Mì chính chứa Monosodium Glutamate có gây hại cho sức khỏe hay không

MSG có hợp pháp hay không?

Bột ngọt hay mì chính là tên gọi thường dùng của MSG. Trong công nghiệp thực phẩm, chúng được dùng với tên gọi chất điều vị E621 – chất phụ gia gây vị umami – trong tiếng Nhật là thơm ngon. MSG được khám phá vào năm 1909. Ở dạng nguyên chất, chúng có hình thức bột kết tinh trắng; khi ngâm vào nước phân ly thành các ion natri và glutamate tự do. Glutamate là dạng anion của acid glutamic – một acid-amin có trong tự nhiên.

 

MSG đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua. Từ đó đến nay, rất nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành trên quy mô lớn để đánh giá liệu MSG có gây phản ứng có hại nào ở người sử dụng không? Tuy nhiên, các nghiên cứu từ đó đến nay đều chưa tìm ra ảnh hưởng có hại nào của chúng đối với sức khỏe người sử dụng. Nhiều cơ quan y tế và sức khỏe có uy tín trên thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban Khoa học về thực phẩm Cộng đồng chung châu Âu (SCF), Cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đưa ra những kết luận cho thấy MSG an toàn cho sức khỏe khi được sử dụng dưới dạng gia vị trong chế biến món ăn.

 

Những lo ngại của MSG xuất phát từ đâu?

Trong nhiều năm qua, FDA đã nhận được nhiều báo cáo về những phản ứng có hại đối với các thực phẩm có chứa MSG. Những phản ứng này được gọi là hội chứng MSG, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Nôn
  • Vã mồ hôi
  • Nóng mặt, căng da mặt
  • Tê, ngứa ra hoặc bỏng rát ở vùng đầu, mặt, cổ hay các vùng khác trên cơ thể
  • Nhịp tim nhanh
  • Tức ngực
  • Mệt mỏi, yếu sức lực
  • Ngoài ra, một số báo cáo còn nghiên cứu tác dụng phụ như rối loạn hoạt động não, gây mất trí nhớ, tổn thương gan, thận hay làm cản trở sự tăng trưởng của trẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu cho biết, họ không tìm được bằng chứng xác thực cụ thể về mối liên hệ giữa việc sử dụng MSG và các triệu chứng này. Các nhà khoa học cũng không phủ nhận việc một số người đặc biệt khi sử dụng các thực phẩm có chứa MSG xuất hiện các triệu chứng như kể trên, song các triệu chứng cũng thường nhẹ và không cần điều trị gì đặc biệt. Theo các nhà khoa học, cần thêm rất nhiều nghiên cứu để chứng minh tính xác thực của mối tương quan giữa 2 yếu tố, và lời khuyên cho những người đang e dè sử dụng chính là tránh các thực phẩm chứa MSG là cách duy nhất để không gặp phải các triệu chứng không mong muốn.

 

Sử dụng như thế nào là an toàn?

Một số lưu ý khi sử dụng MSG trong đời sống hàng ngày:

  • Không nấu ở nhiệt độ cao. Việc sử dụng MSG ở nhiệt độ cao có thể khiến chúng bị biến đổi về mặt hóa học và trở nên có hại cho sức khỏe. Theo khuyến nghị, nên nêm bột ngọt hay mì chính khi đã tắt bếp và bắc thức ăn ra khỏi bếp. Mức nhiệt 70-90 độ là an toàn cho việc nêm gia vị.
  • Không sử dụng ở nhiệt độ thấp. Bột ngọt hòa tan kém ở nhiệt độ thấp. Nếu bạn muốn nêm ở các món ăn nguội, bạn nên nêm ở nước ấm trước rồi hòa tan vào món ăn.
  • Không nêm ở các thực phẩm ngọt. Tuyệt đối không nêm bột ngọt vào thực phẩm ngọt tự nhiên như cà chua, tôm… vì chúng làm mất hương vị, gây vị khó chịu trong món ăn.
  • Không ăn quá nhiều. Các chất điều vị bản chất mang lại hương vị thơm ngon và dễ ăn, nhưng chúng không có chất dinh dưỡng gì. Do vậy bạn cũng nên hạn chế ăn chúng.

 

Tổng kết

Các nghiên cứu hiện tại chưa tìm ra mối liên quan giữa sử dụng bột ngọt (MSG) với các vấn đề sức khỏe, song theo các chuyên gia, một số người đặc biệt vẫn có thể gặp phải các vấn đề bất lợi khi sử dụng. Bạn cũng nên lưu ý những đặc điểm quan trọng để có thể sử dụng ở mức an toàn mà phù hợp cho bản thân và gia đình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top