✴️ Lưu ý khi cho trẻ nhỏ uống thuốc

Nội dung

Tại sao trẻ nhỏ dễ nhạy cảm với thuốc?

Câu trả lời chính là do cơ thể trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ cả về cấu trúc lẫn chức năng như người lớn. Một số cơ quan chính ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tác động thuốc trong cơ thể bao gồm:

  • Hệ tiêu hóa: Chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt trong 3 năm đầu đời. Do đó khi dùng các thuốc đường uống, quá trình hấp thu thuốc dễ bị thất thường. Một ví dụ cho trường hợp này là lượng acid trong dạ dày của trẻ được tiết ra ít hơn so với người lớn. Điều này ảnh hưởng đến độ pH trong dạ dày, đây lại là yếu tố quan trọng cho việc hấp thu thuốc. Khi pH dạ dày thay đổi, một số thuốc có thể được hấp thu vào máu nhiều hơn, một số khác lại ít hơn khiến cho tác dụng thuốc trở nên khó kiểm soát.
  • Cấu trúc da: Da trẻ mỏng hơn và tính thấm cao nên rất nhạy cảm với thuốc. Thuốc có thể gây dị ứng, gây độc khi bôi lên da. Ngoài ra, khi bôi một lượng quá nhiều, thuốc sẽ dễ dàng thấm vào máu gây nhiều tác dụng phụ khác, đặc biệt với các kem bôi ngoài da chứa corticoid.
  • Chức năng gan và thận: Chưa phát triển toàn diện. Đây lại là 2 cơ quan cần thiết cho sự chuyển hóa và thải trừ thuốc trong cơ thể. Chính vì thế, một số thuốc dùng ở trẻ nhỏ có nguy cơ bị thải trừ chậm, tích lũy lại và gây ra các tác dụng không mong muốn.
  • Hàng rào máu - não: Ở trẻ sơ sinh, chức năng của hàng rào máu - não chưa được hoàn thiện nên một số thuốc có thể đi qua dễ dàng hơn so với người lớn. Do đó, giai đoạn này, trẻ rất nhạy cảm với các thuốc ức chế thần kinh trung ương.

                          cho trẻ nhỏ uống thuốc đúng cách

Các lưu ý khi sử dụng thuốc ở trẻ em

Theo Dược thư Quốc gia Việt Nam II, cần hết sức thận trọng trong việc lựa chọn và sử dụng thuốc ở trẻ nhỏ không chỉ ở các bậc cha mẹ mà còn ở cả nhân viên y tế, cụ thể như sau:

Liều lượng thuốc

  • Liều lượng thuốc ở trẻ em cần phải được điều chỉnh theo đặc tính của riêng từng thuốc, theo tuổi (yếu tố quyết định chính), tình trạng bệnh, giới tính (đặc biệt thời kỳ dậy thì) và theo mức độ trầm trọng của bệnh. 
  • Cách thông thường được sử dụng nhiều chính là liều tính theo cân nặng cơ thể (mg/kg) hoặc theo lớp tuổi như phân loại phía trên. Với trẻ em béo phì, không được sử dụng số cân thực tế của trẻ mà phải tính theo cân nặng lý tưởng thông qua chiều cao để tránh dùng thuốc quá liều.

                        Liều lượng thuốc dùng cho trẻ em cần tuân thủ đúng tờ hướng dẫn trong bao bì thuốc hoặc hướng dẫn của nhân viên y tế

 

Cách dùng thuốc

  • Vì trẻ còn nhỏ tuổi, việc dùng các thuốc dạng viên uống có thể gặp khó khăn, vì vậy nên ưu tiên các thuốc dạng lỏng như siro, cốm, bột pha hỗn dịch uống…
  • Khi dùng thuốc dạng lỏng cho trẻ, nên chú ý sử dụng đúng các dụng cụ chia liều có kèm trong bao bì thuốc. Không nên tự ý nhắm chừng lượng thuốc bằng muỗng hay ly tách khác tại nhà. 
  • Thuốc bột hay cốm sau khi pha thành dạng lỏng cần chú ý hạn dùng (thường là trong ngày hoặc một vài ngày); phần không dùng hết phải bỏ đi cho dù hạn dùng ghi trên bao bì chưa hết.
  • Không được tự ý thêm sữa, nước trái cây hoặc thuốc khác vào dạng thuốc lỏng đã pha để tránh tương tác bất lợi gây giảm tác dụng thuốc. 
  • Cần lưu ý khi chọn giờ cho trẻ uống thuốc: Nên tránh đánh thức trẻ về đêm để trẻ ngủ được đủ giấc. Ngoài ra, nên tránh giờ trẻ phải uống thuốc ở trường vì khó bảo đảm tuân thủ do trẻ quên hoặc mặc cảm với bạn bè không dám uống.
  • Trong bảo quản thuốc, cần lưu ý không để thuốc ở tầm tay của trẻ em. Trước khi dùng thuốc, cần kiểm tra lại hạn sử dụng, đặc biệt với những thuốc dự trữ tại nhà.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top