✴️ Đậu ván trắng

Đậu ván trắng còn được gọi với tên quen thuộc trong nhiều bài thuốc là bạch biển đậu. Loại đậu này không chỉ được dùng để chế biến món ăn giải nhiệt mà còn là vị thuốc chữa ăn uống kém, suy nhược cơ thể, chống nôn, điều hòa các tạng, giải độc, thuốc bổ tỳ vị…

cây đậu ván trắng

Đậu ván trắng là vị thuốc được áp dụng trong nhiều bài thuốc Đông y với tên gọi Bạch biển đậu

  • Tên gọi khác: Bạch tiểu đậu, Đậu biển, Bạch đậu, Nam biển đậu, Nga mi đậu, Biển đậu hoa…

  • Tên khoa học: Dolichos Lablab Lin.

  • Họ: Đậu (Fabaceae).

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Đậu ván trắng là loại cây dây leo, chiều dài thân có thể lên đến 4 – 5m, mặc dù sống nhiều năm nhưng thường được trồng và thu hoạch chỉ trong 1 năm. Thân cây có hình trụ, bề ngoài hơi có lông.

Lá kép mọc so le nhau gồm 3 lá chét. Lá chét có hình trái xoan, hình thoi cụt đầu hay tù ở gốc, với phần mũi nhọn, ngắn, dài khoảng 5 – 8cm, rộng khoảng 3,5 – 6cm. Mặt trên lá không có lông nhưng mặt dưới lại có ít lông ngắn. Gân gốc 3, phần cuống của lá kép có rãnh dài khoảng 5 – 7cm, lá kèm hình chỉ và thường rụng sớm.

Hoa mọc thành từng chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá, cuống dài tới 15 – 25cm. Hoa khá to có màu trắng hoặc tím, mùi thơm. Mùa hoa rơi vào khoảng tháng 4 – 5.

Quả đậu ván trắng ngắn, rất dẹt, dài khoảng 6m và rộng khoảng 2cm, phần gốc thuôn hẹp, phần đầu cụt nghiêng có mũi nhọn cong với màu lục nhạt và một bên mép sần sùi. Mùa quả vào khoảng tháng 9 – 10.

2. Bộ phận dùng

Hạt và hoa của cây đậu ván trắng là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc, trong đó hạt được dùng phổ biến hơn.

3. Phân bố

Ở nước ta, dược liệu đậu ván trắng được trồng rất phổ biến ở nhiều nơi, nhiều nhất ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định hay Đồng Nai.

4. Thu hái và sơ chế

Thời điểm thu hái dược liệu thường vào khoảng tháng 9 – 10 cho đến hết mùa đông khi quả chín. Loại hạt được chọn dùng làm vị thuốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn như hạt trắng, cứng chắc, không sâu mọt.

dược liệu đậu ván trắng

Hình ảnh hạt đậu ván trắng đủ tiêu chuẩn được chọn làm vị thuốc

Hạt sau khi đã được tách ra khỏi quả có thể sơ chế theo một số cách sau:

  • Đem hạt sửa sạch rồi để ráo nước sau đó sao qua với cát cho khỏi cháy.

  • Sử dụng hạt nguyên đem đi phơi khô rồi bảo quản dùng dần.

  • Để nguyên cả vỏ, tiến hành đem sao cho chín rồi dùng.

5. Bảo quản

Dược liệu đã qua sơ chế cần bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh độ ẩm cao và ánh nắng mặt trời trực tiếp.

6. Thành phần hóa học

Phân tích dược liệu đậu ván trắng ghi nhận sự hiện diện của một số thành phần sau:

  • Maltose

  • Glucose

  • Sucrose

  • Oleic acid

  • Tryptophan

  • Vitamin B1, C

  • Tyrosin

  • Dolichosteron

  • Homodolichosteron

  • Homodolicholid

  • 6-Deoxycastaseron

  • Galactosyl-Arabinose

 

Vị thuốc đậu ván trắng 

1. Tính vị

Đa phần các tài liệu Đông y ghi nhận vị thuốc đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn và không có độc.

2. Quy kinh

Được quy vào 2 kinh Vị và Tỳ.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại:

  • Tác dụng kháng khuẩn: Dịch tiết từ dược liệu được cho là có thể ức chế hoạt động của trực khuẩn lỵ.

  • Tác dụng giải độc: Đậu ván trắng có tác dụng giải độc rượu, đồng thời ngăn ngừa ngộ độc thức ăn, nhất là trúng độc cá nóc.

