Trong đại dịch Covid-19 nhiều người nghe đến và bắt đầu sử dụng “máy đo đọ bão hòa oxy theo mạch nẩy” gọi là PULSE OXIMETER để ước lượng nồng độ oxy trong máu của mình khi được cách ly tại nhà để theo dõi diễn tiến bệnh. Có một vài lưu ý cần được quan tâm về giá trị và hạn chế khi sử dụng thiết bị, nhất là cho người không được huấn luyện chuyên sâu về y khoa.
Pulse oxymetry dùng đo quang phổ theo luật Beer-Lambert. Phân biệt HbO2 và 2Hb khử qua sự khác biệt hấp thu ánh sáng ở 2 độ dài sóng 660 nm (đỏ) và 940 nm (hồng ngoại).
HbO2 hấp thu hồng ngoại nhiều hơn ánh sáng đỏ. Hb khử hấp thu ánh sáng đỏ nhiều hơn ánh sáng hồng ngoại.
Phương pháp chuẩn đo nồng độ của 4 loại Hb:
SaO2 = (HbO2 / HbO2 + Hb + COHb + MetHb) x 100
Máy đo bảo hòa oxy theo mạch nẩy chỉ đo các Hb có khả năng gắn oxy:
SpO2 = (HbO2/HbO2 + Hb) x 100
Máy đo độ bão hòa oxy theo mạch nẩy có tầm quan trọng của việc phát hiện sớm thiếu oxy máu khi mà khả năng của mắt người thường để nhận biết thiếu oxy máu kém hiệu quả. Lợi điểm quan trọng khác là theo dõi liên tục và không xâm lấn (so với xét nghiệm đo khí máu động mạch).
Cơ chế đo chỉ số SpO2: đầu dò SpO2 kẹp ở đầu ngón tay sẽ tận dụng cảm biến ở mặt dưới đồng hồ để tính toán chỉ số SpO2. Các tia sáng xanh ở cảm biến bắn vào các mạch máu. Sự biến thiên của sóng xuyên qua cổ tay sẽ cho ra giá trị của SpO2.
Máy đo độ bão hòa oxy là phương tiện theo dõi dễ dàng, dễ mua, việc theo dõi có tính liên tục và không xâm lấn, phát hiện sớm thiếu oxy máu (hay giảm SaO2). Giảm tử vong và biến chứng trong các tình huống hô hấp mất ổn định như bệnh nhân trong phòng mổ hay phòng hồi sức và ở bệnh nhân mắc Covid; giảm số lần phải đo khí máu động mạch.
Đại dịch Covid-19 khiến cho các phương tiện theo dõi hạn chế thì máy đo bão hòa oxy mô qua mạch nẩy có giá trị trong theo dõi diễn tiến bệnh và gợi ý hồi sức điều chỉnh máy thở, dịch truyền.
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của thiết bị như: nhiệt độ của da, sự lưu thông của máu ở vùng da nơi vị trí gắn thiết bị, người hút thuốc lá và sử dụng thuốc sơn móng tay.
Khi gắn thiết bị tay phải ấm áp, thư giãn và nhất là không cử động. Đợi vài giây khi tín hiệu ổn định (thông số không thay đổi) mới đọc, ghi lại thông số vào giấy để so sánh theo thời gian. Đổi vị trí các ngón tay và đo nhiều lần nếu cần.
So sánh SpO2 của lần đo trước xem có giảm hay không. Sự thay đổi qua thời gian quan trọng hơn là giá trị tại chỉ một thời điểm. Không chỉ dựa vào kết quả của thiết bị này để đánh giá tình trạng sức khoẻ của mình hay độ bảo hoà oxygen trong máu mà cần chú ý các triệu chứng khác như
+ Màu da tay, mặt, môi (xem có tái đi không)
+ Có hay không có cảm giác hụt hơi, khó thở
+ Cảm thấy bứt rứt trong người
+ Cảm giác tức ngực, đau ngực
+ Tim đập nhanh hơn, nhịp tim tăng trên máy đo SpO2.
Người có bệnh phổi sẵn có thể có SpO2 thấp hơn
NHÂN VIÊN Y TẾ KHÔNG PHẢI CHUYÊN NGÀNH HỒI SỨC CẦN LƯU Ý
Thiết bị này chỉ dùng để ước lượng độ bảo hoà oxygen trong máu: khi kết quả là 90% có thể tương ứng với độ bảo hoà oxygen trong động mạch SaO2 là từ 86-94%.
Khi sử dụng thiết bị đo oxy máu qua mạch nẩy để chẩn đoán và quyết định về xử trí nên sử dụng khuynh hướng thay đổi theo thời gian hơn là chỉ một lần đo duy nhất.
Loại pulse oximeter tiêu chuẩn sử dụng trong các cơ sở y tế khi so sánh kết quả của SpO2 với kết quả khí máu động mạch đòi hỏi ở mức SpO2 66% phải nằm trong khoảng 2-3% của giá trị khí máu và ở mức SpO2 95% phải nằm trong mức 4-6% của khí máu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh