✴️ Phẫu tích bệnh phẩm bánh rau (đơn thai)

Nội dung

NGUYÊN TẮC

Cần khảo sát lúc bánh rau còn tươi, không được làm rách, nát bánh rau. Khảo sát cả màng rau, dây rốn. Bệnh phẩm sau khi pha cần được cố định ngay trong formol đệm trung tính 10%.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học:                                 01

Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học:                      02

Phương tiện, hóa chất

Bàn pha bệnh phẩm: phải đủ rộng, chiều cao thích hợp cho tư thế đứng pha bệnh phẩm.

Dao sắc, kẹp, thớt nhựa sạch, phẳng.

Các lọ đựng dung dịch cố định bệnh phẩm (formol đệm trung tính 10%), thể tích dung dịch cố định lớn hơn 20-30 lần thể tích bệnh phẩm cần cố định.

Khuôn nhựa đựng bệnh phẩm.

Bút chì mềm, nhãn giấy ghi tên, tuổi người bệnh, mã số xét nghiệm, mô xét nghiệm…

Găng tay, khẩu trang, kính bảo vệ mắt và quần áo bảo hộ.

Vòi nước chảy, các dụng cụ và thuốc tẩy trùng để làm sạch dụng cụ.

Bình có chứa dung dịch cố định để lưu bệnh phẩm.

Dụng cụ có nắp kín để đựng các bệnh phẩm đã pha còn dư để đem huỷ. 

Bệnh phẩm

Bệnh phẩm được cố định ngay (không quá 30 phút kể từ khi bệnh phẩm được lấy ra khỏi cơ thể) trong formol trung đệm tính 10%, do các khoa, phòng lâm sàng gửi tới.

Phiếu xét nghiệm

Có đầy đủ thông tin về người bệnh (họ tên, tuổi, giới, địa chỉ, điện thoại), khoa phòng yêu cầu xét nghiệm.

Có ghi đầy đủ chẩn đoán lâm sàng, bao gồm các triệu chứng lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng khác, phương pháp lấy bệnh phẩm, vị trí, số lượng bệnh phẩm.

Có ghi rõ yêu cầu xét nghiệm, tên bác sĩ yêu cầu xét nghiệm.

Ghi ngày giờ lấy bệnh phẩm, ngày giờ chuyển đến khoa giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học, có hay không có cố định bệnh phẩm sơ bộ, loại dung dịch cố định.

Có phần mô tả đại thể, số lượng bệnh phẩm lấy xét nghiệm, vùng lấy bệnh phẩm, loại mô xét nghiệm…

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Quy trình chuẩn bị và mô tả đại thể

Tiến hành ngay sau khi bệnh phẩm được lấy ra, chú ý không làm rách bánh rau.

Ghi nhận số lượng máu và máu cục trong thùng chứa, quan sát các mảnh màng dây rốn hoặc rau thai bị rách ra.

Khảo sát theo thứ tự: màng ối, bánh rau mặt thai và bánh rau mặt mẹ .

Đo khoảng cách từ bờ rau thai đến phần gần nhất của chỗ rách (O: bờ rau  tiền đạo). 

Khảo sát các màng để xác định bánh rau còn nguyên vẹn không (nếu có mất 1 phần, báo cho bác sĩ sản biết), các mô màng rụng hoại tử, phù nề, chửa ngoài màng ối, chảy máu sau màng, màu sắc và độ trong suốt. 

Lấy các mảnh màng dài 23cm bắt đầu từ chỗ rách cho đến bờ bánh rau. Cuộn bệnh phẩm với bề mặt màng ối ở bên trong, cố định 24 giờ, lấy đoạn 3 mm từ trung tâm (chú ý không làm tróc màng ối) để làm xét nghiệm mô bệnh học. Lấy 1 đoạn thứ 2 gần màng ối, màng đệm, màng rụng từ nơi bị rách (trong trường hợp đẻ đường âm đạo).

Cắt xén phần màng còn lại từ bờ rau 

Đo chiều dài của dây rốn và khoảng cách ngắn nhất từ chỗ bám của dây rốn vào bờ rau thai.

Khảo sát dây rốn: chỗ bám (không có màng hoặc có màng; nếu có màng, xem mạch máu còn nguyên vẹn không?), số lượng mạch máu rốn (bằng cách cắt lọc dây rốn theo chiều ngang ở 2 hoặc nhiều điểm), màu sắc, các nút thắt, xoắn, thít chặt, máu tụ, nghẽn tắc không.

Lấy dây rốn ở cách nơi bám vào bánh rau 3cm, cắt đoạn 2-4cm từ điểm giữa của dây rốn, cố định đoạn này 24 giờ, lấy 1 đoạn 3 mm để làm xét nghiệm mô bệnh học.

Khảo sát bánh rau mặt thai: màu sắc, độ mờ đục, tơ huyết dưới màng đệm, nang (số lượng và kích thước), các nốt màng ối, dị sản vảy, huyết khối của mạch máu mặt thai, u mạch máu màng đệm

Khảo sát bánh rau mặt mẹ: có toàn vẹn không Các vết nứt bình thường, chỗ rách, vùng bị lõm, chảy máu sau bánh rau (kích thước và khoảng cách từ bờ rau) không.

Đo đường kính lớn nhất, độ dày của vùng trung tâm, cân nặng (sau khi cắt xén dây rốn và màng rau), hình dạng như thế nào.

Sờ nắn bánh rau nhẹ nhàng bằng 1 tay, trải bánh rau mặt mẹ ngửa lên trên 1 mặt phẳng và cắt các lát bằng dao lớn, sắc với khoảng cách mỗi lát 10cm. Bánh rau mặt thai không cắt đứt để giữ bệnh phẩm dính nhau.

Lấy 4 mẫu bánh rau phía mặt mẹ và mặt thai còn nguyên vẹn. Mạch máu của thai phải được cắt thẳng góc với trục dài. Cố định 24 giờ, cắt thành mẫu 3cm để làm xét nghiệm mô bệnh học. 1 mẫu phải chứa bản đệm ở vùng ít có tơ huyết dưới màng đệm. Còn các mẫu khác phải có chứa rau mặt mẹ. Thực hiện cắt lọc tương tự với các tổn thương khác trên bánh rau.

Khảo sát các lát cắt ngang ở nơi nhồi máu (vị trí, kích thước, số lượng); các huyết khối giữa các lông rau (số lượng), số lớp, sự lắng đọng sợi tơ huyết ngoài lông rau, mật độ, sự calci hóa, nang hóa, u. Mô tả vị trí tổn thương (ở trung tâm hay ở bên hoặc ở rìa), độ sâu (cạnh màng đáy, trung gian, hoặc dưới màng đệm) và thời gian bị tổn thương (mới hoặc lâu).

Cắt lọc bệnh phẩm làm xét nghiệm mô bệnh học

Bánh rau (như đã hướng dẫn trước đó + các vùng bất thường nếu có).

Các màng.

Dây rốn.

 

KẾT QUẢ

Bệnh phẩm lấy làm xét nghiệm không sót tổn thương, cố định đúng.

 

NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ

Cần luôn nhớ nếu bệnh phẩm không được cố định ngay sau khi lấy ra khỏi cơ thể hoặc cố định không đúng cách sẽ bị hoại tử là không thể sửa chữa được.

Bệnh phẩm mềm: tránh dùng kẹp có mấu kẹp chặt làm nát bệnh phẩm.

Bệnh phẩm của lần pha trước dính lại trên dụng cụ và dính vào bệnh phẩm sau: Thớt pha bệnh phẩm, dụng cụ pha phải rửa sạch trước khi pha từng bệnh phẩm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top