.

  • Đối với hệ thống hô hấp: Làm tăng hoạt động hô hấp sau đó điều hòa lại.

  • Đối với trung khu nôn: Tăng sự kích thích, co bóp, gây nôn.

  • Đối với cơ trơn: Làm hưng phấn cơ trơn của dạ dày, ruột, tử cung và kích thích co bóp.

Chủ trị:

  • Sưng đau họng

  • Bệnh trĩ

  • Mụn nhọt

  • Điều trị rắn cắn

  • Bệnh liệt dương

  • Trợ tim

  • Suy nhược cơ thể

  • Viêm tuyến mang tai

4. Cách dùng – Liều lượng

Cây Vạn niên thanh có thể sử dụng tươi hoặc khô đều có tác dụng tương tự. Trong Vạn niên thanh có chứa một lượng độc tố nhất định, do đó sử dụng theo khuyến cáo và chỉ định của thầy thuốc.

 

Bài thuốc điều trị bệnh từ cây Vạn niên thanh

Sử dụng Vạn niên thanh

Sử dụng Vạn niên thanh theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc

1. Trị bạch hầu

Dùng 40 g rễ Vạn niên thanh tươi, mang đi rửa sạch, cắt nhỏ, để ráo nước. Sau đó cho vào 100 ml dấm ngâm 2 ngày, lọc bã, thêm 100 ml nước đun sôi để nguội, hòa thành dung dịch.

Khi dùng có thể cho thêm đường để cải thiện hương vị. Liều dùng như sau:

  • Trẻ dưới 1 tuổi: 1 ml / lần

  • Trẻ 1 – 2 tuổi: 2 ml / lần

  • Trẻ 3 – 4 tuổi 3 ml / lần

  • Trẻ 5- 6 tuổi: 4 ml / lần

  • Trẻ 7 – 9 tuổi: 5 ml / lần

  • Trẻ 10 – 12 tuổi: 6 ml / lần

  • Trẻ 13 – 15 tuổi: 7 ml / lần

  • Trẻ trên 16 tuổi và người trưởng thành: 10 – 15 ml / lần.

Mỗi ngày dùng thuốc 6 lần, mỗi lần cách nhau 4 giờ.

2. Trị suy tim

Người trường thành bị suy tim có thể dùng 20 – 15 g Vạn niên thanh sắc cùng 150 ml nước đến khi cạn còn 50 ml la được. Cho thêm 120 ml nước vào phần bã thuốc, lại sắc đến khi còn 40 ml là được. Trộn thuốc hai lần sắc vào nhau chia thành 3 lần để uống trong ngày.  

Thời gian điều trị từ 7 – 10 ngày. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, có thể sử dụng thêm 1 liệu trình tương tự.

3. Trị tim đập thất thường

Dùng 20 g Vạn niên thanh sắc thành nước, chia uống thành 2 – 3 lần mỗi ngày. Thời gian điều trị liên tục trong 4 ngày.

4. Trị cảm nắng đau bụng

Dùng 10 – 30 g cây Vạn niên thanh sắc nước uống trong ngày.

5. Trị viêm tuyến mang tai

Sử dụng 20 – 30 g rễ cây Vạn niên thanh tươi, rửa sạch, để ráo, giã nhỏ. Sau đó đắp thuốc vào vùng da bị tổn thương. Mỗi ngày thực hiện 2 lần để thấy hiệu quả điều trị.

6. Lợi tiểu, thanh nhiệt

Uống nước rễ và thân Vạn niên thanh có thể hỗ trợ thanh nhiệt, lợi tiểu, cầm máu, chữa nóng trong người.

7. Trị ngã tổn thương

Người vừa mới bị ngã, bong gân, sưng đau, gân cốt không linh hoạt có thể dùng rễ Vạn niên thanh để nấu nước uống như trà.

8. Trị thoát giang

Dùng cả cây Vạn niên thanh sắc thành nước. Lấy nước này để rửa, vệ sinh vùng bệnh mỗi ngày. Kế đến dùng bột Ngũ bội tử để bôi vào chỗ bệnh.

9. Trị rắn cắn

Dùng rễ Vạn niên thanh tán thành bột mịn sau đó bôi vào vết rắn cắn.

10. Trị trĩ sưng đau

Sử dụng cây Vạn niên thanh sắc với xương đùi chó (bỏ hai đầu) để xông và rửa búi trĩ. Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần.

Hoặc người bệnh cũng có thể chỉ dùng cây Vạn niên thanh để nấu nước xông rửa hậu môn.

11. Trị liệt dương

Dùng cây Vạn niên thanh cắt ngang cho vào ấm nước, đun sôi, để nguội. Dùng uống có thể bồi bổ cơ thể, điều trị liệt dương và hỗ trợ tim mạch.

 

Lưu ý khi dùng cây Vạn niên thanh

Vạn niên thanh là vị thuốc Nam quý, được sử dụng khá rộng rãi trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, bản thân Vạn niên thanh có chứa chất độc có thể gây ngứa da hoặc khó chịu ở mắt nếu dính vào. Nếu sử dụng một lượng lớn lá Vạn niên thanh có thể gây nôn mửa, sùi bọt mép. Do đó, chỉ sử dụng Vạn niên thanh theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc.

Khi trúng độc Vạn niên thanh, hệ thần kinh bị kích thích, hưng phấn trung khu thần kinh, ức chế tim. Để khắc phục tình trạng này, người dùng rửa dạ dày bằng cách uống nước Đẳng sâm, Mạch môn, Ngũ vị tử.

Mặc dù Vạn niên thanh mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng chứa độc tố nguy hiểm. Do đó, không được tự ý sử dụng vị thuốc để tránh tác dụng không mong muốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top