✴️ Rau đắng đất

Rau đắng đất (rau đắng lá vòng) thường được sử dụng để chế biến món ăn. Bên cạnh đó, loại rau này còn có tác dụng điều trị chứng vàng da, gan nóng, nổi mề đay mẩn ngứa, đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm và tăng cường chức năng tiêu hóa.

Rau đắng đất

Hình ảnh cây rau đắng đất (rau đắng lá vòng) – Dược liệu chứa nhiều vi chất dinh dưỡng và có tác dụng dược lý đa dạng

  • Tên gọi khác: Rau đắng lá vòng

  • Tên khoa học: Glinus oppositifolius

  • Họ: Rau đắng đất/ Phiên hạnh (danh pháp khoa học: Aizoaceae)

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm cây rau đắng đất

Rau đắng đất là cây thân thảo, mọc tỏa sát mặt đất, cành và thân mảnh (chỉ nhỏ bằng que tăm). Lá nhỏ bằng ngón tay út, mọc thành từng đôi quanh thân, có màu xanh lục và phiến lá hình mác dài. Hoa có cuống dài, màu lục nhạt, ra hoa vào tháng 4 – 6 hằng năm. Cây sai quả vào tháng 5 – 7.

2. Bộ phận dùng

Toàn bộ cây.

3. Phân bố

Rau đắng đất thường mọc ở các tỉnh ven biển, trải dài từ Nam Định đến Đồng bằng Sông Cửu Long. Cây phát triển mạnh ở các vùng đất pha cát.

4. Thu hái – sơ chế

Thường thu hái ngay khi cây vừa ra hoa. Sau đó đem phơi khô và cất dùng dần.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo, tránh ẩm và mối mọt.

6. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học trong dược liệu, bao gồm flavonoid, saponin, tannin, chất nhầy và một số acid hữu cơ.

 

Một số hình ảnh của cây rau đắng đất

Cây Rau Đắng Đất

Cây thường mọc tỏa sát trên mặt đất, phát triển mạnh thành các bụi lớn

Cây Rau Đắng Đất

Rau đắng đất có lá hình mác dài và mọc vòng xung quanh thân

 

Vị thuốc rau đắng đất

1. Tính vị

Vị đắng, tính bình.

2. Qui kinh

Quy vào kinh Bàng Quang.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng: Lợi nhiệt, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, nhuận gan, khai vị, sát trùng, nhuận tràng và kiện vị.

  • Chủ trị: Chứng vàng da, sốt cao, các bệnh về gan, ứ sản dịch, trướng bụng, nóng trong người, đau tai và các bệnh ngoài da.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng lợi tiểu, giúp cải thiện tình trạng đái buốt và đái khó.

  • Giảm cholesterol và chất béo triglyceride trong máu, giúp điều hòa huyết áp, điều trị các bệnh về gan và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

  • Tác dụng giải độc, thanh nhiệt và chữa các bệnh ngoài da do gan nóng.

  • Dược liệu có tác dụng chống oxy hóa và giảm đau dạ dày, đau bụng (theo tạp chí Dược phẩm sinh học – Pharmaceutical Biology).

  • Phần ngọn của rau đắng đất có tác dụng hạ sốt, trị mụn nhọt, làm lành vết thương và giảm đau nhức xương khớp.

  • Thực nghiệm trên chuột bị tiểu đường cho thấy, rau đắng đất có tác dụng ngăn ngừa máu nhiễm mỡ và hạ lượng đường trong máu.

  • Nước ép từ rau đắng đất còn có tác dụng tăng cường miễn dịch và kháng viêm.

4. Cách dùng – liều lượng

Có thể dùng rau đắng đất ở dạng tươi, chế biến thành món ăn, sắc uống hoặc giã nát dùng ngoài. Nếu dùng uống/ ăn, chỉ nên sử dụng từ 6 – 12g dược liệu khô.

 

Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau đắng đất

Bài thuốc từ cây Rau Đắng Đất

Có thể chế biến các món ăn từ rau đắng đất nhằm bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý

1. Bài thuốc giúp giải độc và duy trì chức năng gan

  • Chuẩn bị: Ké đầu ngựa, rau đắng đất, dây khổ qua và cỏ xước mỗi thứ 6g, cam thảo 3g, dành dành và nhân trần mỗi thứ 5g.

  • Thực hiện: Đem các vị tán bột rồi luyện thành viên hoặc sắc lấy nước uống, nên dùng trước khi ăn.

2. Bài thuốc chữa mụn nhọt, ghẻ lở, mề đay mẩn ngứa và dị ứng

  • Chuẩn bị: Cả cây tươi.

  • Thực hiện: Rửa sạch và giã nát, sau đó đắp trực tiếp lên vùng da nổi mụn nhọt, ghẻ và ngứa ngáy.

3. Bài thuốc lợi mật, thanh nhiệt, giải độc, nhuận gan và thông tiện

  • Chuẩn bị: Hạt bìm bìm biếc 2g, lá atiso 15g và toàn cây rau đắng 12g.

  • Thực hiện: Dùng các vị sắc lấy nước uống.

4. Bài thuốc điều trị đau gan

  • Chuẩn bị: Cây cứt quạ và cây rau đắng đất bằng lượng nhau.

  • Thực hiện: Đem nguyên liệu rửa sạch, để ráo và nấu nhừ, lược bỏ bã và đun nhỏ lửa cho thành cao. Sau đó thêm 1 ít mật ong vào và để dùng dần. Mỗi lần dùng 1 thìa cà phê, ngày dùng 3 lần.

5. Bài thuốc hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm và đau nhức xương khớp

  • Chuẩn bị: 3 – 5 lít rượu gạo 40 độ và 500g rau đắng đất phơi khô.

  • Thực hiện: Đem các dược liệu rửa sạch, để ráo và ngâm với rượu trong 30 ngày. Mỗi lần dùng 1 ly nhỏ sau khi ăn, ngày dùng 2 lần và duy trì bài thuốc trong vòng 30 ngày.

 

Lưu ý khi dùng bài thuốc từ vị thuốc rau đắng đất

  • Cần phân biệt rau đắng đất và rau đắng biển.

  • Ngoài các bài thuốc trên, có thể chế biến rau đắng đất thành các món ăn như cháo cá lóc, canh rau đắng, rau đắng xào,… để bồi bổ sức khỏe.

Rau đắng đất có đặc tính dược lý đa dạng, giúp trị vàng da, tăng cường chức năng gan, giảm mỡ trong máu và kích thích chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên tác dụng của thảo dược này cần nhiều thời gian để phát huy tối đa, vì vậy bạn nên kiên trì khi thực hiện các bài thuốc nói trên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top