✴️ Gừng

Gừng là vị thuốc nổi tiếng trong y học cổ truyền với nhiều tác dụng chữa bệnh như trị đau dạ dày, nôn ói, viêm đường hô hấp, đau nhức xương khớp. Mặc dù có nhiều công dụng tốt nhưng không phải ai cũng dùng được gừng. Sử dụng cây thuốc không đúng cách thậm chí còn mang đến nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

Tên gọi khác của gừng: Sinh khương, thán khương, bào khương, khương bì, can khương…

Tên khoa học: Zingiber officinale Rose

Họ: Gừng – Zingiberaceae

 

Mô tả về cây gừng

Gừng là một loại thực vật được sử dụng phổ biến như một loại gia vị trong ẩm thực và là dược liệu chữa bệnh. Dưới đây là một số đặc điểm về cây thuốc, khu vực phân bố, thành phần hóa học, cách thức thu hoạch và bào chế thuốc từ loại cây này.

cây gừng

Gừng vừa là gia vị, vừa là cây thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh

 

+ Đặc điểm của cây gừng:

Cây gừng thuộc dạng thân thảo, mọc thẳng, có chiều cao trung bình khoảng 1 mét

Thân rễ ( củ) mập, mọng thịt, có thể phân làm nhiều nhánh nhỏ. Một số củ có hình dáng tương tự như bàn tay sưng phồng.Vỏ ngoài củ màu nâu, ruột bên trong màu vàng nhạt, chắc, có xớ, mùi cay nồng.

Chồi lá mọc ra từ thân rễ. Nhiều bẹ lá quấn chặt lại với nhau tạo thành thân giả. Lưỡi bẹ dạng màng, có chiều dài trung bình từ 2 – 10mm, chia làm 2 thùy.

Lá cây gừng màu xanh lục, hình mác, thường không có cuống hoặc nếu có thì cuống rất ngắn. Mỗi lá có bề dài từ 15 – 30 cm và bề ngang khoảng 2 – 2,5 cm, nhọn ở phần đỉnh và đáy. Các lá mọc so le với nhau. Một số lá khi còn non có thể có lông tơ nhưng sau lại nhẵn nhụi. Ngoài ra, còn có lá bắc hình trứng, màu xanh lục nhạt, đôi khi ở mép có màu ánh vàng.

Hoa gừng mọc thành cụm, phát triển từ thân rễ vào tháng 10 hàng năm. Cuống của cụm hoa có thể dài từ 15 – 30cm. Cành hoa có hình dạng giống như bông thóc hình trứng hay hình trụ. Đài hoa như thủy tinh, chiều dài từ 1 – 2,5 cm. Trong khi đó, tràng hoa có ống dài từ 2 – 2,5 cm, có các màu xanh lục ánh vàng, màu trắng hoặc màu vàng. Nhị hoa màu tía sẫm, có bao phấn màu trắng. Khi mới phát triển, lá bắc con có hình ống, màu xanh lục nhưng nhạt.

Cây gừng có tuyến mật dạng thuôn dài.

+ Khu vực phân bố:

Nguồn gốc của cây gừng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng, loại cây này bắt nguồn từ Ấn Độ, khu vực tây nam Trung Quốc hay Đông Himalaya.

Hiện nay, củ gừng là loại gia vị không thể thiếu trong ẩm thực của nhiều nước. Chính vì vậy mà loại cây này được trồng rộng rãi ở khắp nơi, nhất là các nước có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới. Các nước có diện tích trồng cây gừng lớn nhất phải kể đến Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. 

Tại Việt Nam, cây gừng được trồng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ miền núi cho đến đồng bằng và cả hải đảo. Cây ưa phát triển ở những nơi đất ẩm và có ánh sáng.

+ Các loại gừng

Cây gừng có nhiều giống khác nhau. Ở Việt Nam hiện có khoảng 11 loài khác nhau. Được trồng phổ biến là các loại như:

Gừng trâu: Cây có thân to. Củ cũng có kích thước khá to nên thường được thu hoạch để làm mứt. Loại gừng này được trồng phổ biến ở các vùng núi thấp.

Gừng gié: Thân và củ đều nhỏ hơn nhiều so với gừng trâu nhưng đổi lại, mùi vị của củ khá thơm, thường được dùng làm gia vị.

