ĐẠI CƯƠNG
Soi phế quản ống mềm sớm, nhất là khi đang ho ra máu có thể xác định bên, vị trí chảy máu và căn nguyên chảy máu. Soi phế quản ống mềm có thể giúp làm ngừng chảy máu, kiểm soát đường thở bằng cách chèn ống soi tại nơi chảy máu hoặc đặt ống nội khí quản riêng bên lành, đốt điện đông cao tần cầm máu, nhét gạc có tẩm thuốc cầm máu vào phế quản chảy máu.
CHỈ ĐỊNH
Ho ra máu kéo dài trên 1 tuần
Ho ra máu biến chứng suy hô hấp cấp
Ho ra máu sau nội soi sinh thiết phế quản.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Gia đình bệnh nhân không đồng ý làm thủ thuật.
Thận trọng trong các trường hợp oxy giảm thấp : SpO2 dưới 90%,Pa O2 dưới 50 mmHg, rối loạn nhịp tim( nhịp tim trên 120 hoặc dưới 50 nhịp /phút).
CHUẨN BỊ
Người thực hiện kỹ thuật nội soi
02 bác sỹ :một người làm nội soi , một người theo dõi bệnh nhân và xử trí
02 điều dưỡng:một người làm nội soi , một người theo dõi bệnh nhân và xử trí
( người làm nội soi đã được đào tạo về kỹ thuật nội soi phế quản)
Phương tiện:
Hệ thống nội soi phế quản: ống soi bằng 2/3 đường kính trong ống nội khí quản, nguồn sáng, kìm sinh thiết, dụng cụ lấy dị vật ,ống nối mềm giữa ống máy thở.
Hệ thống theo dõi bệnh nhân: mạch, HA, thở, SpO2, điện tim
Thuốc đề phòng phản xạ ngừng tim và giảm đau tiền mê: Atropin 1/4 mg x 02 ống; lidocain 2% x 02 ống; fentanyl 0,1mg x 01 ống; midazolam 5mg x 01 ống; adrenalin 1mg x 02 ống; natriclorua 0,9% x 500ml.
Các dụng cụ khác: bơm tiêm 50ml; 10ml dây truyền dịch; kim tiêm, bông, cồn, gạc vô trùng, găng vô trùng; săng vô trùng; áo mổ; hộp chống sốc; máy hút; bóng; ambu; lam kính; dung dịch cố định bệnh phẩm; ống đựng bệnh phẩm.
Người bệnh:
Người bệnh hoặc gia đình bệnh nhân đã được giải thích mục đích của thủ thuật, các tai biến trong quá trình làm thủ thuật và đồng ý được làm thủ thuật có giấy cam kết kèm theo.
Bệnh nhân được khám đánh giá các chức năng sống mạch, HA, nhiệt độ, SpO2 (hoặc khí máu động mạch).
Phim chụp Xquang phổi, CLVT nếu có, các xét nghiệm CTM, đông máu cơ bản, HIV,soi đờm tìm lao
Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đang điều trị nội trú tại khoa ( kèm theo phiếu cam kết nội soi phế quản và phiếu thủ thuật soi phế quản)
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Kiểm tra lại hồ sơ bệnh án, chỉ định soi phế quản
Thăm khám người bệnh: các chức năng sinh tồn: mạch, HA, thở, nhiệt độ, ý thức, SpO2, hoạt động của máy thở, hoạt động của máy theo dõi bệnh nhân.
Để chế độ thông khí nhân tạoVCV, oxy 100%. Dùng thuốc an thần, giãn cơ nếu cần.
Gây tê khí phế quản với lidocain 1% bơm qua ống nội khí quản hoặc canun mở khí quản.
Lắp đoạn ống nối mềm giữa ống máy thở và ống nội khí quản hoặc canun mở khí quản có lỗ để đưa ống soi qua đảm bảo thông khí nhân tạo trong quá trình soi.
Dùng ống soi phế quản mềm có đường kính ngoài - 2/3 đường kính trong của ống nội khí quản hoặc canun mở khí quản để đảm bảo thông khí liên tục trong quá trình soi.
Cầm máu :quan sát thanh quản, ống nội khí quản, phế quản, khí quản. nếu thấy chảy máu tùy từng trường hợp có thể thực hiện các biện pháp sau: chèn ống soi tại nơi chảy máu hoặc đặt ống nội khí quản riêng bên lành, đốt điện đông cao tần cầm máu, nhét gạc có tẩm adrenalin 0,01% cầm máu vào phế quản chảy máu.
Nếu chảy máu tiếp tục nhưng không xác định được nơi chảy nguyên phát thì có thể đặt ống nội khí quản hai nòng để cô lập phổi chảy máu, thông khí phổi bên lành. Có thể đặt ống thông Fogarty vào tạm thời gây bít tắc phế quản nơi chảy máu. Nếu chảy máu nhiều quá không cho phép quan sát rõ khí phế quản thì có thể phải soi phế quản ống cứng hoặc chụp động mạch phế quản và gây bít tắc động mạch phế quản cấp cứu.
THEO DÕI
Trong quá trình soi cần theo dõi liên tục: mạch, HA, thở, SpO2, điện tim trên máy theo dõi.
Theo dõi các thông số máy thở trong quá trình soi: áp lực đỉnh,tần số thở...
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
SpO2 < 80% cần dừng soi để tiếp tục thở máy khi SpO2 ≥ 90% có thể tiếp tục soi.
Loạn nhịp tim (nhịp nhanh > 140 lần hoặc < 60 lần/phút, rung thất, block nhĩ thất cấp II, cấp III.
Chảy máu: cầm máu qua nội soi không kết quả cần tiến hành đặt nội khí quản 2 nòng bơm cuff chèn để cầm máu, tiến hành hội chẩn phẫu thuật cấp cứu nếu cần thiết.
Tràn khí màng phổi: dẫn lưu khí màng phổi
Tràn khí trung thất: theo dõi, nếu nặng có biểu hiện chèn ép trung thất cần dẫn lưu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh