✴️ Phân loại phẫu thuật và dự phòng nhiễm khuẩn

Nội dung

A. Các loại phẫu thuật

I. Phẫu thuật sạch: Vùng mổ không bị viêm nhiễm, không phải phẫu thuật vùng hầu miệng, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu, phẫu thuật không có dẫn lưu và nếu có thì phải là dẫn lưu kín.

II. Phẫu thuật sạch nhiễm: phẫu thuật hệ hô hấp, tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu có kiểm soát và không bị nhiễm trầm trọng, cắt ruột thừa, phẫu thuật hệ tiết niệu nhưng kết quả cấy nước tiểu âm tính, phẫu thuật đường mật nhưng dịch mật không bị nhiễm khuẩn.

III. Phẫu thuật nhiễm: vết thương hở, chấn thương mới hay những phẫu thuật có vi phạm về vô khuẩn hay thủng lớn từ đường tiêu hóa, phẫu thuật đường mật hay hệ tiết niệu, sinh dục có  nhiễm khuẩn, vùng phẫu thuật bị viêm cấp nhưng không có mủ.

IV. Phẫu thuật bẩn: các chấn thương, vết thương có mô hoại tử, dị vật trong môi trường bẩn hoặc điều trị muộn, thủng tạng rỗng, nhiễm khuẩn cấp tính quan sát thấy mủ trong lúc mổ.     

 

B. Nhiễm khuẩn vết mổ

1. Chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ

Nhiễm khuẩn vết mổ có 3 mức độ, nông, sâu và cơ quan.

1.1.  Nhiễm khuẩn vết mổ nông: Phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau

- Nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật.

- Chỉ xuất hiện ở vùng da hay vùng dưới da tại đường mổ.

- Có ít nhất một trong các triệu chứng sau:

a. Chảy mủ từ vết mổ nông.

b. Phân lập được vi khuẩn từ cấy dịch hay mô được lấy vô khuẩn từ vết mổ.

c. Có ít nhất một trong những dấu hiệu hay triệu chứng sau: đau, sưng, nóng, đỏ và cần mở bung vết mổ, trừ khi nuôi cấy phân lập vi khuẩn từ vết mổ âm tính.

d. Bác sĩ lâm sàng chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ nông.

1.2. Nhiễm khuẩn vết mổ sâu: Phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau

- Nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hay 1 năm đối với đặt implant.

- Xảy ra ở mô mềm sâu của đường mổ.

- Có ít nhất một trong các triệu chứng sau:

a. Chảy mủ từ vết mổ sâu nhưng không từ cơ quan hay khoang nơi phẫu thuật.

b. Vết thương hở da sâu tự nhiên hay do phẫu thuật viên mở vết thương khi bệnh nhân có ít nhất một trong các dấu hiệu hay triệu chứng sau: sốt trên 38oC, đau, sưng, nóng, đỏ, trừ khi nuôi cấy vi khuẩn từ vết mổ âm tính.

c. Áp xe hay bằng chứng nhiễm khuẩn vết mổ sâu qua thăm khám, phẫu thuật lại, Xquang hay giải phẫu bệnh.

d. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ sâu.

1.3. Nhiễm khuẩn vết mổ tại cơ quan/khoang phẫu thuật: Phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau

- Nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hay 1 năm đối với đặt implant.

- Xảy ra ở bất kỳ nội tạng, loại trừ da, cân, cơ, đã xử lý trong phẫu thuật

- Có ít nhất một trong các triệu chứng sau:

a. Chảy mủ từ dẫn lưu nội tạng

b. Phân lập vi khuẩn từ cấy dịch hay mô được lấy vô khuẩn ở cơ quan hay khoang nơi phẫu thuật.

c. Áp xe hay bằng chứng khác của nhiễm khuẩn qua thăm khám, phẫu thuật lại, Xquang hay giải phẫu bệnh

d. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ tại cơ quan/khoang phẫu thuật.

2. Các biện pháp dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn vết mổ:

a. Biện pháp chung:

- Tắm khử khuẩn cho người bệnh trước phẫu thuật;

- Loại bỏ lông và chuẩn bị vùng rạch da đúng quy định;

- Khử khuẩn tay ngoại khoa và thường quy bằng dung dịch rửa tay chứa cồn;

- Áp dụng đúng liệu pháp kháng sinh dự phòng

- Tuân thủ chặt chẽ quy trình vô khuẩn trong buồng phẫu thuật

- Kiểm soát đường huyết, ủ ấm người bệnh trong phẫu thuật.

- Duy trì tốt các điều kiện vô khuẩn khu phẫu thuật như dụng cụ, đồ vải phẫu thuật, nước vô khuẩn để rửa tay ngoại khoa và đảm bảo thông khí sạch trong buồng phẫu thuật.

     

b. Chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật

- Xét nghiệm đường máu trước mọi phẫu thuật.

- Phát hiện và điều trị mọi ổ nhiễm khuẩn ở ngoài vị trí phẫu thuật hoặc ổ nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trước mổ đối với các phẫu thuật có chuẩn bị.

- Người bệnh mổ phiên phải được tắm bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc dung dịch kháng khuẩn có chứa iodine hoặc chlorhexidine vào tối trước ngày phẫu thuật.

- Không loại bỏ lông trước phẫu thuật trừ người bệnh phẫu thuật sọ não hoặc người bệnh có lông tại vị trí rạch da. Sử dụng kéo cắt hoặc máy cạo râu để loại bỏ lông, không sử dụng dao cạo.

c. Sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật đúng phác đồ

d. Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật

- Băng vết mổ bằng gạc vô khuẩn liên tục từ 24-48 giờ sau mổ. Chỉ thay băng khi băng thấm máu/dịch, băng bị nhiễm bẩn hoặc khi mở kiểm tra vết mổ.

- Hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh cách theo dõi phát hiện và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi vết mổ có các dấu hiệu/triệu chứng bất thường.

- Cần rút dẫn lưu sớm nhất có thể.

- Theo dõi vết mổ

Có thể bạn quan tâm: Phẫu thuật xử lý nhiễm khuẩn vết mổ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top