✴️ Một số bệnh thường gặp không cần điều trị bằng kháng sinh

I. Bệnh viêm phế quản do virus, không cần dùng kháng sinh để điều trị

1. Nguyên nhân

Virus là căn nguyên thường gặp nhất gây viêm phế quản cấp, các virus thường gặp như:

influenza A và B, parainfluenza, corona virus (type 1-3), rhino virus, virus hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virus), và metapneumo virus ở người.

2. Triệu chứng

Sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, ho khan hoặc có khạc đờm trắng, khó thở, tức ngực.

3. Điều trị

Điều trị viêm phế quản do virus thường là điều trị triệu chứng:

  • Thuốc hạ sốt: chỉ nên dùng khi nhiệt độ trên 38,5°C. Không nên dùng thuốc hạ sốt chia đều trong ngày do sẽ làm mất triệu chứng sốt của người bệnh, gây khó khăn cho việc theo dõi diễn biến bệnh (không phân biệt được hết sốt do bệnh tiến triển tốt hay do dúng thuốc). Các thuốc thường sử dụng là chế phẩm có chứa Paracetamol như: Panadol, Efferalgan, Hapacol…
  • Với những bệnh nhân bị sốt có thể gây mất nước, vì vậy nên bù nước và điện giải cho bệnh nhân bằng Oresol hoặc nước hoa quả (có pha thêm muối).
  • Trong trường hợp khó thở, nghe có tiếng ran rít, ngáy thì dùng thuốc giãn phế quản như Salbutamol (Ventolin dạng xịt), hoặc Theophylin …

Ngoài ra, người bệnh nên uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm.

Bệnh nhân không nên uống thuốc long đờm, thuốc giảm ho trong viêm phế quản cấp, do các thuốc giảm ho thường làm giảm việc bài tiết đờm, do vậy làm chậm sự phục hồi của người bệnh.

II. Viêm phổi do virus,  không cần dùng kháng sinh để điều trị

1. Nguyên nhân

  • Ở trẻ em: viêm phổi virus thường do virus hợp bào hô hấp, virus cúm A và B. Phần lớn viêm phổi ở trẻ dưới 3 tuổi là do virus hợp bào hô hấp gây ra .
  • Đối với người lớn, nguyên nhân thường gặp là virus cúm A và B, adenovirus, virus phó cúm, virus hợp bào hô hấp, Hantavirus. Virus cúm đã gây nhiều vụ dịch lớn trên thế giới với tỷ lệ tử vong cao. Có 3 typ virus cúm là A, B và C; trong đó virus cúm A hay gây đại dịch.

Viêm phổi người lớn do virus ở cộng đồng thường do virus cúm A.

Virus hợp bào hô hấp thường gây viêm phổi ở người già, người ghép tạng.

Virus Herpes có thể gây viêm phổi ở người lớn khoẻ mạnh và người suy giảm miễn dịch .

2.Triệu chứng

– Triệu chứng lâm sàng trùng lặp giữa các loại virus và các loại viêm phổi khác, không thể xác định căn nguyên bằng lâm sàng.

  • Ho khan là chính, nếu có đờm thường là đờm nhầy trong .
  • Khám phổi thường không có triệu chứng thực thể .
  • Đau cơ khớp, đau đầu, chảy mũi, sốt .

– Hình ảnh Xquang lồng ngực không đặc hiệu, khó phân biệt với viêm phổi do vi khuẩn. Những hình ảnh Xquang thường gặp:

  • Dày thành phế quản .
  • Bóng mờ quanh phế quản (hình ảnh gương mờ) .
  • Các  tia  mờ quanh rốn phổi .
  • Các nốt mờ có tính di chuyển .

3. Điều trị và dự phòng

Điều trị triệu chứng: bổ sung nước và điện giải; thuốc hạ sốt; thuốc giảm đau; nghỉ ngơi, thở oxy, thuốc giãn phế quản .

Điều trị đặc hiệu:

– Viêm phổi do virus cúm A,B:

  • Uống amantadin hoặc rimantadin, oseltamivir.
  • Tiêm tĩnh mạch ribavirin.
  • Khí dung ribavirin, zanamivir.

– Viêm phổi do Adenoviru: Tiêm tĩnh mạch ribavirin và cidofovir.

– Viêm phổi do sởi: Không có thuốc đặc hiệu.

– Viêm phổi do thủy đậu: Uống acyclovir (hoặc valaclovir, famyclovir), glucocorticoid.

– Viêm phổi do Cytomegalovirus: Tiêm tĩnh mạch ganciclovir.

– Viêm phổi do Epstain – Barr virus: Glucocorticoid, acyclovir.

– Viêm phổi do Enterovirus: Globulin huyết thanh người, glucocorticoid

Đau ngực do Enterovirus: thuốc giảm đau.

– Dùng kháng sinh dự phòng bội nhiễm .

– Dự phòng: dùng vaccin cúm A, B cho đối tượng có bệnh tim mạch hoặc phổi mạn tính, bệnh nhân ở tình trạng suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, người già tuổi trên 65 tuổi.

Viêm phổi do virus,  không cần dùng kháng sinh để điều trị

III. Viêm họng do virus, không cần dùng kháng sinh để điều trị

Hầu hết đau họng được gây ra bởi nhiễm virus (90%), chỉ 1/10 các trường hợp là do nhiễm vi khuẩn, vì vậy điều trị bằng kháng sinh là không cần thiết trong hầu hết các trường hợp.

1. Triệu chứng

– Viêm họng cấp tính: thường xảy ra khi thời tiết thay đổi hoặc do nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Người bệnh thường bị ho khan hoặc ho có đờm, đau rát cổ họng, sốt cao 39 – 40°C, người mệt mỏi, môi khô,… Khám bệnh sẽ thấy niêm mạc họng đỏ, amidan sưng tấy. Viêm họng cấp diễn ra khoảng 3 – 4 ngày, thông thường các triệu chứng có thể tự biến mất. Đó không phải là hết bệnh mà là trạng thái ủ bệnh, nếu không điều trị một cách khoa học thì bệnh càng nặng hơn, thành ra mạn tính.

– Viêm họng mạn tính: là kết quả của việc không điều trị sớm viêm họng cấp tính hoặc do siêu virus trong môi trường ô nhiễm gây ra.

Các dấu hiệu bệnh như: ho có đờm (nhiều vào ban đêm, đau rát họng nặng nề và âm ỉ, họng bị vướng víu, khi khạc hoặc hắc xì có thể thấy nhiều hạt mủ nhỏ, cứng, màu trắng hoặc đỏ bay ra,… Ngoài ra bệnh nhân còn thấy suy giảm sức khỏe, đờ đẫn, khó tập trung.

Các triệu chứng đi kèm

  • Khàn tiếng, khó nuốt.
  • Nhiễm trùng do viêm họng kèm theo sốt.
  • Ho, hắt hơi.
  • Đau nhức cơ thể.
  • Nhức đầu, chảy mũi, thỉnh thoảng cảm giác ớn lạnh.

2. Điều trị

Thuốc giảm đau đường uống là lựa chọn đầu tay, thuốc giảm đau thường dùng: paracetamol, aspirin và ibuprofen

– Thuốc chống viêm như benzydamin.

Benzydamin là tác nhân chống viêm hấp thu được qua da và niêm mạc và được chứng minh có hiệu quả giảm đau và chống viêm ở miệng và họng.

Bình xịt benzydamin có thể dùng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

– Thuốc gây tê tại chỗ: Benzocain và Lidocain có dưới dạng các thuốc xịt họng.

– Viên ngậm và kẹo ngậm chia thành 3 loại

  • Khử trùng: Cetylpyridinium
  • Chống nấm: Dequalinium
  • Gây tê tại chỗ: Benzocain

IV. Cảm cúm, không cần thiết phải dùng kháng sinh để điều trị 

1. Nguyên nhân

Cảm cúm gây ra do virus cảm cúm, thường gặp vào mùa lạnh, giao mùa. Hiện có nhiều chủng cúm khác nhau như loại: A, B, C trong đó virus cúm A hoặc B thường gây bệnh cho người và lây lan rất nhanh. Một vài chủng cúm nguy hiểm như: Cúm A/H1N1, H5N1, H7N9 có khả năng gây tử vong cao. Tuy nhiên, những chủng cúm này hiếm khi lây từ người sang người.

2. Triệu chứng

Cảm cúm thường kéo dài ít nhất một tuần và có triệu chứng nặng hơn cảm lạnh, bao gồm:

  • Sốt cao
  • Khô mũi, khô họng, ngứa, đau họng.
  • Ớn lạnh và đổ mồ hôi
  • Đau cơ và đặc biệt là đau ở lưng, cánh tay và chân
  • Ho
  • Nghẹt mũi
  • Đau đầu

Bệnh cúm không điều trị kịp thời dễ biến chứng viêm phế quản, viêm phổi và nguy hiểm tính mạn.

3. Điều trị

Các thuốc điều trị triệu chứng:

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: thường dùng là paracetamol, ibuprofen.
  • Thuốc giảm ho: dextromethorphan và pholcodine cho trường hợp ho khan. Đối với trường hợp ho có đờm, thì dùng thuốc bromhexin, terpin benzoat, guaifenesin.
  • Thuốc thông mũi: ephedrine, oxymetazolin, phenylephrine, pseudoephedrine vàxylometazoline.

V. Cảm lạnh,  không cần dùng kháng sinh để điều trị

1. Nguyên nhân

Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó Rhinovirus chiếm phần lớn, riêng virus này lại có tới hơn 100 chủng khác khác nhau. Các loại virus khác cũng gây cảm lạnh có thể kể đến là: Enterovirus, Coronavirus…

2. Triệu chứng

Cảm lạnh thường chỉ kéo dài từ 1 đến 2 ngày kèm theo các triệu chứng:

  • Dấu hiệu đầu tiên thường là viêm họng.
  • Có sốt nhẹ
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi và tắc nghẽn xoang.
  • Ho
  • Hắt hơi
  • Đau đầu
  • Mất cảm giác ngon miệng, đôi khi buồn nôn và nôn.

3. Điều trị

  • Thuốc thông mũi: ephedrine, oxymetazolin, phenylephrine, pseudoephedrine và xylometazoline.
  • Thuốc kháng histamine: brompheniramine, Chlorpheniramine, diphenhydramine, doxylamine, promethazine và triprolidine.

Ngoài ra, một số bài thuốc Đông y hoặc các biện pháp điều trị dân gian như xông, đánh gió cũng có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh. Lá xông gồm lá sả, lá bưởi, lá hương nhu, kinh giới, ngải cứu… Những loại lá này có chứa các tinh dầu cay, nóng rất hữu hiệu để giải cảm.

Có thể bạn quan tâm: 8 loại kháng sinh tự nhiên, an toàn mà hiệu quả

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top