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Trừ thấp nhiệt, chỉ khát, thanh thử, giải độc, bổ ngũ tạng, hòa trung hạ khí, kiên vị, bổ tỳ…

  • Chủ trị: Ngộ độc rượu, tiêu chảy, viêm đại tràng cấp tính, ăn không tiêu, thử nhiệt, thổ tả, bạch đới ở phụ nữ, tỳ vị hư yếu…

4. Cách dùng – liều lượng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và mỗi bài thuốc mà có thể dùng vị thuốc ở dạng thuốc sắc, tán bột hoàn viên hay giã nát dùng ngoài. Liều lượng được khuyến cáo là khoảng 8 – 12g/ngày ở dạng nước sắc. Tuy nhiên có thể linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp, nhất là khi kết hợp với các vị thuốc khác.

đậu ván trắng

Đậu ván trắng có tác dụng dược lý tương đối đa dạng

 

26 bài thuốc và món ăn chữa bệnh từ dược liệu đậu ván trắng

Sau đây là thông tin về một số bài thuốc có sử dụng dược liệu đậu ván trắng:

1. Bài thuốc chữa thổ tả

  • Chuẩn bị: 40g đậu ván trắng cùng với 40g hương nhu.

  • Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc trên rồi cho vào ấm sắc cùng với 6 chén nước trên lửa nhỏ. Thu lấy 2 chén chia đều ra thành 2 lần uống trong ngày, dùng với liều 1 thang/ngày.

2. Bài thuốc trị đau bụng thổ tả do nội thương thử thấp vào mùa hè

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị 12g đậu ván trắng, 12g hương nhu cùng với 8g hậu phác. Tất cả các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước uống. Chia làm nhiều lần uống trong ngày nhưng chỉ dùng với liều 1 thang/ngày.

  • Bài thuốc 2: 30g đậu ván trắng (đã sao), 30g hậu phác (sao gừng), 16g chích thảo, 30g phục thần cùng với 60g hương nhu. Các vị thuốc đem đi tán bột rồi trộn đều. Mỗi lần dùng 6g sắc lấy nước uống, tần suất 1 lần/ngày.

3. Bài thuốc chữa tiêu chảy do tỳ hư

  • Chuẩn bị: 960g đậu ván trắng, 1280g đảng sâm, 1280g cam thảo, 1280g bạch truật, 1280g phục linh, 640g sa nhân, 640g liên nhục, 640g ý dĩ, 640g cát cánh.

  • Thực hiện: Các vị thuốc đem tán thành bột mịn rồi trộn thật đều. Mỗi lần chỉ uống 12g cùng với nước sắc đại táo, dùng với tần suất 2 – 3 lần/ngày.

4. Bài thuốc chữa tiểu đường, khát nước

  • Chuẩn bị: Đậu ván trắng với lượng tùy ý.

  • Thực hiện: Vị thuốc trên đem ngâm nước rồi bỏ vỏ và nghiền nhỏ. Trộn cùng với nước sắc thiên hoa phấn và mật ong để làm viên hoàn to bằng hạt ngô đồng. Lấy kim bạc bọc ngoài làm áo, mỗi lần uống khoảng 20 – 30 viên cùng với nước sắc thiên hoa phấn. Dùng với tần suất 2 lần/ngày.

5. Bài thuốc chữa xích bạch đới

  • Chuẩn bị: Đậu ván trắng với liều lượng tùy ý.

  • Thực hiện: Đem sao trên chảo nóng rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần chỉ uống 8g cùng với nước cơm, dùng tần suất 1 lần/ngày.

6. Bài thuốc trị sinh nọn

  • Chuẩn bị: 20g đậu ván trắng, 30g bạch mao căn, 8g bán hạ, 8g bạch truật, 8g tỳ bà diệp (bỏ lông), 8g nhân sâm, 20g sinh khương.

  • Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên đem tán hết thành bột rồi trộn đều. Mỗi lần lấy uống 8g cùng với nước sôi ấm, dùng 1 lần/ngày.

7. Bài thuốc chữa lỵ, nôn mửa do thương thử

  • Chuẩn bị: 16g đậu ván trắng cùng với 8g hoắc dương.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc lấy uống trong ngày, sử dụng 1 thang/ngày. Hoặc có thể chỏ dùng 30 hạt bạch biển đậu để giã lấy nước uống.

8. Bài thuốc giải các loại độc dược

  • Chuẩn bị: Đậu ván trắng với liều lượng tùy ý.

  • Thực hiện: Vị thuốc đem tán thành bột mịn. Mỗi lần chỉ lấy uống 12g với nước sôi ấm. Tần suất sử dụng 2 lần/ngày.

9. Bài thuốc trị thiếu màu, da vàng

  • Chuẩn bị: 12g đậu ván trắng, 12g bố chính sâm, 12g hoài sơn, 6g hạt keo đậu, 6g ô tắc cốt, 6g mậu lệ, 6g ý dĩ.

  • Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc chung với 1 thăng nước tới khi còn phân nửa. Chia làm nhiều lần uống trong ngày, chỉ dùng 1 thang/ngày.

10. Bài thuốc chữa cảm sốt, nôn ói, ăn uống không tiêu

  • Chuẩn bị: 20g đậu ván trắng đã sao, 12g hậu phác, 16g hương nhu.

  • Thực hiện: Những vị thuốc trên đem sắc trên lửa nhỏ với 1 thăng nước trong 10 – 15 phút. Chia thuốc làm nhiều lần uống, mỗi ngày dùng chỉ 1 thang.

11. Bài thuốc trị trường vị viêm cấp tính vào mùa hè

  • Chuẩn bị: 4g đậu ván trắng, 8g thương truật, 8g hoắc hương.

  • Thực hiện: Các vị thuốc đem sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.

12. Bài thuốc chữa tiêu chảy do tỳ vị hư yếu

  • Chuẩn bị: 50g đậu ván trắng (sao), 30g mạch nha (sao sơ), 60g sơn dược, 40g sơn tra (hắc).

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán hết thành bột rồi trộn đều với nhau. Mỗi lần chỉ uống 16g với nước sôi ấm, tần suất 2 lần/ngày.

13. Bài thuốc trị bạch đới ra nhiều có màu xanh

  • Chuẩn bị: 16g đậu ván trắng, 12g tiền nhân, 18g sơn dược cùng với 6g ô tặc cốt.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc lấy nước. Chia làm nhiều lần uống trong ngày khi thuốc còn ấm. Dùng với liều 1 thang/ngày.

14. Bài thuốc chữa thủy thũng do tỳ hư

  • Chuẩn bị: 160 đậu ván trắng.

  • Thực hiện: Đem vị thuốc đi sao vàng rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy ra dùng 12g cùng với nước sôi ấm, tần suất 3 lần/ngày.

15. Bài thuốc chữa lỵ trực khuẩn

  • Chuẩn bị: 10g hoa đậu ván tươi cùng với 30g địa miên thảo tươi.

  • Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc trên lửa nhỏ cùng nửa thăng nước trong 15 phút. Chia thuốc ra thành nhiều lần uống trong ngày với liều 1 thang/ngày.

16. Món ăn bài thuốc chữa chứng thử nhiệt, tâm phiền, miệng khô khát

  • Chuẩn bị: 80g đậu ván trắng sao, 120g xích tiểu đậu, 500g bí đao, 200g ý dĩ, 2 lá sen tươi (cho vào sau), 25g tỳ giải, 1 cái bao tử heo, 8g trần bì.

  • Thực hiện: Các nguyên liệu trên đem sơ chế sạch rồi cho vào nồi sành nấu sôi với nước trên lửa lớn. Để nhỏ lửa và hầm liên tục trong 3 giờ. Cuối cùng cho lá sen vào rồi nấu sôi và nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

đậu ván trắng dược liệu

Có thể dùng đậu ván trắng để chế biến thành món ăn thanh nhiệt, giải độc

17. Món ăn bài thuốc giúp kiện tỳ, thanh nhiệt, lợi thấp

  • Chuẩn bị: 30g đậu ván trắng, 250g đông qua, 50g xích tiểu đậu, 25g trư linh, 25g trạch tả cùng với 100g trư nhục.

  • Thực hiện: Sơ chế sạch các nguyên liệu rồi cho tất cả vào nồi hầm đến khi trư nhục chín nhừ là được. Nêm mếm lại gia vị cho vừa miệng, ăn khi còn ấm nóng.

18. Bài thuốc Sâm linh bạch truật tán

  • Chuẩn bị: 9g bạch biển đậu (sao vàng), 12g nhân sâm, 12g bạch linh, 6g sa sâm, 6g ý dĩ, 12g bạch truật (sao với cám), 6g hạt sen (sao vàng), 12g hoài sơn (sao vàng với cám), 12g cam thảo (chích mật), 6g cát cánh (chích mật).

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đây đem sắc để lấy nước uống trong ngày khi còn ấm. Có thể chia làm nhiều lần uống nhưng chỉ dùng 1 thang/ngày.

19. Bài thuốc chữa bế kinh

  • Chuẩn bị: 15g đậu ván trắng, 50g gạo tẻ, 50g ý dĩ, 3g hồ tiêu, 15g sơn tra cùng 30g đường đỏ.

  • Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu nấu thành cháo. Ăn khi còn nóng, duy trì liên tục trong ít nhất 7 ngày.

20. Bài thuốc chữa tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn

  • Chuẩn bị: 20g đậu ván trắng, 12g ô mai, 12g sa nhân, 12g thảo quả, 12g sắn dây cùng với 6g cam thảo.

  • Thực hiện: Các vị thuốc này đem tán thành bột mịn, trộn đều rồi làm thành viên. Mỗi lần lấy uống 20g cùng với nước chè đặc với tần suất 1 lần/ngày.

21. Bài thuốc chữa viêm đại tràng mãn tính

  • Chuẩn bị: 20g đậu ván trắng (sao vàng), 16g lá khổ sâm, 10g cam thảo, 10g trần bì, 12g cao lương khương, 12g sơn thù, 20g bạch truật (sao hoàng thổ), 20g hoài sơn (sao).

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc cùng 1,4 lít nước để thu lấy 350ml. Chia đều thành 2 lần uống khi còn ấm, ngày chỉ dùng 1 thang.

22. Bài thuốc chữa chứng ăn uống kém, mệt mỏi, nôn nhiều trong thai kỳ

  • Chuẩn bị: 20g đậu ván trắng (sao), 12g đỗ trọng (sao muối), 16g tía tô, 10g cam thảo bắc, 8g sinh khương, 16g ngải diệp (sao qua), 16g liên nhục, 16g sa sâm, 16g bạch truật.

  • Thực hiện: Cho các vị thuốc vào ấm đổ thêm 1,4 lít nước sắc lấy 200ml. Tiếp tục đổ thêm 1 thăng nước nữa vào sắc lấy 150ml. Trộn đều nước sắc lại rồi hãm cho sôi và chia làm 2 lần uống. Ngày chỉ dùng 1 thang.

23. Bài thuốc chữa chứng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: 12g đậu ván trắng, 10g rễ đinh lăng, 4 quả đại táo, 12g hoài sơn, 6g trần bì, 6g cam thảo, 10g bạch truật.

  • Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước đặc. Chia đều thành 3 lần uống trong ngày với liều lượng 1 thang/ngày.

24. Bài thuốc chữa ăn uống kém do tỳ vị hư hàn

  • Chuẩn bị: 16g đậu ván trắng (sao qua), 16g bạch truật (sao hoàng thổ), 10g trần bì, 10g cam thảo, 20g hoài sơn, 12g ngũ gia bì, 20g đinh lăng (sao gừng), 10g đỗ trọng, 20g liên nhục.

  • Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc cùng 1 thăng nước lấy 300ml. Chia đều thành 2 lần uống khi còn ấm, dùng mỗi ngày đúng 1 thang thuốc.

25. Bài thuốc trị chứng khí hư ra nhiều ở phụ nữ

  • Chuẩn bị: 16g đậu ván trắng, 16g trạch lan, 10g uất kim, 20g rễ bạch đồng nữ (thái mỏng, soa vàng), 12g hương phụ, 20g hạ liên châu, 10g bạch linh.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng với liều chỉ 1 thang/ngày.

26. Bài thuốc chữa cảm thời khí vào mùa xuân

  • Chuẩn bị: 20g đậu ván trắng (sao vàng), 16g phòng sâm, 16g cát căn, 16g mạch môn, 16g tía tô, 16g kinh giới, 16g hoàng kỳ (sao mật), 8g sinh khương, 10g bạch chỉ cùng 10g trần bì.

  • Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc trên lửa nhỏ với 1,4 thăng nước lấy 200ml. Sau đó đổ thêm 1 thăng nước để sắc lấy 150ml. Trộn chung nước thu được của 2 lần sắc và hãm cho sôi. Chia đều thành 2 lần uống trong ngày, dùng đúng 1 thang/ngày.

 

Lưu ý khi sử dụng đậu ván trắng để chữa bệnh

Đậu ván trắng chỉ phát huy công dụng khi dùng đúng cách và trường hợp. Trong một số tình huống, việc sử dụng vị thuốc này được cho là không nên. Người bệnh có thể sẽ dễ gặp phải những tác dụng không mong muốn.

  • Theo Trung Dược Học: Tuyệt đối không sử dụng khi đang bị chứng thương hàn hay có ngoại tà.

  • Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Không nên dùng khi trường vị có trệ.

Những thông tin về dược liệu đậu ván trắng mà bài biết cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Nếu có ý định sử dụng vị thuốc trong bất cứ bài thuốc nào cần tham vấn với bác sĩ để nhận được lời khuyên. Tuyệt đối không tự ý sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh gặp các vấn đề không mong muốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu