Hoa hiên không chỉ được trồng như một loại hoa cảnh mà còn được sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh. Bởi loại dược liệu này có chứa các thành phần với tác dụng dược lý khá đa dạng. Thường được dùng để làm vị thuốc giải nhiệt, tiêu viêm, cầm máu, chữa kinh nguyệt không đều, viêm đau đại tràng…
Tên gọi khác: Kim châm, Hoàng hoa, Kim ngân thái, Huyền thảo…
Tên khoa học: Hemerocallis fulva L.
Họ: Hành tỏi (Liliaceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Hoa hiên là một loại cây cỏ sống lâu năm có thân rễ rất ngắn và phần rễ mầm nhỏ. Lá cây có hình sợi, dài khoảng 30 – 50cm, rộng khoảng 2,5cm hoặc hơn, phía trên mặt lá có chứa nhiều mạch.
Trục mang hoa thường sẽ cao bằng lá, phía trên có phần nhánh chứa khoảng 6 – 12 hoa. Hoa to với màu vàng đỏ và mùi thơm dịu, tràng hoa hình phễu, xẻ thành 6 phiến ở phía trên. Bầu có 3 ngăn, nhị 6, ra hoa vào mùa hạ hay đầu thu. Quả có hình 3 cạnh, chứa hạt bóng màu đen bên trong.
2. Bộ phận dùng
Các phần rễ củ, lá và hoa là những bộ phận của cây được sử dụng để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Hoa hiên là dược liệu được tìm thấy ở nhiều nơi như Trung Quốc, Nhật Bản và cả những nước thuộc khu vực châu Âu. Ở nước ra, dược liệu này có thể mọc hoang hay được trồng rất phổ biến. Nhất là ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…
4. Thu hái và sơ chế
Phần lá của cây có thể được thu hái vào bất cứ mùa nào trong năm và thường được dùng ở dạng tươi. Còn hoa thì sẽ hái vào mùa hạ hay đầu thu, lúc mới chớm nở, có thể đem phơi hay sấy nhẹ cho đến khi khô.
Riêng phần rễ cây sẽ được thu hái vào mùa thu. Sau đó đem rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc phơi khô để bảo quản dùng dần đều được.
Phần hoa được thu hái để làm vị thuốc khi vừa chớm nở
5. Bảo quản
Dược liệu khi đã được sơ chế khô cần để trong túi kín và bảo quản ở những nơi thoáng mát, tránh ẩm mốc.
6. Thành phần hóa học
Sau đây là một số thành phần có trong dược liệu hoa hiên:
Protein
Chất béo
Vitamin A, C
Đường khử
Adenin
Cholin
Arginin
Iodin
Asparagin
Vị thuốc hoa hiên
1. Tính vị
Theo các tài liệu Đông y ghi nhận thì dược liệu hoa hiên có vị ngọt và tính mát.
2. Quy kinh
Chưa tìm thấy tài liệu nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
Dược liệu này dược cho là có tác dụng ngoại vi rõ rệt hơn nhiều so với tác dụng trung ương.
Dùng nước sắc hoa hiên có thể làm tăng tỷ lệ protrombin toàn phần.
Một số thành phần có trong dược liệu có thể chống lại tác dụng của dicumarin.
Số lượng bạch cầu không cô lập trong khi lượng hồng cầu và tiểu cầu tăng lên.
Theo y học cổ truyền:
Công dụng: Thanh nhiệt, tiêu đờm, lương huyết chỉ huyết, lợi niệu, làm yên ngũ tạng, trừ thấp nhiệt.
Chủ trị: Chảy máu cam, viêm gan, vàng da, ho ra máu, viêm tiết niệu, viêm tuyến vú, bệnh trĩ nội kèm đi cầu ra máu, viêm tai giữa, giúp an thai…
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu thường được sử dụng bằng cách sắc lấy nước uống hoặc lấy củ tươi giã nát và đắp ngoài da. Liều sắc nước là khoảng 6 – 12g/ngày, có thể điều chỉnh cho phù hợp với từng bài thuốc.
14 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu hoa hiên
Dưới đây là những bài thuốc dân gian có sử dụng dược liệu hoa hiên:
1. Bài thuốc chữa chảy máu cam, bí tiểu, sưng vú
Chuẩn bị: 15g lá hoa hiên.
Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm nấu chung với 300ml nước trên lửa nhỏ. Đến khi lượng nước chỉ còn khoảng 200ml là đạt. Uống khi thuốc còn đủ độ ấm, dùng liều 1 thang/ngày.
2. Bài thuốc trị vàng da do lạm dụng rượu
Chuẩn bị: 15g lá hoa hiên cùng với 30g cà gai leo.
Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng mỗi ngày 1 thang thuốc trong 1 tháng liên tục sẽ thấy kết quả.
3. Bài thuốc trị sán máu
Chuẩn bị: 30 – 40g rễ hoa hiên.
Thực hiện: Cho vị thuốc vào ấm sắc chung với 1 thăng nước trong khoảng 20 – 30 phút. Chia lượng thuốc thu được làm nhiều lần uống trong ngày. Sử dụng liều lượng 1 thang/ngày.
