✴️ Dị ứng thực phẩm – những điều cần biết

Ở những người bị dị ứng với thực phẩm, hệ thống miễn dịch phản ứng với một số protein có trong đồ ăn và xem chúng là mầm bệnh có hại, chẳng hạn như vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc vi rút.

Hầu hết các trường hợp dị ứng với thức ăn xuất hiện ở trẻ nhỏ và phát triển nhanh ở độ tuổi này, tuy nhiên không phải trong tất cả mọi trường hợp, Dị ứng thực phẩm cũng có thể bắt đầu ở tuổi trưởng thành nhưng hiếm gặp hơn.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị dị ứng thực phẩm.

 

Triệu chứng của dị ứng thực phẩm

Các triệu chứng có thể xếp từ nhẹ đến nặng và ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau.

Không phải ai cũng sẽ có tất cả những triệu chứng và mỗi phản ứng có thể khác nhau một chút. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Ngứa châm chích trong miệng;

  • Cảm giác bỏng rát ở môi và miệng;

  • Sưng mặt;

  • Phát ban ở da;

  • Thở khò khè;

  • Buồn nôn hoặc nôn ói;

  • Tiêu chảy;

  • Sổ mũi;

  • Chảy nước mắt.

Các triệu chứng của sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng toàn thân nghiêm trọng. Nó thường xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với kháng nguyên dị ứng nhưng đôi khi có thể mất vài giờ mới xuất hiện triệu chứng.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện nhanh và xấu đi nhanh chóng:

  • Huyết áp tụt nhanh;

  • Sợ hãi hoặc cảm giác e sợ;

  • Cổ họng ngứa và nhột;

  • Buồn nôn;

  • Các vấn đề về hô hấp, như thở khò khè hoặc khó thở;

  • Ngứa hoặc phát ban ở da có thể lan nhanh và lan ra khắp cơ thể;

  • Hắt hơi;

  • Chảy nước mắt và nước mũi;

  • Nhịp tim nhanh;

  • Sưng họng, môi, mặt và miệng nhanh chóng;

  • Nôn ói;

  • Mất ý thức.

 

Các tác nhân gây dị ứng thực phẩm thường gặp

Các loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất chiếm khoảng 90% các trường hợp dị ứng thực phẩm. Mọi người thường gọi chúng là tám kháng nguyên dị ứng lớn, gồm:

  • Trứng;

  • Cá;

  • Sữa;

  • Các loại hạt từ cây, như hạt phỉ, hạt óc chó, hạt điều và hạt dẻ cười;

  • Đậu phộng hoặc lạc;

  • Động vật giáp xác như tôm, tôm hùm, cua;

  • Đậu nành;

  • Lúa mì.

Trường Cao đẳng về Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch Hoa Kỳ cho rằng các chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất với trẻ em là sữa, trứng và đậu phộng.

Theo báo cáo của trường, trẻ em thường bị dị ứng với sữa, trứng, đậu nành, lúa mì và có tới 25% trẻ em có thể bị dị ứng với đậu phộng.

Các quốc gia châu Âu có thêm các chất gây dị ứng hàng đầu bao gồm mè (vừng), cần tây, lupin (một loại cây họ đậu) và mù tạt. Mè là một chất gây dị ứng thực phẩm ngày càng phổ biến ở Hoa Kỳ.

 

Chẩn đoán dị ứng thực phẩm

Để chẩn đoán dị ứng, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các phản ứng của bạn với thực phẩm, như:

  • Các triệu chứng xảy ra là gì?

  • Mất bao lâu thì phản ứng bắt đầu?

  • Loại thực phẩm nào gây ra phản ứng?

  • Thực phẩm có được nấu chín không?

  • Nơi bạn ăn thực phẩm đó?

Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các tác nhân dị ứng khác hiện có, như dị ứng theo mùa hoặc hen suyễn và tiền sử dị ứng của gia đình bạn.

Các xét nghiệm sau đây có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng dị ứng thực phẩm:

  • Thử nghiệm vết chích trên da: Bác sĩ sẽ đặt thức ăn pha loãng lên cánh tay của bạn và đâm nhẹ vào da. Bất kỳ phản ứng nào, như ngứa, sưng hoặc đỏ, cho thấy bạn có thể bị dị ứng. Bạn có thể cần lặp lại thử nghiệm này nhiều lần.

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này tìm kiếm sự hiện diện của các kháng thể đặc trưng cho một số loại protein thực phẩm và có thể chỉ ra tình trạng dị ứng.

  • Nhật ký thực phẩm: bạn viết ra mọi thứ bạn ăn và mô tả các triệu chứng nếu có.

  • Thử nghiệm ăn thực phẩm mù do bác sĩ giám sát: Đây là phương pháp khoa học nhất để chẩn đoán chính xác tình trạng dị ứng thực phẩm. Bác sĩ cho bạn uống chất gây dị ứng thực phẩm bị nghi ngờ với số lượng tăng lên, đồng thời theo dõi các triệu chứng dưới sự giám sát chặt chẽ. Phương pháp này loại bỏ sự xuất hiện các phản ứng tâm lý.

Chẩn đoán dị ứng thực phẩm

 

Dị ứng và không dung nạp

Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng nhiều người nghĩ họ bị dị ứng thực phẩm thật ra là không dung nạp thực phẩm, 2 tình trạng này không giống nhau.

Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ phản ứng quá mức với thực phẩm bằng cách tạo ra các kháng thể được gọi là immunoglobulin E (IgE). Sự liên kết của các kháng thể này với kháng nguyên dị ứng thực phẩm gây ra các triệu chứng của phản ứng dị ứng.

Các kháng thể IgE không có vai trò trong tình trạng không dung nạp thực phẩm mặc dù các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch có thể có liên quan.

Các triệu chứng của không dung nạp thực phẩm có thể tương tự như các triệu chứng của dị ứng thực phẩm nhưng thường mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện.

Không giống như dị ứng chỉ phản ứng với protein, không dung nạp thực phẩm có thể xảy ra do protein, chất hóa học hoặc carbohydrate trong thực phẩm. Đôi khi không dung nạp cũng có thể do thiếu enzyme hoặc tính thấm của thành ruột bị thay đổi.

Ở những người bị dị ứng thực phẩm, ngay cả một lượng nhỏ một thực phẩm nào đó cũng có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch, từ đó gây ra phản ứng dị ứng. Với chứng không dung nạp thực phẩm, bạn có thể ăn một lượng nhỏ thực phẩm mà không ảnh hưởng gì.

Bệnh Celiac là một ngoại lệ, vì ngay cả một lượng nhỏ gluten cũng có thể gây ra phản ứng ở những người mắc bệnh này. Bệnh Celiac có liên quan đến hệ thống miễn dịch nhưng các bác sĩ xem đây là một bệnh lý tự miễn chứ không phải dị ứng.

Mọi người thường nhầm lẫn các tình trạng hoặc vấn đề sau đâu với dị ứng thực phẩm:

  • Thiếu các enzyme: Bạn không có hoặc có không đủ một loại enzym cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Ví dụ, những người không dung nạp lactose, biểu hiện như tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng, không có đủ enzym lactase.

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Tình trạng này kéo dài gây tiêu chảy, táo bón và đau dạ dày. Những người mắc hội chứng ruột kích thích thường không dung nạp được carbohydrate lên men.

  • Nhạy cảm với các phụ gia thực phẩm: Các tác nhân có thể bao gồm các chất sulfit, được các nhà sản xuất sử dụng để bảo quản trái cây khô hoặc thực phẩm đóng hộp.

  • Yếu tố tâm lý: Một người có thể cảm thấy buồn nôn khi nghĩ về một loại thực phẩm nào đó.

