✴️ Thuốc chống loạn thần

Nội dung

Bệnh tâm thần phân liệt là một trong những bệnh loạn thần nặng nhất và phổ biến. Các triệu chứng của tâm thần phân liệt hết sức đa dạng, chủ yếu là những triệu chứng phản ảnh một quá trình chia cắt giũa các thành phần khác nhau của hoạt động tâm thần. Các triệu chứng rối loạn lâm sàng được phân loại thành 2 dạng:

- Thể triệu chứng dương tính: hoang tưởng, ảo giác và kích động.

- Thể triệu chứng âm tính: cảm xúc thờ ơ, mất ham thích, trí tuệ giảm, tư duy và ngôn ngữ nghèo nàn, các triệu chứng thu mình và cách ly với xã hội.

⚙Cơ chế bệnh sinh của tâm thần phân liệt vẫn còn chưa rõ ràng, nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Trong đó, thuyết tăng hoạt động hệ phản ứng dopamin được các nhà tâm thần học ủng hộ. Sử dụng thuốc chống loạn thần là liệu pháp thông dụng nhất và có hiệu lực nhất trong điều trị các trạng thái loạn thần cấp và trong việc chống lại khuynh hướng mạn tính hóa và tái phát của bệnh.

????Các thuốc chống loạn thần đã được sử dụng từ những năm 1950 để điều trị tâm thần phân liệt. Thuốc chống loạn thần có thể được chia làm 2 nhóm bao gồm các thuốc điển hình (thế hệ 1) và các thuốc không điển hình (thế hệ 2). So với thế hệ 2, các thuốc chống loạn thần điển hình có nguy cơ gây ra các rối loạn vận động ngoại tháp, đây cũng là điểm khác biệt chính giữa 2 thế hệ. Ngược lại, các thuốc thế hệ 2 có xu hướng gây rối loạn chuyển hóa như tăng cân, khởi phát tiểu đường, tăng cholestorol máu. Ngoài ra, mỗi thuốc còn có mức độ đối vận khác nhau trên các thụ thể khác nhau của dopamin, serotonin, histamin, muscarinic và adrenergic. Điều này dẫn đến các tác dụng phụ khác nhau của từng loại thuốc trong nhóm.

Nhìn chung không có thuốc nào hiệu quả nhất, việc lựa chọn thuốc điều trị phải phụ thuộc vào bệnh cảnh, triệu chứng, mức độ đáp ứng của bệnh nhân và độc tính của thuốc. Bên cạnh điều trị tâm thần phân liệt, nhóm thuốc chống loạn thần còn được dùng trong điều trị tình trạch kích động, rối loạn lưỡng cực, và các tình trạng tâm thần khác.

????Một số ghi nhớ nhỏ liên quan đến các thuốc trong nhóm:

- Sulpiride là thuốc an thần có tác dụng lưỡng cực. Ở liều thấp (200-600mg/ngày) có hiệu lực giải ức chế (trầm uất) và liều mạnh (800-1600mg/ngày) có hiệu lực điều trị rối loạn tâm thần cấp tính. Tác dụng phụ của sulpiride tương tự như các thuốc nhóm điển hình.

- Các thuốc high potency (tạm dịch là hiệu lực cao) có nhiều nguy cơ tác dụng phụ ngoại tháp hơn nhóm low potency. Các thuốc low potency có nguy cơ gây hạ huyết áp tư thế và buồn ngủ nhiều hơn nhóm high potency.

- Thioridazine là thuốc có nguy cơ tác dụng phụ ngoại tháp ít nhất trong các thuốc nhóm điển hình.

- Trifluperazine, fluphenazine và haloperidol là những thuốc chống loạn thần có tính chất chẹn alpha, kháng cholinergic thấp nhất. Tuy nhiên, nguy cơ tác dụng phụ ngoại tháp cao đáng kể.

- Clozapine là thuốc chống loạn thần có nguy cơ tác dụng phụ ngoại tháp thấpnhất, tuy nhiên thuốc có tính an thần gây ngủ cao, tính kháng cholonergic mạnh, nguy cơ làm giảm bạch cầu hạt và ức chế tủy xương. Thuốc dùng để điều trị ở những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc khác.

- Risperidone, haloperidone, paliperidone và fluphenazine là những thuốc có bào chế dạng tiêm tác động kéo dài.

- Ziprasidone không gây tăng cân, đái tháo đường hay rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, thuốc có nguy cơ kéo dài khoảng QT và gây loạn nhịp tim.

- Aripiprazole là thuốc có tính chủ vận một phần tại thụ thể 5-HT1A và D2 và đối vận tại thụ thể 5-HT2A. Bên cạnh những chỉ định chính, thuốc được chỉ định để điều trị rối loạn tự kỷ ở trẻ em 6-17 tuổi.

- Olanzapine có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong ở người già

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top