✴️ Tiểu cầu và sử dụng tiểu cầu trong điều trị

Nội dung

TIỂU CẦU

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu được sinh ra từ các mẫu tiểu cầu ở tuỷ xương. Tiểu cầu có chức năng quan trọng trong cầm máu và chống chảy máu nhờ các tính chất đặc thù như: tập trung thành từng đám dính chặt vào thành mạch nơi bị tổn thương và thoái hoá chất nhầy để giải phóng ra yếu tố hoạt hóa đông máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu và bảo vệ thành mạch. Thiếu tiểu cầu gây nên những bệnh cảnh chảy máu rất đa dạng.

Khi số lượng tiểu cầu giảm thì quá trình này cầm máu không được thực hiện dễ xảy ra tình trạng xuất huyết. Khả năng ngăn ngừa chảy máu của tiểu cầu tuỳ thuộc số lượng và tình trạng chức năng của tiểu cầu. Trên thực tế các tình trạng chảy máu có liên quan đến tiểu cầu thường có phối hợp phức tạp giữa những mức độ giảm số lượng và mức rối loạn chức năng tiểu cầu có từ trước hoặc mới xuất hiện do bản thân  loại  bệnh lý đó, hoặc do các thuốc hoặc phương cách điều trị trước đó gây ra. Mỗi tiểu cầu bình thường có thời gian sống khoảng 6 - 8 ngày. Thời gian sống của tiểu cầu giảm  trong rất nhiều loại bệnh lý. Tiểu cầu truyền vào người bệnh còn bị giảm sút thời gian sống còn do nhiều nguyên nhân khác nữa. Một số người bệnh có kháng thể chống tiểu cầu làm cho đời sống tiểu cầu bị rút lại rất ngắn, thậm chí các tiểu cầu chỉ tồn tại vài phút trong tuần hoàn người bệnh.

Tùy mức độ giảm số lượng tiểu và cơ địa của bệnh nhân mà trên lâm sàng có những dạng xuất huyết như: xuất huyết dạng chấm, xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng… Trong những trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng hoặc xuất huyết não đe dọa tính mạng bệnh nhân. Không có mối quan hệ chặt chẽ giữa số lượng tiểu cầu và mức độ chảy máu. Nguy cơ chảy máu tăng lên khi số lượng tiểu cầu giảm hoặc chức năng tiểu cầu bị suy yếu. Trên thực tế có những bệnh nhân số lượng tiểu cầu < 20x109/l tuy nhiên trên lâm sàng chỉ thấy một vài chấm xuất huyết nhỏ hoặc những vết thâm tím ở những vùng bị tỳ đè.

Để dự phòng và đối phó với tình trạng xuất huyết do giảm tiểu cầu, biện pháp tốt nhất là truyền tiểu cầu cho bệnh nhân. Tùy bối cảnh lâm sàng và điều kiện thực tại có thể chọn chế phẩm tiểu cầu thích hợp.

 

ĐƠN VỊ TIỂU CẦU

Khối tiểu cầu Pool

Một đơn vị khối tiểu cầu là lượng tiểu cầu được tách ra từ 1 đơn vị máu toàn phần riêng lẻ và chứa tối thiểu 55 x 109 tiểu cầu, có thể tích 50-60 ml

Khối tiểu cầu Pool được sản xuất bằng phương pháp tách tiểu cầu từ máu toàn phần. Khối tiểu cầu có thể tập trung từ 4 đến 5 người cho máu. Số lượng tiểu cầu khoảng 240 x 109  tiểu cầu

Đơn vị tiểu cầu tách từ máy tự động

Đối với khối tiểu cầu từ 1 người cho máu bằng máy tách tế bào thì số lượng tiểu cầu vào khoảng từ 300-500x109, có thể tích khoảng 250-400 ml. Nguy cơ nhiễm trùng khi truyền khối tiểu cầu pool cao gấp 4-5 lấn so vơi truyền khối tiểu cầu tách bằng máy tách tự động

CHỈ ĐỊNH VÀ LIỀU DÙNG

Chỉ định

  • Điều trị chảy máu do giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu
  • Phòng ngừa chảy máu do giảm tiểu cầu.

Liều dùng

Một người bệnh nặng 60-70 kg được truyền 1 đơn vị tiểu cầu pool (từ 3-4 người cho và chứa ít nhất 1,4 x 1011 tiểu cầu), có thể làm tăng số lượng tiểu cầu sau khi truyền thêm 20-40 x 109/l.

Thường 1 khối tiểu cầu gạn tách bằng máy tách hoặc khối tiểu cầu pool truyền cho bệnh nhân người lớn 60 kg làm tăng số lượng tiểu cầu lên 30- 50G/L

 

ĐÁNH GIÁ SAU KHI TRUYỀN TIỂU CẦU

 

Trong một số trường hợp truyền khối tiểu cầu nhưng không đem lại hiểu quả, số lượng tiểu cầu giảm nhanh sau một vài giờ:

  • Đối với các tác nhân nhiễm trùng cũng làm tiểu cầu nhanh chóng giảm trong vòng từ 4 đến 6 giờ.
  • Ngoài ra cũng còn có những nguyên nhân khác như qua trình lưu trữ tiểu cầu lâu, ảnh hưởng của sốt, sử dụng một số loại thuốc.. tuy nhiên trong những trường hợp này số lượng tiểu cầu thường giảm chậm hơn.
  • Bất đồng miễn dịch hệ HLA (Human Leucocyte Antigen). Trong trường hợp này nên truyền khối tiểu cầu phù hợp nhóm HLA. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch truyền tiểu cầu được chiếu tia để ngừa bệnh miễn dịch xảy ra do nhiễm bạch cầu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top