+ Bộ phận sử dụng:

Cả củ (thân rễ) và lá của cây gừng đều được sử dụng trong nấu ăn. Tuy nhiên, y học cổ truyền chủ yếu dùng củ gừng để bào chế thuốc chữa bệnh.

+ Thu hái – sơ chế thuốc:

Cây gừng được trồng bằng củ và được thu hoạch sau khoảng 1 năm. Cây sinh trưởng mạnh nhất vào mùa hè hoặc mùa thu khi có khí hậu nóng ẩm. Sau một năm trồng, nếu không thu hoạch thì lá thường có khuynh hướng lụi tàn vào mùa đông và có thể tái sinh trở lại từ mầm nhú ra từ thân rễ.

Khi thu hoạch, cây được nhổ lên và cắt lấy phần củ, loại bỏ sạch đất cát. Sau đó đem về rửa sạch, dùng ở dạng tươi hoặc đem phơi khô.

+ Bào chế dược liệu từ củ gừng:

Tùy theo hình thức sử dụng và cách bào chế mà Đông y có các vị thuốc từ gừng như sau:

Sinh khương: Gừng tươi

Tiêu khương: Củ gừng tươi được thái lát dày, đem phơi khô. Sau đó sao đến khi xém vàng, vẩy vào gừng một ít nước khi còn đang nóng, đậy kín lại để nguội.

Bào khương: Gừng khô đã được bào chế

Thán khương ( hắc khương): Gừng khô thái lát dày, đem nướng hoặc sao cháy đen tồn tính.

Khương bì: Vỏ củ gừng đã phơi khô.

Can khương: Củ gừng được đem phơi hoặc sấy khô

củ gừng

Củ gừng tươi được sử dụng làm thuốc trong đông y với tên gọi là sinh khương

 

+ Thành phần hóa học của gừng:

Trong củ gừng có khoảng 2 – 3% là tinh dầu. Bao gồm các chất như:

B-zingiberen (35%)

B-curcumenen (17%)

B-farnesen (10%)

Alcol monoterpenic( geraniol, linalol và borneol)

Zingeron

Shogaol

Zingerol

A-camphen

B-phelandren

Eucalyptol

Các gingerol

Gingeridion

Một số chất trong gừng tươi có thể bị phân hủy trong quá trình sấy hoặc lưu trữ gừng.

 

 

+ Tính vị:

Củ gừng được ghi nhận với vị cay, tính ấm. So với sinh khương (gừng tươi) thì can khương (gừng khô) có tính nóng hơn. Riêng thán khương có vị đắng. 

+ Quy kinh:

Có nhiều tài liệu y học cổ truyền ghi nhận về khả năng quy kinh của gừng như:

Theo sách Trung dược học: Dược liệu quy vào 3 kinh gồm Phế, Tỳ và Vị

Theo Lôi Công bào chế dược tính giải: Dược liệu tác động đến 4 kinh gồm Phế, Tâm, Tỳ và Vị.

Theo Bản thảo hối ngôn: Gừng quy  vào 4 kinh Tỳ, Phế, Trường, Vị.

Theo Bản thảo kinh giải: Dược liệu đi vào 3 kinh kinh Đởm, Can, Phế.

+ Tác dụng của gừng – Chủ trị:

Theo y học cổ truyền:

Sinh khương: Hoạt huyết, kích thích lưu thông máu, tăng cường sản sinh dịch vị, hưng phấn ruột, thúc đẩy tiêu hóa. Chủ trị cảm lạnh, ho do lạnh, viêm họng, buồn nôn, hôi nách, say tàu xe, cảm lạnh, ho có đờm, viêm phế quản, khàn tiếng, đau họng, đau dạ dày…

Can khương: Gừng khô giúp làm ấm dạ dày. Chủ trị tỳ vị hư hàn, đau bụng, ho có đờm do lạnh, thổ tả hay trướng bụng.

Thán khương: Dược liệu này có tác dụng chỉ huyết, cầm máu cho đường ruột. Khi tẩm đồng tiện có tác dụng làm ấm can thận và giáng hư hỏa.

