✴️ Bệnh phế cầu khuẩn là gì?

Nội dung

Bệnh phế cầu khuẩn là một bệnh lý phổ biến và thường là nhiễm trùng nhẹ, nhưng đôi khi nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chúng bao gồm nhiễm trùng tai giữa, nhiễm trùng máu, viêm phổi hoặc viêm màng não do vi khuẩn.

Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (S. pneumoniae), còn được gọi là phế cầu khuẩn, gây ra bệnh phế cầu khuẩn.

Bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn là một tình trạng đe dọa tính mạng gây tử vong trong 10% các trường hợp. Người già và những người mắc bệnh lý tiềm ẩn có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn những người khác.

Tiêm phòng thường xuyên có thể ngăn ngừa nhiều bệnh do phế cầu khuẩn và các biến chứng tiềm ẩn có thể phát sinh.

Phân loại

Có hai loại bệnh phế cầu khuẩn chính: không xâm lấn và xâm lấn và không xâm lấn thì ít nghiêm trọng hơn.

Bệnh phế cầu khuẩn không xâm lấn

Những bệnh này xảy ra ở bên ngoài các cơ quan chính hoặc máu. S. pneumoniae có thể lây lan từ mũi và cổ họng đến đường hô hấp trên và dưới. Các vi khuẩn có thể gây ra:

  • Viêm tai giữa: Bệnh này gây ra tình trạng viêm ở tai giữa. Các triệu chứng thường bao gồm chảy dịch ở tai giữa, phù nề màng nhĩ và đau tai. Nếu màng nhĩ bị thủng, mủ có thể chảy vào ống tai.
  • Viêm phế quản: Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm ở đường hô hấp, dẫn đến ho và tăng tiết đàm. Nó thường kéo dài đến 3 tuần và thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Viêm xoang: Đây là một tình trạng phổ biến gây viêm các xoang ở sọ người. Các triệu chứng của nó bao gồm đau, phù nề và cảm giác nhạy đau quanh má, mắt và trán.

Bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn

Bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn (IPD) nghiêm trọng hơn loại không xâm lấn và xảy ra bên trong cơ quan chính hoặc trong máu của người. Những ví dụ bao gồm:

  • Vi khuẩn vào máu: Đây là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn đi vào máu và có thể gây tử vong. Nó thường tiến triển nhanh đến nhiễm trùng máu. Các triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh và giảm sự tỉnh táo.
  • Nhiễm trùng máu: Đây là một phản ứng có khả năng đe dọa tính mạng của cơ thể về sự nhiễm trùng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh, da lạnh, lú lẫn, nhịp tim nhanh, khó thở và đau dữ dội.
  • Viêm màng não: Đây là tình trạng viêm xảy ra ở các màng não, gồm ba màng bao phủ não và tủy sống. Các triệu chứng bao gồm cứng cổ, nhức đầu, lú lẫn, nhạy cảm với ánh sáng và sốt. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể đa dạng, và một số có thể không xuất hiện.
  • Viêm phổi: Đây là một bệnh phổi nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm đau ngực, khó thở, ho, sốt và ớn lạnh.

Các nhiễm trùng khác có thể xảy ra là:

  • Viêm tủy xương, ảnh hưởng đến xương
  • Viêm khớp nhiễm trùng, nhiễm trùng ở khớp

Tất cả IPD đều cần điều trị y tế khẩn cấp.

     bệnh phế cầu khuẩn

Chẩn đoán

Khi chẩn đoán bệnh phế cầu khuẩn, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiến hành thăm khám lâm sàng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng, bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

Chụp X-quang ngực: Hình ảnh được tạo ra bởi tia X có thể cho thấy bóng mờ gợi ý viêm phổi, hoặc dịch trong khoang màng phổi hoặc cũng có thể là dấu hiệu của ổ mủ gọi là tràn mủ màng phổi.

Xét nghiệm: Xét nghiệm dịch não tủy (CSF) bằng cách chọc dò tủy sống có thể phát hiện viêm màng não. Bác sĩ có thể sẽ làm kiểm tra đàm, cộng với dịch lấy từ phổi, khớp, xương, quanh tim hoặc dịch từ ổ áp xe. Nếu nhiễm trùng có thể diễn tiến nghiêm trọng, các bác sĩ có khả năng bắt đầu điều trị và kê một đợt kháng sinh trước khi họ có được kết quả từ các xét nghiệm này.

Các yếu tố nguy cơ

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh phế cầu khuẩn, nhưng một số người có nguy cơ nhiễm trùng hoặc biến chứng cao hơn những người khác. Những người có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Tất cả những người dưới 2 tuổi hoặc trên 65 tuổi
  • Tất cả những người có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn
  • Người có suy giảm miễn dịch
  • Những người mắc các bệnh mãn tính, như tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận, các rối loạn do sử dụng rượu, suy giảm chức năng lách
  • Những người sống trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn
  • Tất cả những người hút thuốc lá
  • Những người có máy trợ thính là loại cấy ốc tai điện tử

Nó lây lan như thế nào?

