✅ Da nhạy cảm là gì và cách chăm sóc như thế nào ?

Nội dung

Nguyên nhân của da nhạy cảm

Da khô

Khi bị mất nước hoặc giảm chất nhờn, da sẽ trở nên khô và có một số biểu hiện sau:

  • Ngứa;
  • Bong vảy;
  • Cảm giác thô ráp khi sờ vào;
  • Nứt nẻ và chảy máu;
  • Da đỏ hoặc hơi xám.

Da khô có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào, nhưng thường gặp ở bàn tay, bàn chân, cánh tay và cẳng chân. Bạn có thể điều trị và phòng ngừa da khô bằng cách cung cấp độ ẩm cho da như sử dụng kem dưỡng ẩm hai hoặc ba lần một ngày bằng sản phẩm không mùi dành riêng cho da nhạy cảm. Để rửa mặt, bạn nên chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng. Đối với da cơ thể, bạn có thể chọn sản phẩm dưỡng ẩm chứa dầu thiên nhiên không gây kích ứng như shea butter.

Bệnh chàm

Bệnh chàm (viêm da cơ địa) ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của da, có thể làm da dễ kích ứng với các sản phẩm như xà phòng và mỹ phẩm. Biểu hiện của chàm khá đa dạng, với những triệu chứng thường gặp như da khô, ngứa, nổi những sẩn nhỏ rỉ dịch và đóng mày, xuất hiện mảng da đỏ hoặc nâu xám, có khi sưng nề, da dày, nứt nẻ, bong vảy.

Để giảm triệu chứng, các thuốc bôi giảm ngứa và kem dưỡng ẩm có thể hiệu quả. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, bạn cần đến khám với bác sĩ da liễu.

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng là da nổi đỏ, ngứa khi bị tổn thương do tiếp xúc với chất gây kích ứng. Trong phần lớn trường hợp, chỉ có vùng da tiếp xúc trực tiếp với chất gây kích ứng mới bị tổn thương. Các triệu chứng của bệnh bao gồm da đỏ, ngứa, khô, bong vảy, nổi bóng nước, rỉ dịch và đóng mày, sưng phù, căng và bỏng rát. Bệnh viêm da tiếp xúc có thể tự khỏi trong vòng vài tuần. Điều quan trọng là bạn cần xác định yếu tố gây khởi phát bệnh để tránh tiếp xúc về sau. Bạn không nên cào gãi khi tổn thương gây ngứa mà nên đến gặp bác sĩ da liễu để được điều trị phù hợp.

viêm da dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi da bạn có phản ứng dị ứng với một chất cụ thể. Triệu chứng của bệnh bao gồm da đỏ, ngứa, nổi bóng nước, phù, bỏng rát và căng da. Những chất gây dị ứng thường gặp là thực vật, nữ trang (nickel trong nữ trang), xà phòng, mùi hương, mỹ phẩm, xà phòng. Điều trị với thuốc kháng histamine uống có thể giúp giảm ngứa và viêm. Bạn cần xác định được nguyên nhân gây dị ứng để tránh bệnh tái phát.

Trứng cá đỏ

Trứng cá đỏ là một bệnh da thường gặp ảnh hưởng đến vùng mặt. Dấu hiệu sớm của bệnh là da mặt dễ đỏ và nhạy cảm, thường có cảm giác châm chích hay bỏng rát. Ngoài ra các triệu chứng khác bao gồm đỏ vùng mặt, tai, ngực và lưng; vẻ ngoài giống da bỏng nắng; nổi những nốt nhỏ và mạch máu giãn rõ. Để điều trị trứng cá đỏ cần sự thăm khám và điều trị lâu dài bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Mày đay tiếp xúc

Mày đay tiếp xúc xảy ra do sự tiếp xúc trực tiếp của da với tác nhân gây kích ứng. Phản ứng với mày đay tiếp xúc xảy ra ngay tức thì. Triệu chứng bao gồm sẩn phù, da đỏ, ngứa, châm chích, có thể sưng phù. Mày đay có thể nặng hơn khi da tiếp xúc với những yếu tố như thực vật, mùi hương, thức ăn sống, hay các sản phẩm mỹ phẩm. Sang thương mày đay thường tự mất trong vòng 24 giờ. Điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng như ngứa.

