Ứ mật trong gan trong thai kỳ (RCOG 2022)

???? Ứ mật trong gan trong thai kỳ (Intrahepatic Cholestasis of Pregnancy – ICP) là bệnh lý gan phổ biến nhất và đặc trưng cho thai kỳ. Tỷ lệ mắc ICP rất khác nhau trên toàn thế giới, từ <1 đến 27,6%.

???? Nguyên nhân của ICP chưa được hiểu biết một cách đầy dủ, nhưng có thể có mối liên quan giữa các yếu tố di truyền, nội tiết và môi trường.

???? Ứ mật trong gan trong thai kỳ được đặc trưng bởi triệu chứng ngứa và sự gia tăng nồng độ acid mật trong huyết thanh, thường khởi phát vào cuối quý II và/hoặc quý III, và nhanh chóng biến mất sau khi sinh. Tiền triệu của ICP thường là triệu chứng ngứa, từ nhẹ đến không thể chịu đựng được. Đau hạ sườn phải, buồn nôn, chán ăn, mất ngủ hoặc phân mỡ cũng là những triệu chứng có thể gặp phải.

✅ Tháng 06 năm 2022, Hội Sản Phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG) đưa ra khuyến cáo mới về ICP với những điểm chính sau:

1️⃣ Chẩn đoán ứ mật trong gan trong thai kỳ nên được xem xét ở những phụ nữ mang thai bị ngứa trên nền da bình thường và có nồng độ acit mật toàn phần bất kỳ cao nhất từ 19 micromol/L trở lên. [Khuyến cáo mức D]

2️⃣ Các xét nghiệm bổ sung và/hoặc xét nghiệm hình ảnh không được khuyến cáo trừ khi triệu chứng ngứa có liên quan đến các triệu chứng lâm sàng không điển hình, có bệnh lý liên quan kèm theo hoặc ICP nặng, khởi phát sớm. Xem xét các xét nghiệm bổ sung ở những phụ nữ có kết quả xét nghiệm chức năng gan không trở về bình thường hoặc trở về bình thường muộn sau sinh. [Khuyến cáo mức C]

3️⃣ Cân nhắc thảo luận về việc chăm sóc những phụ nữ có biểu hiện ICP nghiêm trọng, rất sớm hoặc không điển hình với bác sĩ chuyên khoa gan mật. [Khuyến cáo mức D]

4️⃣ Chẩn đoán xác định ICP trong thời kỳ hậu sản ít nhất 4 tuần sau khi sinh, khi tình trạng ngứa biến mất và xét nghiệm chức năng gan trở về bình thường (bao gồm cả acid mật). [Khuyến cáo mức D]

5️⃣ Tư vấn cho những phụ nữ mang đơn thai bị ICP đơn độc rằng nguy cơ thai lưu chỉ tăng cao hơn tỷ lệ chung khi nồng độ acid mật trong huyết thanh của họ từ 100 micromol/L trở lên.

ℹ️ Ở những phụ nữ có nồng độ đỉnh acid mật từ 19–39 micromol/L (ICP mức độ nhẹ) và không có yếu tố nguy cơ nào khác, nguy cơ thai lưu tương tự như nguy cơ nền. Cân nhắc kết thúc thai kỳ khi thai được 40 tuần hoặc chăm sóc tiền sản liên tục theo hướng dẫn quốc gia.

ℹ️ Ở những phụ nữ có nồng độ đỉnh acid mật từ 40–99 micromol/L (ICP mức độ vừa) và không có yếu tố nguy cơ nào khác, nguy cơ thai lưu đã biết tương tự như nguy cơ nền cho đến tuần thứ 38–39 của thai kỳ. Cân nhắc kết thúc thai kỳ khi thai được 38–39 tuần.

ℹ️ Ở những phụ nữ có nồng độ đỉnh acid mật từ 100 micromol/L trở lên (ICP mức độ nặng), nguy cơ thai lưu cao hơn nguy cơ nền. Cân nhắc kết thúc thai kỳ khi thai được 35–36 tuần. [Khuyến cáo mức A]

6️⃣ Tư vấn cho phụ nữ có ICP và mang song thai rằng nguy cơ thai lưu cao hơn so với song thai không có ICP. [Khuyến cáo mức D]

7️⃣ Cần lưu ý rằng siêu âm thai nhi và/hoặc CTG không dự đoán hoặc ngăn ngừa thai lưu trong ICP. [Khuyến cáo mức D]

8️⃣ Tư vấn cho sản phụ bị ICP rằng sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ hoặc bệnh kèm (chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ và/hoặc tiền sản giật và/hoặc đa thai) dường như làm tăng nguy cơ thai lưu và có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định về thời điểm kết thúc thai kỳ. [Khuyến cáo mức D]

9️⃣ Tư vấn cho sản phụ rằng không có phương pháp điều trị nào giúp cải thiện kết cục thai kỳ (hoặc tăng nồng độ acid mật) và các phương pháp điều trị để cải thiện tình trạng ngứa ở người mẹ chỉ mang lại lợi ích hạn chế. [Khuyến cáo mức A]

1️⃣0️⃣ Không sử dụng acid ursodeoxycholic một cách thường quy nhằm mục đích giảm kết cục chu sinh bất lợi ở phụ nữ mắc ICP. [Khuyến cáo mức A]

____________________________________________

????TLTK

1. Geenes V, Williamson C, Intrahepatic cholestasis of pregnancy, World J Gastroenterol. 2009;15(17):2049.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19418576/

2. Clinical Updates in Women's Health Care Summary: Liver Disease: Reproductive Considerations, Obstet Gynecol. 2017; 129(1):236.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28002308/

3. Girling, J, Knight, CL, Chappell, L; on behalf of the Royal College of Obstetricians and Gynaecologists. Intrahepatic cholestasis of pregnancy. BJOG. 2022; 129(13): e95– e114.

return to top