✴️ Rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG.

Chấn thương sọ não (CTSN) là một hình thái tổn thương sọ não  ngoại  sinh. Người ta phân chia CTSN làm  2  loại:  CTSN  kín và  CTSN  hở  (mở). CTSN  kín có 3 loại: chấn động não, đụng giập não và chèn ép não.

Hậu quả của CTSN rất khác nhau, từ hồi phục hoàn  toàn  đến để  lại  các  di chứng nặng nề về thần kinh  và  tâm thần.  Rối  loạn tâm thần do  CTSN  bao  gồm 2 giai đoạn: giai đoạn cấp tính và giai đoạn muộn. Theo W.A. Lishman (1987): giai đoạn muộn của CTSN được tính từ sau 6 tháng.

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG.

Lâm sàng rối loạn tâm thần sau CTSN gồm có 2 giai  đoạn: giai  đoạn cấp  tính và giai đoạn muộn hoặc giai đoạn xa.

Rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não giai đoạn cấp tính:

Giai đoạn cấp tính chia làm 3 mức độ:

Mức độ nhẹ: ngay sau khi bị  CTSN,  bệnh nhân mất ý thức vài  giây đến một giờ, có thể không mất ý thức  hoàn  toàn,  bệnh  nhân  vẫn  tiếp tục công việc  đang làm nhưng chậm chạp, mơ hồ, nhầm lẫn. Mất  định hướng có thể  là một  dấu hiệu  cho chẩn đoán CTSN và các triệu chứng trên mất đi hoàn toàn sau 4 - 8 tuần.

Mức độ trung bình:  ngay  sau khi  bị  CTSN,  bệnh  nhân  mất  ý thức  kéo dài  vài giờ, khi tỉnh lại bệnh nhân  xuất  hiện ý thức  u ám,  có  thể  kèm theo  trạng thái rối loạn trí nhớ và kéo dài từ vài  giờ  đến vài  ngày. Sau  hôn mê bệnh nhân có một thời gian rối loạn định hướng môi trường như đang ở một  nơi  xa  lạ,  các  triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất và có thể có  các  triệu chứng  khác  thay  thế nhưng cũng rất tạm thời  như:  ảo  giác, hoang tưởng, cuối cùng là trạng mất trí  nhớ  về những sự kiện vừa xảy ra.

Mức độ nặng: bệnh  nhân mất ý thức  kéo  dài  từ vài  giờ đến vài  ngày,  thậm chí vài tuần và thời gian  mất  ý  thức  càng  kéo  dài  thì để lại  di  chứng càng nặng. Bắt đầu bằng một trạng thái sốc về ngoại khoa  như:  da  nhợt nhạt, vã mồ hôi, toàn thân lạnh, mạch yếu và nhanh,  huyết  áp  động  mạch  giảm  và  tiến triển tiếp theo như mức độ trung bình nói trên, nhưng rối loạn trí nhớ kéo dài hơn từ vài ngày đến vài tuần (quên sau CTSN). Nếu tổn  thương  não  nặng  (giập  não  hoặc  xuất  huyết não) mà không được xử trí kịp thời thì bệnh nhân đi vào  hôn mê  sâu và  tử vong rất nhanh. Tỉ lệ tử vong trong CTSN nặng thường là khoảng 20%.

Rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não giai đoạn muộn:

Các rối loạn tâm thần là hậu quả muộn của CTSN, thời gian tùy thuộc vào từng bệnh nhân, nhưng thường là sau 6  tháng  bị  CTSN.  Các  triệu chứng  của rối loạn tâm thần sau CTSN bao gồm:

Các triệu chứng chủ quan:

Đau đầu thường gặp nhất, đau vùng  trán  và vùng  chẩm  hoặc  lan  toả  khắp đầu. Đau ở các mức độ khác  nhau,  đau tăng lên khi thay đổi tư thế hoặc quay đầu hoặc ảnh hưởng của các kích thích  cảm  xúc  quá  mạnh  hoặc  thay  đổi  thời  tiết hoặc làm việc gắng sức về trí tuệ và cơ thể hoặc dùng các loại rượu, bia.

Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ, ngủ  không  sâu,  hay  mơ  mộng  và thường có ác mộng về tai nạn, trận chiến đấu hoặc các sự kiện gây ra CTSN.

Mệt mỏi, yếu đuối cả về cơ thể lẫn tinh thần: giảm hoạt động nghề nghiệp, học tập kém, giảm sút chú ý, trí nhớ và không  đảm  nhiệm  được  công  việc  thường ngày.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các rối loạn chủ quan sau CTSN  như:  đau đầu  57%, chóng mặt 21% và rối loạn giấc ngủ chiếm 31%.

Rối loạn cảm xúc biểu hiện chủ yếu là rối loạn khí sắc, trạng thái dễ bị kích thích, lo lắng và phiền muộn. Nếu bệnh tiến triển nặng, có thể xuất hiện hội chứng Korsakov (hội chứng mất nhớ toàn bộ)  và được  thay  thế  bằng  các  triệu  chứng nhớ bịa, nhớ giả.

Các triệu chứng thần kinh thực  vật:  thường  biểu  hiện rối  loạn vận  mạch ở tay, chân, mặt và dao động huyết áp.

Các triệu chứng thần kinh khu  trú:  biểu  hiện  bằng  những cơn co giật  kiểu ĐK cục bộ, cơn Bravais Jackson (B.J.) hoặc  cơn toàn thể hoá, nhưng các cơn ĐK cục bộ là chủ yếu và thường có các dấu hiệu báo trước.

Các hội chứng rối loạn tâm thần sau CTSN giai đoạn muộn:

  • Hội chứng suy nhược sau chấn thương (post-traumatic asthenia).
  • Hội chứng suy não sau chấn thương (post-traumatic encephalopathia).
  • Động kinh sau chấn thương (post-traumatic epilepsy).
  • Sa  sút sau  chấn  thương  (post-traumatic dementia).
Hội chứng  suy nhược  sau chấn thương:

Sau CTSN  thường xuất hiện hội chứng  suy  nhược  kèm  theo  rối  loạn  thần kinh thực vật như: co thắt đường hô  hấp  và  tiêu  hoá,  rối loạn thị  giác  hoặc  mất ngủ, bất động, thất điều vận động và không  nói  hoặc  co  cứng cơ,  rối  loạn cảm  giác và quên phân li.

Hội chứng suy não sau chấn thương:

Suy não sau chấn thương là một biểu hiện lâm sàng nặng  hơn suy nhược  sau  chấn thương, do mô não bị hủy hoại  và  biến đổi  trở  thành  sẹo. Bệnh cảnh  lâm  sàng bao gồm các rối loạn thần kinh và RLTT rõ  rệt, có  thể  thấy triệu chứng liệt  nhẹ các dây thần kinh sọ não và các  chi  hoặc  những  triệu  chứng  giống  phân  li như: la hét, diễn lại tình huống gây  ra  chấn  thương  hoặc  các  thao   tác  nghề nghiệp, kết thúc bằng những  cơn co  cứng hay  co  giật  kiểu ĐK.  Các  RLTT thực  tổn như: giảm trí nhớ, giảm các vốn  kiến thức  trước  kia,  khó  tiếp thu các  kiến  thức mới, tư duy kém linh hoạt và nghèo nàn, trí năng giảm  sút,…cũng xuất  hiện trong suy não chấn thương.

Động kinh sau chấn thương:

Động kinh (ĐK) sau chấn thương chiếm 4  -  5% các  chấn thương sọ  não,  nếu  là các vết thương chiến tranh thì tỉ lệ này tăng lên 30%. ĐK có  thể  xuất  hiện rất sớm, từ vài giờ hoặc vài ngày sau chấn  thương,  đôi  khi  rất  nguy  kịch  đến tính mạng bệnh nhân, song nhiều trường  hợp  không  thấy  các  triệu  chứng  ĐK  xuất hiện trở lại  vào  các  năm  tiếp theo.  Những  cơn ĐK xuất  hiện muộn từ 6 tháng đến 1 năm sau chấn thương gặp khá nhiều (50%). Người ta nhận thấy  các  cơn  ĐK thường xuất hiện trong vòng 2 năm sau chấn thương (80%). ĐK sau chấn thương thường là ĐK cục bộ, nếu là ĐK toàn thể thì  cũng  bắt  đầu bằng  cơn cục bộ. Cơn ĐK cũng có thể bắt đầu bằng hiện tượng giống rối  loạn phân  li  và  kết  thúc  bằng cơn co giật mất ý thức.  Trong  ĐK  sau  chấn  thương  luôn luôn tồn tại hội chứng suy não chấn thương và thường xuất hiện  các  cơn  xung  động tâm thần vận  động hoặc ngôn ngữ, trong cơn ý thức bệnh nhân  không mất  hoàn toàn, dễ  có  hành  vi hung bạo và nguy hiểm.

Sa sút sau chấn thương:

Sa sút sau chấn thương thực chất là sự tiến triển ở mức  độ nặng của trạng thái suy não sau chấn thương. Bệnh nhân mất nhớ  toàn bộ,  trí  năng  giảm  sút  rõ  rệt,  mất  khả  năng  phê  phán,  mất  khả năng lao  động trí óc, còn có thể  làm được một  số công việc lao động chân tay đơn giản không đòi hỏi kĩ thuật cao. Một số bệnh  nhân khác tiến triển rất nặng, chỉ còn  các  hoạt  động  bản  năng,  không  còn  khả năng tự phục vụ mình.

Các biểu hiện rối loạn tâm thần khác:
  • Rối loạn tâm thần sau  CTSN  giống  TTPL:  tiến triển với  các  triệu chứng  loạn thần giống các triệu chứng của TTPL.
  • Hội chứng paranoid sau CTSN: nổi bật  là ý tưởng bị  theo dõi hoặc  ghen  tuông, thường xuất hiện ở tuổi trung  niên  có  nét  nhân  cách tiền bệnh lí như:  dễ thay đổi tính tình, cảm xúc không bền vững.
  • Rối loạn khí sắc sau CTSN: rối loạn khí sắc có thể thấy ở các mức độ khác nhau, biểu hiện nhanh chỉ kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày.
  • Thay đổi nhân cách sau  CTSN:  là những  thay  đổi  về  thái  độ, thói quen và  các hình thức ứng xử của bệnh nhân với môi trường xung quanh.
  • Rối loạn tâm thần khác: các cơn tâm  thần  tương đương của ĐK,  cơn mê  sảng, tâm căn phân li, tâm căn nghi bệnh và ảo giác  xuất  hiện độc lập có thể kèm  theo hành vi nguy hiểm.

ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG.

Trong giai đoạn cấp tính việc theo dõi điều trị  thuộc  phạm  vi  ngoại  khoa  thần kinh và trong giai đoạn muộn thuộc chuyên khoa tâm thần theo dõi điều trị.

Đối với suy nhược chấn thương và suy não chấn thương:

Thường dùng các loại thuốc bình  thản:  lorazepam,  oxazepam  (không  gây quen thuốc), cùng với thuốc tăng cường  chuyển  hoá  và  bồi  dưỡng  tế  bào  thần kinh: vitamin nhóm B , duxil, lucidril, nootropin...

Điều chỉnh các triệu chứng rối loạn tâm thần bằng các hoá dược  tuỳ thuộc triệu chứng của người bệnh.

Liệu pháp tâm lí.

Có thể dùng châm cứu và lí liệu kết hợp điều trị.

Đối với ĐK chấn thương phải sử dụng thuốc chống ĐK.

Phòng bệnh:  cần đẩy mạnh phòng ngừa tai  nạn giao  thông, tai  nạn lao động  và tai nạn trong sinh hoạt, tránh các tác nhân gây hại như:  rượu, chất  kích thích, stress tâm lí - xã hội.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top