  • Bệnh Celiac: Sau khi ăn gluten, người bệnh có bệnh lý tiêu hóa tự miễn kéo dài này có thể bị tiêu chảy, đau dạ dày và đầy hơi mặc dù nhiều người không có triệu chứng.

 

Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm

Ở những người bị dị ứng thực phẩm, hệ thống miễn dịch coi một loại protein cụ thể có trong thực phẩm như một chất độc hại có thể gây bệnh, Cơ thể phản ứng bằng cách tạo ra các kháng thể IgE đóng vai trò tấn công protein này.

Khi bạn ăn lại cùng một loại thức ăn, các kháng thể đã sẵn sàng, do đó hệ thống miễn dịch phản ứng ngay lập tức bằng cách giải phóng histamine và các chất hóa học khác vào máu. Những hóa chất này gây ra các triệu chứng của tình trạng dị ứng thực phẩm.

Histamine làm cho các mạch máu giãn nở và da bị viêm hoặc sưng tấy. Nó cũng ảnh hưởng đến thần kinh, khiến da có cảm giác ngứa ngáy. Mũi có thể tiết dịch nhiều hơn, dẫn đến ngứa rát và chảy nước mũi.

 

Ai có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm?

Ai cũng có thể bị dị ứng thực phẩm nhưng có một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị dị ứng hơn:

  • Tiền sử gia đình: Dị ứng thực phẩm có thể di truyền trong gia đình. Nếu các thành viên trong gia đình mắc bệnh hen suyễn hoặc bất kỳ bệnh dị ứng nào, bao gồm dị ứng thực phẩm, bệnh chàm và dị ứng theo mùa, bạn có thể có khả năng bị dị ứng thực phẩm.

  • Các tình trạng dị ứng khác: Một đứa trẻ có cơ địa dị ứng cũng thường mắc các bệnh khác, như dị ứng thực phẩm, hen suyễn và dị ứng theo mùa.

  • Trải nghiệm sớm: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sinh ra bằng phương pháp sinh mổ có thể dễ bị dị ứng thức ăn hơn. Việc cho cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng phổ biến, như đậu phộng, sớm hơn có thể làm giảm nguy cơ bị dị ứng thực phẩm.

  • Vi khuẩn đường ruột: Một số nghiên cứu cho thấy những người bị dị ứng với hạt hoặc dị ứng theo mùa có thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột. Cụ thể, những người này có hàm lượng chủng Bacteroidales cao hơn và hàm lượng chủng Clostridiales thấp hơn. Các nhà khoa học đang cố gắng xác định xem liệu vi khuẩn đường ruột có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa dị ứng hay không.

 

Tại sao một số người có phản ứng dị ứng?

Tình trạng dị ứng thực phẩm dường như đang có xu hướng gia tăng. Ví dụ, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở trẻ em tăng từ 3,4% trong năm 1997-1999 lên 5,1% trong năm 2009-2011.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao con số này lại ngày càng tăng nhưng có một số giả thuyết:

  • Chế độ ăn uống: Những thay đổi trong thói quen ăn uống ở các quốc gia phương Tây – chẳng hạn như tiêu thụ ít chất béo động vật hơn và ăn nhiều chất béo thực vật hơn – có thể là nguyên nhân.

  • Chất chống oxy hóa: Hầu hết mọi người ăn số lượng trái cây tương và rau quả ít hơn so với các thế hệ trước. Những thực phẩm này có nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ chống lại các tổn thương tế bào. Một số nghiên cứu cho thấy lượng chất chống oxy hóa thấp hơn có thể liên quan đến dị ứng.

  • Vitamin D: Tỷ lệ dị ứng thực phẩm cao hơn ở các quốc gia xa đường xích đạo, nơi có ít ánh sáng mặt trời hơn, một nguồn quan trọng của vitamin D. Lượng vitamin D thấp có thể dẫn đến nguy cơ dị ứng thực phẩm cao hơn.

