DỊ ỨNG VỚI TRANG SỨC

Dị ứng với trang sức là gì?

Dị ứng trang sức là một nguyên nhân phổ biến của viêm da dị ứng tiếp xúc. Hầu hết các trường hợp dị ứng trang sức là do niken và coban gây ra, đây là các kim loại được sử dụng trong sản xuất hợp kim kim loại quý. Trong đồ trang sức rẻ tiền hơn, niken thường được sử dụng như một kim loại cơ bản, sau đó mạ vàng hoặc bạc phủ bên ngoài.

Nhiều người nghĩ rằng họ bị dị ứng với đồ trang sức là do dị ứng với vàng hoặc bạc hơn là do dị ứng với niken. Tuy nhiên, dị ứng với niken xảy ra kể cả khi niken đóng vao trò là một nguyên tố vi lượng trong trang sức vàng hoặc bạc, hoặc niken được sử dụng trong quá trình sản xuất để làm trắng và tăng độ cứng cho trang sức.

Dị ứng đồ trang sức biểu hiện dưới dạng viêm da ở những vị trí da tiếp xúc trực tiếp với kim loại. Các vị trí phổ biến nhất gồm dái tai (từ hoa tai), ngón tay (từ nhẫn) và quanh cổ (từ dây chuyền). Các vùng da bị ảnh hưởng trở nên ngứa dữ dội và có thể đỏ kèm nổi mụn nước (viêm da cấp tính) hoặc khô, dày và tăng sắc tố (viêm da mạn tính).

Đôi khi viêm da sau đó ảnh hưởng đến các khu vực không tiếp xúc với đồ trang sức, đặc biệt là bàn tay. Tổ đĩa là một loại viêm da bàn tay có nổi mụn nước phổ biến ở những người có tiền sử dị ứng đồ trang sức trước đó và có thể là do tiếp xúc với các nguồn niken khác như tiền xu và chìa khóa.

 

 

 

Những phản ứng khác với đồ trang sức 

Phản ứng với trang sức không phải lúc nào cũng do dị ứng với một kim loại cụ thể. Các nguyên nhân gây phát ban trên những vùng da đeo trang sức có thể do:

  • Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra bởi ma sát, các hạt bề mặt và bụi bẩn trên kim loại, xà phòng và nước hoặc các thành phần phi kim khác của đồ trang sức. Phản ứng kích ứng xảy ra phổ biến hơn ở những người có làn da nhạy cảm hoặc viêm da cơ địa.
  • Vẩy nến và bạch biến có thể xảy ra hiện tượng Kobner và tăng lên ở vị trí tổn thương. Thương tổn có thể phát sinh tại vị trí dây đeo đồng hồ chặt, vòng cổ hoặc vòng đeo tay.
  • Vị trí xỏ lỗ tai có thể bị nhiễm tụ cầu, dẫn đến rỉ nước và đóng vảy (chốc hoặc vết thương nhiễm trùng ).

Làm cách nào để biết đồ trang sức có chứa niken hay không?

Nhìn bằng mắt thường rất khó để xác định liệu đồ trang sức có chứa niken hay không. Nên giả định rằng tất cả các đồ trang sức bằng kim loại đều có một lượng niken nhất định trong đó trừ khi nó được làm bằng thép không gỉ, vàng 18 hay 24 carat, bạc sterling hoặc platinum nguyên chất.

  1. Trang sức bằng vàng

Vàng làm đồ trang sức thường được đo bằng karats (carat).

  • 24 karat (vàng nguyên chất) chứa 99.9% vàng (và 0.1% kim loại khác).
  • 18 karat chứa 75% vàng.
  • 12 karat chứa 50% vàng.
  • 9 karat chứa 37.5% vàng.

Để tạo nên phần còn lại của kim loại, vàng tạo hợp kim với các kim loại khác. Đối với những người bị dị ứng kim loại, đặc biệt là dị ứng niken, câu hỏi đặt ra là đồ trang sức bằng vàng của bạn được hợp kim với kim loại nào? Vàng có thể được hợp kim với nhiều loại kim loại khác nhau làm thay đổi độ cứng, màu sắc và các tính chất khác của nó. Ví dụ, vàng màu vàng (yellow gold ) có thể được hợp kim với bạc và đồng, trong khi vàng trắng (white gold)  thường được hợp kim với niken.

Rhodium, một kim loại màu trắng bạc liên quan đến Platinum, thường được sử dụng để mạ vàng vàng (yellow gold) để biến nó thành vàng trắng (white gold). Và ngay cả vàng trắng với niken cũng thường được mạ rhodium để làm cho nó trông trắng hơn và sáng bóng hơn. Mặc dù lớp mạ ban đầu sẽ bảo vệ ngăn sự tiếp xúc trực tiếp với niken trong vàng, nhưng cuối cùng nó cũng sẽ bị hao mòn sau nhiều tháng hoặc nhiều năm. Khi đó nó để lại vàng trắng (hợp kim với niken) tiếp xúc trực tiếp với da. 

  1. Trang sức bạc

Có ba loại bạc dùng để làm trang sức - bạc nguyên chất, bạc sterling và mạ bạc. Bạc nguyên chất chứa 99,9% bạc nhưng có thể quá mềm và dễ uốn dẻo khi chế tạo thành đồ trang sức. Bạc sterling chứa 92,5% bạc nguyên chất và hợp kim với đồng. Trong một số trường hợp bạc sterling, một tỷ lệ nhỏ các kim loại khác có thể nằm trong hỗn hợp nên có thể có chứa niken. Đồ trang sức mạ bạc có lõi là một kim loại nền (và có thể chứa niken) đã được mạ một lớp hợp kim bạc mịn bên ngoài.

Ai bị dị ứng đồ trang sức?

Viêm da tiếp xúc dị ứng với đồ trang sức kim loại có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Trong hầu hết các trường hợp là do dị ứng niken hoặc coban. Và một khi xảy ra, nó tồn tại trong nhiều năm, thường là suốt đời. Một số người bị viêm da (còn gọi là chàm tiếp xúc) do tiếp xúc ngắn với các vật dụng có chứa niken, trong khi những người khác mang nhiều năm vẫn không gặp vấn đề gì liên quan đến phát ban.

Dị ứng thường giới hạn ở các vị trí da tiếp xúc trực tiếp với kim loại nhưng cũng có thể lan rộng  hơn trong trường hợp nặng.

Dị ứng niken hay gặp ở giới nữ, có lẽ vì họ  đeo đồ trang sức nhiều hơn nam giới, mặc dù điều này đang thay đổi. Trong khi dị ứng niken là dị ứng đồ trang sức phổ biến nhất xảy ra, dị ứng với các kim loại khác có chứa trong đồ trang sức vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nó có vẻ rất hiếm.

Điều trị 

Điều quan trọng nhất là cần phải loại bỏ đồ trang sức gây dị ứng.

Làm thế nào để tránh dị ứng đồ trang sức

Nếu bệnh nhân bị dị ứng đồ trang sức, bác sĩ da liễu có thể thực hiện patch test để xác định xem bệnh nhân có bị dị ứng kim loại hay không. Một khi dị ứng niken hoặc coban được xác nhận, điều cần thiết là tránh tiếp xúc với kim loại đó. Những lời khuyên sau đây có thể hữu ích khi mua đồ trang sức.

  • Chọn các loại trang sức từ hợp kim có nền là palladium, bạc và các kim loại trắng khác. Tuy nhiên, hợp kim palladium đắt hơn so với các hợp kim sử dụng niken. Hợp kim vàng trắng karat cao có khả năng chống ăn mòn cao hơn nhiều so với bạc nguyên chất hoặc bạc sterling.
  • Xỏ khuyên tai bằng kim làm từ thép không gỉ và đeo trang sức làm bằng thép không gỉ, vàng 18 hoặc 24 karat.
  • Sử dụng trang sức không gây dị ứng làm bằng thép không gỉ, vàng 18 hoặc 24 karat, bạc sterling hoặc nhựa polycarbonate.
  • Nếu đeo hoa tai có chứa niken, hãy thêm vỏ nhựa bọc phần đinh tán của hoa tai (phần tiếp xúc trực tiếp với da).
  • Nếu nhẫn cưới của bạn hoặc một món đồ trang sức khác mà bạn đeo hàng ngày gây ra phản ứng, bạn có thể hỏi thợ kim hoàn về việc mạ thêm bên ngoài lớp kim loại không dị ứng, chẳng hạn như rhodium hoặc bạch kim. Tuy nhiên, lớp phủ về sau cũng sẽ bị mòn và cần mạ lại.

Kiểm tra các vật dụng kim loại của bạn

Kiểm tra các vật dụng kim loại của bạn để xem chúng có chứa niken hay coban hay không. 

Hãy đến gặp BS Da liễu để được tư vấn cụ thể nếu bạn rất nhạy cảm với niken hoặc các kim loại khác.

Nguồn: Jewelry allergy. Jewellery allergy | DermNet (dermnetnz.org)

Người dịch: Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da 

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

return to top