✅ Các phương pháp chăm sóc da khô

Nội dung

Các dấu hiệu của da khô?

Da khô thường có biểu hiện bong vảy, ngứa, đôi khi chạm vào có cảm giác đau hoặc thô ráp như giấy nhám. Bề mặt da có thể hơi đỏ hoặc xỉn màu. Ngoài ra, da khô đôi khi còn là biểu hiện của một bệnh lý da cần đến sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Nguyên nhân nào gây ra da khô?

Tình trạng khô da xảy ra khi da không có đủ lượng nước hoặc dầu cần thiết. Da khô có thể xảy ra quanh năm hoặc vào mùa lạnh, khi nhiệt độ và độ ẩm xuống thấp. Một vài điều kiện môi trường làm da khô hơn như khi di chuyển bằng máy bay, sống ở nơi khí hậu khô, tiếp xúc với chlorine của nước hồ bơi hay tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời.

Da khô nứt nẻ có thể là ngõ vào của vi khuẩn. Khi bị nhiễm khuẩn da sẽ có những biểu hiện như sưng, nóng, đỏ và có mủ.

Làm sao để giảm được tình trạng khô da?

Một vài biện pháp đơn giản dưới đây có thể giúp bạn cải thiện tình trạng khô da.

Điều chỉnh thói quen tắm

Nếu có thể, bạn nên tránh tắm bằng nước nóng mà chuyển sang tắm nước ấm hoặc mát vì nước nóng sẽ làm khô da do làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da. Ngoài ra thời gian tắm nên được giới hạn trong khoảng 5 đến 10 phút vì tiếp xúc lâu với nước sẽ làm da bạn khô hơn lúc đầu.

Rửa mặt nhẹ nhàng

Khi lựa chọn sữa rửa mặt, bạn nên tránh sử dụng xà phòng hoặc sữa rửa mặt chứa những thành phần bất lợi như alcohol, retinoids hoặc AHA. Những thành phần này có thể làm da khô và kích ứng. Bạn nên sử dụng những sản phẩm rửa dịu nhẹ không có hương thơm và chứa những thành phần dưỡng ẩm như polyethylene glycol, akyl-polyglycoside, silicone surfactants, lanolin và paraffin. Syndet, hay chất làm sạch tổng hợp, cũng là thành phần xà phòng có lợi với các hợp chất như sulphur trioxide, acid sulphuric, và ethylene oxide, với tính chất dịu nhẹ cho da nhạy cảm.

Thao tác rửa mặt cần nhẹ nhàng, bạn nên sử dụng các đầu ngón tay nhẹ nhàng di chuyển trên bề mặt da. Không nên dùng khăn hay miếng bọt biển chà xát mạnh lên mặt sẽ dễ gây kích ứng. Tránh rửa mặt quá nhiều lần trong ngày, có thể bạn chỉ cần rửa mặt 1 lần vào buổi tối nếu bạn có làn da quá khô. Việc này đủ để loại bỏ các bụi bẩn tích tụ trong ngày mà vẫn giữ được lượng dầu cần thiết cho da. Một tuần bạn chỉ nên tẩy tế bào chết một lần để tránh chà xát quá nhiều lên da.

          các biện pháp khắc phục khô da

Sử dụng dưỡng ẩm

Lựa chọn một loại dưỡng ẩm phù hợp và sử dụng mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tắm giúp duy trì độ ẩm trên da. Loại dưỡng ẩm lí tưởng không nên chứa alcohol và mùi hương để tránh gây kích ứng. Bạn có thể sử dụng dưỡng ẩm bên dưới lớp chống nắng hoặc chọn sản phẩm chống nắng có chứa thành phần dưỡng ẩm thích hợp.

Đối với da khô, nứt nẻ, sản phẩm dưỡng ẩm có nền dầu, chứa petrolatum là phù hợp nhất để phục hồi độ ẩm nhờ khả năng phòng ngừa sự bốc hơi nước qua da. Bên cạnh đó, son dưỡng môi có chứa petrolatum, petroleum jelly hoặc dầu khoáng cũng giúp giảm tình trạng khô, nứt nẻ của môi.

Giữ ấm

Tiếp xúc với không khí lạnh có thể làm nặng hơn tình trạng khô da. Bạn nên giữ ấm cơ thể, tuy nhiên cũng cần lưu ý tránh sử dụng khăn choàng hoặc quần áo ấm bằng loại vải len, thô ráp dễ gây kích ứng.

Sử dụng máy tạo độ ẩm

Độ ẩm thấp là một yếu tố gây khô da. Bạn nên sử dụng thêm máy tạo độ ẩm không khí nếu phải ở lâu trong phòng với hệ thống điều hòa.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Khi tình trạng da khô không đáp ứng với biện pháp chăm sóc da thông thường hoặc xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu. Những bệnh lý về da có biểu hiện da khô ở giai đoạn đầu như viêm da cơ địa, vảy nến cần được điều trị chuyên sâu bằng thuốc uống, thuốc thoa tại chỗ và một chế độ chăm sóc đặc biệt được tư vấn bởi bác sĩ da liễu.

Kết luận

Việc duy trì một thói quen chăm sóc da phù hợp có thể giúp bạn làm giảm sự khó chịu do làn da khô gây ra. Nếu triệu chứng khô da, bong vảy tồn tại lâu ngày hoặc nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị.

Một vài nguyên tắc chung trong chăm sóc da khô bạn cần ghi nhớ, bao gồm:

  • Rửa mặt hằng ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước ấm
  • Sử dụng sản phẩm chăm sóc da dưỡng ẩm phù hợp với loại da
  • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF 30 hoặc cao hơn
  • Sử dụng lotion ngay sau khi tắm để duy trì độ ẩm.

 

-- Ths. Bs. Huỳnh Bạch Cúc --     

 

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top