✅ Vảy nến do thuốc

Nội dung

Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là một bệnh da mạn tính thường gặp, đặc trưng bởi các mảng hồng ban tróc vảy giới hạn rõ, phân bố đối xứng. Dạng phổ biến nhất của vảy nến là vảy nến mảng mạn tính, thường khởi phát khi mới trưởng thành.

Bệnh vảy nến do thuốc là gì?

Ở một số người, bệnh vảy nến do thuốc gây ra hoặc thuốc làm tình trạng bệnh nặng thêm.

  • Trong bệnh vảy nến do thuốc, việc ngừng sử dụng loại thuốc gây bệnh sẽ giúp điều trị triệt để vảy nến. Điều này xảy ra ở những bệnh nhân không có tiền sử bệnh vảy nến.
  • Trong trường hợp vảy nến nặng hơn do thuốc, bệnh vẫn tiếp tục phát triển ngay cả khi đã ngừng thuốc gây bệnh. Nó thường xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị bệnh vảy nến.

Các dạng vảy nến này khác với dị ứng thuốc dạng vảy nến, là một nhóm các dạng phát ban sẩn vảy do thuốc, đặc trưng về mặt mô học bởi sự tăng sinh lớp hạt thượng bì và tăng sản thượng bì.

Ai bị bệnh vảy nến do thuốc?

Tương tự bệnh vảy nến không do thuốc, vảy nến do thuốc thường gặp hơn ở những bệnh nhân có tiền sử:

  • Béo phì;
  • Hút thuốc;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Tăng huyết áp;
  • Rối loạn lipid máu (hội chứng chuyển hóa).

Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh vảy nến bao gồm:

  • Chủng tộc - bệnh vảy nến xảy ra ở tất cả các chủng tộc, nhưng nó phổ biến ở người da trắng hơn là người gốc Phi;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến;
  • Tuổi - độ tuổi khởi phát bệnh vảy nến phổ biến nhất là 16–22 tuổi và 57–60 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến do thuốc?

Các loại thuốc thường gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh vảy nến là:

  • Thuốc chẹn β (ở 20% bệnh nhân bị bệnh vảy nến, ví dụ: propranolol, metoprolol, bisoprolol);
  • Lithium (ở 50% bệnh nhân bị bệnh vảy nến) và các nhóm thuốc an thần khác (ít gặp hơn);
  • Thuốc kháng sốt rét (ví dụ: hydroxychloroquine, chloroquine, quinacrine);
  • Thuốc kháng sinh (ví dụ: amoxicillin - nhưng nguyên nhân gây bệnh cũng có thể là tình trạng nhiễm trùng mà thuốc kháng sinh được kê đơn);
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) bao gồm indomethacin và aspirin;
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE);
  • Thuốc ức chế TNF-α.

Các tác nhân phổ biến khác gây ra đợt cấp vảy nến bao gồm chấn thương, bỏng nắng, nhiễm liên cầu, nhiễm HIV và căng thẳng thần kinh.

Đặc điểm của bệnh vảy nến do thuốc là gì?

Bệnh vảy nến do thuốc gây ra hoặc thuốc làm tình trạng bệnh nặng thêm có những dạng sau:

  • Vảy nến mảng cục bộ, thường tổn thương da đầu, đầu gối, khuỷu tay, mông và/hoặc bộ phận sinh dục;
  • Vảy nến mảng toàn thân, với các mảng sang thương rải rác toàn cơ thể;
  • Đỏ da toàn thân khi toàn bộ bề mặt da đỏ và bong vảy.

Phát ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP) là một dạng dị ứng thuốc nặng, biểu hiện gần giống với vảy nến mủ toàn thân.

Mụn mủ ở lòng bàn tay bàn chân cũng có thể do thuốc, thường là do các chất ức chế yếu tố hoại tử khối u. Mặc dù có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mụn mủ lòng bàn tay bàn chân không còn được xem là một dạng bệnh vảy nến nữa. Bệnh thường bị ở những người hút thuốc.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh vảy nến do thuốc?

Chẩn đoán bệnh vẩy nến do thuốc có thể khó khăn khi bệnh nhân đang sử dụng nhiều loại thuốc. Các triệu chứng vảy nến có thể khởi phát sau khi bắt đầu dùng thuốc vài tháng đến vài năm. Hỏi bệnh sử cẩn thận rất cần thiết đối với bất kỳ bệnh nhân nào mới khởi phát vảy nến, bao gồm các loại thuốc đang dùng của họ. Những nguyên nhân khác có thể gây bệnh vảy nến, ngoài thuốc, cũng nên được tầm soát.

Điều trị bệnh vẩy nến do thuốc như thế nào?

Tiêu chuẩn chính trong điều trị vảy nến do thuốc là ngừng thuốc gây bệnh. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện; ví dụ, ở một bệnh nhân trầm cảm nặng được kiểm soát tốt bằng lithium trong khi các lựa chọn khác không hiệu quả hoặc bị chống chỉ định.

Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến bao gồm:

  • Làm mềm da;
  • Corticoid tại chỗ;
  • Các dẫn xuất vitamin D như calcipotriol;
  • Quang trị liệu;
  • Acitretin;
  • Thuốc điều hoà miễn dịch như methotrexate, ciclosporin, mycophenolate;
  • Thuốc sinh học.

Tiên lượng bệnh vảy nến do thuốc như thế nào?

Một số trường hợp bệnh vảy nến do thuốc có thể khỏi trong vòng vài tuần sau khi ngừng thuốc gây bệnh. Những trường hợp khác, có thể mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh hoặc không khỏi bệnh hoàn toàn.

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

 

return to top