✅ “MASKNE”: Các tình trạng ở da liên quan đến việc đeo khẩu trang

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể việc sử dụng dụng cụ bảo hộ cá nhân (PPE) cả trong và ngoài cơ sở chăm sóc y tế. Thuật ngữ “maskne” ngày càng trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, nó được sử dụng để mô tả một số vấn đề về da mặt. Chi phí điều trị cao nhưng điều trị gần như không hiệu quả cho tình trạng này.

Trong hướng dẫn thực hành này sẽ đề cập các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra phát ban trên vùng mặt liên quan đến việc đeo PPE mặt (facial PPE) và nhấn mạnh các khu vực quan trọng cần che phủ khi đánh giá một người mới xuất hiện vấn đề về da mặt hoặc một tình trạng, vấn đề da sẵn có bị nặng hơn mà nguyên nhân được cho là do việc sử dụng PPE mặt.

“Facial PPE” – dụng cụ bảo hộ vùng mặt cá nhân bao gồm mạng che toàn mặt, kính che mặt, kính bảo hộ, khẩu trang phẫu thuật (khẩu trang chống thấm nước, FRSM loại IIR) và khẩu trang phòng độc (ví dụ: FFP3, FFP2 và N95).

“Maskne” phổ biến như thế nào?

Các vấn đề về da mặt liên quan đến PPE đã được mô tả đầy đủ rõ ràng, nhưng dữ liệu về tần suất phổ biến của bệnh còn hạn chế nên thông thường tình trạng này khi được đề cập đến trong chẩn đoán chỉ dùng “maskne” để mô tả hơn là chỉ ra 1 tình trạng cụ thể. Dựa trên các bằng chứng hiện có thì khẩu trang có liên quan đến tình trạng mụn trứng cá và viêm da tiếp xúc dị ứng. Đây cũng chính là những vấn đề về da mặt phổ biến nhất liên quan đến việc đeo khẩu trang.

Trong đại dịch COVID-19, một nghiên cứu cắt ngang với 833 nhân viên của trường y khoa tại Thái Lan, bao gồm cả nhân viên y tế và nhân viên không chăm sóc y tế, cho thấy có 54% trong số họ gặp phản ứng gây hại cho da khi sử dụng khẩu trang vải cũng như khẩu trang phẫu thuật.

“Maskne” phổ biến như thế nào

Tình trạng bệnh lý về da mặt nên được đánh giá thế nào?

Thông thường, một bệnh nhân nghi ngờ có tình trạng bệnh lý da do khẩu trang được nghĩ đến khi bệnh nhân có biểu hiện một vấn đề về da mới khởi phát trên mặt, hoặc đợt cấp tính của bệnh da sẵn có trước ở vùng da được che phủ bởi khẩu trang. Lý tưởng nhất là đánh giá trực tiếp trên bệnh nhân, nhưng tư vấn qua video là một giải pháp thay thế có thể chấp nhận được.

Những nguyên nhân phổ biến và cách điều trị.

Những vấn đề được mô tả dưới đây có thể nặng hơn khi đeo dụng cụ bảo hộ mặt. Tình trạng xấu đi của da là hậu quả của môi trường nóng, ẩm và bí bách trên da mặt trong quá trình sử dụng PPE và thêm vào đó là sự ma sát do dây đeo cố định.

Các biện pháp chung để ngăn ngừa vấn đề về da mặt do PPE và khuyến cáo phương pháp điều trị tất cả các tình trạng được liệt kê dưới đây. Việc điều trị cơ bản cho từng bệnh da liễu được thảo luận riêng. Khi có tình trạng tăng sắc tố sau viêm hoặc sẹo cần có điều trị tích cực hơn để ngăn ngừa những thay đổi không thể phục hồi trên da. Bệnh nhân cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu nếu tình trạng không được cải thiện

Những nguyên nhân phổ biến và cách điều trị.

Hình 1: Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD)

Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD) là bệnh phổ biến nhất liên quan đến nghề nghiệp và việc đeo khẩu trang. Viêm da tiếp xúc kích ứng là một bệnh chàm ngoại sinh do chấn thương vật lý hoặc hóa học. Viêm da tiếp xúc kích ứng áp lực liên quan đến khẩu trang thường được mô tả ở vùng má và sống mũi. Tình trạng này liên quan đến việc đeo khẩu trang kéo dài (> 6 giờ) và mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào tính chất kích ứng của chất liệu và thời gian đeo khẩu trang. Sang thương có nhiều mức độ từ những mảng da khô rải rác, bong vẩy tới phù nề và mụn nước, trợt và loét. Những người có hàng rào bảo vệ da bị suy giảm chức năng đặc biệt có nguy cơ cao bị Viêm da tiếp xúc kích ứng.

Phục hồi hàng rào bảo vệ da là mấu chốt để điều trị Viêm da tiếp xúc kích ứng và việc thường xuyên nghỉ đeo khẩu trang “mask break” (một lần mỗi giờ) là một cách tốt.

Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD)

Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD) là một phản ứng quá mẫn muộn type IV với dị nguyên bên ngoài và ít phổ biến hơn so với Viêm da tiếp xúc kích ứng. Thông thường, nó xảy ra sau khi tiếp xúc với các chất bảo quản như formaldehyde và dibromodicyanobutane, nhưng có thể kể đến thêm thiuram là một chất được tìm thấy trong dây đeo trên khẩu trang phẫu thuật có thể gây dị ứng. Dây kim loại được sử dụng cố định khẩu trang, trong đó có  niken và coban đều đã được báo cáo là nguyên nhân gây ra chứng Viêm da tiếp xúc dị ứng trên mặt.

Viêm da tiếp xúc kích ứng và Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể khó phân biệt được trên lâm sàng. Điều trị bao gồm một đợt ngắn thuốc corticosteroid hiệu lực nhẹ đến trung bình, ví dụ như thuốc mỡ hydrocortisone 1%. Tránh tiếp tục tiếp xúc với các chất gây dị ứng, và việc xác định tác nhân gây bệnh là điểm quan trọng nhất trong điều trị. Có thể xác định bằng cách thử tiếp xúc các nguyên nhân nghi ngờ trên một khoảng da nhỏ, thực hiện trên những vùng da có thể quan sát rõ và trong các trường hợp bệnh nặng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD)

Hình 2: Chàm tiết bã

Chàm cơ địa (Viêm da cơ địa)

Chàm là một bệnh viêm da rất phổ biến, ảnh hưởng đến 20-30% trẻ em và 2-10% người lớn.

Việc đeo khẩu trang có thể gây kích ứng lên da mặt vốn đã mỏng manh hơn người bình thường của bệnh nhân mắc bệnh chàm, cộng với môi trường kín, ẩm ướt do việc đeo khẩu trang có thể có tác động xấu đến da, khiến bệnh chàm trở nên trầm trọng hơn.

Chàm tiết bã

Chàm tiết bã ảnh hưởng đến khoảng 1-3% dân số trưởng thành và thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên. Biểu hiện là tình trạng viêm da với vảy nhờn màu vàng chủ yếu vùng da đầu, lông mày, vùng giữa 2 lông mày, nếp mũi má.

Việc điều trị có thể bao gồm bằng thuốc có hoạt tính kháng nấm thông thường như dầu gội đầu ketoconazole 2% và / hoặc các đợt điều trị ngắn hạn corticosteroid loại nhẹ tại chỗ như thuốc mỡ hydrocortisone 1%. Cũng giống như chàm, môi trường ấm, ẩm, bít kín do đeo khẩu trang làm xấu đi tình trạng da.

Viêm da quanh mắt mũi miệng

Viêm da quanh mắt mũi miệng với các sẩn mụn mủ li ti trên nền hông ban, ảnh hưởng đến vùng da quanh mắt và quanh miệng của phụ nữ trẻ (viền màu đỏ tươi). Tình trạng này có thể là vô căn, hoặc do sử dụng mỹ phẩm hoặc thuốc bôi corticosteroid trực tiếp hoặc gián tiếp (qua ngón tay đang bôi thuốc ở nơi khác). Việc đeo khẩu trang có thể dẫn đến tình trạng viêm da quanh mắt mũi miệng vì những lý do tương tự đã được liệt kê cho chàm và chàm tiết bã. Điều trị bao gồm việc ngừng sử dụng các loại kem có liên quan và đơn giản hóa chế độ chăm sóc da. Kháng sinh tại chỗ như erythromycin là đủ cho các trường hợp nhẹ nhưng thường cần một đợt điều trị bốn tuần với tetracyclin, chẳng hạn như lymecycline 408 mg một lần mỗi ngày.

Mày đay

Cả nổi mày đay áp lực và mày đay tiếp xúc đều là những biến chứng không phổ biến của PPE.

Mày đay áp lực gây ra bởi áp lực của mặt nạ lên da và được đặc trưng bởi các sẩn phù xuất hiện ngay hoặc sau 4-6 giờ sau một kích thích áp lực. Nên sử dụng mặt nạ vừa vặn, không quá chật, hoặc là thay đổi PPE.

Mày đay do tiếp xúc là một phản ứng tức thì với một chất gây dị ứng như latex hoặc formaldehyde và có khả năng thoái lui trong vòng 24 giờ sau khi loại yếu tố khởi phát. Thường xuyên dùng thuốc kháng histamine H1 không gây buồn ngủ như loratadine là phương pháp điều trị chính cho chứng mày đay có yếu tố khởi phát.

Mày đayHình 3: mày đay

Mụn trứng cá

Mụn trứng cá thông thường là một bệnh lý của vùng nang lông-tuyến bã. Mụn trứng cá liên quan đến PPE có thể xảy ra ở những người có tiền căn bị mụn trứng cá cũng như những người trước đó không bị mụn trứng cá. Tình trạng này liên quan với cả mặt nạ phẫu thuật và mặt nạ phòng độc N95.

Cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá liên quan đến PPE được cho là do 3 cơ chế sau:

  • Tạo ra một vùng vi khí hậu ẩm bên trong khẩu trang.
  • Vi khuẩn xâm chiếm có thể xâm nhập vào niêm mạc và làm tăng lượng vi khuẩn trên vùng da xung quanh.
  • Tác động ma sát của khẩu trang ôm sát có thể làm tổn thương nang lông gây kích ứng mãn tính và tác động này gây ra hậu quả còn tệ hơn do nhiệt độ và độ ẩm.

Retinoids đơn độc như kem adapalene hoặc kết hợp với kem benzoyl peroxide mỗi ngày một lần cho các trường hợp nhẹ, thêm tetracycline uống như lymecycline 408mg một lần mỗi ngày trong tối đa 12 tuần cho các trường hợp trung bình đến nặng.

Mụn trứng cáHình 4: mụn trứng cá

Trứng cá đỏ

Bệnh trứng cá đỏ thông thường xảy ra ở người lớn từ 30-50 tuổi và người da trắng. Thông thường, bệnh nhân có biểu hiện hồng ban vùng mặt và giãn mao mạch ở các vùng gồ lên (cằm, má, mũi, trán). Vùng phân bố cổ điển của trứng cá đỏ trùng lắp lên vùng được che bởi khẩu trang khi đeo đúng cách. Hiện diện của giãn mao mạch mãn tính giúp phân biệt trứng cá đỏ với bệnh viêm da quanh mắt mũi miệng. Trứng cá đỏ khởi phát hoặc trở nên tệ hơn khi đeo khẩu trang trong thời gian dài. Điều trị nội khoa bao gồm các thuốc bôi như kem ivermectin 1% một lần mỗi ngày cho các trường hợp nhẹ. Thêm tetracycline dạng uống như doxycycline dạng phóng thích trung bình 40 mg ngày một lần trong 8-12 tuần đối với các trường hợp vừa đến nặng.

Trứng cá đỏHình 5: Trứng cá đỏ

Viêm nang lông

Viêm nang lông trên mặt phổ biến hơn ở nam giới vì nó có liên quan đến lông ở vùng mặt. Viêm nang lông do bít tắc, viêm nang lông do vi khuẩn và viêm nang lông do cạo lông (do lông mọc ngược) có các biểu hiện lâm sàng giống nhau với sẩn, mụn mủ, và hiếm hơn là dạng cục. Nên nhẹ nhàng làm sạch da mỗi ngày bằng sữa rửa mặt không chứa xà phòng, tẩy tế bào chết nhẹ nhàng (để giải phóng lông mọc ngược) và thay thế cạo râu khô bằng cạo râu ướt. Kháng sinh được chỉ định khi phân lập được vi khuẩn; trong các trường hợp viêm vô trùng, có thể sử dụng kết hợp kem kháng khuẩn phối hợp steroid.

Viêm nang lôngHình 6: Viêm nang lông

 

MaskneHình 7: các loại PPE

 

Maskne

 

Nguồn: BMJ 2021;373:n1304  http://dx.doi.org/10.1136/bmj.n1304

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên

BS Phan Vũ Lam Phương

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. 

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709

  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

return to top