Geophila D. Don là một chi nhỏ của vùng ôn đới ấm, cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở Việt Nam chỉ có một loài là rau má núi. Rau má núi phân bố từ vùng Đông Ấn Độ (giáp Trung Quốc), Tây Nam và Nam Trung Quốc đến Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây thường gặp ở các tỉnh phía Bắc, từ Quảng Bình trở ra. Cây ưa ẩm, hơi chịu bóng thường mọc ở chân đồi, ven rừng, bờ nương rẫy. Ở vùng đồng bằng như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây…, rau má núi đôi khi mọc ở cả vườn trồng cây ăn quả. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm; quả chín thường bị các loài gậm nhấm và chim ăn; phần thân bò có khả năng đẻ nhánh khỏe.
Toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Rau má núi có tác dụng thanh nhiệt giải độc tiêu thũng, hút mủ.
Lá rau má núi được dùng chữa ban, sởi, đái vàng. Ngày 10 – 20g sắc uống. Để chữa mụn nhọt, lở loét có mủ, toàn cây rau má (10 – 15g) sắc uống; kết hợp dùng tươi, giã nát, đắp tại chỗ.
Ở Ấn Độ, rau má núi được dùng tương tự như thuốc ipeca từ cây Cephaelis ipecacuanha (Brot) A. Rich với liều nhỏ thì long đờm, liều cao lại gây nôn, nhưng mức độ kém hơn.
Ở Quảng Đông – Trung Quốc, toàn cây rau má núi chữa đau dạ dày, viêm thận và rắn độc cắn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh