✴️ Hươu xạ

Túi thơm của Hươu xạ đực được gọi là Xạ hương có vị cay, tính ấm thường được sử dụng để điều trị sốt cao bất tỉnh, trúng phong, nhọt độc, sưng tấy, đau ngực nghiêm trọng,…

Tên gọi khác: Hươu xạ Cao Bằng, con Xạ, Xạ hương, Tu nạ kín (người Tày – Việt Nam)

Tên khoa học: Moschus berezovskii Flerov; Moschus moschiferus L

Tên khoa học thường gọi: Musk

Họ: Hươu xạ – Moschidae

 

Mô tả dược liệu Hươu xạ

1. Đặc điểm

Hươu xạ là loài hươu có tầm vóc nhỏ bé thuộc nhóm Hươu xạ lùn. Ở Việt Nam, Hươu xạ trưởng thành có trọng lượng khoảng 15 kg, trong khi Hươu xạ ở Liên Xô trước đây và Trung Quốc có thể lên đến 40 kg.

Ở Việt Nam Hươu xạ mõm tròn, đầu dài, tai to, không có sừng, đuôi thường ngắn. Con đực có hai răng cửa dài, to, lòi ra hai bên mép. Con đực cũng có tuyến xạ nằm ở giữa rốn và cơ quan sinh dục.

Hươu xạ có chân cao, mảnh khảnh, chân sau thường dài hơn chân trước 1/3 lần. Do đó, khi đứng, hươu xạ có xu hướng sau cao trước thấp, hơi gù ở lưng.

Lông hươu xạ dày, dài khoảng 3 cm, thô, nhẹ, xốp, hơi cứng. Phần gốc lông hơi thẳng, màu trắng, phần trên uốn sóng, màu nâu xám và vàng nhạt xen kẽ khiến lông Hươu xạ thường lấm tấm nâu vàng rất đều. Lông tứ chi màu nâu thẫm.

2. Bộ phận sử dụng

Túi thơm của Hươu xạ đực nằm ở giữa rốn và bộ phận sinh dục được gọi là Xạ hương. Đây là bộ phận được ứng dụng làm thuốc của Hươu xạ.

Túi Xạ hương là một túi hơi phồng kích thước khoảng 5 – 7 cm x 3 – 4 cm, xung quanh túi có nhiều lông, ở giữa có hai lỗ thông. Ở Hươu xạ trưởng thành, túi xạ hương có thể nặng đến 60 g hoặc hơn. Xạ hương có tính chất giống mật ong, màu nâu đỏ, để khô tự nhiên sẽ biến thành một khối màu nâu, hung xám.

3. Phân bố

Hươu xạ Việt Nam thường được tìm thấy ở Cao Bằng, do đó thường được gọi là Hươu xạ Cao Bằng. Ngoài ra, một số loài hươu xạ khác cũng được tìm thấy ở Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Liên Xô (cũ).

4. Thu bắt – Sơ chế

Hươu xạ có thể săn bắt quanh năm, trừ vào mùa sinh sản vào tháng 3 – 5. Khi sau bắt được Hươu xạ, người ta thường cắt ngay túi thơm ở con đực, bỏ phần da và thịt thừa, phơi trong bóng râm, mát để túi thơm khô dần. Ngày này, người ta còn bọc túi thơm trong giấy hút ẩm rồi treo cao, hong khô ở nơi thoáng gió. Đôi khi, người ta cũng cho túi thơm vào cát nóng nhiều lần cho đến khi khô hẳn.

5. Bảo quản dược liệu

Sau khi hong khô túi Xạ hương, người ra cắt tỉa lông ở túi mép rồi bảo quản bằng nhiều lớp vải mềm quấn xung quanh, đặc trong túi kín. Khi cần dùng, lấy khăn tẩm nước ấm rồi bọc túi thơm cho mềm, cắt lấy chất xạ, nghiền nát, mịn.

Ở dạng bột, Xạ hương màu nâu, nâu đỏ hoặc đỏ tím, chất mềm có dầu, có thể dùng tay vê tròn bột thành khối, tuy nhiên khi thả tay ra bột sẽ tan ra ngay lập tức. Xạ hương nguyên chất có mùi thơm hắc rất mạnh, bền. Khi pha loãng có mùi thơm nhẹ, dễ chịu.

6. Thành phần hóa học

Xạ hương có chứa một số thành phần hóa học như:

Cholesterine

Chất béo

Một số loại tinh dầu với thành phần chủ yếu là Ceton (Muscone), đây là chất thơm độc nhất của Xạ hương

Chất nhựa trắng

Muối Calci và Amoniac

Protid

Các hợp chất Nitrogen

Muối như Kali, Canxi, Natri, Magie, Phosphor

 

Vị thuốc Hươu xạ

con hươu xạ hương

Túi thơm của Hươu xạ đường ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh

 

1. Tính vị

Xạ hương vị cay, tính ấm

2. Quy kinh

Xạ hương quy kinh về 12 kinh, tuy nhiên chủ yếu là quy về kinh Tâm và kinh Tỳ.

3. Tác dụng dược lý

Xạ hương từ Hươu xạ có một số tác dụng cụ thể như sau:

Khai khiếu và tỉnh thần, giảm đau, hoạt huyết, tán kết, hỗ trợ làm sạch nhau thai sau sinh.

