✴️ Liệu pháp proton - Lựa chọn để điều trị ung thư

Nội dung

Đây là liệu pháp xạ trị tiên tiến nhất hiện nay giúp phá hủy các tế bào ung thư nhưng gây ra thiệt hại ít hơn so với xạ trị thông thường đối với các mô khỏe mạnh xung quanh đồng thời cũng không đau và không xâm lấn.

Liệu pháp chùm tia proton đã được sử dụng từ năm 1990 tại Hoa Kỳ nhưng chưa được áp dụng rộng rãi do chi phí cao.

Liệu pháp proton là gì?

Liệu pháp proton tương tự như xạ trị nhưng giúp tiếp cận có mục tiêu hơn. Điều này có nghĩa là nguy cơ gây tổn thương các mô xung quanh khối u thấp hơn so với xạ trị thông thường.

Phương pháp điều trị phù hợp với các bệnh ung thư có khối u gần các bộ phận nhạy cảm của cơ thể, như mắt, não và tủy sống. Liệu pháp xạ trị thông thường không thể nhắm vào các khối u này do có thể làm hỏng các dây thần kinh xung quanh. Liệu pháp proton có thể phù hợp để điều trị một loạt các khối u, bao gồm cả ung thư ảnh hưởng đến:

  • Não, tủy sống và hệ thần kinh trung ương;
  • Đầu và cổ;
  • Mũi và mắt;
  • Trực tràng và hậu môn;
  • Tuyến tụy;
  • Gan;
  • Tủy xương;
  • Sarcoma của cột sống và xương chậu;
  • Phổi;
  • Vú;
  • Thực quản.

Xạ trị proton có thể điều trị khối u rắn, nhưng không thể điều trị ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Trung tâm MD Anderson tại Đại học Texas mô tả liệu pháp proton là "cỗ máy diệt ung thư nặng 196 tấn với độ chính xác dưới milimet" có thể nhắm vào khối u của bệnh nhân "trong khi tác động ít nhất vào các mô khỏe mạnh gần đó và giảm thiểu tác dụng phụ. "

Tuy nhiên, liệu pháp proton rất tốn kém và một số nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi rằng liệu nó có mang lại lợi thế tổng thể so với các liệu pháp khác rẻ hơn không.

Liệu pháp proton so với xạ trị tiêu chuẩn

Theo Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), liệu pháp proton có thể giảm hơn 40% lượng bức xạ cho các mô khỏe mạnh xung quanh vị trí đích, đồng thời cung cấp liều cao hơn cho chính khối u.

Trong liệu pháp proton, có thể quyết định chính xác thời điểm và nơi proton giải phóng phần lớn năng lượng của nó. Điều này giúp gây ra tác động tối đa cho các tế bào ung thư và tối thiểu cho các mô lân cận.

Trong xạ trị tiêu chuẩn, các chùm tia X sẽ truyền năng lượng dọc theo đường đi của chúng trước khi bắn trúng mục tiêu. Sau đó, chùm tia X tiếp tục đâm xuyên ra ngoài khối u, giải phóng năng lượng và gây hại cho mô lành. Đây được gọi là "liều thoát". Nói cách khác, điều trị đánh vào các tế bào ung thư nhưng cũng ảnh hưởng đến những tế bào dọc theo đường đi của tia X trước và sau khối u dẫn đến các vấn đề sức khỏe sau khi điều trị.

Với liệu pháp proton, bác sĩ có thể sử dụng liều phóng xạ cao hơn so với xạ trị tiêu chuẩn, đồng thời cũng có thể bảo tồn các mô xung quanh và các cơ quan quan trọng.

Trong bức xạ tiêu chuẩn, bác sĩ có thể phải sử dụng một liều thấp hơn mong muốn để giảm thiểu thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh, điều này có thể hạn chế hiệu quả điều trị.

Liệu pháp proton phù hợp với hình dạng khối u

Các khối u có đủ hình dạng, kích cỡ và vị trí và không giống nhau ở mỗi cá nhân.

Với liệu pháp chùm tia proton, bác sĩ có thể sử dụng các tấm che chắn được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân để điều chỉnh tác động của chùm tia proton theo kích thước, hình dạng của khối u, đồng thời, chùm tia proton có thể đâm vào khối u từ các hướng khác nhau.

Điều này cũng giúp giảm bớt tổn thương cho các tế bào xung quanh, giảm nguy cơ biến chứng mà mọi người thường gặp phải liên quan đến xạ trị.

      liệu pháp proton

Công dụng và ứng dụng

Có hai lý do chính để chọn liệu pháp chùm tia proton.

Liều cao hơn

Liệu pháp proton phù hợp với các khối u cần liều phóng xạ cao hơn.

Trong một số trường hợp, khả năng cung cấp liều cao hơn đã mang lại kết quả tốt hơn cho các cá nhân so với xạ trị thông thường. Liệu pháp này được nghiên cứu là đã thành công trong điều trị:

  • Sarcoma không thể phục hồi;
  • Khối u trong mắt;
  • Khối u dọc theo cột sống;

Tác dụng phụ ít hơn

Liệu pháp proton có tác dụng phụ không mong muốn thấp hơn vì nó hạn chế tổn thương cho các mô khỏe mạnh. Điều này đúng ngay cả khi liều giống như trong trị liệu thông thường đặc biệt là trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt và ung thư ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt, cột sống, đầu và cổ.

Liệu pháp proton rất hữu ích để điều trị ung thư ở trẻ em do có thể nhắm mục tiêu các tế bào ung thư mà không phá hủy các tế bào khác trong cơ thể đang phát triển. Trẻ em được điều trị bức xạ thông thường có nguy cơ tăng trưởng chậm hơn.

Liệu pháp proton với các liệu pháp khác

Có thể kết hợp liệu pháp proton với xạ trị hoặc hóa trị thông thường hay cũng có thể sử dụng như là một theo dõi để phẫu thuật.

Vào năm 2014, một nhóm các bác sĩ đã báo cáo rằng liệu pháp proton mang lại lợi ích bổ sung cho bệnh nhân mắc ung thư hạch Hodgkin giai đoạn đầu sau khi điều trị liên quan đến xạ trị điểm.

Nguy cơ: Ung thư thứ phát

Bệnh nhân có liệu pháp xạ trị truyền thống đôi khi có thể bị ung thư thứ phát, hoặc ung thư có thể tái phát trở lại.

Năm 2013, một nhóm khác đã công bố kết quả của một nghiên cứu được thực hiện để xác định liệu liệu liệu pháp proton và xạ trị thông có thể làm tăng nguy cơ ung thư thứ phát tại các cơ quan bình thường ở những bệnh nhân mắc u nguyên bào thần kinh hay không.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng liều phóng xạ ở các cơ quan khỏe mạnh bình thường thấp hơn ở những bệnh nhân được điều trị bằng proton so với những người được xạ trị truyền thống.

Họ kết luận rằng trong khi xạ trị truyền thống làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư thứ phát ở hầu hết các cơ quan, liệu pháp proton dường như làm giảm nguy cơ này.

Mong đợi điều trị

Thủ thuật bắt đầu với một mô phỏng nhằm vạch ra khu vực điều trị.

Mô phỏng

Các y, bác sĩ sẽ chế tạo và lắp cho người đó một thiết bị giữ yên cơ thể trong khi điều trị đang được tiến hành. Loại thiết bị phụ thuộc vào vị trí của khối u. Những người bị ung thư ảnh hưởng đến đầu sẽ có mặt nạ đặc biệt được trang bị. Nếu khu vực mục tiêu là cơ thể, chân hoặc cánh tay, họ sẽ sử dụng một thiết bị hỗ trợ cố định.

Chụp MRI hoặc CT mô phỏng sẽ vạch ra khu vực để điều trị. Bác sĩ sẽ đánh dấu trên da vị trí mà chúng sẽ nhắm vào chùm tia.

Điều trị proton được thực hiện sau khoảng 10 ngày tính từ lúc mô phỏng. Người bệnh phải cẩn thận không rửa sạch các dấu hiệu trước khi điều trị.

      

Điều trị

Bệnh nhân sẽ nằm trong một thiết bị có thể ghi lại hình ảnh gọi là gantry. Thiết bị này xoay quanh người và hướng các proton vào khối u.

Một synchrotron hoặc cyclotron tạo và tăng tốc các proton. Các proton sau đó được giải phóng khỏi synchrotron và hướng chúng đến các tế bào ung thư.

Điều trị có thể kéo dài trong 15-30 phút, tùy thuộc vào số lượng địa điểm điều trị. Bệnh nhân nên thư giãn thoải mái, giữ yên tư thế trong quá trình thực hiện.

Liệu pháp proton là một thủ tục ngoại trú. Số lần điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư và các yếu tố khác chẳng hạn như liều lượng mỗi lần điều trị.

Tác dụng phụ sẽ nhẹ so với những tác động do bức xạ thông thường. Có thể có đỏ xung quanh khu vực điều trị và rụng tóc (tạm thời) nếu điều trị ở đầu hoặc da đầu.

Tổng kết

Liệu pháp chùm tia proton dường như là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho các loại ung thư khác nhau tuy nhiên thường rất tốn kém.

Đối với một số người, điều trị proton có thể tốt hơn về mặt sức khỏe và chất lượng cuộc sống được cải thiện đồng thời mất ít thời gian hơn do các biến chứng trong tương lai và các tác dụng phụ so với xạ trị thông thường.

Các nhà nghiên cứu báo cáo năm 2018 cũng lưu ý rằng thiếu các thử nghiệm lâm sàng và bằng chứng dài hạn để chứng minh sự an toàn, hiệu quả của kỹ thuật và sự cần thiết phải phát triển công nghệ đầy đủ hơn.

Với sự tiến bộ ngày càng nhanh của khoa học kỹ thuật đặc biệt trong lĩnh vực y tế, liệu pháp proton sẽ sớm được chứng minh một lựa chọn mới có giá trị trong điều trị ung thư.

Nếu quan tâm đến việc thực hiện phương pháp điều trị này nên trao đổi thêm thông tin với bác sĩ để được tư vấn hỗ trợ.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

return to top