✅ Salicylic acid có giúp điều trị mụn trứng cá hay không?

Nội dung

Salicylic acid là một beta hydroxyl acid (BHA). Chất này giúp giảm mụn bằng cách tẩy tế bào chết trên da và giữ cho lỗ chân lông thông thoáng.

Salicylic acid có trong nhiều sản phẩm không kê đơn hoặc các sản phẩm kê đơn với nồng độ mạnh hơn.

Salicylic acid có tác dụng tốt nhất trên mụn trứng cá mức độ nhẹ (mụn đầu đen và mụn đầu trắng). Nó cũng giúp ngăn ngừa bùng phát mụn sau này.

Chúng ta cùng tìm hiểu salicylic acid giúp làm sạch mụn như thế nào, các dạng và liều lượng sử dụng và các tác dụng phụ tiềm ẩn cần lưu ý.

Salicylic acid hoạt động trên mụn trứng cá như thế nào?

Khi các nang lông (lỗ chân lông) bị bít tắc bởi các tế bào chết và dầu, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ thường sẽ xuất hiện.

Salicylic acid sau khi thoa vào da sẽ có tác dụng làm tan các tế bào chết đang làm nghẽn lỗ chân lông. Mất vài tuần sử dụng để thấy hiệu quả hoàn toàn của thuốc. Đến gặp bác sĩ da liễu nếu không thấy kết quả sau 6 tuần.

Các dạng và liều dùng của salicylic acid trong điều trị mụn?

Bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc và liều lượng thuốc khác nhau cho từng loại da và tình trạng da. Họ cũng khuyên rằng trong 2 hoặc 3 ngày đầu, bạn chỉ thoa một lượng thuốc hạn chế lên một vùng nhỏ của sang thương để kiểm tra phản ứng của da trước khi thoa lên toàn bộ vùng da đó.

Theo Mayo Clinic, người lớn nên sử dụng các sản phẩm bôi da để làm sạch mụn, ví dụ như:

Dạng thuốc

Phần trăm salicylic

Tần suất sử dụng

Gel

0,5 - 5%

Một lần/ ngày

Lotion

1 - 2%

1 đến 3 lần/ngày

Thuốc mỡ

3 - 6%

khi cần thiết

Miếng dán

0,5 - 5%

1 đến 3 lần/ngày

Xà phòng

0,5 - 5%

Khi cần thiết

Dạng nước

0,5 - 2%

1 đến 3 lần/ngày

Các sản phẩm với nồng độ salicylic acid cao hơn có thể được dùng để tẩy da chết. Salicylic acid cũng được dùng với nồng độ cao hơn như một hoạt chất lột da để điều trị:

  • Mụn trứng cá;
  • Sẹo mụn;
  • Tàn nhang, đốm lão hoá da;
  • Nám.

Có tác dụng phụ khi dùng salicylic acid không?

Mặc dù salicylic acid được coi là an toàn, nhưng thuốc có thể gây kích ứng da khi mới bắt đầu dùng. Chất này cũng có thể loại bỏ quá nhiều dầu, dẫn đến khô da và có thể gây kích ứng. Một số tác dụng phụ khác bao gồm:

  • Châm chích;
  • Ngứa da;
  • Lột da;
  • Nổi mề đay.

Có tác dụng phụ khi dùng salicylic acid không

Những lưu ý trước khi sử dụng salicylic acid

Mặc dù salicylic acid có sẵn trong các sản phẩm không kê đơn và dễ dàng để mua, nhưng bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng. Các vấn đề cần thảo luận gồm:

  • Dị ứng. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn từng gặp phản ứng dị ứng với salicylic acid hoặc các loại thuốc bôi khác.
  • Sử dụng ở trẻ em. Trẻ em có thể có nhiều nguy cơ bị kích ứng hơn vì da của trẻ dễ hấp thu salicylic acid hơn người lớn. Salicylic acid không nên sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Tương tác thuốc. Một số loại thuốc nhất định tương tác không tốt với salicylic acid. Hãy cho bác sĩ của bạn biết hiện tại bạn đang dùng thuốc gì.

Ngoài ra, nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào sau đây, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến quyết định kê đơn salicylic acid của bác sĩ:

  • Bệnh gan;
  • Bệnh thận;
  • Bệnh mạch máu;
  • Đái tháo đường;
  • Thủy đậu;
  • Cúm.

Nhiễm độc salicylic acid

Nhiễm độc salicylic acid rất hiếm, nhưng có thể xảy ra khi sử dụng salicylic tại chỗ. Để giảm thiểu nguy cơ, tuân thủ các khuyến nghị sau:

  • Không thoa các sản phẩm salicylic acid lên vùng da rộng trên cơ thể;
  • Không dùng thuốc trong thời gian dài;
  • Không băng kín sau khi bôi thuốc.

Ngay lập tức ngưng sử dụng salicylic acid và đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào sau đây:

  • Hôn mê;
  • Đau đầu;
  • Chóng mặt;
  • Ù tai hoặc nghe âm vò vè trong tai;
  • Mất thính lực;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Tăng thở sâu.

Sử dụng salicylic acid trong thai kỳ hoặc cho con bú

Đại học Sản phụ Hoa Kỳ báo cáo rằng salicylic acid dạng bôi an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.

Tuy nhiên, bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú và cân nhắc sử dụng salicylic acid để được tư vấn cụ thể hơn, đặc biệt về các loại thuốc khác bạn đang dùng hoặc tình trạng bệnh lý bạn đang mắc phải.

Một báo cáo năm 2018 về việc sử dụng salicylic acid trong thời gian cho con bú cho rằng mặc dù thuốc khó có thể hấp thu vào sữa mẹ, nhưng bạn không nên thoa thuốc lên vùng cơ thể mà tiếp xúc với da hoặc miệng của trẻ.

Tóm lược

Mặc dù không có cách chữa trị dứt điểm mụn trứng cá, nhưng salicylic acid đã được chứng minh là có hiệu quả giúp làm sạch mụn ở nhiều người.

Trao đổi với bác sĩ da liễu để xem liệu salicylic acid có phù hợp với làn da và tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn hay không.

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

 Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709

  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

return to top