✴️ Rau má

Nội dung

Rau má có tác dụng tiêu nhiệt, dưỡng âm, giải độc,… thường dùng để điều trị nhiều bệnh như viêm họng, viêm amidan, ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng với mục đích giảm nhanh các triệu chứng bệnh ngoài da và hỗ trợ cải thiện bệnh tim mạch và thần kinh.

Rau má

Rau má – Nguồn dược liệu quý

+ Tên khác: Tích tuyết thảo, mã đề thảo, liên tiền thảo, thổ tế tân, lão công căn, địa tiền thảo, băng khẩu uyển.

+ Tên tiếng Anh: Gotu Kola

+ Tên khoa học: Centella asiatica

+ Họ: Apiales

 

I. Mô tả về rau má

+ Đặc điểm sinh thái của rau má

Rau má là loại cây thân bò lan. Thân cây gầy và nhẵn, có màu lục ánh đỏ hoặc màu xanh lục. Lá hình thận, cuống dài và có màu xanh. Phần đỉnh lá tròn có kết cấu trơn nhẵn với gân lá dạng lưới hình chân vịt. Rễ có các mấu. Bộ rễ mọc thẳng đứng, có màu trắng kem và được che phủ bằng lông tơ ở rễ. Hoa rau má có màu trắng, nằm gần mặt đất. Hoa lưỡng tính nhỏ hơn 3 mm với 5 – 6 thùy tràng hoa. Quả có hình mắt lưới dày đặc.

+ Phân bố

Rau má phân bố nhiều ở các nước như Úc, New Guinea, Malsesia, các đảo thái Bình Dương và Châu Á.

+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và dạng bào chế

  • Bộ phận dùng: Cả cây bao gồm cây, rễ

  • Thu hái: Thu hoạch quanh năm

  • Chế biến: Rau má tươi sau thu hái sẽ được rửa sạch, phơi khô và nghiền thành bột.

  • Dạng bào chế: Rau má được bào chế dưới dạng trà và viên nang mềm 450 mg

+ Thành phần hóa học

Rau má chứa các hợp chất như saponin, beta – caroten, saccharide, kali, alkaloid, sterol, magiê, canxi, phốt pho, sắt, mangan và các loại vitamin như B1, B2, B3, K và C.

 

II. Vị thuốc

+ Tính vị

Vị đắng, tính hàn

+ Qui kinh

Tác dụng vào ba kinh Tỳ, Can và Thận

+ Tác dụng dược lý

#. Theo Y học cổ truyền

Theo Trung y, rau má có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, lợi tiểu, nhuận gan và giải độc. Thông thường, Đông y thường sử dụng rau má làm thuốc bổ và chủ trị các chứng bệnh như hư khí, rôm sẩy, bạch đới, tả lỵ, mụn nhọt, chữa thổ huyết, sát trùng,….

#. Theo y học hiện đại

Vào những năm 1940, các nhà khoa học đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu về tác dụng của cây rau má. Nhờ những hoạt chất hóa học thuộc nhóm saponins, rau má được biết đến với những lợi ích sau:

  • Đối với da

Một số nghiên cứu đã chứng minh dịch chiết từ rau má có tác dụng kích hoạt quá trình phân chia tế bào và thúc đẩy  sự tổng hợp collagen của các mô liên kết, giúp hình thành tế bào da mới, hỗ trợ làm lành vết thương. Chính nhờ sự kích thích mau lên da non, rau má được ứng dụng trong ngành mỹ phẩm với mục đích xóa vết nhăn, làm chậm quá trình lão hóa, giúp da căng mịn.

  • Trị bệnh phong, lao

Hoạt chất asiaticoside có trong rau má có tác dụng làm tan lớp màng sáp bọc vi khuẩn lao, phong, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại nhóm chủng khuẩn này, hỗ trợ điều trị bệnh phong và lao.

  • Tác dụng đối với hệ tim mạch

Rau má chứa lượng lớn chất xơ giúp làm giảm cholesterol xấu có trong máu, giúp ngăn ngừa mắc các bệnh lý về tim mạch. Đồng thời, hoạt chất Bracoside A chiết xuất từ rau má có tác dụng kích thích bài tiết nitric oxide (NO) của mô. Từ đó giúp làm dãn nở vi động mạch, hỗ trợ máu lưu thông qua mô tốt hơn, giảm nhanh cơn đau tim. Song song quá trình đó, chất độc tích tụ trong cơ thể được đào thải ra ngoài dễ dàng hơn.

Tác dụng của rau má

Rau má có tác dụng đối với hệ tim mạch, da, hệ thần kinh và ngăn ngừa ung thư

  • Giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ ở người già

Hợp chất Bracoside B có trong rau má có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng cường chất trung gian chuyển hóa giúp não bộ hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, tăng khả năng tập trung và hỗ trợ cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, Triterpenoids từ rau má có công dụng tăng cường chức năng tâm thần và giảm sự lo lắng, giúp giảm stress và căng thẳng.

  • Điều trị ung thư

Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện các thành phần hóa học có trong rau má có tác dụng giúp ổn định DNA, ngăn chặn tế bào biến tính thành ung thư. 

+ Cách dùng và liều lượng

Rau má có thể dùng tươi, khô hoặc sử dụng dạng bột. Liều lượng dùng được khuyến cáo khoảng 40 gram rau má mỗi ngày. Còn đối với các vấn đề về suy tĩnh mạch (tuần hoàn máu ở chân) chỉ nên dùng 60 – 180 mg/ ngày. Nhìn chung, liều dùng rau má ở mỗi người có thể khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi.

+ Tác dụng phụ

Rau má có tính hàn, do đó, nếu lạm dụng rau má có thể gây lạnh bụng dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, việc sử dụng rau má sống có thể gây rối loạn tiêu hóa và ngộ độc. Nguyên nhân là do vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm như dư thừa thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm ký sinh trùng,…

Bên cạnh các tác dụng phụ kể tên, người bệnh cũng có thể gặp phải các phản ứng phụ khác như:

  • Giảm khả năng thụ thai và làm tăng nguy cơ sẩy thai

  • Tổn thương gan

  • Gây buồn ngủ nếu dùng chung với thuốc phẫu thuật

  • Viêm da

 

III. Bài thuốc chữa bệnh từ rau má

+ Chữa vàng da do thấp nhiệt

Sử dụng 30 – 40 gram rau má, rửa sạch, sắc chung với 30 gram đường phèn. Lọc lấy nước và uống.

+ Điều trị táo bón

Dùng 30 gram rau má, rửa sạch, giã nát và đắp lên rốn.

+ Chữa tiểu ra máu

Sử dụng rau má và ích mẫu thảo, mỗi vị một nắm. Rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.

+ Điều trị tiêu chảy

Hái 30 gram rau má sắc với nước vo gạo và uống mỗi ngày.

+ Chữa lở loét vùng lưng

Dùng một nắm lá rau má, rửa sạch và giã nát. Sau đó, vắt lấy nước cốt trộn với bột gạo nếp tạo thành hỗn hợp sền sệt. Bôi lên vùng lưng bị tổn thương. Thực hiện nhiều lần trong ngày để có kết quả tốt.

+ Điều trị bệnh sởi

 Rau má 30 – 40 gram. Sắc thuốc và uống mỗi ngày.

+ Trị nhọt độc

Sử dụng một nắm rau má tươi, rửa sạch. Tiếp đó, giã nát và đắp lên vùng bị mụn nhọt. Bên cạnh đó, có thể dùng 30 – 60 gram rau má, sắc thuốc uống.

+ Chữa đau mắt đỏ

Lấy một nắm rau má rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng mạch nằm ở lằn chỉ cổ tay. Hoặc dùng rau má tươi ngâm với thuốc tím rồi giã nát. Sau đó, lọc lấy nước và nhỏ mắt. Tuy nhiên, hiện nay cách làm thứ hai này không được sử dụng bởi vấn đề vô trùng.

+ Cải thiện tình trạng lở loét ống chân

Sử dụng rau má tươi đã được rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng bị tổn thương.

+ Điều trị áp xe giai đoạn đầu

Dùng rau má và vỏ quả cau, mỗi vị bằng nhau. Sắc thuốc uống. Nếu muốn tăng thêm tính hiệu quả trong việc điều trị, bệnh nhân có thể thêm một chút rượu vào uống.

Uống nước rau má có tác dụng gì?

Nước sắc rau má và vỏ quả cau có tác dụng chữa áp xe giai đoạn đầu

+ Chữa viêm amidan và viêm họng

Rau má 60 gram, rửa sạch và giã nát. Tiếp đó, vắt lấy nước cốt rồi hòa thêm một chút nước ấm và uống.

