✅ Chốc: Nguyên nhân, biểu hiện và các biện pháp phòng ngừa

Nội dung

Chốc là gì

Chốc là nhiễm trùng da nông cấp tính thường gặp, biểu hiện đặc trưng bằng các mụn mủ và mài màu vàng mật ong. Chốc hóa là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng nhiễm trùng thứ phát nông của một sang thương da do bệnh khác hay của vết thương.
Chốc là một bệnh da lây. Nhiễm trùng thường bắt đầu từ nơi da bị tổn thương như các vết cắt nhỏ, vết đốt của côn trùng, hay sang thương viêm da cơ địa…, nhưng cũng có thể ở ngay trên da lành. Gọi là chốc nguyên phát khi sang thương chốc xuất hiện đầu tiên trên nền da lành, và chốc thứ phát khi bắt đầu từ nơi da bị tổn thương.

Đối tượng nào dễ bị chốc

Ai cũng có thể bị chốc, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em 2-5 tuổi. Ở vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, bệnh chốc xảy ra quanh năm.

Người lớn và trẻ em có nguy cơ bị chốc cao nếu bị tiểu đường, đang chạy thận nhân tạo, cơ địa suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV), có bệnh da viêm như viêm da cơ địa hay vảy nến, đang bị bỏng, đang nhiễm các tác nhân gây ngứa khác như ghẻ, rận, Herpes simplex,…, bị côn trùng cắn, tiếp xúc với cây thường xuân, chơi các môn thể thao va chạm tiếp xúc nhiều.

nguyên nhân nào gây ra chốc

Nguyên nhân nào gây ra chốc

Chốc thường do da bị nhiễm Staphylococcus aureus. Chốc không bóng nước còn có thể do nhiễm Streptococcus pyogenes. Các vi trùng này xâm nhập cơ thể qua khe hở của da bị tổn thương, tạo thành ổ nhiễm.

Chốc có thể lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với sang thương da của người bệnh, hoặc tiếp xúc gián tiếp với các vật dụng khăn, áo,… của người bệnh. Tuy nhiên, những vi khuẩn gây bệnh này cũng tồn tại phổ biến trong môi trường, và hầu hết mọi người không bị chốc khi tiếp xúc với chúng. Một số người mang Staphylococcus aureus ở vùng mũi, và có thể bị chốc nếu vi khuẩn lan ra da.

Biểu hiện lâm sàng của chốc

Chốc nguyên phát thường ở những vùng da hở như mặt và tay, nhưng cũng có thể ở thân mình, quanh hậu môn, và các vùng cơ thể khác.

Chốc ở người lớn biểu hiện bằng những sang thương đau quanh mũi miệng và vùng da hở, tróc vảy, rỉ dịch, đóng mài. Bệnh thường nhẹ nhưng người lớn lại có nguy cơ gặp biến chứng nhiều hơn trẻ em.

Ở trẻ em, đặc biệt trẻ 2 – 5 tuổi, sang thương chốc có thể biểu hiện khác ở người lớn do trẻ cào gãi nhiều. Phân bố sang thương chốc thường cũng qunah mũi miệng, thân mình, bàn tay chân, và đặc biệt là vùng tã lót. Đa số trẻ có tổng trạng tốt, nhưng một số có thể kèm sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi hạch vùng.

Chốc không bóng nước

Chủ yếu là do nhiễm Staphylococcus aureus. Đây là biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của chốc, chiếm 70%.  

Sang thương da khởi đầu từ một dát hồng ban đỏ tươi, ngứa, thường quanh mũi miệng, tiến triển thành mụn nước hay mụn mủ vỡ ra tạo vết trợt đóng mài màu vàng nâu, rồi mài tự tróc ra để lộ da non lành bên dưới. Chốc không điều trị thường tự hết sau 2 đến 4 tuần không để lại sẹo.

Chốc bóng nước

Chốc bóng nước hầu hết là do nhiễm Staphylococcus aureus. Sang thương da thường khởi đầu bằng những mụn nước nhỏ, nông, tiến triển thành những bóng nước chùng, chứa dịch trong. Dịch có thể hóa đục hoặc sậm màu dần. Bóng nước nằm trên nền da lành, không hồng ban. Khi vỡ, bóng nước để lại vết trợt đóng mài vàng, và khi mài tróc thì da lành không để lại sẹo.

Chốc loét

Chốc loét là biểu hiện nặng, tổn thương sâu hơn, nhưng hiếm gặp, thỉnh thoảng mới xảy ra, khi không điều trị chốc thích hợp. Chốc loét khởi đầu với sang thương tương tự chốc không bóng nước, hoặc giống chốc bóng nước nhưng phát triển thành một vết loét sâu, chậm lành, để lại sẹo.

Biến chứng thường gặp

Nhiễm trùng mô mềm: do vi khuẩn gây chốc xâm nhập sâu hơn vào các mô bên dưới, gây viêm mô tế bào và viêm mạch bạch huyết, có thể dẫn đến du khuẩn huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng, hay viêm phổi.

Hội chứng 4S: thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn 6 tuổi hay người lớn sẵn bệnh thận, do độc tố của một số chủng Staphylococcus aureus. Chốc bóng nước lan tỏa, bóng nước vỡ ra đóng mài nông và gây các mảng trợt da rộng, diễn tiến đến đỏ da toàn thân. Thường lành không để lại sẹo.

Hội chứng sốc do nhiễm độc: hiếm gặp. Bệnh nhân sốt, nổi hồng ban lan tỏa, tróc vảy, hạ huyết áp, và suy các cơ quan nội tạng.

Viêm cầu thận hâu nhiễm liên cầu trùng: nhiễm Streptococcus nhóm A có thể dẫn đến viêm cầu thận hậu nhiễm 3 – 6 tuần sau nhiễm ở da

Sốt thấp khớp: nhiễm Streptococcus nhóm A ở da có thể dẫn đến sốt thấp khớp và thấp tim

Các phương pháp điều trị

Nên đến khám bác sĩ da liễu để có chẩn đoán chính xác nếu có các sang thương da nghi ngờ chốc. Thông thường, chốc được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng, nhưng để khẳng định chẩn đoán, có thể cần lấy dịch từ sang thương da đem nhuộm, soi dưới kính hiển vi, cũng như nuôi cấy và định danh vi khuẩn. Cấy dịch sang thương và làm kháng sinh đồ để tìm ra kháng sinh nhạy với chủng vi khuẩn gây bệnh cũng cần thiết trong những trường hợp chốc chậm đáp ứng với điều trị. Có thể cần xét nghiệm máu khi chốc lan rộng, và công thức máu ghi nhận tăng bạch cầu. Sinh thiết sang thương da rất hiếm khi cần thiết, dù cho hình ảnh đặc hiệu.

Điều trị tại cơ sở y tế

Kháng sinh là điều trị hiệu quả cho chốc. Lựa chọn chế phẩm và loại kháng sinh tùy vào độ lan rộng và độ nặng của bệnh. Nếu chốc chỉ ảnh hưởng một vùng nhỏ, kháng sinh thoa như kem hay mỡ mupirocin và retapamulin nên được lựa chọn. Kháng sinh uống được chỉ định khi triệu chứng rõ hay nặng (sốt, mệt), nhiều hơn 3 sang thương, nguy cơ biến chứng cao, sang thương không cải thiện hay tự lành. Kháng sinh uống có thể có tác dụng nhanh hơn kháng sinh thoa, nhưng không nhất thiết là điều trị nhiễm trùng tốt hơn, và cũng gây nhiều tác dụng phụ hơn kháng sinh thoa.

Với điều trị đúng, chốc thường lành trong 7 đến 10 ngày. Nếu có bệnh lý da nền, nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn.

Chăm sóc tại nhà

Chăm sóc tại nhà đúng cách có thể hỗ trợ chốc lành nhanh hơn. Làm sạch sang thương chốc, ngâm thuốc tím 3 – 4 lần/ngày đến khi sang thương lành. Làm sạch sang thương nhẹ nhàng bằng xà phòng và nước ấm để gỡ bỏ mài nhẹ nhàng. Lưu ý rửa tay kỹ sau khi chăm sóc sang thương để tránh lây lan vi khuẩn. Thoa các thuốc kháng khuẩn tại chỗ như povidine-iodine, chlorhexidine, dung dịch thuốc màu… 2 – 3 lần/ngày trong 5 ngày

Đợi khô sang thương và thoa kháng sinh theo chỉ định bác sĩ và đậy nhẹ nhàng sang thương bằng gạc (nếu có thể đậy)

Các biện pháp phòng ngừa

Ngừa tái phát

  • Điều trị vị trí thường mang vi khuẩn: thoa mỡ kháng sinh vùng mũi, tắm và rửa tay thường xuyên để giảm lượng vi khuẩn trên da với xà phòng kháng khuẩn
  • Băng, đậy vết thương trên da hoặc vết côn trùng đốt để bảo vệ vùng da tổn thương
  • Cắt ngắn và giữ sạch móng tay (đặc biệt cho trẻ em), cũng như tránh cào gãi sang thương chốc để tránh lây lan ra vùng da khác
  • Nhận biết và điều trị nguồn tái nhiễm, thường là từ người khác hay trong môi trường sống: đồ vải, các bề mặt, đồ chơi, dụng cụ.

Ngừa lây lan

  • Tránh tiếp xúc gần với người khác
  • Trẻ em bị chốc nên nghỉ học cho đến khi không còn khả năng lây nhiễm: khi mài đã khô hay đến 24 giờ sau khi khởi trị kháng sinh uống. Người lớn làm những việc cần tiếp xúc gần với người khác nên hỏi bác sĩ khi nào thì có thể đi làm lại.
  • Sử dụng khăn và quần áo riêng biệt. Đừng sử dụng chung vật dụng cá nhân nào với bệnh nhân chốc.
  • Rửa tất cả những vật dụng chạm vào sang thương chốc bằng nước nóng và bột giặt. Rửa và khử trùng các bề mặt, dụng cụ, đồ chơi tiếp xúc với sang thương chốc
  • Thay và giặt quần áo, đồ vải hàng ngày. Thay tấm trải giường, khăn tắm, và quần áo chạm thường xuyên vào sang thương chốc cho đến khi sang thương không còn khả năng lây nữa.

 

-- BS. Nguyễn Lê Trà Mi --   

   

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top