PHÁT BAN ÁNH SÁNG ĐA DẠNG “POLYMORPHIC LIGHT ERUPTION”

Nội dung

Phát ban ánh sáng đa dạng là gì?

Phát ban ánh sáng đa dạng (PMLE) là bệnh viêm da do ánh sáng mắc phải, vô căn và xuất hiện theo mùa, bệnh thường xảy ra vào mùa xuân và đầu mùa hè.

Bệnh còn có tên là dị ứng ánh nắng mặt trời, ngộ độc ánh nắng mặt trời, sẩn ngứa khởi phát mùa hè, hoặc chàm nắng. Juvenile spring eruption là một biến thể của PMLE.

 

 

Ai có thể bị phát ban ánh sáng đa dạng ?

  • Bệnh chủ yếu ở độ tuổi từ 20–40.
  • Phổ biến ở phụ nữ gấp bốn lần so với nam giới.
  • Xuất hiện ở vùng khí hậu ôn đới và phổ biến hơn ở những nơi ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Tỷ lệ lưu hành đã được chứng minh là tỷ lệ nghịch với vĩ độ (cao nhất ở Scandinavia, Vương quốc Anh và miền bắc Hoa Kỳ; thấp nhất ở Úc).
  • Ở Bắc Âu, bệnh có thể ảnh hưởng đến 20–40% phụ nữ đi nghỉ dưỡng ở khu vực Địa Trung Hải, trong khi ở các khu vực Úc, ước tính bệnh chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1–5% số người.
  • Bệnh được báo cáo là phổ biến hơn ở những vùng cao hơn so với mực nước biển.
  • Ảnh hưởng đến tất cả các chủng tộc và mọi kiểu da nhưng tỷ lệ lưu hành cao hơn ở loại da Fitzpatrick 1.

Bệnh nhân mắc PMLE có thể có khả năng dung nạp trong những tháng mùa hè.

 

Nguyên nhân gây ra Phát ban ánh sáng đa dạng

Bệnh có liên quan về mặt di truyền trong 15–46% trường hợp có tiền sử gia đình đã được báo cáo.

PMLE là một phản ứng quá mẫn muộn trên da đối với các kháng nguyên gây ra bởi ánh sáng mặt trời tạo nên từ bên trong cơ thể. Sự phản ứng bất thường này đối với ánh sáng cực tím (UV) có nghĩa là các bệnh nhân bị bệnh sẽ xuất hiện một phản ứng viêm đối với một kháng nguyên gây ra bởi ánh sáng mặt trời tạo nên từ bên trong cơ thể. Các yếu tố sau phải được xem xét khi xác định cơ chế bệnh sinh và xem xét các biện pháp bảo vệ:

  • Nguyên nhân chủ yếu là do tia UVA (75–90%) hoặc tia UVB hoặc do tia UVA và UVB đồng thời gây ra.
  • Bệnh hiếm khi được gây ra bởi ánh sáng nhìn thấy được
  • UVA có thể xuyên qua kính cửa sổ và một số loại kem chống nắng.
  • Một số bệnh nhân được báo cáo phản ứng với tia UVC từ hồ quang điện.

Bức xạ tia cực tím thường tạo ra phản ứng ức chế miễn dịch ở da, tuy nhiên, bệnh nhân mắc PMLE có thể bị giảm phản ứng bình thường này. Ở bệnh nhân PMLE, bức xạ tia cực tím dẫn đến tăng số lượng tế bào lympho T CD4 và CD8, đồng thời tăng phản ứng viêm ở lớp thượng bì và lớp bì. Hiện vẫn chưa rõ kháng nguyên kích hoạt phản ứng này.

Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng PMLE trong quá trình trị liệu bằng ánh sáng, được sử dụng để điều trị các bệnh da như bệnh vẩy nến và viêm da.

Vì PMLE phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới nên có giả thuyết cho rằng có một thành phần nội tiết tố trong cơ chế bệnh sinh của bệnh. Estradiol có thể hoạt động như một chất ức chế ức chế miễn dịch do tia cực tím, thường giúp giảm phản ứng quá mẫn.

Các đặc điểm lâm sàng của phát ban ánh sáng đa dạng

  • Theo mùa, xảy ra vào mùa xuân và đầu mùa hè và thường biến mất hoàn toàn vào mùa đông. Sự xuất hiện của bệnh vào mùa đông có thể là do việc tắm nắng hoặc du lịch ở nơi có khí hậu nắng hơn.
  • Khởi phát: xảy ra trong vòng vài giờ đến 1–2 ngày sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và thường không liên tục.
  • Thời gian: có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và khỏi nhanh hơn nếu tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
  • Tái phát: giảm khi mùa hè kéo dài do da “cứng” (xem bên dưới).

Các đặc điểm lâm sàng của bệnh có thể thay đổi khác nhau như:

  • Sẩn
  • Bệnh chàm (mảng đỏ và khô)
  • Mụn nước nhỏ
  • Mề đay
  • Hồng ban đa dạng (hồng ban hình bia).

Tuy nhiên, biểu hiện luôn giống nhau ở một bệnh nhân.

Vị trí phân bố có thể ở các vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như cánh tay, cẳng chân, vùng chữ V ở cổ và ngực. Mặt lưng bàn tay và vùng mặt là những vị trí không phổ biến của PMLE có thể do thường xuyên tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời và “cứng” da. Phát ban thường phân bố đối xứng, thành mảng và thường không ảnh hưởng đến toàn bộ vùng da tiếp xúc với ánh sáng. Có thể ngứa nhẹ đến rất nhiều và gây khó chịu, nhức đầu, sốt và buồn nôn có thể xảy ra trong một số ít trường hợp.

PMLE tồn tại trong vài ngày và có thể trở nên trầm trọng hơn nếu vùng da bị ảnh hưởng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn trước khi vết tổn thương trước đó ổn định. Khi bệnh lành sẽ không để lại sẹo.

 

“Cứng” da

Có một hiện tượng gọi là hiệu ứng làm “cứng” da, trong đó việc tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời sẽ dẫn đến những thay đổi về da bao gồm tăng hắc tố melanin và làm dày lớp sừng. Những thay đổi này được cho là do khôi phục phản ứng ức chế miễn dịch bình thường của da đối với tia UV do đó làm giảm hoặc dứt điểm tình trạng PMLE theo thời gian. Điều này có thể giải thích tại sao hiếm khi PMLE xuất hiện ở các vùng trên mặt hoặc tay do những vị trí này thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời so với các vùng khác trên cơ thể.

 

Các đặc điểm lâm sàng khác nhau như thế nào ở các loại da khác nhau?

PMLE có thể được gặp ở mọi chủng tộc và mọi loại da. Bệnh phổ biến hơn ở những người có làn da sáng hơn. Đối với những tuýp da sẫm màu hơn, hình thái phổ biến nhất là các sẩn có kích thước bằng đầu đinh ghim tạp hợp thành chùm.

 

Các biến chứng của tình trạng phát ban ánh sáng đa dạng là gì?

  • Stress
  • Lo lắng và trầm cảm
  • Tránh tham gia các hoạt động do lo ngại bùng phát khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Nếu tránh nắng quá mức có nguy cơ thiếu vitamin D

 

Chẩn đoán phát ban ánh sáng đa dạng ?

Chẩn đoán lâm sàng có thể được thiết lập dựa trên tiền sử phát ban xảy ra sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các đợt trước đó vào mùa xuân hoặc mùa hè. Chẩn đoán xác định dựa vào việc loại trừ các tình trạng nhạy cảm với ánh sáng khác.

Để loại trừ các tình trạng nhạy cảm với ánh sáng khác, có thể xem xét sinh thiết da. Mô bệnh học của PMLE không đặc hiệu, có thể thay đổi bao gồm:

  • Hiện tượng xốp bào ở thượng bì.
  • Thâm nhiễm tế bào lympho quanh mạch máu và quanh phần phụ nông và sâu, thường có bạch cầu ái toan và bạch cầu trung tính rải rác.
  • Phù bì nhú đáng kể thường gặp ở những trường hợp nặng hơn.

Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp âm tính trong PMLE.

Các xét nghiệm giúp loại trừ bệnh lupus đỏ da bao gồm công thức máu toàn phần, kháng thể kháng nhân (ANA), ENA, và miễn dịch huỳnh quang trực tiếp trên mô bệnh học.

Phototesting có thể được xem xét nhưng không được thực hiện ở tất cả bệnh nhân mắc PMLE.

  • Một xét nghiệm kích thích trong đó bức xạ tia cực tím được sử dụng để xác nhận chẩn đoán.
  • 60% bệnh nhân phát ban dương tính phù hợp về mặt lâm sàng và mô bệnh học với PMLE.
  • Lý tưởng nhất là bệnh nhân tiếp xúc với tia UVA (hoặc UVB) hàng ngày trong 3–5 ngày trên một vùng da nhỏ (chẳng hạn như cẳng tay hoặc vùng cổ), điều này sẽ gây phát ban.

 

Chẩn đoán phân biệt cho phát ban do ánh sáng đa dạng là gì?

  • Lupus đỏ
  • Porphyria
  • Mề đay ánh sáng
  • Viêm da cơ địa trầm trọng hơn do ánh sáng
  • Nhạy cảm ánh sáng do thuốc
  • Viêm da tiết bã

 

Điều trị phát ban ánh sáng đa dạng là gì?

Điều trị chung

  • Kem chống nắng phổ rộng 50+ SPF UVA/UVB
  • Quần áo chống nắng
  • Tránh ánh nắng mặt trời, chọn nơi có bóng râm nếu ở ngoài trời và ngồi xa cửa sổ

Điều trị cụ thể

  • Các loại corticosteroid bôi tại chỗ mạnh như betamethasone dipropionate 0,05% hoặc thuốc mỡ mometasone 0,1% cho vùng thân mình và các loại corticosteroid bôi tại chỗ yếu hơn cho vùng mặt như thuốc mỡ hydrocortisone 1%.
  • Các đợt điều trị ngắn hạn bằng corticosteroid đường uống – prednisolone đường uống 0,5–1mg/kg trong 1–2 tuần trong thời gian bùng phát hoặc trong các kỳ nghỉ khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
  • Quang trị liệu - UVB hoặc UVA vào đầu mùa xuân để gây ra tình trạng “cứng” da, tuy nhiên trước khi thực hiện có thể cần dùng steroid tại chỗ hoặc đường uống để ngăn ngừa bùng phát.
  • Hydroxychloroquine 200mg mỗi ngày hoặc hai lần mỗi ngày trong suốt mùa xuân và mùa hè.
  • Calcipotriol bôi tại chỗ có thể hữu ích trong việc dự phòng trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Afamelanotide
  • Nicotinamide - thường được dùng 2–4 tuần trước thời điểm thông thường trong năm PMLE bị kích thích; 1–3 gam mỗi ngày (chia làm nhiều lần) đã được sử dụng.
  • Nếu tình trạng nặng, có thể sử dụng thuốc ức chế miễn dịch toàn thân như azathioprine hoặc ciclosporin (cyclosporine).

Tiên lượng của tình trạng phát ban ánh sáng đa dạng là gì?

PMLE có thể tồn tại suốt đời mặc dù 60% số bệnh nhân ghi nhận cải thiện hoặc hết bệnh sau 15 năm và 75% số bệnh nhân sau 30 năm.

Các đợt bùng phát có thể xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và kéo dài trong nhiều ngày. Bệnh có thể diễn tiến xấu hơn khi tiếp xúc nhiều lần với ánh sáng mặt trời trước khi đợt bệnh hiện tại ổn định. Có một lưu ý rằng PMLE dường như ít gặp hơn và ít nghiêm trọng hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.

 

BS. CKI Phan Vũ Lam Phương

https://dermnetnz.org/topics/polymorphic-light-eruption

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Số điện thoại liên lạc (Trả lời trong ngày) : 0899777709 / Zalo/Viber

 

return to top