Đồi mồi (Lentigo)

Đồi mồi (Lentigo hoặc liver spots) là một cụm từ y khoa dành cho một tình trạng phổ biến ở da. Đây là những dát sậm màu trên da, không ngứa, không đau và cũng không nguy hiểm. Mặc dù những đốm đồi mồi có thể trông tương tự những tổn thương ung thư da nhưng chính nó không phải là ung thư. Đồi mồi không cần điều trị nhưng những phương pháp điều trị thẩm mỹ thì có thể sử dụng nếu bạn muốn loại bỏ chúng.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu đồi mồi có hình dạng như thế nào (khác thế nào với ung thư), hiểu thấu đáo về nguyên nhân gây ra đồi mồi, yếu tố nguy cơ và có thể làm gì để hạn chế sự xuất hiện của chúng.

Đồi mồi là gì?

Khi già đi, chúng ta có thể ghi nhận những đốm sẫm màu hơn trên da so với những vùng còn lại. Những đốm này đặc biệt phổ biến ở vùng phơi bày ánh sáng như mặt và phần mu bàn tay. Tình trạng này gọi là đồi mồi (Lentigo) và chứng có thên như thế là vì những đốm này nhìn giống màu sắc của những hạt đậu lăng (lentils).

Một đốm đồi mồi có thể xuất hiện chậm trong vòng vài năm hoặc có thể đột ngột xuất hiện. Chúng có ở những vị trí khác nhau trên cơ thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chúng, có thể có cạnh tròn hoặc không đều. Một số loại đồi mồi có thể tự biến mất theo thời gian nhưng hầu hết thì không biến mất. Một số loại khác chỉ có thể mất đi khi điều trị.

Mặc dù đồi mồi thường có nguyên nhân do sự tổn hại của ánh nắng lên da, những chúng không phải ung thư và cũng không nguy hiểm cũng như không cần phải điều trị. Đối với một số khách hàng, họ lựa chọn phương pháp điều trị loại bỏ đồi mồi chỉ vì không thích nhìn thấy chúng trên làn da của mình do đó lựa chọn này là một chọn lựa thẩm mỹ và không phải là điều trị y tế.

Triệu chứng của đồi mồi

Đồi mồi không gây ra bất kì triệu chứng gì ngoài việc chúng hiện diện trên da. Chúng không gây ngứa, không gây đau cũng như không gây kích ứng cho da.

Đồi mồi trông như thế nào?


Dưới đây là những hình ảnh mình hoạ những đốm đồi mồi, sự khác nhau giữa chúng, tàn nhanh và ung thư tế bào đáy (một loại ung thư da).

Mảng đồi mồi trên da tối màu hơn vùng da khác. Chúng có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào nhưng thường ở những vị trí tiếp xúc nhiều với nắng.

 

Đồi mồi (liver spots), mặc dù có tên gọi như thế nhưng chúng không liên quan đến gan của bạn. Đây là một loại tình trạng da gây ra do tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Khi tia UV xâm nhập vào da có thể là nguyên nhân làm tăng sản xuất melanin, kết quả là những đốm đồi mồi tối màu hơn xuất hiện trên làn da của bạn.

 

 

Đồi mồi có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành chùm.

 

 

Tàn nhang thì nhỏ hơn đồi mồi và chỉ đậm hơn một chút so với da. Tàn nhang xuất hiên khi còn trẻ và có thể tự biến mất. Trái ngược lại, đồi mồi có xu hướng xuất hiện khi già và không thường tự mất đi.

 

Ung thư tế bào đáy là loại ung thư da phổ biến nhất. Chúng thường có hình dạng là những nốt mờ bóng, thường loét đỏ hoặc có vảy khô ở rìa.

Khi nào thì những đốm đồi mồi xuất hiện?

Đồi mồi có nguyên nhân từ việc tiếp xúc với ánh nắng. Tia UV làm một loại tế bào da tên melanocyte tăng sản xuất sắc tố. Đó là lý do vì sao khi một người rám nắng, bỏng nắng sau khi tiép xúc lâu với ánh sáng.

Qua nhiều năm, sự tổn thương gây ra bởi tia UV có thể là nguyên nhân tích tục sắc tố trong da và những tích tụ này có thể gây hình thành đồi mồi.

Ai có thể gặp phải những đốm đồi mồi?

Ai cũng có thể bị đồi mồi. Vì nguyên nhân của đồi mồi là do tác hại của ánh nắng mặt trời do đó có thể ở bất kì tuổi nào, giới tính hay chủng tộc nào khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng đều tăng yếu tố nguy cơ. Cũng như một số tổn thương da liên quan đến nắng khác, một số bệnh nhân sẽ có nhiều nguy cơ hơn bao gồm:

  • Da trắng.
  • Tiếp xúc nhiều với ánh nắng hoặc tắm nắng.
  • Tắm nắng trong nhà.
  • Sử dụng liệu pháp ánh sáng hoặc xạ trị.

Trong một số trường hợp, hội chứng di truyền có thể gây ra những đốm đồi mồi. Những tình trạng này thì hiếm và thường hiện diện từ lúc mới sinh hoặc từ khi còn nhỏ. Quan trọng là những đốm đồi mồi chỉ là triệu chứng của các tình trạng bệnh này và sự xuất hiện các đốm đồi mồi không gây ra bệnh.

  • Hội chứng Bannayan-Riley-Ruvalcaba: đây là một hội chứng gây ra tình trạng đầu lớn hơn bình thường, những khối u không phải ung thư, và những điểm tối màu trên cơ quan sinh dục ngoài.
  • Hội chứng Cowden: Hội chứng này bao gồm những khối mô thừa không phải ung thư xuất hiện trên cơ thể.
  • Hội chứng Noonan: Bệnh nhân mắc hội chứng này sẽ có những đốm đồi mồi hình thành trên nhiều vị trí khác nhau của cơ thể.
  • Hội chứng Peutz-Jeghers: Đây là một tình trạng bao gồm những khối không phải ung thư xuất hiện ở ruột non và dạ dày. Bệnh nhân mắc hội chứng này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư. Trẻ em mắc hội chứng này có những đốm đồi mồi nhỏ trên mặt, môi, tay, chân, vùng sinh dục và bên trong miệng và thường tự mờ đi khi trẻ lớn lên.
  • Khô da sắc tố (Xeroderma pigmentosum): hội chứng này làm bệnh nhân trở nên nhạy cảm hơn với tia UV của ánh sáng mặt trời và cũng tăng nguy cơ hình thành ung thư da.

Đồi mồi có những loại nào?

Có vài loại đồi mồi khác nhau, phân loại phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí:

  • Lentigo simplex: đây là loại đồi mồi phổ biến nhất. Những đốm này xuất hiện trên thân mình, cánh tay và chân. Chúng thường xuất hiện từ khi trẻ sinh ra hoặc khi trẻ còn nhỏ và có thể tự mờ đi theo thời gian.
  • Solar lentigo: Có nguyên nhân do tiếp xúc với tia UV từ mặt trời. Thường phổ biến ở người trên 40 tuổi, nhưng cũng có thể xuất hiện ở người trẻ. Tia UV làm các tế bào sắc tố của da hoạt động mạnh hơn. Chính vì vậy chúng thường xuất hiện tại vùng da phơi bày ánh sáng như mặt, bàn tay, vai và cánh tay.
  • Ink spot lentigo. Loại này thường xuất hiện sau khi bỏng nắng ở những người da sáng màu. Chúng thường là những đốm sậm màu trông như mực.
  • PUVA lentigo. Đồi mồi loại này xuất hiện sau khi thực hiện quang trị liệu với psoralen và tia UVA (PUVA), đây là phương pháp sử dụng để điều trị một số bệnh như chàm và vảy nến.
  • Tanning bed lentigo. Loại đồi mồi này thì xuất hiện sau khi sử dụng giường tắm nắng. Chúng tương tự với ink spot lentigo.
  • Radiation lentigo. Tại vùng da được xạ trị thường xuất hiện loại này.

Cách chẩn đoán đồi mồi.

Mặc dù những đốm đồi mồi thường vô hại, nhưng cũng nên được thăm khám bởi bác sĩ da liễu để chắc chắn đây không phải là ung thư da.

Đôi khi, đồi mồi và ung thư da rất khó để phân biệt. Việc chẩn đoán thường đơn giản dựa nào các chúng xuất hiện và hầu hết được kết luận chỉ bằng việc khám lâm sàng. Nhưng đôi khi cũng cần phải làm thêm giải phẩu bệnh để có chẩn đoán xác định sang thương có phải ung thư hay không.

Trong suốt quá trình thực hiện sinh thiết, bác sĩ sẽ gây tê vùng da cần sinh thiết và lấy một mẩu mô nhỏ có chứa sang thương. Mẫu mô này sẽ được đưa đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xác định.

Có cần thiết loại bỏ những đốm đồi mồi hay không?

Đồi mồi không phải là nguyên nhân của một bệnh lý, vì vậy không nhất thiết phải loại bỏ chúng. Tuy nhiên có một số khách hàng lựa chọn việc làm sáng màu hoặc xoá bỏ những đốm đồi mồi vì lý do thẩm mỹ.

Bạn nên xem xét tất cả những phương pháp có thể lựa chọn để loại bỏ các đốm đồi mồi trước khi lựa chọn thực hiện. Có nhiều phương pháp điều trị để loại bỏ hoặc làm mờ đi, tuy nhiên những phương pháp này có thể làm đỏ da, kích ứng và bong da. Hầu hết các phương pháp có tác dụng dần dần và có thể cần thực hiện nhiều lần trước khi nhận được kết quả như mong muốn.

Hãy trao đổi cùng bác sĩ da liễu trước khi đưa ra quyết định, nếu đồng ý điều trị, hãy trao đổi rõ số lần cần điều trị và kết quả có thể mong đợi. Các phương pháp điều trị bao gồm:

 

  • Kem tẩy có chứa hydroquinone hoặc retinoids (tretinoin).
  • Thay da sinh học.
  • Tái tạo bề mặt da.
  • Laser hoặc IPL để phá huỷ melanocytes.
  • Đóng băng (chấm nitơ lỏng) nhằm tiêu diệt melanocyte.

Bạn cũng có thể thử điều trị tại nhà. Các phương pháp có thể bao gồm các thành phần:

  • Nha đam.
  • Trà xanh.
  • Vitamin C.
  • Vitamin A.
  • Hành đỏ.
  • Trà đen.
  • Những loại kem không cần kê toa.

Có thể phòng ngừa sự xuất hiện của những đốm đồi mồi không?

Để phòng ngừa, hãy tránh nắng, đặc biệt là thời gian ánh nắng mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi ra nắng, hãy luôn sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chỉ số SPF 30 trở lên và lặp lại mỗi 2 giờ và không quên mặc quần áo chống nắng và đội mũ rộng vành.

Tổng kết

Đồi mồi không phải là tổn thương ung thư và cũng không nguy hiểm. Bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp loại bỏ chúng vì lý do thẩm mỹ. Hãy đến thăm khám cùng bác sĩ để xác định chính xác tính chất tổn thương nếu có bất cứ vấn đề thắc mắc gì.

Trong hầu hết trường hợp, đồi mồi có nguyên nhân từ việc tiếp xúc nhiều với ánh sáng và có thể phòng ngừa bằng cách bảo vệ da khỏi nắng mặt trời như thoa kem chống nắng phổ rộng, chỉ số SPF tối thiểu là 30 và mặc quần áo chống nắng.

 

 -- Bs Phan Vũ Lam Phương --

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

 

return to top