✴️ 6 sai lầm khi sử dụng thuốc kê đơn

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc được bán tại các nhà thuốc. Nhưng những thuốc đó được chia làm hai loại chính:

  • Thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc.
  • Thuốc kê đơn là thuốc nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khoẻ; khi cấp phát, bán lẻ, sử dụng cho bệnh nhân ngoại trú phải theo đơn thuốc.

Bộ Y tế Việt Nam đã xây dựng danh mục thuốc không kê đơn trên cơ sở các tiêu chí cụ thể về tính chất dược lý và tính an toàn của thuốc. Ngoài ra danh mục thuốc không kê đơn được xây dựng phù hợp với thực tế sử dụng, cung ứng thuốc của Việt Nam và được tham khảo cách phân loại thuốc không kê đơn (Over The Counter – OTC) của một số nước như Australia, Mỹ, một số nước Châu âu, Philippines, Singapore, Trung Quốc.

Theo Cơ quản Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ, sai lầm trong sử dụng và bảo quản thuốc khiến ít nhất một người chết mỗi ngày và làm tổn thương 1,3 triệu người mỗi năm. Dưới đây là những sai lầm phổ biến nên tránh khi dùng thuốc kê đơn, theo abcnews.

Coi trọng thuốc biệt dược hơn thuốc gốc

Thuốc biệt dược (brand name) có nghĩa là tên thương mại. Trong điều trị vai trò của biệt dược đầu tiên rất quan trọng vì tất cả các dữ liệu về hiệu quả và an toàn sử dụng trên người, nghiên cứu trên động vật,... đều từ biệt dược đầu tiên. Thuốc biệt dược đầu tiên này được gọi là thuốc biệt dược gốc, hay chỉ gọi tắt là biệt dược gốc. Thuốc gốc (generic drug) là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ.

Mặc dù rẻ hơn nhưng các thuốc gốc cũng hiệu quả như biệt dược. Sự khác biệt duy nhất là các thành phần bất hoạt như thuốc nhuộm hay chất bảo quản, không ảnh hưởng tới hoạt động của thuốc. Theo tiến sĩ Kim Russo, Giám đốc điều trị tại VUCA Health  - một dịch vụ thư viện video y học lớn tại Mỹ, những sự khác biệt nhỏ trong thuốc gốc là được phép. Hầu như chúng ta đã không nhận ra điều đó về mặt y học. Nếu không dung nạp một trong các thành phần bất hoạt, bạn có thể cần biệt dược. Nếu không thì bạn hãy tiết kiệm tiền và dùng thuốc gốc.

 

Kết hợp thuốc với thực phẩm hoặc đồ uống sai cách

Hãy luôn kiểm tra các loại thực phẩm và đồ uống có thể tương tác với thuốc. Một loại thực phẩm không thể dùng chung với bưởi và nước ép bưởi. Có khoảng 50 loại thuốc trên thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi loại thực phẩm này. Tùy vào loại thuốc, nước ép bưởi có thể giảm hoặc tăng hấp thu (dễ gây quá liều).

Có một số loại thuốc nhất định không nên được dùng chung với các thực phẩm giàu canxi vì chúng làm cản trở khả năng hấp thu thuốc của cơ thể. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể khiến bạn bị mất hoặc giữ kali. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ xem bạn có thể bắt đầu hoặc cần ngừng ăn loại thực phẩm nào đó trong khi đang uống thuốc hay không. Bạn cũng nên cân nhắc việc uống rượu. Rượu có thể biến những tác dụng phụ nhẹ trở nên nguy hiểm. 

Không kiểm tra nhãn thuốc

Để tránh mua sai thuốc, bạn cần chắc chắn mua đúng thuốc theo đơn trước khi rời nhà thuốc. Màu sắc hoặc hình dạng khác biệt chỉ có thể có nghĩa là thuốc đến từ nhà sản xuất thuốc gốc mới nhưng không đồng nghĩa với an toàn.

Không nói với dược sĩ

Phần lớn các dược sĩ sẽ trả lời nếu bạn có câu hỏi về thuốc. Bạn không nên vội vã lựa chọn một loại thuốc mới. Đây là lúc tìm hiểu loại thuốc này để làm gì cũng như lợi ích và các tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc tiềm ẩn.

Nếu đã dùng thuốc một thời gian và gần đây có những thay đổi không giải thích được như phát ban hoặc đau đầu kéo dài, thì bạn cũng nên hỏi dược sĩ.

Bảo quản thuốc sai cách

Không nên bảo quản thuốc ở những nơi có độ ẩm cao như phòng tắm vì hơi ẩm có thể làm hỏng thuốc. Các thuốc cũng cần được bảo quản tránh ánh sáng. Đó cũng là lý do các lọ đựng thuốc có màu hổ phách để ngăn tia cực tím.

Bạn nên giữ thuốc ở nơi tối, đặc biệt nếu bạn có tủ đựng thuốc sáng và ánh sáng có thể xuyên qua. Một số loại thuốc không nên bỏ ra ngoài lọ. Một số thuốc như insulin, có thể cần phải được bảo quản lạnh nhưng có thể đưa ra làm ấm lên trước khi tiêm và sau đó bảo quản ở nhiệt độ phòng trong một số ngày theo quy định. Bạn cần nhớ là một số loại thuốc cần được bảo quản trong tủ lạnh và chúng có thể mất hiệu lực nếu để ở nhiệt độ phòng thậm chí chỉ vài giờ.

Không bỏ thuốc cũ

Phần lớn các thuốc vẫn có hiệu lực tới 2 năm sau khi hết hạn. Việc uống phải thuốc hết hạn mà vẫn có những hiệu lực không kiểm soát được là một nguy cơ lớn, vì vậy cần loại bỏ chúng!

Quăng đi không đúng cách một số loại thuốc tim mạch, thuốc tai biến hoặc thuốc hormon có thể rất có hại cho môi trường. Chỉ một số loại thuốc bao gồm thuốc giảm đau là có thể tiêu hủy bằng cách xả nước. Những thuốc còn lại bạn nên cho vào một túi nhựa rồi bỏ vào thùng rác.

Xem thêm: Thuốc tim mạch - Không được dùng bừa bãi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top