✴️ Điều gì xảy ra khi lượng canxi trong máu thấp?

Nội dung

Hạ canxi máu dẫn đến tình trạng gì?

Hạ canxi máu, thường được gọi là bệnh thiếu canxi xảy ra khi nồng độ canxi trong máu thấp. Sự thiếu hụt canxi lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề răng miệng, đục thủy tinh thể, hoạt động của não và loãng xương - khiến xương trở nên giòn và dễ gãy.

Các triệu chứng của tình trạng thiếu canxi như thế nào?

Các triệu chứng được liệt kê dưới đây có thể trở nên trầm trọng hơn khi bệnh tiến triển.

Các vấn đề về cơ

Đau nhức cơ, chuột rút và co thắt là những dấu hiệu sớm nhất của sự thiếu hụt canxi. Nhiều trường hợp cảm thấy đau ở đùi và cánh tay, đặc biệt là vùng dưới cánh tay, khi di chuyển. Sự thiếu hụt canxi cũng có thể gây tê và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, cẳng chân và quanh miệng.

Những triệu chứng này có thể xuất hiện và biến mất trong một khoảng thời gian sau đó.

Mệt mỏi

Hàm lượng canxi thấp có thể gây mất ngủ hoặc buồn ngủ đi kèm các triệu chứng như:

  • Cực kì mệt mỏi;
  • Hôn mê;
  • Cảm giác uể oải;
  • Thiếu năng lượng.

Mệt mỏi liên quan đến thiếu canxi cũng có thể gây ra hoa mắt, chóng mặt, thiếu tập trung, hay quên.

Các triệu chứng về móng và da

Thiếu canxi mãn tính có thể ảnh hưởng đến da và móng tay.

Da có thể trở nên khô và ngứa, và các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa hạ canxi máu với bệnh chàmbệnh vẩy nến.

Sự thiếu hụt canxi có thể dẫn đến móng tay khô, giòn và dễ gãy. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể góp phần gây ra chứng rụng tóc.

Thiếu xương và loãng xương

Xương dự trữ canxi tốt, nhưng chúng cần hàm lượng cao để duy trì sự chắc khỏe. Khi mức độ tổng thể của canxi thấp, cơ thể cần lấy bớt nguồn canxi dự trữ từ xương.

Thiếu canxi có thể làm giảm mật độ khoáng của xương và có thể dẫn đến loãng xương. Loãng xương làm cho xương mỏng hơn và dễ bị gãy hơn.

Trong khi thiếu xương ít nghiêm trọng hơn loãng xương, nhưng cả hai đều gây giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Mất nhiều năm để xương giảm đi mật độ và sự thiếu hụt canxi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Mức canxi thấp có liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng.

Những người tham gia vào một nghiên cứu năm 2017 cho biết tâm trạng được cải thiện và giảm tỷ lệ giữ nước sau khi uống 500 miligam (mg) canxi mỗi ngày trong 2 tháng.

Vào năm 2019, các tác giả của một bài đánh giá có hệ thống đã kết luận rằng lượng vitamin D và canxi thấp trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt có thể góp phần gây ra các triệu chứng của PMS.

hạ canxi máu

Các vấn đề về răng miệng

Khi cơ thể thiếu canxi sẽ lấy canxi từ các nguồn như răng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng bao gồm chân răng yếu, nướu bị kích thích, răng giòn và sâu răng.

Ngoài ra, thiếu canxi ở trẻ sơ sinh có thể làm chậm quá trình hình thành răng.

Suy nhược

Thiếu canxi có liên quan đến rối loạn tâm trạng bao gồm cả trầm cảm mặc dù hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng.

Nếu nghi ngờ rằng sự thiếu hụt canxi đang góp phần vào các triệu chứng trầm cảm nên yêu cầu kiểm tra mức độ canxi máu. Bổ sung canxi có thể giúp kiểm soát các triệu chứng này.

Khi nào đến gặp bác sĩ

Bất kỳ ai gặp các triệu chứng thiếu canxi nên đi khám bác sĩ đề được kiểm tra nồng độ canxi trong máu.

Phạm vi bình thường đối với người lớn là 8,8–10,4 miligam trên decilit (mg/dL). Đối với trẻ em cần nhiều canxi hơn người lớn và bất kỳ mức nào thấp hơn 8,8 mg/dL đều là thiếu hụt.

Bệnh thiếu canxi phổ biến như thế nào?

Theo một báo cáo năm 2013 được công bố trên Tạp chí của Đại học Dinh dưỡng Hoa Kỳ, những người sau đây có nhiều khả năng bị thiếu canxi:

  • Người cao tuổi;
  • Thanh thiếu niên;
  • Người có chế độ ăn uống nghèo canxi;
  • Những người thừa cân.

Vào năm 2013, các tác giả tại các trường đại học Anh đã báo cáo rằng tình trạng thiếu canxi thường gặp ở những người mắc các bệnh mãn tính.

Theo ước tính toàn cầu được công bố vào năm 2015, 3,5 tỷ người có nguy cơ bị thiếu canxi.

Các tác giả tại các trường đại học Pakistan đã khảo sát 252 phụ nữ tham gia. Trong khi 41% bị thiếu canxi và vitamin D, 78% cho biết có các triệu chứng giống với tình trạng thiếu hụt canxi bao gồm đau lưng, chân và khớp.

Các biến chứng

Thiếu hụt canxi có liên quan đến các tình trạng như:

  • Co giật;
  • Các vấn đề răng;
  • Uể oải;
  • Các tình trạng về da;
  • Đau khớp và cơ mãn tính;
  • Gãy xương;
  • Một số dị tật ở trẻ sơ sinh.

Một nghiên cứu bao gồm 1.038 người được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Hoàng gia Liverpool - Anh cho thấy 55,2% bị hạ canxi máu và 6,2% trong số những người này bị thiếu hụt canxi trầm trọng.

Điều trị và phòng ngừa

Cách an toàn và dễ dàng nhất để kiểm soát và ngăn ngừa sự thiếu hụt canxi là bổ sung thêm canxi vào chế độ ăn uống. Một số thực phẩm giàu canxi bao gồm:

  • Các sản phẩm từ sữa như sữa, pho-mát và sữa chua;
  • Đậu;
  • Quả sung;
  • Bông cải xanh;
  • Đậu hũ;
  • Sữa đậu nành;
  • Rau bina (cải bó xôi);
  • Ngũ cốc;
  • Các loại hạt.

Lượng canxi khuyến nghị hàng ngày trong chế độ ăn uống là 1.000 mg cho những người từ 19–50 tuổi. Đối với trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi có nhu cầu về canxi nhiều hơn.

Không nên bổ sung canxi mà không hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước. Việc quá nhiều canxi làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sỏi thận và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Đối với trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng hoặc khi bổ sung và điều chỉnh chế độ ăn uống không đạt được kết quả bác sĩ có thể chỉ định tiêm canxi.

Tóm tắt

Thiếu canxi là tình trạng được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có thể dễ dàng cải thiện thông qua thay đổi chế độ ăn uống.

Hầu hết những trường hợp bị thiếu hụt canxi được bổ sung đều nhận thấy các triệu chứng được cải thiện trong vòng một vài tuần. Những người bị thiếu hụt canxi nghiêm trọng có thể cần được theo dõi để ngăn ngừa các biến chứng.

Xem tiếp: Hạ canxi máu là gì?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top