Vi khuẩn S. pneumoniae thường gặp ở họng và mũi của trẻ em. Vi khuẩn có thể lây lan qua các giọt bắn trong không khí, ví dụ, khi một người bị nhiễm trùng ho hoặc hắt hơi. Các vi khuẩn này không lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.

Hầu hết những người tiếp xúc với vi khuẩn mà không có triệu chứng vì hệ thống miễn dịch của họ đã ngăn chặn sự di chuyển của vi khuẩn đến một bộ phận khác của cơ thể.

Tuy nhiên, nếu một người có hệ thống miễn dịch yếu, vi khuẩn có thể di chuyển từ cổ họng đến phổi, máu, các xoang, tai giữa hoặc não. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Một hệ thống miễn dịch yếu có thể gặp ở những người:

  • Có bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như HIV hoặc AIDS
  • Đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, ví dụ, sau cuộc cấy ghép hoặc do bệnh lý tự miễn
  • Đang trong giai đoạn điều trị y tế, như hóa trị
  • Mắc phải một nhiễm trùng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như cúm

Phòng ngừa: Tiêm phòng

Có ít nhất 90 chủng S. pneumoniae và không có loại vắc-xin nào có thể chống lại tất cả chúng. Tuy nhiên, vắc-xin có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bởi những chủng vi khuẩn phổ biến nhất. Hai loại vắc-xin được biết đến là:

  • Vắc-xin liên hợp phế cầu khuẩn (PCV13)
  • Vắc-xin polysacarit phế cầu khuẩn (PPSV23)

Các bác sĩ khuyên nên tiêm vắc-xin định kỳ để bảo vệ trẻ em và người lớn tuổi khỏi các bệnh phế cầu khuẩn.

Ai cần tiêm chủng?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo các loại vắc-xin sau:

  • PCV13 cho tất cả trẻ em dưới 2 tuổi.
  • PCV13 và PPSV23 cho tất cả người lớn từ 65 tuổi trở lên.
  • PCV13 và PPSV23 cho những người từ 2 đến 64 tuổi với một số bệnh cảnh nhất định.
  • PPSV23 cho những người từ 19 đến 64 tuổi có hút thuốc lá hoặc bị hen suyễn.

Sau khi tiêm, mọi người có thể thấy vài vết đỏ và phù nề tại chỗ tiêm và sốt nhẹ. Những triệu chứng này thường biến mất nhanh chóng và thường không nghiêm trọng. Bác sĩ có thể cho lời khuyên nhiều hơn đối với những người nên được tiêm phòng và tần suất ra sao.

     tiêm ngừa vắc xin phế cầu khuẩn

Ai không nên tiêm vắc-xin?

Những ai đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với PPSV23, PCV13 hoặc PCV7, đây là phiên bản cũ của vắc-xin liên hợp, dù một liều cũng không nên có thêm một liều khác. Tuy nhiên, phản ứng dị ứng nghiêm trọng là rất hiếm.

Những người đang có bệnh lý nhiễm trùng khác mức độ trung bình hoặc nặng nên chủng ngừa khi tình trạng bệnh của họ được cải thiện. Các vắc-xin không thể gây bệnh phế cầu khuẩn vì chúng bao gồm các thành phần từ vỏ vi khuẩn.

Điều trị

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào cách vi khuẩn tác động đến từng cá thể.

Nhiễm khuẩn phế cầu không xâm lấn

Thông thường, một người sẽ hồi phục sau khi bị nhiễm phế cầu khuẩn nhẹ mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên dùng kháng sinh để ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

Nhiễm khuẩn phế cầu xâm lấn

Bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh cho IPD. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh phổ rộng ngay lập tức, trước khi tìm ra chính xác vi khuẩn nào gây bệnh, vì chờ kết quả có thể gây nguy hiểm. Nếu các xét nghiệm chỉ ra vi khuẩn nào gây bệnh, bác sĩ có thể thay đổi kháng sinh để nhắm vào mục tiêu vi khuẩn cụ thể đó.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng mà người bệnh có thể phải dùng kháng sinh bằng đường uống và cả tiêm tĩnh mạch (IV). Đề kháng kháng sinh có nghĩa là một số loại kháng sinh không còn tác dụng đối với một số người và một số bệnh, và vì vậy bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh phối hợp.

Một số người mắc bệnh nặng hơn sẽ cần phải nhập viện. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể cần bổ sung thêm oxy và các hình thức điều trị khác, tùy thuộc vào loại nhiễm trùng mà họ có.

Những điều cần nhớ

Có nhiều loại bệnh phế cầu khuẩn khác nhau. Tác động của những bệnh này phụ thuộc vào loại vi khuẩn và sức khỏe của người mà nó tác động đến. Một số bệnh có thể nhẹ và qua khỏi mà không cần điều trị, hoặc cũng csó thể trở nên trầm trọng và đe dọa đến tính mạng.

Phương pháp điều trị là dùng kháng sinh, nhưng tiêm vắc-xin là điều cần thiết để ngăn ngừa các loại bệnh phế cầu khuẩn ở trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu.

 

Tìm hiểu thêm về Viêm phế quản, viêm phổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top