Tên tiếng Việt: Thành ngạnh, Lành ngạnh, Cúc lương, Ngành ngạnh, Wòng a mộc, Cây đỏ ngọn, Mạy tiên (Tày), Co kín lang (Thái), Cây vàng la
Tên khoa học: Cratoxylon cochinchinensis (Lour.) Blume
Họ: Hypericaceae (Nọc sởi)
Công dụng: Thuốc dễ tiêu, bổ máu, bí tiểu, lậu, viêm ruột, ỉa chảy, đau dạ dày, hoa mắt, chóng mặt (Lá sắc uống). Thường dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ.
Chi Cratoxylum Blume có 19 loài trên thế giới đều là cây gỗ hay cây bụi, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, có 4 – 5 loài. Lành ngạnh có vùng phân bố khá rộng, gồm hầu hết các nước ở Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia, Maylaysia, Indonesia, Mianma), Ấn Độ và các tỉnh ở phía nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, lành ngạnh mọc phổ biến ở tất cả các tỉnh thuộc vùng núi thấp (dưới 600 m) và trung du.
Lành ngạnh là loại cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao. Cây thường mọc lẫn với nhiều loại cây bụi khác ở đồi, bờ nương rẫy hoặc ven rừng thưa. Ở nhiều nơi thuộc tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tây…, cây mọc tập trung gần như thuần loài trên các đồi cây bụi. Lành ngạnh có bộ rẻ cọc khỏe, cắm sâu xuống đất dài tới hơn lm, nên cây vẫn sống và phát triển được trên đất khô cằn, trơ sỏi đá. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm; tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Dù bị chặt phá nhiều lần, song phần còn lại của cây vẫn có khả năng tái sinh cây chồi khỏe. Ngoài công dụng làm thuốc, phần thân cành của cây được sử dụng làm củi.
Lá, vỏ thân, rễ thu hái quanh năm dùng tươi hay ủ rồi phơi khô.
Năm 1995, TS Nguyễn Liêm – nguyên Chủ nhiệm khoa Dược học, Học viện Quân y và cộng sự đã xác định sự có mặt của tanin và flavonoid trong lá thành ngạnh. Tiến sĩ đã xác định được dịch nước chiết của lá đỏ ngọn (1/16) có tác dụng chống oxy hóa mạnh, hoạt tính chống oxy hóa (HTCO) đạt 69% so đối chứng với P.
Cao lành ngạnh có tác dụng hoạt hóa hệ thần kinh, trong đó có hệ thần kinh thực vật, biểu hiện ở sự tăng hàm lượng catecholamin trong máu và tăng nhẹ thành phần sóng beta trên điện não đồ ở thỏ uống thuốc.
Dịch chiết cây lành ngạnh có tác dụng làm tăng khả năng thành lập phản xạ có điều kiện và dập tắt phản xạ trên chuột nhắt trắng, và như vậy làm tăng các quá trình hưng phấn và ức chế có điều kiện trên động vật thí nghiệm.
Lành ngạnh có vị đắng chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiêu hóa. Công dụng Theo kinh nghiệm nhân dân, phụ nữ sau khi đẻ thường lấy lá lành ngạnh nấu nước uống. Mỗi ngày dùng 15 – 30g, có thể thêm ít lá vối, để giúp tiêu hóa, làm ăn ngon, hoặc phối hợp với lá ngải hoa vàng (thanh cao hoa vàng) sắc uống để chữa sốt, mồ hôi trộm, chân tay mỏi rã rời. Còn dùng chữa cảm sốt, viêm ruột, tiêu chảy và khản cổ, ho mất tiếng dưới dạng nước sắc lá hoặc vỏ cây.
Ở Quảng Tây (Trung Quốc) người ta dùng lành ngạnh trị cảm mạo, cảm nắng, viêm dạ dày ruột cấp tính, hoàng đản. Ở Ấn Độ, nhân dân dùng nước sắc vỏ cây uống chữa cơn đau bụng và dùng nhựa từ vỏ cây bôi để chữa ngứa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh