✴️ Bệnh phù chân voi

Phù chân voi là một bệnh nhiệt đới, nguyên nhân là do giun ký sinh trùng thông qua vết muỗi đốt. Da sẽ trở nên dày và cứng giống như da voi. Mặc dù trong y học nó còn được biết đến là bệnh giun chỉ bạch huyết, nhưng tên gọi bệnh phù chân voi vẫn phổ biến vì các triệu chứng của nó như sưng và tăng kích thước cánh tay và chân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có 120 triệu người trên khắp thế giới bị bệnh phù chân voi.

Triệu chứng

Hầu hết những người nhiễm bệnh sẽ không biểu hiện triệu chứng, mặc dù đã có tổn thương hệ bạch huyết và thận.

Những người có biểu hiện triệu chứng thường biểu hiện nhiều nhất là bị sưng chân, cánh tay, ngực hoặc bộ phận sinh dục.

Những người bị bệnh phù chân voi sẽ bị suy giảm miễn dịch vì hệ thống bạch huyết đã bị tổn thương. Họ thường dễ bị nhiễm trùng da, khiến cho da bị khô, dày và lở loét lặp đi lặp lại. Những triệu chứng khác khi bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại này bao gồm sốt và ớn lạnh.

Nguyên nhân

3 loại giun đũa ký sinh gây ra bệnh phù chân voi bao gồm: Wuchereria bancrofti, Brugia malayi, Brugia timori. Trong đó, Wuchereria bancrofti gây ra 90% các ca bệnh phù chân voi. Brugia malayi gây ra hầu hết các nguyên nhân khác.

Cơ chế lây bệnh

Muỗi là nguyên nhân lây lan các ký sinh trùng gây bệnh phù chân voi. Đầu tiên, muỗi bị nhiễm ấu trùng giun đũa khi chúng hút máu người bị bệnh. Sau đó, muỗi đốt người khác, truyền ấu trùng vào máu của họ. Cuối cùng, ấu trùng giun di chuyển đến hệ bạch huyết qua đường máu và trưởng thành trong hệ thống bạch huyết.

Yếu tố nguy cơ

Bệnh phù chân voi có thể xảy ra ở bất kỳ ai có phơi nhiễm với ký sinh trùng gây bệnh. Nguy cơ phơi nhiễm xảy ra cao nhất đối với những người:

  • Sinh sống tại khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trong thời gian dài

  • Thường xuyên bị muỗi đốt

  • Sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh

Những khu vực là nơi sinh sống của loài giun đũa này bao gồm:

  • Châu Phi

  • Ấn Độ

  • Nam Mỹ

  • Đông Nam Á

Chẩn đoán

Để chấn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện:

  • Hỏi bệnh sử

  • Hỏi về các triệu chứng

  • Khám thực thể

Xét nghiệm máu sẽ được thực hiện nhằm xác định nhiễm ký sinh trùng. Loài giun đũa hầu hết hoạt động mạnh nhất về đêm, do đó việc lấy mẫu máu phải được thực hiện trong khoảng thời gian này.

Các xét nghiệm khác có thể được sử dụng nhằm nhận diện loại ký sinh trùng, nhưng kết quả thường âm tính vì các triệu chứng có thể phát triển nhiều năm từ lần đầu tiên nhiễm trùng.

X-quang và siêu âm cũng có thể được thực hiện nhằm giúp chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác.

Điều trị

Những người bị nhiễm trùng thể hoạt động có thể dùng thuốc để tiêu diệt giun trong máu. Những loại thuốc này ngăn chặn sự lây lan của bệnh cho những người khác, nhưng chúng không hoàn toàn tiêu diệt tất cả các ký sinh trùng.

Thuốc chống ký sinh trùng có thể được kê đơn bao gồm:

  • diethylcarbamazine (DEC)

  • ivermectin (Mectizan)

  • albendazole (Albenza)

  • doxycycline

Các triệu chứng khác có thể được kiểm soát bằng:

  • Thuốc kháng histamine

  • Thuốc giảm đau

  • Thuốc kháng sinh

Không phải tất cả mọi người bị bệnh phù chân voi đều cần dùng thuốc. Điều này là do họ có thể không còn mang giun trong cơ thể mặc dù có các triệu chứng bệnh. Người bệnh có thể kiểm soát tình trạng sưng tấy và nhiễm trùng da trong những trường hợp này bằng cách:

  • Rửa nhẹ nhàng vùng da bị sưng và bị tổn thương mỗi ngày bằng xà phòng và nước

  • Giữ ẩm cho da

  • Nâng cao tay chân bị sưng để cải thiện sự lưu thông trong hệ bạch huyết và mạch máu

  • Khử trùng vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp

  • Tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ hệ thống bạch huyết theo hướng dẫn của bác sĩ

  • Quấn tay chân để không bị sưng tấy thêm theo chỉ dẫn của bác sĩ

Phẫu thuật có thể được đề nghị trong một số trường hợp hiếm để loại bỏ mô bạch huyết bị tổn thương hoặc giảm áp ở một số khu vực nhất định, chẳng hạn như bìu.

Một số người bệnh phù chân voi có thể muốn tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần và tâm lý bằng cách:

  • Tư vấn cá nhân

  • Các nhóm hỗ trợ

  • Những nguồn thông tin trên mạng

Biến chứng

Nếu không được điều trị, các ký sinh trùng cực nhỏ này có thể sống nhiều năm trong hệ bạch huyết, chúng phá hủy và làm tổn thương.

Hệ thống bạch huyết có trách nhiệm vận chuyển dịch và protein dư thừa và chống lại nhiễm trùng. Dịch tích tụ khi nó không còn thực hiện đúng chức năng. Sự tích lũy dịch có thể dẫn đến sưng các mô và suy giảm chức năng miễn dịch.

Bệnh phù chân voi có mối liên quan với hàng loạt các biến chứng thể chất và tinh thần như:

  • Khuyết tật: Bệnh phù chân voi là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật vĩnh viễn trên toàn thế giới. Nó có thể gây hạn chế cử động, điều này dẫn đến khả năng làm việc hoặc thực hiện các hoạt động trong gia đình trở nên khó khăn hơn.

  • Nhiễm trùng thứ phát: nhiễm nấm và vi khuẩn xảy ra phổ biến ở những người phù chân voi vì nó làm phá hủy hệ thống bạch huyết.

  • Rối loạn tinh thần: phù chân voi khiến người bệnh cảm thấy lo lắng về ngoại hình của bản thân, điều này có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm.

Phòng ngừa

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh phù chân voi là tránh để bị muỗi đốt. Những người đi du lịch hoặc sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao nên:

  • Ngủ mùng

  • Mặc đồ che kín chân tay

  • Sử dụng thuốc đuổi muỗi

Tổng kết

Bệnh phù chân voi là bệnh nhiệt đới lây lan qua vết muỗi đốt. Những người sống trong khu vực nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới là nhóm nguy cơ cao dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, khách du lịch khi đến các khu vực này có nguy cơ rất thấp nhiễm bệnh hoặc các bệnh lý liên quan.

Những người có triệu chứng như sưng tấy và dày da nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Triệu chứng bệnh phù chân voi có thể được kiểm soát bằng thuốc, thay đổi lối sống và hỗ trợ tinh thần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top