4. Bài thuốc chữa nóng trong người ở phụ nữ mãn kinh
Chuẩn bị: 10g hoa hiên cùng với 10g lá dâu.
Thực hiện: Sử dụng các vị thuốc trên để nấu canh ăn hằng ngày. Ăn cả phần nước đến phần cái mỗi ngày 1 lần.
Hoa hiên ở dạng khô xuất hiện trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh
5. Bài thuốc chữa chứng kinh nguyệt không thông ở phụ nữ
Chuẩn bị: 15g hoa hiên, 20g rễ củ gai, 12g ngải cứu, 12g ích mẫu thảo.
Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm rồi cho thêm 600ml nước sắc chung trên lửa nhỏ. Đến khi lượng nước trong ấm còn khoảng 200ml là đạt. Chia đều làm 2 lần uống trong ngày. Dùng khi thuốc còn ấm với liều 1 thang/ngày. Sử dụng đều đặn trong ít nhất 7 ngày.
6. Bài thuốc trị chứng tiểu buốt, tiểu dắt
Chuẩn bị: 15g rễ hoa hiên, 12g mã đề, 12g râu ngô.
Thực hiện: Các dược liệu cho hết vào ấm sắc với 1 thăng nước đến khi chỉ còn 400ml thì ngưng. Chia đều thành 2 lần uống trong ngày. Dùng khi thuốc còn ấm nóng với liều lượng 1 thang/ngày. Duy trì liên tục trong khoảng từ 5 – 10 ngày.
7. Bài thuốc trị tắc tia sữa
Chuẩn bị: 12g hoa hiên cùng với 40g bồ công anh.
Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc với 1 thăng nước trên lửa nhỏ đến khi còn 1/3 thăng. Chia đều làm 3 lần uống/ngày, mỗi ngày 1 thang. Dùng 7 thang liên tục.
8. Bài thuốc chữa chứng mất ngủ
Chuẩn bị: 12g hoa hiên, 20g lá dâu tằm, 10g lá vông nem.
Thực hiện: Các vị thuốc trên đem nấu canh ăn mỗi ngày. Hoặc có thể sử dụng mình hoa hiên, phơi trong bóng râm rồi sao nóng và hãm lấy nước uống hằng ngày.
9. Bài thuốc giúp cầm máu
Chuẩn bị: 1 nắm lá hoặc hoa hiên.
Thực hiện: Đem dược liệu đi rửa sạch sau đó giã nát. Cho thêm chút nước vào rồi gạn uống. Tận dụng phần bã để đắp vào lỗ mũi
10. Bài thuốc giải nhiệt, lợi tiểu
Chuẩn bị: Hoa hiên và thịt gà với lượng vừa phải.
Thực hiện: Đem hầm chung các nguyên liệu với nhau rồi ăn hằng ngày. Phụ nữ có thai nếu kết hợp uống chung với nước sắc chứa 30g cây gai sẽ cho tác dụng chữa động thai rất tốt.
11. Bài thuốc trị mụt nhọt
Chuẩn bị: 1 ít rễ hoa hiên.
Thực hiện: Đem giã nát dược liệu rồi đắp trực tiếp vào nốt mụn.
12. Bài thuốc trị chảy máu cam do nhiệt
Chuẩn bị: 15g rễ hoa hiên tươi.
Thực hiện: Dược liệu đem rửa sạch rồi giã nát. Sau đó cho thêm nước và chắt lấy 1 bát nước đặc. Cho thêm 1 thìa mật ong vào khuấy đều và uống trực tiếp.
13. Bài thuốc trị bệnh trĩ nội, đi cầu ra máu tươi
Chuẩn bị: 20g hoa hiên khô cùng với 20g cây huyết dụ.
Thực hiện: Cho các dược liệu vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng khi nước thuốc còn ấm nóng với liều 1 thang/ngày.
14. Bài thuốc chữa viêm tai giữa, viêm tuyến vú
Chuẩn bị: 20g hoa hiên ở dạng khô.
Thực hiện: Sắc dược liệu lấy nước uống với liều 1 thang/ngày. Tận dụng phần bã để đắp vào vị trí bị sưng đau viêm nhiễm.
Lưu ý khi sử dụng hoa hiên để chữa bệnh
Hoa hiên mặc dù là dược liệu đem lại rất nhiều tác dụng điều trị bệnh nhưng bạn cần thận trọng khi dùng. Phần rễ cây có tính độc nhẹ nên cần chú ý về liều lượng.
Dùng quá liều có thể phát sinh các triệu chứng ngoại ý như:
Tiểu không kiểm soát
Giãn đồng tử
Mờ mắt
Ngưng hô hấp
Ngoài ra, cần tránh việc sử dụng hoa để ăn sống vì sẽ rất dễ bị ngộ độc.
Những thông tin mà bài viết đã tổng hợp về dược liệu hoa hiên chỉ có giá trị tham khảo. Nếu có ý định sử dụng dược liệu, tốt nhất bạn nên tham khảo kỹ ý kiến thầy thuốc hoặc bác sỹ để đảm bảo tính an toàn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh