1. Tình trạng mặt bị sưng phù là gì?
Mặt bị sưng phù là tình trạng dịch tích tụ trong các mô ở mặt. Đây là triệu chứng của một số bệnh lý khác nhau. Người bệnh không nên chủ quan, cần theo dõi biểu hiện và các triệu chứng đi kèm (như đau, sốt, khó thở, mắt đỏ…) khi bị sưng phù mặt để xác định nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp. Mặc dù hầu hết các nguyên nhân phổ biến dẫn tới mặt bị sưng phù không quá nghiêm trọng nhưng nếu tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ hơn và gây đau dữ dội, hãy tới bệnh viện ngay.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng sưng phù ở mặt
2.1 Sưng phù Dị ứng
Sưng phù mặt có thể xảy ra khi người bệnh hít hoặc nuốt phải một chất gây dị ứng. Phù mặt do dị ứng chủ yếu xuất hiện quanh mắt. Theo Trung tâm Y tế Đại học Illinois, sưng tấy từ các chất dị ứng có thể xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc. Ngoài ra, lưỡi hoặc cổ của người bệnh cũng có thể bị sưng lên. Các chất gây dị ứng thông thường là lông động vật, phấn hoa, lạc, các loại thực vật và côn trùng.
2.2 Áp xe răng cũng khiến cho mặt bị sưng phù
Theo một cuộc nghiên cứu của Đại học Maryland, áp xe răng là ổ mủ gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn ở phần trong của răng. Áp xe răng thường xảy ra như là kết quả của viêm hốc răng không được điều trị, hoặc thủng, vỡ trong răng cho phép vi khuẩn vào bên trong răng. Khu vực xung quanh răng bắt đầu sưng lên khi nhiễm trùng phát triển. Người bị áp xe răng thường bị sưng quanh phần miệng, má và hàm. Các triệu chứng khác của áp xe răng bao gồm nhức đầu, sốt, hôi miệng và sưng ở cổ.
2.3 Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là do nhiễm khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập vào da thông qua các vết nứt, vết cắt, mụn trứng cá hoặc vết thương hở trên da, theo báo cáo của MayoClinic.com. Điều này khiến da bị phù nề, ngứa, đỏ và đau. Sưng mặt có liên quan đến viêm tế bào xảy ra nhanh và tiến triển cũng rất nhanh, thường là trong vòng 24 đến 48 giờ. Các yếu tố nguy cơ gây ra viêm tế bào bao gồm đái tháo đường, bệnh mạch ngoại biên và côn trùng cắn.
2.4 Suy giáp – nguyên nhân nguy hiểm mặt bị sưng phù
Suy giáp là tình trạng thiếu hụt hormon tuyến giáp, không đủ cung cấp cho các tế bào của cơ thể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới sưng phù mặt. Các triệu chứng của bệnh tăng dần theo thời gian và ngoài sưng mặt còn có đau, mệt mỏi, táo bón, tăng cân và cơ yếu.
3. Các nguy cơ khiến hiện tượng sưng phù ở mặt
Tình trạng sưng phù ở mặt có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nên cần đặc biệt lưu ý. Một số nguy cơ tăng sự xuất hiện tình trạng này đó là:
– Sốt, đi kèm cảm giác mặt đau và chuyển đỏ
– Đột ngột đau và sưng
– Sưng mặt trong thời gian dài
– Khó thở
4. Biện pháp khắc phục
Khi gặp phải tình trạng sưng mặt, bạn cần hết sức bình tĩnh và xác định nguyên nhân nằm ở đâu. Nếu tình trạng sưng không quá nghiêm trọng, có thể áp dụng một vài biện pháp đơn giản như:
– Chườm đá lên vùng bị sưng khoảng 15-20 phút sẽ giúp làm giảm cảm giác đau.
– Tránh những thứ nóng bởi nhiệt độ cao khi tiếp xúc với vùng bị sưng khiến cho tình trạng ngày càng thêm tồi tệ hơn.
– Nếu tình trạng trở nên xấu và mức độ đau không giảm bớt thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, thực hiện các xét nghiệm kiểm tra cần thiết, xác định nguyên nhân và nhận tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Mặt bị sưng phù tuy là tình trạng không quá nghiêm trọng nhưng không thể chủ quan, xem nhẹ ngay từ lúc đầu. Hy vọng rằng với thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc xác định nguyên nhân và lựa chọn cách thức điều trị an toàn
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh