Cây vông vang có tác dụng lợi thấp, thanh nhiệt, tiêu thũng, bạt độc, bài nung, chỉ thống, hoạt thai,… Thảo dược này được dùng ngoài da để trị vết rắn cắn, mụn nhọt, sưng đau khớp,… hoặc dùng đường uống để trị táo bón và tiểu tiện kém.
Cây vông vang có nguồn gốc từ Ấn Độ, thuộc họ Cẩm quỳ (danh pháp khoa học: Malvaceae)
Tên gọi khác: Bông vang, Bụp vang, Bông vàng, Hoàng quỳ
Tên khoa học: Abelmoschus moschatus
Họ: Cẩm quỳ (danh pháp khoa học: Malvaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Vông vang là cây sống hằng năm, có thể sống được 2 năm. Thân có lông ráp, chiều cao trung bình từ 1 – 2m. Lá có cuống dài, mép lá có răng cưa, mặt ngoài lông, gân lá hình chân vịt, mọc so le.
Hạt của cây vông vang có màu nâu, nhỏ và hình thận
Hoa của cây vông vang thường mọc ở nách lá, có đường kính lớn, màu vàng, phần giữa có màu nâu tím nhẹ. Quả dài 4 – 5 cm, hình bầu dục, bên ngoài có lông cứng bao phủ. Hạt màu nâu, nhỏ và hình thận.
2. Bộ phận dùng
Lá, hoa và rễ của cây được thu hái làm thuốc. Hạt của cây cũng có khi được dùng nhưng ít phổ biến hơn.
3. Phân bố
Cây vông vang có nguồn gốc ở Ấn Độ. Đến nay loài thực vật này đã được di thực vào nhiều quốc gia để làm thuốc và chế xuất tinh dầu. Cây mọc hoang ở nương rẫy và các vùng núi ở nước ta.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái cây vông vang quanh năm. Lá và rễ có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Nếu dùng hoa, nên hái vào mùa hè, hạt thu hái vào mùa thu, có thể dùng tươi hoặc phơi khô tùy vào mục đích sử dụng.
5. Bảo quản
Dược liệu dễ bị ẩm mốc, vì vậy cần bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng gió.
6. Thành phần hóa học
Cây vông vang có chứa chất dầu màu vàng và các thành phần hóa học sau:
acid palmitic
acid linoleic
farnesol
terpen
flavonoid
canabistrin
myricetin
Vị thuốc vông vang
1. Tính vị
Vị hơi ngọt, tính mát. Lá nhớt, vị nhạt và tính mát.
2. Qui kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
Tác dụng hạ sốt, lợi tiểu, chống co thắt, nhuận tràng, sát trùng.
Theo Đông y:
Tác dụng lợi thấp, thanh nhiệt, tiêu thũng, bạt độc, bài nung, chỉ thống, hoạt thai.
Chủ trị:
Trị nhức mỏi xương khớp, sỏi niệu, mụn nhọt, đau do khớp viêm sưng nóng, viêm loét dạ dày tá tràng và co quắp cơ.
Lá được dùng để trị thủy thũng, đau móng, táo bón, gãy xương và trị ung sang thũng độc.
Hoa được dùng để chữa bỏng. Hạt dùng để kích thích thận và ruột, trị đái dầm, rắn cắn và đau đầu.
Tại Trung Quốc, nhân dân còn dùng cây vông vang để trị sỏi niệu đạo, lỵ amip, sản hậu tắc tuyến sữa, ho do phổi nóng, sốt cao,…
4. Cách dùng – liều lượng
Cây vông vang có thể được dùng ngoài (giã nát, đắp) hoặc sắc uống. Liều dùng rễ: 10 – 15g/ ngày, hạt 10 – 12g/ ngày và lá 20 – 40g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây vông vang
1. Bài thuốc chữa tiểu đục
Chuẩn bị: Dùng rễ vông vang 1 năm tuổi.
Thực hiện: Đem rễ giã nát, chỉ lấy 1/3 nước, sau đó phơi sương trong 1 đêm và dùng uống khi đói.
2. Bài thuốc chữa đái dắt và có thai lậu nhiệt
Chuẩn bị: Mộc thông, hạt vông vang và hoạt thạch bằng lượng nhau.
Thực hiện: Dùng các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g uống với nước hành. Hoặc có thể dùng các vị sắc lấy nước uống.
3. Bài thuốc chữa bụng trướng và đại tiện không thông
Chuẩn bị: Hạt vông vang 20g.
Thực hiện: Sắc uống, dùng 3 thang là khỏi.
4. Bài thuốc chữa mụn nhọt
Chuẩn bị: Rễ gai và rễ vông vang bằng lượng nhau.
Thực hiện: Đem rẽ rửa sạch, để ráo và giã nát rồi đắp lên mụn nhọt.
5. Bài thuốc chữa rắn cắn
Chuẩn bị: Hạt hồng bì 20g, lá vông vang 50g và lá dây bông báo 50g.
Thực hiện: Đem giã nát các dược liệu, dùng nước cốt xoa lên vết cắn. Sau đó đem bã đắp lên vết rắn cắn. Hoặc dùng dược liệu khô, tán bột và rắc lên vết thương.
Lưu ý khi dùng dược liệu vông vang
Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu vông vang:
Một số bài thuốc từ cây vông vang chưa được chứng minh về tác dụng và độ an toàn.
Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ không nên tùy tiện dùng bài thuốc từ dược liệu này.
Dược liệu không có độc, tuy nhiên dùng dược liệu đắp ngoài da có thể gây dị ứng với những người có làn da nhạy cảm.
Các nghiên cứu về cây vông vang còn nhiều hạn chế. Nếu bạn muốn tìm hiểu về một số vấn đề chuyên sâu, vui lòng trao đổi với người có chuyên môn để được giải đáp cụ thể. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị thay thế cho tư vấn của bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh