✴️ Sấy hấp dụng cụ phương tiện phẫu thuật

Nội dung

KHÁI NIỆM:

Sấy hấp dụng cụ phương tiện phẫu thuật là một phương pháp tiệt khuẩn bề mặt dụng cụ, phương tiện bằng sức nhiệt ( sức nóng).

Tùy theo cách sử dụng người ta chia ra làm hai loại:

Sức nhiệt ẩm: luộc, hấp ướt.

Sức nhiệt khô: đốt, sấy.

Tiệt khuẩn bằng nhiệt độ thấp.

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP:

Sử dụng sức nhiệt ướt:

Đun sôi:

Chỉ dùng khi không có điều kiện hấp sấy được.

Yêu cầu: Đun sôi 100̊ C. Chú ý nếu ở nơi có độ cao trên 304,5m thời gian đun sôi kéo dài thêm 5 phút.

Dụng cụ phải được làm sạch, tháo rời, đổ ngập nước, nồi đun không có dầu mỡ.

Thời gian:

30 phút trong nước bình thường.

15 phút trong nước có pha thêm NaHCO3( liều lượng 2 gr/100ml ) nhằm tăng tác dụng tiệt trùng và làm giảm sự ăn mòn dụng cụ.

Ưu nhược điểm:

Đơn giản, dễ triển khai, thích hợp với điều kiện dã ngoại.

Do nhiệt độ cao chỉ đạt 100̊ C nên không diệt được nha bào.

Hấp dưới áp lực:

Là phương pháp tiệt trùng bằng nhiệt độ dưới áp lực cao của hơi nước. Đây là phương pháp thông thường và thích hợp để tiệt khuẩn cho tất cả các dụng cụ dùng cho các thủ thuật xâm lấn chịu đựng được nhiệt độ và độ ẩm. Phương pháp này đáng  tin cậy, không độc, rẻ tiền, diệt được bào tử, ít tốn thời gian vì hơi nước có thể xuyên qua vải bọc, giấy gói, thùng kim loại đóng gói dụng cụ.

Yêu cầu:

Dụng cụ phải xếp gọn trong hộp hấp.

Mở hết các cửa sổ hộp hấp.

Hấp đúng thời gian và áp lực:

Nhiệt độ 121̊ C hấp trong 20 phút.

Nhiệt độ 134̊ C hấp trong 3-4 phút.

Sử dụng nồi áp xuất ( 0,5 atmosphere) hấp tối thiểu 30 phút.

Chú ý:

Phải đảm bảo đúng chế độ an toàn nồi hấp:

Kiểm tra mức nước, van an toàn trước khi hấp, kiểm tra độ kín của nồi hấp.

Xả áp lực về “O” trước khi mở nắp nồi hấp.

Phải dỡ dụng cụ ra ngoài khi còn nóng để tránh ẩm ướt dụng cụ.

Khi đưa ra ngoài, các hộp dụng cụ phải được đóng kín các cửa sổ, để lên giá sạch, dán nhãn đề ngày tháng theo thứ tự: dụng cụ hấp trước dùng trước, dụng cụ hấp sau dùng sau. Dụng cụ đã hấp quá 3 ngày phải hấp lại.

Ưu, nhược điểm:

Ưu điểm:

Tiệt trùng nhanh, triệt để.

Tiệt trùng được nhiều loại dụng cụ.

Nhược điểm:

Không tiệt trùng được dầu, mỡ, phấn.

Sấy khô:

Thường được áp dụng tiệt khuẩn cho các dụng cụ chịu được nhiệt độ cao:

tiệt khuẩn một số dụng cụ thủy tinh, gốm, sứ, kim loại.

Nguyên lý: trong tủ sấy nhiệt độ cao và khô làm oxy hóa mành tế bào vi sinh vật.

Thời gian: với nhiệt độ 180̊ C trong 1 giờ hoặc nhiệt độ sấy 160̊C trong 2 giờ.

Ưu điểm: dụng cụ sắc nhọn không bị cùn, tiệt khuẩn được các dụng cụ bằng thủy tinh, dầu, mỡ, phấn bột.

Nhược điểm: thời gian tiệt khuẩn dài, không áp dụng cho các dụng cụ bằng vải, cao su, nhựa.

Tiệt khuẩn bằng nhiệt độ thấp:

Tiệt khuẩn bằng khí:

Các loại khí thường dùng để tiệt khuẩn dụng cụ là: Ethylen Oxit ( khí EO ), Formaldehyde. Thời gian tiệt khuẩn đòi hỏi phải từ 6-8 giờ. Ưu điểm của phương pháp này là khí diệt khuẩn có thể chui vào các ống dài, kích thước nhỏ, không làm thay đổi biến dạng chất liệu của dụng cụ. Phương pháp này tốt cho những loại dụng cụ không chịu nhiệt. Tuy nhiên Formaldehyde có tác dụng phụ rất độc.

Tiệt khuẩn bằng công nghệ Plasma:

Tiệt khuẩn các dụng cụ bằng cách khuếch tán hydrogen peroxide vào buồng và sau đó “ kích hoạt” các phân tử hydrogen peroxide thành dạng plasma. Sử dụng kết hợp hơi và plasma hydrogen peroxide tiệt khuẩn an toàn và nhanh các dụng cụ và vật liệu y khoa mà không để lại dư lượng độc hại. Sản phẩm cuối là oxy và nước nên rất an toàn cho người sử dụng và môi trường.

Tất cả các giai đoạn của quá trình tiệt khuẩn, kể cả giai đoạn plasma, vận hành trong môi trường khô ở nhiệt độ thấp, vì vậy chu trình không làm hỏng các dụng cụ nhạy cảm với nhiệt và độ ẩm. Kỹ thuật này thích hợp để tiệt khuẩn các dụng cụ nội soi và vi phẫu trong các chuyên khoa phẫu thuật tổng quát, phẫu thuật tim, thần kinh, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, chấn thương chỉnh hình, sản nhi…

 

KIỂM TRA QUY TRÌNH TIỆT KHUẨN

Giám sát cơ học: đánh giá các thông số kỹ thuật tại thời điểm bắt đầu mỗi chu trình tiệt khuẩn, phát hiện sớm các bất thường sai sót.

Dùng các chất chỉ thị hóa học: chỉ thị hóa học là các băng dính, hỗn hợp hóa chất. Băng dính vạch dán ở bên ngoài các hộp, gói hấp chuyển màu sau khi hấp chứng tỏ dụng cụ đã được tiệt khuẩn. Băng dính vạch không chuyển màu hoặc không rõ ràng thì dụng cụ phải được tiệt khuẩn lại.

Giám sát sinh học: qua các chỉ thị sinh học, đánh giá hiệu lực tiệt khuẩn bằng cách cho vào bao hấp một lọ chứa số lượng lớn nha bào vi khuẩn. Chỉ thị sinh học bị bất hoạt sau khi hấp (kết quả là âm tính). Chỉ thị sinh học không bị bất hoạt (kết quả dương tính) phải báo cáo cho nhân viên phụ trách để có biện pháp xử lý.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài giảng gây mê (dùng cho đại học). Học viện quân y . Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2012.

Kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh trong quân đội. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2013.

Điều dưỡng cơ sở (giáo trình Đại học) Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2010.

Ngoại khoa cơ sở. Học viện Quân y. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2005.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top