Khương bì: Có tác dụng lợi tiểu. Dùng kết hợp với các dược liệu khác có tác dụng chữa phù thũng.

Công dụng của gừng theo y học hiện đại:

Nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra nhiều tác dụng của gừng đối với sức khỏe như:

Ở đường hô hấp: Ức chế virus hợp bào ở đường hô hấp. Ngăn ngừa và cải thiện tình trạng ho, khó thở, sưng đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi và các triệu chứng liên quan đến bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hen suyễn, viêm họng hay viêm phế quản.

Ở đường tiêu hóa: Gừng có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giảm viêm ở niêm mạc ruột, chống trào ngược dạ dày thực quản, xoa dịu cơn đau bụng, đau dạ dày. Bên cạnh đó, thảo dược này cũng giúp thúc đẩy tiêu hóa, giảm ợ chua, khó tiêu.

Trên hệ tuần hoàn: Một số hoạt chất trong gừng có khả năng làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, đồng thời giảm cholesterol trong máu.

Với hệ cơ xương khớp: Gừng giúp giảm đau nhức xương khớp. Đặc tính chống viêm của dược liệu này cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp, phong thấp, bệnh gout và nhiều vấn đề khác liên quan đến cơ xương khớp.

Ở hệ thần kinh: Gừng có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu, chóng mặt, xoa dịu cơn đau đầu.

Các tác dụng khác: Ngăn ngừa tiểu đường, chống say tàu xe, hỗ trợ giảm cân, phòng ngừa ung thư, tăng cường sinh lý.

tác dụng của gừng

Gừng có nhiều công dụng tốt được cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền công nhận

+ Tác dụng phụ của gừng:

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe nhưng gừng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, đặc biệt là khi được sử dụng không đúng cách.

Dưới đây là một số phản ứng phụ bạn có thể gặp sau khi dùng gừng:

Ợ nóng

Kích ứng niêm mạc miệng

Đầy hơi

Khó chịu trong dạ dày

Nóng trong, táo bón do ăn quá nhiều gừng

Làm tăng nguy cơ bị chảy máu đối với các trường hợp bị xuất huyết đường tiêu hóa hay người có rối loạn đông máu.

Dị ứng: Nổi mề đay, ngứa da, sưng miệng, khó thở…

Ngoài ra, gừng còn có thể tương tác với một số loại thuốc hay thực phẩm chức năng, nhất là thuốc điều trị cao huyết áp hay thuốc chữa bệnh tiểu đường.

+ Liều dùng:

Sinh khương: Dùng 4 – 10 gr/lần

Can khương: Dùng 2 – 6 gr/lần

Thán khương: Dùng 2 – 4 gr/lần

+ Cách sử dụng gừng

Gừng có thể được sử dụng theo các hình thức sâu:

Sắc uống

Hãm trà

Tán bột mịn làm hoàn, sắc hay pha uống

Dùng trực tiếp ở dạng tươi

Nấu nước xông hơi, ngâm chân…

+ Độc tính

Gừng không chứa độc tố.

47 bài thuốc chữa bệnh từ gừng

Trong Đông y có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh từ gừng đang được dân gian áp dụng rộng rãi. Dưới đây là một số bài thuốc người bệnh có thể tham khảo:

1. Điều trị co thắt đường tiêu hóa do lạnh

Chuẩn bị 1 nhánh gừng tươi và 10 quả đại táo. Gừng thái lát mỏng, đem sắc với đại táo lấy nước đặc uống ngày 2 lần.

2. Phòng ngừa và điều trị hôi nách

Giã nát gừng tươi rồi lấy chà xát vào nách mỗi ngày 1 – 2 lần. Để ít nhất 10 phút sau mới được tắm rửa.

3. Chữa say tàu xe

Lấy 1 củ gừng nhỏ rửa sạch. Trước khi lên tàu, xe 30 phút thì nhai gừng chung với vài hạt muối và nuốt nước giúp ngăn ngừa buồn nôn, mệt mỏi.