Mày đay vật lý

Mày đay vật lý là mày đay xuất hiện do tiếp xúc với những tác nhân như nhiệt độ nóng, lạnh, hóa chất, thực vật hoặc khi tập thể dục. Triệu chứng bao gồm nổi những sẩn phù, màu trắng, hồng hoặc đỏ, ngứa nhiều. Sang thương có thể tự biến mất nhưng việc sử dụng thuốc kháng histamine có thể giúp sang thương biến mất nhanh hơn. Một số biện pháp giúp phòng bệnh bao gồm:

  • Thuốc kháng histamine. Bạn có thể uống ngay khi sang thương xuất hiện;

  • Đeo găng tay. Nên thường xuyên sử dụng găng tay khi bạn phải ra ngoài khi trời lạnh, khi tiếp xúc với hóa chất hoặc hơi nóng;

  • Giữ ấm. Nhiều người gặp phải tình trạng mày đay liên quan đến nhiệt độ lạnh, như khi bước ra từ nhà tắm hoặc từ hồ bơi. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị khăn hoặc đồ giữ ấm ngay sau khi ra khỏi hồ, đặc biệt khi trời lạnh.  

Viêm da do nắng

Viêm da do nắng là phản ứng bất thường của da với ánh nắng mặt trời. Tia cực tím (ultraviolet-UV) từ ánh nắng mặt trời có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, làm da xuất hiện những mảng đỏ, bóng nước hoặc bong vảy. Viêm da do nắng có thể được nhận biết qua một số đặc điểm sau:

  • Tổn thương chỉ xuất hiện ở những phần cơ thể tiếp xúc với nắng;

  • Xuất hiện đường ranh giới rõ giữa phần da tiếp xúc với nắng và không tiếp xúc;

  • Tình trạng da tệ hơn vào mùa xuân và hè khi thời tiết nắng nóng;

  • Vùng da được tóc che phủ không bị ảnh hưởng;

  • Vùng da ở vị trí khuất như mi mắt hoặc cằm thường không tổn thương.

Một số loại thuốc uống bạn đang sử dụng cũng có thể gây nên tình trạng da tăng nhạy cảm với nắng. Bạn nên đến khám với bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị chính xác. Một số sản phẩm bạn có thể sử dụng bao gồm:

  • Kem chống nắng: Một số loại kem chống nắng phổ rộng, với SPF 30 hoặc hơn có thể giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

  • Quần áo UPF: Quần áo UPF giúp bảo vệ da khỏi tia UV. UPF là chỉ số tương đương với SPF, với chỉ số lí tưởng là UPF 40 cho hiệu quả điều trị tốt.

  • Aloe vera: Aloe vera là gel thiên nhiên giúp làm dịu da bỏng nắng. Bạn nên sử dụng sản phẩm hữu cơ, không mùi để tránh gây kích ứng.

Bệnh tế bào mast ở da

Bệnh tế bào mast ở da là tình trạng tích tụ quá nhiều tế bào mast trong da. Tế bào mast là một phần của hệ thống miễn dịch, tiết ra các hóa chất gây tình trạng sưng phù và nổi dát đỏ trên da. Những triệu chứng thường xuất hiện khi da tiếp xúc với chất gây kích ứng, như sản phẩm có mùi, hoặc khi thay đổi nhiệt độ, cào gãi hoặc căng thẳng. Điều trị chủ yếu bao gồm thuốc kháng histamine uống và kem steroid thoa.

Nguyên tắc chung dành cho da nhạy cảm

Một vài nguyên tắc trong sinh hoạt hằng ngày có thể giúp bạn kiểm soát được sự nhạy cảm của da, bao gồm:

  • Tắm từ 5 đến 10 phút với nước ấm (không sử dụng nước quá nóng);
  • Tránh các chất lột tẩy mạnh;
  • Sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không mùi;
  • Tránh dùng nước hoa;
  • Sử dụng nước giặt dịu nhẹ, không mùi;
  • Sử dụng vật dụng làm sạch hữu cơ;
  • Sử dụng kem sau cạo râu;
  • Nhẹ nhàng thấm khô da sau khi tắm (không chà xát mạnh) và sử dụng dưỡng ẩm ngay sau đó;
  • Thử nghiệm các sản phẩm mới lên vùng da kín ít nhất một ngày trước khi sử dụng trên diện rộng.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm da bị nhạy cảm, một vài nguyên nhân đòi hỏi được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu. Mặc dù ít gặp nhưng đôi khi cơ thể có những phản ứng phản vệ gây nguy hiểm, bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu xuất hiện những triệu chứng như khó thở, khó nuốt, phù mặt, môi hay cổ họng.

Phần lớn tình trạng da nhạy cảm có thể được kiểm soát tại nhà bằng cách tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng. Nếu triệu chứng không cải thiện, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất cho da của bạn.

 

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top