✴️ So đũa

Nội dung

Bông so đũa thường được sử dụng để chế biến các món ăn ngon như so đũa xào thịt bò, canh chua cá so đũa,… Bên cạnh đó, lá, rễ và vỏ của loại thảo dược này còn có khả năng chữa trị ho khan, ho có đờm, đau nhức xương khớp, viêm họng, lang ben và nhiễm giun sán.

Hình ảnh cây và hoa so đũa – Có thể dùng làm thực phẩm hoặc dược liệu trị bệnh

  • Tên gọi khác: Su đũa, điền thanh hoa lớn,…
  • Tên khoa học: Sesbania grandiflora Pers.
  • Họ: Đậu (danh pháp khoa học: Fabaceae)

 

Mô tả cây dược liệu so đũa

1. Đặc điểm thực vật

So đũa có chiều cao khoảng 4 – 10cm và phát triển rất nhanh. Cây có thể sống từ 5 – 10 năm, vỏ sần sùi, dày và tiết ra mủ có màu đỏ. Rễ cọc, có nhiều rễ non và rễ phụ thường được vi khuẩn cộng sinh và tạo thành các nốt sần.

Lá mọc so le, kép lông chim, mỗi lá có khoảng 20 – 24 đôi lá chét. Lá có hình bầu dục thuôn và dài khoảng 15 – 30cm. Hoa có dạng hoa môi, dài khoảng 7 – 8cm, màu hồng/ cam tím hoặc màu trắng, kích thước hoa to và mọc thành chùm, mỗi chùm có khoảng 3 – 5 bông.

Quả dài như quả đậu, nhỏ ở hai đầu và không chia đốt. Quả dài khoảng 30 – 50cm, bên trong có các hạt dẹt, hình thận màu vàng đậm đến nâu.

2. Bộ phận dùng

Nhựa mủ, hạt, hoa, lá, rễ và vỏ cây so đũa đều được dùng để làm thuốc.

3. Phân bố

So đũa có nguồn gốc từ Đông Nam Á hoặc Ấn Độ, thường sinh sống và phát triển ở những vùng đất có khí hậu nóng ẩm. Ở nước ta, cây thường được trồng để làm thức ăn hoặc làm cảnh.

4. Thu hái – sơ chế

Có thể thu hái quanh năm. Sau khi hái về, rửa sạch và dùng sống hoặc phơi khô, để dùng dần.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo và thoáng mát.

6. Thành phần hóa học

Vỏ cây chứa xanthoagathin, agathin (chất có màu đỏ), tannin, nhựa, basorin. Hoa, lá và quả chứa vitamin C, sắc, axit amin, muối canxi, vitamin B,…

 

Vị thuốc so đũa

1. Tính vị

  • Vỏ cây có vị đắng, chát.
  • Hoa so đũa có vị hơi đắng, ngọt, tính mát.

2. Qui kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng: Vỏ cây có tác dụng nhuận tràng, tăng lưu thông khí huyết và kích thích tiêu hóa. Hạt và quả có tác dụng chống thiếu máu và tăng cường sức khỏe.
  • Chủ trị: Thiếu máu, khối u, đau nhức, viêm phế quản, bệnh quáng gà, bệnh phong, động kinh, nhiễm giun sán, bệnh gout, vàng da, đau đầu, sổ mũi, viêm họng, cảm cúm, ghẻ lở, viêm ruột, đậu mùa,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Thực nghiệm trên chuột bạch tạng cho thấy chiết xuất Ethanol trong dược liệu có tác dụng chống ung thư cổ trướng Ehrlich (theo Tạp chí Journal of ethnopharmacology).
  • Thực nghiệm trên chuột còn cho thất hoạt chất Etanolic từ lá của so đũa có tác dụng ngăn chặn nhiễm độc gan do sử dụng kháng sinh Eythromycin estolate.
  • Nước ép từ lá so đũa có tác dụng hỗ trợ điều trị sỏi thận, chống viêm và chống oxy hóa.

4. Cách dùng – liều lượng

Dùng so đũa ăn sống, sắc lấy nước uống, dùng ngoài hoặc chế biến thành các món ăn thường ngày. Có thể dùng thảo dược này với liều lượng lớn.

 

Một số bài thuốc chữa bệnh từ so đũa

Toàn cây so đũa (lá, rễ, vỏ rễ) đều được dùng để điều trị các bệnh lý thường gặp

1. Bài thuốc giúp cơ thể khỏe mạnh, khí huyết lưu thông và tăng cường tiêu hóa

  • Chuẩn bị: Vỏ so đũa 40g và 1 lít rượu ngon.
  • Thực hiện: Xắt mỏng vỏ, sau đó phơi khô và ngâm trong rượu từ 15 – 30 ngày. Mỗi ngày dùng từ 15 – 30ml trước khi ăn cơm.

2. Bài thuốc chữa đau răng và viêm họng

  • Chuẩn bị: 1 ít vỏ cây so đũa.
  • Thực hiện: Thêm ít muối và ngậm trong khoảng 5 – 10 phút, thực hiện từ 2 – 3 lần.

3. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp

  • Chuẩn bị: Bột rễ cây so đũa.
  • Thực hiện: Trộn với nước và chà xát lên khớp sưng đau.

4. Bài thuốc chữa lang ben

  • Chuẩn bị: 1 ít lá so đũa.
  • Thực hiện: Rửa sạch, để ráo và xát lá lên vùng da bị lang ben. Để trong 30 phút và rửa sạch lại với nước. Thực hiện 2 lần/ ngày cho đến khi khỏi hẳn.

5. Bài thuốc tẩy giun bằng bông so đũa

  • Chuẩn bị: 10 – 30g bông so đũa.
  • Thực hiện: Phơi khô và đem sắc uống.

6. Bài thuốc chữa ho

  • Chuẩn bị: 1 ít rễ tươi, khoảng 6 – 18g.
  • Thực hiện: Giã nát, cho thêm nước, gạn bỏ bã và rồi lấy nước uống. Nếu bị đờm, có thể thêm mật ong vào để giảm ho và long đờm.

 

Những điều cần lưu ý khi dùng so đũa chữa bệnh

  • Nước sắc từ vỏ cây so đũa có thể gây nôn nếu dùng liều lượng lớn.
  • Khi sử dụng hoa để chế biến món ăn, nên loại bỏ phần quả non bên trong cánh hoa để không bị đắng.

So đũa không chỉ được dùng để chế biến món ăn mà còn có công dụng bồi bổ sức khỏe và trị bệnh. Vì vậy bạn có thể tận dụng thảo dược này để chữa trị các vấn đề sức khỏe thường gặp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top