4. Ngăn ngừa nôn ói sau khi uống thuốc

Một số người thường bị nôn ói sau khi uống thuốc. Để ngăn ngừa tình trạng này, hãy uống một ít trà gừng trước khi dùng thuốc khoảng 15 phút giúp giảm kích thích, chống co thắt các cơ trơn trong ruột, hạn chế tình trạng nôn ói ra thuốc ngay sau khi uống.

bài thuốc chữa bệnh từ gừng

Uống trà gừng trước khi dùng thuốc có thể giảm hiện tượng ói ra thuốc ngay sau khi uống

 

5. Phòng ngừa và điều trị phong hàn, cảm mạo

Gừng tươi nhánh bằm nhuyễn, hãm với nước sôi cho tiết ra nước vàng. Thêm vào chút đường đen cho dễ uống.

6. Gừng giảm sốt, kích thích bài tiết mồ hôi

Dùng 1 củ gừng nấu nước chung với lá sả, vỏ bưởi, lá tía tô và một số thảo dược khác. Đun sôi khoảng 5 phút. Sau đó lấy chăn trùm kín cả người lẫn nồi nước. Từ từ hé mở vung nồi để xông hơi.

Hoặc dùng 1 nhánh gừng sắc chung với lá cam thảo, trần bì,… làm thuốc uống giúp cơ thể nhanh tiết mồ hôi, giảm sốt.

7. Điều trị cảm mạo

Dùng 25g gừng tươi (bằm nhuyễn) đem sắc chung với 1 quả lê (thái nhỏ) và 1 chén nước. Đun sôi khoảng 5 phút lấy nước chia uống 2 lần khi còn ấm. Có thể ăn cả xác lê.

8. Chữa ho có đờm do lạnh

Dùng 15g gừng tươi thái lát mỏng, sắc với 400ml nước, đun sôi trong 5 phút. Pha nước sắc chung với 40ml mật ong chia làm 3 lần uống trong ngày để trị ho có đờm do nhiễm lạnh.

9. Chữa cảm lạnh

Củ gừng tươi giã nát. Bỏ vào ấm hãm với nước sôi trong 15 phút. Vớt bỏ bã, thêm vào một chút đường, quậy tan rồi uống để chữa cảm lạnh do dầm mưa lâu.

Hoặc lấy 100g đầu hành đập dập và 3 lát gừng tươi đem hãm nước sôi uống để cải thiện các triệu chứng của cảm lạnh.

10. Điều trị chứng sản hậu suy nhược, đau bụng râm ran cho phụ nữ 

Dùng các nguyên liệu gồm 10g gừng tươi, 1 lạng thịt dê và 60g đương quy. Gừng thái lát mỏng, thịt dê rửa sạch rồi thái miếng. Tất cả nấu thành canh ăn khi còn nóng.

11. Gừng chữa viêm phế quản

Chuẩn bị 60g gừng đem nấu chung với 250g đậu phụ. Đun sôi khoảng 10 phút rồi thêm vào 60g đường đen, hòa tan. Ăn đậu phụ và uống nước canh mỗi tối trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng. Áp dụng 1 tuần liên tục để điều trị bệnh viêm phế quản.

12. Điều trị khàn tiếng, mất tiếng

Chuẩn bị một nhánh gừng tươi và 1 củ cải trắng. Cả hai rửa sạch, gọt vỏ, đem xay nhuyễn và vắt lấy nước cốt. Chia đều làm 2 – 3 phần uống hết trong ngày.

13. Trị nổi bọng nước ở hầu họng

Gừng tươi rửa sạch, cắt lát mỏng. Mỗi ngày nhai nuốt vài lát để làm tiêu các bọng nước nhỏ nổi trong niêm mạc hầu họng.

14. Chữa đau dạ dày, đau đại tràng, đau bụng tiêu chảy do lạnh

Lấy 1 lát gừng tươi đặt trên rốn. Sau đó dùng điếu ngải hơ đốt ở phía trên trong 5 phút giúp giảm đau dạ dày, đau bụng.

15. Điều trị bệnh ho gà

Dùng thang thuốc gồm 1 ly nhỏ nước gừng tươi, 300ml mật ong nguyên chất và 15 gram xuyên bối mẫu dạng bột. Trộn đều hỗn hợp, đem hấp cách thủy trong 60 phút. Gạn nước cốt uống kèm với nước ấm mỗi ngày 3 – 4 lần. Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi mỗi lần chỉ nên uống 1 muỗng canh để làm giảm các triệu chứng khó chịu do bệnh ho gà gây ra.