Tiêu trừ khí độc, ôn ngược, điều trị độc do sâu độc gây ra, trị động kinh, sử dụng lâu có thể loại trừ âm khí (theo Sách Bản kinh).

Chữa bệnh trúng ác, hung tà, quỷ khí, tâm phúc bạo thống, bĩ mãn phong độc, tiêu nốt ruồi to ở mặt, mụn thịt ở mắt, đàm bà đẻ khó trụy thai, dùng uống lâu tinh thần minh mẫn (theo Sách Danh y biệt lục).

Xạ hương thơm nên được dùng để trừ độc (theo Sách Bản kinh tập chú).

Chữa mũi không phân biệt được mùi thơm – thối (theo Sách Thang dịch bản thảo).

Tịch tà khí, sát quỷ độc, thôi sinh trụy thai, sát trùng tạng phủ, ngăn ngừa rắn và trùng thú tấn công, nạp tử cung, thổ phong đàm, làm ấm tạng thủy, điều trị các bệnh nguy hiểm hư tổn (theo Sách Nhật hoa tử bản thảo).

Xạ hương lợi khiếu, thông quan, thương đạt cơ phu, nội nhập cốt tủy. Thường dùng điều trị thương hàn âm độc, nôi thương tích tụ và phụ nhân tử cung, khớp thông lạnh tan, dương khí tự hồi (theo Sách Y học nhập môn).

Trừ chứng ác sang, trĩ lậu, nước mủ thịt thối, mặt sạm ban chẩn, trĩ lậu, sưng đau (theo Sách Cảnh nhạc toàn thư).

Thông các khiếu, khai kinh lạc, thấu cơ cốt, tiêu thực tích, giải độc rượu. Điều trị trúng phong, trúng khí, trúng ác (độc), đam quyết tích tụ trưng hà. Xạ hương đi xuyên qua các khiếu có thể khai thông khiếu bị tắt, khai ủng tắt kinh lạc (Theo Sách Bản thảo cương mục).

4. Chỉ định điều trị

Trúng phong bất tỉnh: Sử dụng phối hợp Xạ hương với Tô hạp hương và Đinh hương dưới dạng tô hạp hương hoàn.

Sốt cao gây bất tỉnh: Sử dụng phối hợp Xạ hương với Ngưu hàng dưới dạng chí bảo đan.

Điều trị nhọt độc và viêm tấy: Phối hợp Xạ hương với Hùng hoàng.

Sưng đau do chấn thương bên ngoài: Phối hợp Xạ hương với Tô mộc, Hồng hoa và Một dược.

Đau nặng đột ngột do chấn thương ở vùng ngực và bụng: Phối hợp Xạ hương, Mộc hương, Táo nhân và một số loại dược liệu hoạt huyết dưới dạng Xạ hương thang.

Chữa thai lưu hoặc sót nhau thai sau khi sinh: Sử dụng phối hợp Xạ hương và Nhục quế dưới dạng hương quế tán.

5. Cách dùng – Liều lượng

Xạ hương được sử dụng dưới dạng viên hoàn. Liều lượng khuyến cáo khoảng 0.06 – 0.1 g mỗi ngày.

Lưu ý: Không được nấu, sắc vị thuốc này.

 

Bài thuốc từ Hươu xạ

1. Điều trị viêm gan và xơ gan giai đoạn đầu

Sử dụng dịch chích Xạ hương 5% vào hai huyệt Chương môn, Kỳ môn. Mỗi lần chích khoảng 2 ml, mỗi tuần một lần, liên tục trong 4 tuần (theo Tạp chí Trung y Thiên Tân, 1987).

2. Điều trị bong gân vùng eo, lưng

Sử dụng dịch chích Xạ hương 0.2% chích vào A thị huyệt (điểm đau nhất), mỗi lần 2 – 4 ml. Mỗi tuần chích 1 lần, liên tục trong 2 tuần (theo Báo Tân Trung y, 1985).

3. Điều trị bệnh Bạch điến phong

Sử dụng dịch chích Xạ hương 0.4% chích dưới vùng da bệnh, liều lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mỗi tuần chích 2 lần, liên tục trong 3 tháng. Thông thường người bệnh cần điều trị liên tục trong 6 – 9 tháng (theo Học báo Viên Y học Hồ Nam, 1980).

4. Điều trị bệnh mạch vành

Sử dụng Xạ hương làm thành viên ngậm dưới lưỡi có thể điều trị các cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, phương pháp có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như nôn nhẹ.

5. Chữa nhau thai không ra hoặc thai chết lưu

Sử dụng bài thuốc Quế hương tán: Xạ hương 0.15 và Nhục quế 1.5 g, tán thành bột mịn, chia làm hai lần, dùng uống với nước nóng.

6. Sử dụng để giảm đau tim

Dùng Xạ hương, Bạch chỉ, Nha tạo chế thành cao dán. Mỗi lần dán 2 miếng vào huyệt Tâm du và vùng đau trước tim. Cứ sau mỗi 24 giờ thì thay cao dán một lần.

 

Chú ý khi sử dụng

Phụ nữ có thai , bệnh nhân âm hư, cơ thể suy nhược không nên sử dụng.

Xạ hương là một vị thuốc quý. Tuy nhiên, trước khi sử dụng vị thuốc, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top