✴️ Bệnh răng miệng có ảnh hưởng gì đến thai phụ?

Nội dung

Trên thực tế, bênh răng miệng thường rất hay gặp ở phụ nữ mang thai nhất bởi vì lúc này lượng canxi trong cơ thể người mẹ lúc này bị thiếu hụt do phải cung cấp cho thai nhi.

Thời điểm mẹ bầu gặp phải bệnh răng miệng

Đa phần những phụ nữ có sức khỏe tốt thì sẽ khó nhận biết được những thiếu hụt canxi nói trên, nhưng ngược lại, đối với những người ốm yếu thì việc mang thai gặp tình trạng sụt giảm lượng canxi trong cơ thể là rất thường gặp.

Trong giai đoạn thai nhi được khoảng 25 tuần tuổi, hệ xương đang được hình thành một cách mạnh mẽ thì lượng canxi cần thiết phải cung cấp cho em bé cao hơn so với các tháng trước đó của thai kỳ.

Nếu người mẹ không có đủ canxi và không bổ sung được canxi qua đường ăn uống thì khả năng thiếu hụt canxi sẽ nghiêm trọng. Bệnh đầu tiên gặp phải sẽ là các bệnh liên quan đến răng miệng. Việc mẹ bị sâu răng cũng sẽ khiến con bị sâu răng theo và gặp vấn đề về viêm vòm họng.

Phụ nữ mang thai bị bệnh răng miệng có nguy hiểm không?

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ khi mang thai bị sâu răng thì khả năng sinh con ra sẽ có bộ máy tiêu hóa kém hiệu quả, hệ miễn dịch không được tốt và ngoài ra còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều căn bệnh khác.

Do đó, khi thấy dấu hiệu sâu răng, răng ngả màu, thai phụ cần đến gặp nha sĩ để khám răng ngay. Điều quan trọng là phụ nữ mang thai phải thường xuyên đi khám răng để phòng ngừa và điều trị bệnh.

Tuy nhiên, giai đoạn khoảng từ 30 tuần trở đi của thai kỳ, kích thước bào thai bây giờ đã quá lớn, việc đi lại và nằm chữa răng lâu có thể sẽ gây ra chóng mặt cho thai phụ nên có thể hạn chế khám răng từ giai đoạn này.

bệnh răng miệng

Bệnh răng miệng có thể ảnh hưởng đến thai nhi

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý răng miệng ở phụ nữ mang thai

Theo các nghiên cứu của các bác sĩ nha khoa cho rằng bệnh lý về răng miệng ở mỗi giai đoạn trưởng thành của con người có sự khác nhau. Đôi lúc cơ địa thay đổi khiến cho cơ thể dễ mắc phải các bệnh răng miệng hơn. Đặc biệt, với những bà mẹ đang mang thai luôn cần tìm hiểu thật kỹ về vấn đề này.

Trong giai đoạn mang thai, các mẹ bầu thường gặp phải rắc rối với những bệnh răng miệng hơn so với người bình thường bởi những nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Cơ thể người mẹ có những thay đổi ít nhiều về hormone làm cho nướu dễ bị viêm nhiễm. Triệu chứng thường gặp phải thường là hiện tượng nướu bị sưng tấy và bị chảy máu, nhất là mỗi khi đánh răng.

  • Trong thời gian mang thai, mẹ bầu thường có sự thay đổi đáng kể trong thói quen ăn uống, ưa thích các thức ăn nhiều đường, giàu tinh bột. Đây là chất rất dễ tạo mảng bám quanh các chân răng, gây nên hiện tượng sâu răng và nguy cơ mắc các bệnh nha chu cao hơn.

 

4 bệnh lý răng miệng ở phụ nữ mang thai 

Với những lý do đã nêu ở trên trên, bà bầu trong giai đoạn mang thai thường phải đối mặt với các bệnh răng miệng sau:

Viêm nướu và nha chu

Khoảng thời gian mang thai từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 8, thai phụ thường rất hay bị viêm nướu. Nguyên do là những thay đổi nội tiết và mao mạch, làm cho mảng bám vi khuẩn và bệnh nha chu dễ xuất hiện. Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra, sự tích lũy các loại hoóc-môn ở mô nướu ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống mạch máu ở nướu, hệ thống miễn dịch tại chỗ và phản ứng của nó với những vi khuẩn có trong mảng bám răng. 