16. Chữa viêm đường hô hấp trên

Lấy gừng tươi giã nát với một ít muối ngậm trong miệng khoảng 10 phút để trị viêm họng, viêm amidan.

Giã gừng lấy nước cốt làm thuốc nhỏ mũi giúp cải thiện các triệu chứng bệnh viêm xoang.

17. Điều trị bệnh lỵ do lạnh, đi cầu ra mủ lâu ngày không khỏi

Dùng gừng khô, hạt cải và lá ngải cứu mỗi vị 3g. Sắc kỹ lấy nước uống khi còn ấm. Ngày dùng 1 thang chia làm 3 lần uống cho đến khi khỏi bệnh.

18. Giảm đau do chấn thương, té ngã

Gừng tươi bằm nhuyễn, trộn chung với nước, rượu trắng và bột mì thành hỗn hợp đặc sệt. Đun nóng hỗn hợp, chờ cho nguội bớt rồi đắp vào vị trí bị chấn thương.

19. Chữa nôn ói

Đem 9g gừng tươi sắc chung với 30g tro bếp uống giúp giảm buồn nôn, nôn ói.

20. Giảm đau nhức xương khớp, bầm tím da

Gừng giã nát, rang chung với lượng muối hạt vừa đủ. Bọc hỗn hợp vào trong một cái khăn sạch rồi chườm lên vị trí cần điều trị khoảng 15 phút.

gừng trị đau nhức xương khớp

Đặc tính giảm đau của gừng giúp xoa dịu cơn đau nhức xương khớp một cách an toàn

 

21. Điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng có biểu hiện kém ăn, suy nhược, cơ thể gầy ốm

Dùng 250g gừng tươi bằm nhuyễn rồi nhét vào trong 1 cái bao tử heo đã được làm sạch. Hầm trên lửa nhỏ cho chín và ăn hết trong 1 lần. Sử dụng món ăn bài thuốc này trong 3 ngày liền để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, giúp kích thích vị giác, chống suy nhược cơ thể.

22. Chữa đau răng

Lấy 1 lát gừng tươi đặt vào ngay răng bị đau và cắn chặt lại. Giữ trong ít nhất 10 phút mới bỏ ra. Áp dụng 2 – 3 lần trong ngày để xoa dịu cơn đau răng, chống viêm nướu răng.

23. Gừng chữa tê tay chân

Dùng 60g gừng tươi đem nấu chung với 120g hành già và 120g giấm để xông hơi. Khi nước nguội lấy rửa tay chân giúp giảm cảm giác tê rần khó chịu.

24. Trị viêm khớp, đau khớp

Cách 1: Hãm gừng tươi làm trà uống 2 – 3 tách mỗi ngày

Cách 2: Nấu nước gừng ngâm tay chân mỗi tối 15 phút trước khi đi ngủ giúp hoạt huyết, giữ ấm cơ thể, giảm đau nhức xương khớp vào ban đêm, hỗ trợ điều trị viêm khớp.

Cách 3: Giã nát dược liệu, xào nóng với một ít rượu rồi đắp trực tiếp lên khớp bị viêm.

Cách 4: Lấy 1/2 muỗng bột gừng uống chung với một ít rượu trắng.

25. Điều trị bệnh ho do suyễn kéo dài, suy nhược cơ thể

Lấy 1 nhánh gừng tươi bằm nhuyễn đem nấu chung với 30g đào nhân và 15g hạnh nhân cho đến khi chín nhừ. Thêm vào một ít mật ong cho dễ ăn.

26. Giảm sưng đau khớp do phong thấp, cải thiện tính linh hoạt của khớp

Cách 1: Ngậm 5g gừng tươi dạng lát hoặc 1,5g gừng khô mỗi ngày trong 3 tháng liên tục

Cách 2: Giã gừng tươi lấy nước thoa tại khớp bị sưng đau do phong thấp.

Cách 3: Dùng gừng tươi và đầu hành lượng vừa đủ đem bằm nhỏ, xào nóng làm thuốc đắp tại khớp bị ảnh hưởng. Mỗi ngày thực hiện 3 lần.

27. Chữa kinh nguyệt không đều

Sắc gừng khô với đại táo và đường đen mỗi thứ 30 gram. Gạn nước chia làm 2 phần uống mỗi ngày. Dùng tốt nhất khi còn ấm.

28. Điều trị mất ngủ, khó ngủ

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, trị khó ngủ, mất ngủ, người bệnh nên ngâm chân vào nước gừng ấm mỗi ngày. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần giã nát 1 củ gừng, hòa chung với nước ấm và một ít muối sao cho lượng nước ngâm vừa chạm mắt cá chân là được. Bỏ cả hai chân vào ngâm trong khoảng 10 – 15 phút kết hợp mát xa chân để các dây thần kinh được thư giãn, giúp ngủ ngon giấc hơn.

29. Gừng chữa bế niệu, thủy thũng

Dùng vỏ gừng tươi đem sắc chung với vỏ bí đao và vỏ rễ cây dâu lấy nước uống vài lần trong ngày.

30. Giảm nôn ói do ốm nghén

Phụ nữ mang thai bị ốm nghén có thể dùng 10g gừng tươi đem sắc chung với 20g vỏ bưởi và 1 chén nước, đun cạn còn 1/2 chén. Gạn nước sắc uống để trị nôn ói.

31. Điều trị ngộ độc do ăn khoai 

Lấy gừng tươi nhai và nuốt nước ngay sau khi có biểu hiện bị ngộ độc khoai, miệng lưỡi tê rần. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

32. Trị ra nhiều mồ hôi chân

Dùng gừng tươi và phèn trắng mỗi vị 15g đem nấu nước rửa chân liên tục trong vài ngày liền để giảm tiết mồ hôi ở chân.

33. Phòng ngừa và điều trị cảm mạo do lạnh

Các trường hợp đang sống trong môi trường có khí hậu lạnh hoặc làm việc ở nơi có máy lạnh có thể phòng ngừa và trị cảm mạo bằng cách:

Ngậm 1 lát gừng trong miệng và nhấm từ từ, nuốt nước cay tiết ra

Hoặc uống 2 – 3 tách trà gừng mỗi ngày khi bị cảm lạnh để kích thích bài tiết mồ hôi, đào thải độc tố cho cơ thể.

34. Điều trị ung nhọt

Chuẩn bị 4 lát gừng tươi và 4 lát đại hoàng. Trước tiên lấy gừng nấu nước rồi dùng nước gừng xào chung với đại hoàng cho mềm. Đắp đại hoàng lên vùng có ung nhọt để giảm sưng đau.

35. Lợi mật, phòng ngừa sỏi túi mật

Thêm gừng vào trong bữa ăn hàng ngày hoặc thường xuyên uống trà gừng giúp lợi mật, giảm lượng đạm trong mật, qua đó ngăn ngừa sự hình thành của sỏi trong túi mật.

36. Chữa ngộ độc cá, cua hay tôm có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy, đau bụng

Chuẩn bị gừng tươi và lá tía tô mỗi vị 30g. Cả hai sắc lấy nước đặc. Gạn nước ra bát rồi thêm vào một ít đường thẻ cho hơi ngọt. Chia làm 2 lần uống cho đến khi chấm dứt các triệu chứng khó chịu.

37. Cầm máu vết thương

Giã nát gừng tươi rồi đắp vào vết thương đang bị chảy máu. Phương pháp này giúp cầm máu tạm thời. Nếu vết thương rộng hoặc chảy máu không ngừng thì nên tới bệnh viện để xử lý.

38. Chữa yếu sinh lý

Gừng có tác dụng kích thích lưu thông máu đến vùng kín, làm tăng khả năng cương dương và khôi phục ham muốn tình dục cho nam giới.

Để sử dụng, lấy gừng tươi bằm nhuyễn bỏ vào cốc nước nóng ủ trong 15 phút. Thêm vào 2 thìa mật ong, khuấy đều lên và uống mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Áp dụng cách này một thời gian để chữa yếu sinh lý và nâng cao chất lượng đời sống chăn gối.

39. Trị đau đầu bằng gừng

Khi bị đau đầu, bạn hãy lấy 1 nhánh gừng tươi pha trà uống. Các hoạt chất trong gừng có tác dụng làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu lên não, làm dịu trạng thái căng thẳng ở dây thần kinh, giúp bạn bớt đau đầu.