+ Hỗ trợ điều trị chấn thương phần mềm gây sưng nề

Dùng 20 – 30 gram rau má tươi, giã nát, vắt lấy nước cốt và hòa tan với một ít rượu rồi uống.

+ Chữa ngộ độc thực phẩm hoặc do thuốc

Rau má giã nát, vắt lấy nước cốt và uống. Để dễ uống hơn có thể thêm một ít đường phèn.

+ Điều trị các chứng xuất huyết

Dùng 30 – 100 gram rau má sắc thuốc uống hoặc giã nát, vắt lấy nước cốt và uống.

+ Giải nhiệt trị mẩn ngứa, rôm sẩy, lợi tiểu và mat gan

Rau má 30 – 100 gram, giã nát và vắt lấy nước cốt uống. Hoặc cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn và hòa thêm ít đường rồi uống.

+ Trị đau lưng, hành kinh đau bụng

Rau má, rửa sạch và phơi khô. Sau đó nghiền thành bột mịn, bảo quản trong lọ thủy tinh. Mỗi ngày uống 2 muỗng cà phê.

 

IV. Rau má trong làm đẹp, trị sẹo

+ Trị sẹo lõm

Rau má rửa sạch và ngâm nước muối pha loãng 5 – 7 phút để loại bỏ ký sinh trùng, bụi bẩn. Sau đó, chia làm 2 phần. Phần đầu, xay nhuyễn thêm ít đường và uống. Phần còn lại, giã nát và đắp lên vết sẹo lõm. Sau khoảng 15 phút, rửa lại mặt bằng nước sạch.

+ Chữa sẹo thâm

Rau má rửa sạch, để ráo và nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày sau khi vệ sinh da, dùng bột rau má đắp lên mặt khoảng 20 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Mỗi ngày nên đắp 2 lần. Thực hiện liên tục sau 4 tháng giúp làm mờ vết sẹo thâm lâu năm.

+ Trị sẹo lồi

Dùng nước ép rau má trộn với 1 muỗng cà phê mật ong và thoa lên vùng sẹo lồi. Sau khoảng 30 phút, vệ sinh lại da bằng nước ấm. Trong quá trình thoa hỗn hợp rau má, mật ong, nên massage nhẹ nhàng cho dịch chất thấm sâu vào bên trong, làm tăng tác dụng trị liệu.

+ Làm trắng da

Sử dụng ít lá rau má, rửa sạch và giã nát rồi đắp lên da mặt. Thực hiện đều đặn mỗi ngày giúp cung cấp độ ẩm, làm da căng sáng và mịn màng hơn.

 

V. Đối tượng nào không nên dùng rau má?

Để tránh tác dụng phụ, những đối tượng sau đây không nên sử dụng rau má để điều trị bệnh.

  • Người bệnh mắc các chứng bệnh thuộc thể hư hàn

  • Phụ nữ mang thai

  • Người có tiền sử bệnh gan

  • Bệnh nhân tiểu đường

  • Người bệnh ung thư 

  • Bệnh nhân có vấn đề về da

 

VI. Một số loại thuốc tương tác với rau má?

Rau má có tác dụng an thần, vì vậy khi tiêu thụ lượng lớn có thể gây buồn ngủ. Nếu dùng chung rau má với thuốc an thần sẽ làm tăng cảm giác buôn ngủ. Do đó, bệnh nhân không nên dùng rau má chung với các loại thuốc an thần sau:

  • Clonazepam (Klonopin®)

  • Phenobarbital (Donnatal®)

  • Zolpidem (Ambien®)

  • Lorazepam (Ativan®)

Ngoài ra, không nên dùng rau má chung với các loại thuốc gây hại gan, tránh nguy cơ làm tổn thương gan nặng. Một số thuốc gây độc hại cho gan như

  • Amiodaron(Cordarone®)

  • Fluconazole (Diflucan®)

  • Pravastatin (Pravachol®)

  •  Lovastatin (Mevacor®)

  • Acetaminophen (Tylenol®)

  • Itraconazole(Sporanox®)

  • Simvastatin (Zocor®)

  • Erythromycin (Ilosone® và Erythrocin®)

  • Carbamazepine (Tegretol®)

  • Phenytoin (Dilantin®)

Rau má là một loại thảo dược và cũng là thực phẩm chức năng, thực phẩm thuốc. Vì vậy, khi sử dụng rau má chữa bệnh, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách chế biến cũng như liều lượng cần dùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top