Răng thường rất dễ bị lung lay do tình trạng viêm nướu và viêm nha chu. Hiện tượng này khiến mẹ bầu không được thoải mái trong vấn đề ăn uống của mình.

bệnh răng miệng

Răng thường rất dễ bị lung lay do tình trạng viêm nướu và viêm nha chu

Sâu răng

Vào những tháng đầu tiên của thai kỳ, do các triệu chứng sinh lý thông thường có thể xảy ra như: ốm nghén, buồn nôn, mệt mỏi khiến thai phụ chưa thể ăn uống được nhiều, việc tăng cân cũng khó xảy ra. 

Chính việc thường xuyên bị nôn ọe làm thay đổi môi trường pH trong miệng, làm giảm khả năng tự bảo vệ của răng miệng nên các bệnh lý dễ dàng hình thành là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, việc bổ sung nhiều thức ăn ngọt, glucose, ăn nhiều bữa phụ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, nguy cơ sâu răng rất cao ở phụ nữ có bầu.

Trong thời gian mang thai của mẹ bầu, lượng nước bọt được tiết ra giảm so với lúc bình thường nên dễ gây sâu răng hơn, lý do là vì trong nước bọt có chứa những chất có tác dụng làm chắc men răng, bảo vệ răng và ngăn chặn sự xuất hiện của sâu răng.

Mặt khác, vào khoảng tháng thứ 5 – 6 của thai kỳ (tương đương thai nhi ở 24 – 25 tuần tuổi) là thời điểm hệ xương đang hình thành một cách mạnh mẽ. Lượng canxi cần thiết để hình thành xương của thai nhi được lấy trực tiếp từ cơ thể của người mẹ.

Thông thường, trong máu của mẹ lúc này thường không đủ canxi và cơ thể thai phụ lúc ấy đòi hỏi phải bổ sung thêm lượng canxi cần thiết nhất định. Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng mẹ bầu bị bệnh sâu răng sẽ có nguy cơ sinh non cao gấp 3 lần so với những trường hợp có sức khỏe răng miệng tốt, chiếm đến 25% số những phụ nữ bị bệnh sâu răng được điều tra sinh non trước tuần thứ 35.

Mòn răng

Thông thường răng được bảo vệ bởi lớp men răng. Tuy nhiên khi mang thai, chứng ợ chua, nôn ói ở mẹ bầu khiến acid từ dạ dày bị đẩy lên khoang miệng, tiếp xúc trực tiếp với men răng và ngà răng gây nên mòn răng. 

Trong trường hợp mòn răng nặng đến mức lộ lớp ngà răng bên trong thì lúc này mẹ sẽ cảm thấy ê buốt, đặc biệt khi ăn uống các thức ăn lạnh hoặc khi thở bằng miệng. Để điều trị tình trạng này là khá phức tạp.

U nướu thai nghén

Đây là một khối tăng sinh mềm, có màu hồng và hình thành ở nướu. Khối u này thường phát triển nhanh trong 3 tháng giữa và dần nhỏ lại, mất hẳn sau khi sinh. Sự tồn tại của nó gây nên nhiều khó chịu cho thai phụ.

 

Phòng chống bệnh răng miệng ở phụ nữ mang thai

Để không phải đối mặt với các chứng bệnh về răng miệng khi mang thai, ảnh hưởng đến thai nhi, các mẹ bầu nên thực hiện những điều sau đây:

  • Mỗi ngày đánh răng ít nhất 2 lần vào thời điểm sau bữa ăn để giữ vệ sinh răng miệng.

  • Trong giai đoạn ốm nghén, sau mỗi lần bị nôn mẹ cần súc miệng lại bằng nước sạch để giảm axit có trong miệng.

  • Nếu đánh răng gây buồn nôn cho các bà mẹ mang thai, mẹ có thể đánh nhẹ nhàng sau đó súc miệng lại bằng dung dịch súc miệng hay nước muối loãng.

Tích cực ăn thực phẩm giàu vitamin C, B12, canxi… và hạn chế ăn đồ ngọt, đồ có ga.

 

bệnh răng miệng

Mẹ bầu cần duy trì thói quen chăm sóc răng miệng khi mang thai

Nhận biết được những bệnh răng miệng ở phụ nữ mang thai sẽ giúp mẹ bầu phần nào trang bị được những kiến thức và chuẩn bị tốt về vấn đề này trước và trong thời kỳ mang thai. Chăm sóc thật tốt vấn đề sức khỏe về răng miệng trong giai đoạn này cũng là cách bảo vệ sức khỏe cho con yêu và chính bản thân mình đó bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top