40. Trị hôi miệng 

Gừng tươi rửa sạch, thái lát mỏng, bỏ vào nồi đun sôi trong 5 phút. Dùng nước này ngậm và súc miệng mỗi ngày 2 – 3 lần để giảm mùi hôi khó chịu và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.

gừng trị hôi miệng

Súc miệng hàng ngày với nước gừng giúp ngăn ngừa và điều trị hôi miệng

 

41. Gừng chữa bệnh trĩ

Dùng 1 củ gừng rửa sạch, giã nát. Đem nấu nước xông hậu môn 15 phút để giảm sưng đau trĩ.

Hoặc lấy gừng giã nát, sao nóng rồi đắp trực tiếp vào hậu môn mỗi ngày 2 lần có tác dụng giảm đau hậu môn, làm co búi trĩ.

42. Chữa hói đầu

Theo Quý Châu Trung y nghiệm phương, các trường hợp bị hói đầu có thể dùng sinh khương giã nát, xào nóng rồi đắp lên đầu mỗi ngày từ 2 – 3 lần để kích thích mọc tóc.

43. Điều trị đái dầm ở trẻ em

Chuẩn bị 30 gram gừng tươi, 12 gram bổ cốt chi và 6 gram bào phụ tử. Tất cả giã nát, đắp vào rốn của bé. Thử nghiệm bài thuốc trị đái dầm này cho 25 trẻ đều thu được hiệu quả tốt.

44. Chữa vết bỏng lửa nước

Ép gừng tươi lấy nước cốt thoa ngoài vết bỏng. Mụn nước đã vỡ hoặc chưa vỡ đều có thể áp dụng.

45. Trị vết chai cứng ở mông sau khi tiêm

Sinh khương cạo sạch vỏ, thái thành các lát mỏng có bề dày khoảng 1 – 2mm. Đắp thuốc trực tiếp lên vết cứng và băng cố định lại trong 1 – 2 tiếng kết hợp mát xa nhẹ nhàng ở khu vực xung quanh. Áp dụng mỗi ngày 3 lần.

46. Điều trị tụt huyết áp

Gừng tươi cạo sạch vỏ, giã nát rồi đem nấu với một ít nước. Đun sôi 5 phút, thêm đường kính vào, chờ nguội bớt rồi uống có tác dụng làm tăng huyết áp.

47. Điều trị lạnh hoặc cước tay, chân vào mùa đông

Dùng gừng tươi và rễ lá lốt nấu nước ngâm tay chân. Có thể bỏ thêm một ít muối vào nước ngâm để tăng công dụng điều trị.

 

Lưu ý khi dùng gừng 

Các bài thuốc chữa bệnh từ gừng mặc dù đã được áp dụng rộng rãi trong dân gian từ lâu đời nhưng một số chưa được nghiên cứu hiện đại chứng minh về hiệu quả. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc, nhân viên y tế trước khi áp dụng nhằm đảm bảo bài thuốc thực sự an toàn và cho tác dụng tốt.

Dùng gừng không đúng cách có thể gây ra một số tác dụng phụ xấu cho sức khỏe. Do đó, bạn nên tuân thủ đúng theo liều lượng được khuyến cáo. Tránh lạm dụng gừng quá mức. Trong quá trình chữa bệnh tại nhà bằng gừng, nếu gặp các dấu hiệu bất thường, hãy ngưng lại ngay. Trường hợp có phản ứng phụ nghiêm trọng thì nên tới bệnh viện để được bác sĩ xử lý, cấp cứu đúng cách.

Không sử dụng gừng cho các đối tượng đang gặp các vấn đề sau:

Âm suy kìm vượng nhiệt trong cơ thể

Huyết áp cao

Nội nhiệt âm hư

Nhiệt hao (hen) đại suyễn

Đau nhọt chứng huyết

Đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường hoặc thuốc điều trị cao huyết áp

Rối loạn chảy máu

Thai sản sa trướng

Mắt đỏ bệnh hầu

Chảy máu tử cung

Viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan

Bệnh nhân bị trĩ và phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều gừng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com

return to top