  • Thiếu tiếp xúc sớm: Còn được gọi là giả thuyết vệ sinh, lý thuyết này cho rằng nhiều trẻ em hiện đang lớn lên trong môi trường vô trùng với việc tiếp xúc với vi khuẩn thấp hơn nhiều. Các nước phát triển, nơi người dân có xu hướng sử dụng các sản phẩm kháng khuẩn cao hơn và ít tiếp xúc với vi khuẩn có lợi trong môi trường, có tỷ lệ dị ứng thực phẩm cao hơn đáng kể.

Tuy nhiên, tất cả các giả thuyết trên không có bằng chứng thuyết phục.

 

Điều trị

Cách truyền thống để kiểm soát dị ứng thực phẩm là tránh các thực phẩm gây ra phản ứng dị ứng. Bạn cũng có thể điều trị các triệu chứng của phản ứng dị ứng nếu có.

Liệu pháp miễn dịch đường uống là một phương pháp tương đối mới và mang tính nghiên cứu để kiểm soát dị ứng thực phẩm. Liệu pháp cho người bệnh một lượng ngày càng tăng chất gây dị ứng để tăng ngưỡng gây ra phản ứng.

Liệu pháp miễn dịch đường uống không có sẵn cho tất cả các loại thực phẩm nhưng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một phương pháp điều trị dị ứng đậu phộng, được gọi là Palforzia.

Việc loại bỏ chất gây dị ứng không chỉ liên quan đến việc không ăn thực phẩm nào đó mà còn không hít phải, chạm vào hoặc ăn các thực phẩm có chứa chất gây dị ứng. Dao kéo, đồ sành sứ, bề mặt nấu ăn và thớt cũng cần không có chất gây dị ứng.

Khi thực hiện chế độ ăn loại trừ chất gây dị ứng, bạn có thể cần phải tìm kiếm các nguồn chất dinh dưỡng khác. Ví dụ, sữa là nguồn cung cấp canxi và protein phổ biến, vì vậy những người loại bỏ thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống sẽ cần đảm bảo nhận được các chất dinh dưỡng này từ các thực phẩm khác.

Bạn sẽ cần phải đọc nhãn của thực phẩm và đồ uống cẩn thận. Thậm chí một số loại xà bông, thức ăn cho thú cưng, keo dán và chất kết dính cũng có thể có chứa các chất gây dị ứng thực phẩm.

Khi đi ăn ở ngoài, việc cảnh giác có thể khá khó khăn.

 

Thuốc cho trường hợp cấp cứu

Những loại thuốc sau đây rất có ích trong trường hợp phản ứng dị ứng:

Thuốc kháng histamine

Thuốc kháng histamine có dạng gel, chất lỏng hoặc viên nén. Thuốc thường có hiệu quả đối với những người có các triệu chứng dị ứng thực phẩm nhẹ hoặc trung bình. Histamine là hóa chất gây ra hầu hết các triệu chứng dị ứng và thuốc kháng histamine ngăn chặn ảnh hưởng của chúng.

Epinephrine (adrenaline)

Phương pháp điều trị này dành cho những người bị dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến sốc phản vệ. Epinephrine giúp huyết áp tăng lên bằng cách co thắt các mạch máu. Thuốc cũng làm giãn đường thở.

Những người đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng nên luôn mang theo máy tiêm epinephrine tự động.

 

Tóm tắt

Dị ứng thực phẩm tương đối phổ biến ở Hoa Kỳ và tỷ lệ này đang tăng lên, Dị ứng thực phẩm thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và nhiều trẻ bị dị ứng nhanh hơn trước khi trưởng thành.

Dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em bao gồm trứng, sữa và đậu phộng. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng.

Không có phương pháp chữa dị ứng thực phẩm nào nhưng liệu pháp miễn dịch đường uống mang lại hy vọng và mọi người có thể điều trị các triệu chứng khi chúng xuất hiện. Tránh dùng các sản phẩm có chứa chất gây dị ứng giúp ngăn chặn phản ứng dị ứng xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top